Nhớ “cây đại thụ hài” Lộng Chương…

Chủ Nhật, 07/07/2019, 16:23
Cho đến hôm nay, đã có trên 40 tác phẩm viết về kịch tác gia Lộng Chương, cũng như các tác phẩm đã xuất bản của ông. Qua nhiều tác phẩm của Lộng Chương - nhất là các vở hài kịch nổi tiếng như "Quẫn", "Cửa mở hé" - lớp lớp nghệ sĩ trẻ luôn coi ông như một người thầy, một nhân cách lớn, một cá tính sáng tạo độc đáo của nền sân khấu hiện đại Việt Nam...


Trong cuộc sống đương đại, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật sân khấu luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu được của đông đảo công chúng, mà trong đó, sân khấu hài là một thể loại nghệ thuật được chờ đón vô cùng nồng nhiệt... Nhất là trong những dịp lễ hội từ tháng Giêng, Hai, Ba... kéo dài hầu như suốt cả năm trên nhiều vùng, miền đất nước.

Nhiều chương trình hài của sân khấu hay truyền hình như "Gặp nhau cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm" (và có người nói vui: phải "Gặp nhau cuối tháng" nữa, vì vừa tiêu hết tiền lương xong)... luôn mang lại những tiếng cười hài hước, vui tươi, dí dỏm... nhưng cũng không kém phần chua cay, và cả những trăn trở, suy ngẫm của mỗi con người...

Tuy nhiên, đã lâu lắm rồi, sân khấu hài đã để lại những khoảng trống vắng lớn, mà mỗi khán giả và ngay cả chính các nghệ sĩ cũng thấy hụt hẫng: Còn đâu những tiếng cười của các nghệ sĩ hài, trong những vở diễn hài, từng làm mê đắm và cuốn hút đông đảo khán giả trên cả nước. Và chính trong những khoảng trống vắng đó, chúng ta lại càng nhớ đến "cây đại thụ hài" - nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương...

Nhà viết kịch Lộng Chương.

Tiếp thu những giá trị sân khấu truyền thống dân tộc, sân khấu hiện đại Việt Nam - tính từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - đã xuất hiện không ít các tác giả lớn của nền sân khấu cách mạng, mà kịch tác gia Lộng Chương (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật) là một nhân cách lớn, một cá tính sáng tạo độc đáo - với khối lượng tác phẩm đồ sộ - hàng trăm vở kịch dài, kịch ngắn, kịch truyền thanh. Lộng Chương đã khẳng định vị trí của mình, đặc biệt ở thể loại hài kịch.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Tính từ năm 1979 đến nay, tròn 40 năm đã trôi qua, nhưng lớp nghệ sĩ của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam), vẫn không thể nào quên được vở diễn "Tình sử Loa Thành" của tác giả Lộng Chương, được công diễn đúng vào ngày khai mạc tại sân khấu thành Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, và sau đó tại Rạp hát Hồng Hà, Hà Nội.

Ngoài những mảng miếng, những lớp diễn đầy chất bi hùng diễn tả những tình huống kịch hết sức bạo liệt, thì không ít lớp hài của các nhân vật như quan, lính địch, người dân, nàng hầu… đã để lại những tiếng cười hết sức duyên dáng, dí dỏm nhưng cũng lột tả một cách chua cay hình ảnh thất bại của quân xâm lược Triệu Đà… trên mảnh đất Cổ Loa. 

Ngày ấy, tác giả Lộng Chương mới ngoại lục tuần; đạo diễn Ngọc Phương ngoại ngũ tuần, còn chúng tôi, những nghệ sĩ trẻ chỉ mới ngoài 20, 30 (NSND Lê Tiến Thọ - người đóng vai chính Trọng Thủy lúc đó vừa tròn 28 tuổi). Nhưng ấn tượng về một vở tuồng lịch sử hấp dẫn, sâu sắc, hoành tráng đã được bà con Cổ Loa, cũng như Hà Nội nồng nhiệt đón nhận.

Và rồi, sau những đêm diễn ấy - nhà viết kịch Lộng Chương (lúc đó là một thần tượng của lớp nghệ sĩ trẻ) - lại nhâm nhi với các nghệ sĩ tuồng, chén rượu cuốc lủi nút lá chuối quê dân dã, cùng dăm ba hạt lạc rang, bìa đậu phụ nướng, nhưng với tình cảm hết sức trân trọng, yêu quý, ấm áp tình người và những lời chỉ bảo ân tình trong niềm vui sáng tạo nghệ thuật…

Nhắc lại đôi dòng của những kỷ niệm ngày ấy, những nghệ sĩ đã trên nửa thế kỷ sinh nghề, tử nghiệp với hai cánh màn sân khấu, luôn tự nhắc nhở với lòng mình - không được quên đi quá khứ, không được quên đi những lớp người đi trước đã dìu dắt, hướng dẫn, dạy dỗ để mình nên người, để mình trở thành một nghệ sĩ đích thực với niềm vui, nỗi buồn sẻ chia cùng nhân dân, đất nước mình. Vậy mà buồn thay, trong công cuộc đổi mới này, trong cuộc sống hiện đại, tân tiến, nhưng cũng hết sức ồn ã, xô bồ, nhiễu loạn này mà không ít các giá trị đã bị đảo lộn…

Có những nghệ sĩ cũng đã có trong tay mình những giải thưởng, những huy chương, những danh hiệu, những chức sắc quản lý… rồi cứ ngỡ mình là sao, là siêu sao, coi thường mọi người, mục hạ vô nhân… rồi tranh giành, đấu đá cái ghế đoàn trưởng, cái ghế giám đốc, chia rẽ đoàn kết, đánh mất cái tình nghệ sĩ đã từng ngọt bùi, cay đắng… thuở còn hàn vi, và rồi, họ đã quên đi tất cả, cả những người thầy đã tâm huyết dạy dỗ họ nên người.

Vì thế, chúng tôi hết sức đồng cảm với lời tâm sự của NSND  - đạo diễn Doãn Hoàng Giang về kịch tác gia Lộng Chương: "Mặc dầu ông không mở trường, mở lớp đào tạo, nhưng hầu hết văn nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đều coi Nghệ sĩ Lộng Chương là người Thầy lớn của mình. Các tác giả thì coi ông là người Thầy lớn về nghề viết. Các nhà đạo diễn thì coi ông là người Thầy về nghề đạo diễn. Anh chị em diễn viên cũng coi ông là người Thầy về nghề diễn. Như thế có nghĩa là, trong con người của Nghệ sĩ Lộng Chương được coi là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố hợp thành".                          

Lộng Chương sinh ngày 5 tháng 2 năm 1918 (qua đời ngày 26/6/2003), tên khai sinh là Phạm Văn Hiền, tại thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1939, ông tốt nghiệp ngành hóa chất và vào làm "hóa nghiệm" tại Phòng Kiểm soát xuất cảng, Sở Tổng Thanh tra Nông súc, tại Hà Nội. Từ cuối những năm ba mươi của thế kỷ trước, ông tham gia chơi kịch tại các nhóm kịch tài tử: Ban kịch Hà Nội, Nhóm kịch Thế Lữ…

Những năm 40 ông tham gia Ban kịch Bình Dân thuộc Nha Bình dân học vụ. Khi Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Lộng Chương cùng Ban kịch Bình Dân lưu diễn trên vùng Việt Bắc; từng tham gia Ban Biên tập Báo Công Dân (Nam Định), tổ chức và phụ trách "Nhóm kịch Công Dân"; công tác trong Ban biên tập báo Phản Công (Thái Bình); là Chi hội phó Chi hội Văn hóa, đảm nhiệm Nhóm Văn nghệ Hải Kiến; công tác tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (Phân hiệu II Trung bộ), làm Đội trưởng Đội công tác Văn nghệ; "đặc trách" tập hợp lực lượng và tổ chức thành lập Đoàn Văn công Liên khu III. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn Văn công Liên khu III được lệnh đi phục vụ. Sau chiến dịch, Đoàn được Liên Khu ủy và Hội đồng cung cấp đặt cho tên mới: Đoàn Văn công Điện Biên. Tháng 7 năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, là Ủy viên Thường vụ, Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho đến năm 1979.

Quang cảnh buổi tọa đàm “100 năm nhà viết kịch Lộng Chương” (1918-2018).

Trong mười năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, theo thống kê chưa đầy đủ, Lộng Chương đã sáng tác 7 vở kịch, trong đó có các vở "Lí Thới", "Du kích thôn Đồi", "Chiến đấu trong lòng địch", "Đoàn quân tóc trắng"... Hòa bình lập lại trên miền Bắc, trong thời gian diễn ra cuộc đấu tranh chống cưỡng ép di cư, Lộng Chương đã cho ra đời một số vở mang tính thời sự kịp thời để vạch mặt âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trong việc lôi kéo các con chiên vào miền Nam theo lời ban của Chúa.

Cho đến giai đoạn sau này, Lộng Chương vừa sáng tác, vừa chỉnh lý gần 100 vở, gồm nhiều thể loại: kịch nói, kịch hát, kịch rối... Và rồi từ những ngày đầu tiên ấy của nền sân khấu cách mạng Việt Nam, suốt nửa thế kỷ qua cho đến ngày đi vào cõi vĩnh hằng (ngày 26/6/2003), Lộng Chương đã trở thành một tên tuổi lớn của nền sân khấu hiện đại Việt Nam, mà Giải thưởng Hồ Chí Minh là một dấu son của Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi danh và tôn vinh ông.

Cho đến hôm nay, đã có trên 40 tác phẩm viết về kịch tác gia Lộng Chương, cũng như các tác phẩm đã xuất bản của ông. Qua nhiều tác phẩm của Lộng Chương - nhất là các vở hài kịch nổi tiếng như "Quẫn", "Cửa mở hé" - lớp lớp nghệ sĩ trẻ luôn coi ông như một người thầy, một nhân cách lớn, một cá tính sáng tạo độc đáo của nền sân khấu hiện đại Việt Nam. Và như thế, khi mà sân khấu đương đại càng trống vắng sân khấu hài, thì chúng ta càng tưởng nhớ nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương - một trong những "cây đại thụ hài" của nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam…     

Trên tinh thần ấy, chúng tôi xin trích dẫn một nhận xét của nhà nghiên cứu, PGS. TS Phan Trọng Thưởng về kịch tác gia Lộng Chương để khép lại bài viết: "Từ năm 1960 trở đi, có thể xem là một giai đoạn mới trong quá trình sáng tác của Lộng Chương, tuy ông vẫn thủy chung, gắn bó với thực tiễn đấu tranh và xây dựng đất nước, và vì vậy mà kịch của ông vẫn đậm tính thời sự; nhưng với sự mở đầu của vở Quẫn, có thể nói đến một phong cách Lộng Chương, một thể loại hài kịch mà ông là tác gia hàng đầu…".

Lê Huy Quang
.
.