Nhớ chị - Nhà nghiên cứu văn học, dịch giả Phạm Tú Châu

Thứ Sáu, 23/03/2018, 11:10
Được đào tạo dịch thuật ở Trung Quốc, rồi về Viện Văn học từ năm 1959, chị trải qua nhiều công việc: dịch tư liệu, nghiên cứu, làm biên tập viên, làm quản lý Ban văn học Cận đại (cùng Giáo sư Hán học Đỗ Văn Hỷ), có thời gian chị còn đến giúp việc thư ký riêng cho bác Đặng Thai Mai. Người đọc nhớ đến chị là một dịch giả văn học Trung Quốc có uy tín...


Tôi có một quãng thời gian khá thân với chị. Đó là đầu những năm tám mươi, tôi và chị cùng được cơ quan cho đi học chuyên tu tiếng Nga ở Đại học Ngoại ngữ trong Thanh Xuân.

Tôi có một ít vốn liếng tiếng Nga từ thời sinh viên, ra trường lại học tiếng Nga một thời gian ngắn ở phố Nhà Thờ với thầy Nguyễn Đức Mẫn (sau thành dịch giả), rồi lớp ở cơ quan, nên học thuận lợi hơn.

Chị Tú Châu vốn là lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, lại đã học các lớp tiếng Pháp tại cơ quan nên tuy chưa biết tiếng Nga, chị vẫn có thế mạnh của mình. Là người nghiêm cẩn trong công việc, kể cả chuyện học hành nên sau này khi giao tiếp với các chuyên gia người Nga, chị có thể sử dụng được ít nhiều.

Nhà chị lúc bấy giờ ở trong một ngõ nhỏ chợ Hàng Bè. Giữa cái khu phố đông đúc, ồn ào, căn phòng trên 20 mét vuông qua cách bài trí gọn gàng, ngăn nắp của vợ chồng chị càng trở nên ưa mắt. Chồng chị vốn tốt nghiệp Đại học ở Bungari, về nước, công tác ở Cục Ngoại giao đoàn. Hai vợ chồng chị có mỗi một người con trai. Tôi thì ở trong khu tập thể cơ quan 20 Lý Thái Tổ. Hàng ngày chị em ra Bờ Hồ đi xe bus vào Thanh Xuân.

Nhà nghiên cứu văn học, dịch giả Phạm Tú Châu.

Ngày ấy xe bus chật chội vì đông khách mà hay bỏ điểm, ít chuyến, nên lên được xe là cả một sự gian nan. Nhiều hôm đi bộ qua ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu, ở đó có một khách sạn rất đẹp, thấy tôi trầm trồ, chị cho biết vợ chồng chị đã làm đám cưới ở khách sạn này. Thời bao cấp, có được ít chè thuốc, mượn được cái phòng họp cơ quan mà tổ chức đám cưới tiếp khách đã là rất khó khăn rồi. Đằng này chị lại cưới ở khách sạn sang trọng nằm bên hồ Hoàn Kiếm, lại có nhảy đầm nữa! Thấy thật nể!

Chị sinh ra trong một gia đình nền nếp ở thành phố Nam Định. Bố chị là dược sỹ, tham gia kháng chiến. Chị có người bác ruột là nhà viết tiểu thuyết trinh thám Phạm Cao Củng. Ông nổi tiếng từ trước Cách mạng, có được mời tham gia cơ quan Công an nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ sau ngày Cách mạng thành công cho đến thời đầu kháng chiến chống Pháp, về sau định cư ở Hoa Kỳ. Tuy không có quan hệ đi lại sau khi đất nước chia cắt, nhưng chị cũng ít nhiều bị hệ lụy vì chuyện lý lịch.

Được đào tạo dịch thuật ở Trung Quốc, rồi về Viện Văn học từ năm 1959, chị trải qua nhiều công việc: dịch tư liệu, nghiên cứu, làm biên tập viên, làm quản lý Ban văn học Cận đại (cùng Giáo sư Hán học Đỗ Văn Hỷ), có thời gian chị còn đến giúp việc thư ký riêng cho bác Đặng Thai Mai. Người đọc nhớ đến chị là một dịch giả văn học Trung Quốc có uy tín mà Tặng thưởng của Hội Nhà văn năm 1998 cho "Gót sen ba tấc" là một biểu hiện cụ thể.

Thời ấy, tên chị xuất hiện thường xuyên trên tạp chí Văn học nước ngoài với các truyện ngắn Trung Hoa đương đại. Các tập sách như "Bóng dáng sau lưng", "Ngọc vỡ", "Roi thần", "Chuồng bò trong tháng mù sương", "Dòng sông thấm đẫm nước mưa", "Trời lạnh về đêm khuya", "Hồ điệp", "Biên thành", "Đất dày"… lần lượt ra đời. Bạn đọc và giới nhà văn coi chị là một dịch giả tiếng Trung có uy tín. Nhưng giới nghiên cứu thì biết đến chị là một nhà Hán học, một nhà nghiên cứu uyên thâm.

Những năm chiến tranh chống Mỹ, đi sơ tán ở Hà Bắc, Ủy ban Khoa học Xã hội theo lệnh Phủ Thủ tướng mở lớp Đại học Hán học đầu tiên trên miền Bắc, giao cho Viện Văn học trực tiếp quản lý. Dù lúc này một nách con nhỏ, chị vẫn quyết tâm xin Viện cho theo học chính thức.

Cũng như số sinh viên khóa học đặc biệt này, chị được các bậc thầy kỳ cựu danh tiếng như Giáo sư Cao Xuân Huy, Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà Hán học Nam Trân, cụ Giải nguyên Lê Thước, nhà tuồng học Phạm Phú Tiết… giảng dạy.

Sau này trong số những học viên cùng khóa, nhiều người đã trở thành những nhà Hán Nôm học có tiếng như các Giáo sư Đỗ Văn Hỷ, Bùi Duy Tân, Trần Thị Băng Thanh, Trần Nghĩa, Đặng Thanh Lê… Vốn liếng tiếng Trung đã hỗ trợ rất nhiều cho sự học, cho công việc của chị.

Nói đúng hơn là hai ngữ ấy đã hợp lực, bồi bổ cho nhau, cùng với những tri thức mà chị tích lũy được trong thời kỳ làm tư liệu cho cơ quan, để bước vào con đường nghiên cứu, dần dần chị trở nên một cán bộ khoa học tự tin và có uy tín. Mặc dù không ở diện 5 người đỗ ưu của khóa học, chị là một trong số ít người đầu tiên sau khi học xong (1968) được lựa chọn vào nhóm biên soạn, dịch "Thơ văn Lý Trần" - một công trình được coi là đầu bảng trong kho tư liệu cổ Việt Nam.

Để hoàn thành được bộ sách này một tập thể các chuyên gia phải đầu tư mất nhiều chục năm, tập đầu ra mắt vào năm 1977. Chị cũng tham gia dịch thuật và biên soạn một số công trình Hán Nôm khác trong đó có "Tiễn đăng tân thoại" của Cù Hựu - nhà văn Trung Quốc đời Minh.

Chị từng tự bạch: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống Hán học và văn chương nhưng học Trung văn, Hán văn, yêu thích văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam. Để có thể nghiên cứu so sánh văn học cổ của hai nền văn học ấy và dịch được nhuần nhuyễn thơ văn của cả hai dòng văn học là điều ngẫu nhiên rồi trở thành tất nhiên khi công tác tại Viện Văn học đến gần 40 năm.

Từ nghề rồi thành nghiệp, mà đã mang lấy nghiệp nghiên cứu và dịch thuật thì tôi càng cảm thấy cần phải cảm ơn các thầy, các bạn, đồng nghiệp, các bạn đọc đã chỉ bảo, giúp đỡ, động viên để tôi có đủ can đảm và tình yêu đi tiếp con đường do “số phận” dẫn lối” ("Suy nghĩ về nghề văn" - sách "Nhà văn Việt Nam hiện đại").

Luận án Tiến sỹ của chị làm về Ngô Gia văn phái – bộ sách của dòng họ nổi tiếng Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai - Thanh Oai - Hà Nội, phản ánh về tình hình xã hội, chính trị, văn hóa, văn học của nước ta dưới một trăm năm trải qua các triều đại Lê Trịnh, nhà Tây Sơn, triều Nguyễn. Luận án được chị bắt tay thực hiện sau khi học xong chuyên tu ngoại ngữ, hoàn thành và bảo vệ đạt loại xuất sắc (về sau xuất bản với tư cách là một chuyên luận). Từ đây, chị bước vào một thời kỳ mới: nghiên cứu cả văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 1999, những bài viết đó được chị tập hợp lại in thành sách với tên gọi "Đi giữa đôi dòng". Cần cù, chịu khó, chị đã bước đi từng bước chắc chắn trên con đường học thuật phải nói là khổ hạnh của cả một thế hệ cùng thời với chị ở Viện Văn. Năm 2015, nhân kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, lúc này đã ở tuổi tám mươi, chị đã cho ra mắt công trình "Kim Vân Kiều lục". Đ

ủ thấy, chị làm việc rất bài bản, nghiêm túc, công phu. Sinh thời, chị được nhà Trung Quốc học người Nga - viện sỹ B.Riftine và Giáo sư - nhà sưu tầm, nghiên cứu thư tịch cổ Đài Loan Trần Ích Nguyên rất tin cẩn và quý trọng. Họ coi chị không chỉ như một người bạn mà còn là một học giả. Chị cũng được nhiều nhà Trung Quốc học trong và ngoài nước đánh giá cao trình độ chuyên môn. So với một số bạn bè cùng trang lứa trong cơ quan ngày ấy được đào tạo bài bản chuyên ngành văn học ở nước ngoài, xuất phát điểm của chị thấp hơn vì chị được đào tạo làm phiên dịch. Nhưng rồi “bình tĩnh, tự tin”, chị đã xác lập được vị thế vững chãi của mình. Chị được phong học hàm Phó Giáo sư và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Từ sau khi nghỉ hưu, năm 1999, chị gần như nghiêng hẳn sang dịch thuật. Chị lặng lẽ làm việc, cần cù như một con ong. Con trai lấy vợ, sinh con, căn phòng nhỏ không đủ cho sinh hoạt của một gia đình gồm ba thế hệ. Chị giã từ phố cổ, chuyển sang ở bên kia cầu Chương Dương. Xa hơn, nhưng rộng hơn và đi lại cũng không khó khăn vì nhà chị ở gần cầu, lại không xa bến xe bus.

Khổ nỗi, con trai bị bệnh nặng rồi chồng chị mất. Hai đứa cháu trai đang tuổi lớn thì con dâu chị xin ly hôn. Gánh nặng đổ lên vai chị. Phải bán đi căn nhà đang ở để chia phần cho con dâu, chị lại tìm về bên phố ở cho tiện việc đi lại, cho việc chăm sóc con. Căn nhà nhỏ trong một con ngõ nhỏ của phố lớn, với ba tầng, chị dành hẳn tầng ba để làm việc.

Tuy đã nghỉ hưu nhưng chúng tôi cũng biết hoàn cảnh gia đình chị, biết là chị vẫn qua lại Viện Văn để mượn tài liệu, chị em vẫn gặp nhau ở Viện và Hội Nhà văn khi có những sinh hoạt thường kỳ; biết là chị vẫn làm việc đều, dù qua tuổi tám mươi, leo lên gác không phải là chuyện dễ, chăm sóc con càng khó hơn dù chị có người giúp việc…

Mồng 8-3 năm ngoái, sau khi liên hoan cùng chị em nữ hội viên Hội Nhà văn tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, tôi cùng chị Vân Thanh, chị Lý Thị Trung theo chị về Lý Quốc Sư thăm nhà và con trai chị. Trò chuyện với chị, tôi được biết chị đang dịch bộ Lịch sử văn học Đài Loan và đang dự định làm mấy việc khác. Buổi chiều chị không đi cùng chúng tôi sang bên Hội Nhà văn Hà Nội liên hoan vì ở nhà còn trông và cho con uống thuốc. Vậy mà hai tuần sau… anh Phong Lê gọi điện cho tôi giọng hốt hoảng: Em có biết là chị Tú Châu mất rồi không? Tôi bàng hoàng, không tin vào tai mình…

Nghe nói chị rất mệt, đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị, hôn mê luôn, sau 2 ngày thì mất. Nghe nói là chị bị ung thư phổi. Có lẽ chị giấu mọi người, quên bệnh, tập trung thời gian và sức lực làm việc để chuẩn bị cho cuộc ra đi, với mong muốn đứa con ốm đau còn lại một mình đỡ khổ hơn chăng? Bởi những đứa cháu nội đang ở cùng mẹ và chuẩn bị đi du học. Bởi vì không ai biết chị mang trọng bệnh. Bởi vì vẫn thấy chị đang làm việc và thường xuất hiện trên báo. Thảng hoặc chị lại đến thư viện cơ quan, vẫn với đôi mắt kính dày cộp lúi húi trên những cuốn sách dày…

Chị Tú Châu ơi. Tròn một năm chị đi xa. Ngày mồng 8-3 năm nay vắng chị. Em vẫn nhớ câu nói cuối cùng chị nói với em khi tiễn em và các chị ra về: Chị vẫn rất nhớ món cá kho của em (ngày hai chị em cùng đi học)!

Một nén tâm hương dâng chị. Và nhớ chị rất nhiều.

Quan Nhân, ngày 9-3-2018

Tôn Phương Lan
.
.