"Nhật ký trong tù" của Bác Hồ với các anh hùng Cuba

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:00
Trong tiết trời se lạnh của mùa thu Hà Nội, thật ngỡ ngàng cho chúng tôi khi được gặp mặt 1 trong 5 vị Anh hùng Cuba Antonio Guerrero Rodriguez mới được Mỹ thả tự do. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện về cuộc đời họ mà ở đó, những vần thơ đanh thép trong tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam để họ vượt lên nỗi sợ hãi và sự cô đơn, chờ đợi ngày được trở về.

Sức mạnh của niềm tin

Với dáng cao, khuôn mặt điển trai, đặc biệt là nụ cười thân thiện, Anh hùng Antonio Guerrero Rodriguez bước vào hội trường của Hội nghị lần thứ 7 khu vực châu Á- Thái Bình Dương đoàn kết với Cuba sáng 8-9 trong tràng vỗ tay và sự ngưỡng mộ của đông đảo bạn bè, những người ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới.

Lần đầu tiên tới Việt Nam sau 16 năm bị giam cầm trong ngục tối của các nhà tù liên bang Mỹ, Antonio Guerrero Rodriguez không khỏi xúc động. Ông nói: "Đây là thời điểm hết sức cảm động đối với riêng tôi, giống như giấc mơ đã thành sự thật. Tôi xin mang theo lời chào thân ái của tôi và từ 4 người anh em khác - những người đã cùng tôi trong những năm tháng bị tù đày bất công ở Mỹ. Đây là thời khắc lịch sử, là những giây phút không bao giờ quên của cuộc đời tôi".

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng trao tặng quà cho Anh hùng Cuba Antonio Guerrero Rodriguez.

Những vòng tay ấm áp của bạn bè đến từ 20 quốc gia trong khu vực cứ ôm chặt lấy Antonio Guerrero Rodriguez. Tất cả chỉ muốn thể hiện sự đoàn kết, muốn chia sẻ bớt những đau thương mà người Anh hùng này đã trải qua. Rồi những tiếng nói cười chùng lại khi Antonio Guerrero Rodriguez kể về quãng thời gian ông ở tù.

Người Anh hùng Cuba kể: "9 tháng trước đây, chỉ có 3 chúng tôi vẫn bị khóa trong xà lim của nhà tù liên bang Mỹ. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã bị giam giữ 16 năm. Vụ việc bắt đầu vào một ngày cuối năm 1998, khi chúng tôi bị bắt giữ tại Miami, bị vu cáo về tội giết người. Họ đã giam giữ chúng tôi 17 tháng liền ở những nơi xa xôi cách biệt và chủ định làm sao bẻ gẫy sự thống nhất, đoàn kết về mặt tinh thần của chúng tôi. Thế nhưng họ không bao giờ đạt được điều này. Trong những năm tháng bị tù đày, chúng tôi luôn khắc ghi nguyên tắc của người Anh hùng dân tộc Jose Marti là "chiều sâu của hang động còn hơn cả một đội quân". Trái tim của chúng tôi luôn đọng niềm tin chắc chắn rằng Chủ tịch Fidel Castro, Chủ tịch Raul Castro và nhân dân của chúng tôi cùng bạn bè thế giới sẽ không mệt mỏi để đấu tranh giành tự do cho chúng tôi. Trong sức mạnh của chúng tôi, chúng tôi có được các tấm gương sáng ngời của nhiều anh hùng vĩ đại trong đó có vị Cha già của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cũng đã phải trải qua hoàn cảnh tù đày trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Tôi và những đồng chí khác đã dùng bút chì để vẽ hình ảnh không thể nào quên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn hiện hữu trong trái tim và trong cuộc đấu tranh của chúng tôi".

Cũng theo lời kể của Anh hùng Antonio Guerrero Rodriguez, mỗi khi đêm xuống, trong bốn bức tường lạnh lẽo của xà lim, trong tiếng gió rít của mùa đông và không khí tê tái của tuyết về, 5 anh hùng Cuba vẫn thường đọc to các bài thơ trong tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Antonio Guerrero Rodriguez nhấn mạnh: Những vần thơ đanh thép của Bác đã giúp chúng tôi có thêm sức mạnh và ý chí. Cá nhân tôi luôn tự răn mình bằng 4 câu thơ "Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao". Và đến hôm nay, với tinh thần càng phải cao ấy, 5 người chúng tôi được trả tự do. Riêng tôi được may mắn và vinh dự có mặt tại Thủ đô Hà Nội của đất nước Việt Nam anh em".

Và ngôn ngữ trái tim

Sinh năm 1958 tại thành phố Miami của Mỹ, nhưng khi cuộc Cách mạng Cuba năm 1959 giành chiến thắng, Antonio Guerrero Rodriguez  đã được cha mẹ là người Cuba nhập cư đưa trở lại quê nhà. Năm 1973, ông học tại trường dạy nghề IPVCE Vladimir Ilich Lenin và là Chủ tịch Liên đoàn Học sinh Trung học (FEEM) khu vực Boyeros (La Habana). Một năm sau đó, ông gia nhập UJC và giữ chức Thư ký phụ trách mảng tổ chức.

Sau khi tốt nghiệp PTTH, Antonio Guerrero Rodriguez  giành học bổng ngành Xây dựng sân bay tại Học viện Hàng không dân dụng Kiev (Ukraine) và tốt nghiệp năm 1963. Trong thời gian này, ông thu hút được sự chú ý của KGB nên được đào tạo hoạt động tình báo và phản gián với sự đồng ý của Chính phủ Cuba. Sau khi trở về nước, ông làm việc tại DGI, sân bay quốc tế Santiago de Cuba rồi được cử đi làm nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ Cuba. Không chỉ là một kỹ sư tài giỏi mà người Anh hùng Cuba này còn là nhà thơ. Ông đã sáng tác và được xuất bản một số bài thơ bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.

Trong thời gian ở tù, Antonio Guerrero Rodriguez  đã bị kết án tù chung thân. Vậy mà, tại phiên tòa cuối cùng do tòa án liên bang Mỹ ở Miami xét xử, người Anh hùng Cuba này vẫn khẳng định: "Tôi yêu nước Mỹ, nơi tôi sinh ra, nhưng tôi cũng yêu Cuba, nơi tôi được giáo dục và cũng là nơi mà gia đình tôi đang sinh sống. Không một ai trong 5 người chúng tôi mang ý nghĩ làm điều gì phương hại đến nhân dân Mỹ cao thượng... Đây là một phiên tòa chính trị và như vậy, chúng tôi là những tù nhân chính trị. Tất cả mọi sự thật đều hiển hiện ở đây và điều này sẽ được viết vào lịch sử. Lịch sử sẽ làm sáng tỏ sự chính nghĩa của chúng tôi".

Antonio Guerrero Rodriguez (giữa) trong vòng tay ấm áp của bạn bè tại Hội nghị lần thứ 7 khu vực châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết với Cuba. (ảnh: Thu Phương)

Antonio Guerrero Rodriguez  tâm sự: "Kể từ khi người ta biết có 5 công dân Cuba bị giam giữ tại Mỹ, hằng ngày, có tới 10.000 lá thư được gửi tới xà lim chúng tôi. Đó là sự động viên, khích lệ to lớn của các bạn dành cho chúng tôi". Và trước sự bất ngờ của mọi người, Anh hùng Cuba đã chia sẻ lại bức thư mà ông đáp từ sau khi nhận được thư từ một người bạn tên là Hồ Thị Minh Nguyệt, cựu tù nhân chính trị thời Mỹ - ngụy. Antonio Guerrero Rodriguez  nhớ lại: "Tôi đã thay mặt cho cả nhóm 5 chiến sĩ viết thư trả lời".

Trong lá thư, Anh hùng Cuba viết: "Trong những năm từ 1978 đến 1983, khi học tập ở Học viện Hàng không dân dụng ở thành phố Kiev, tôi có dịp làm quen và kết bạn với sinh viên Việt Nam. Đó là tình hữu nghị rất đặc biệt, dựa trên những nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và thương yêu lẫn nhau. Tuy cách xa nhau về địa lý, nhưng nhân dân hai nước chúng ta rất gần nhau và thân thiết như anh em trong cuộc đấu tranh, vì một thế giới tốt đẹp, công bằng, hòa bình và đoàn kết. Chỉ cần biết rằng, bên cạnh chúng tôi có những người anh em Việt Nam, cùng chung một chiến hào, thì chúng tôi có thêm sức mạnh và vững tin vào thắng lợi. Chúng tôi xin gửi lời chào thân ái đến những người anh em của dân tộc Việt Nam anh hùng. Chúng ta nhất định thắng".

Antonio Guerrero Rodriguez  nhấn mạnh: "Và đến năm 2014, chúng tôi đã chiến thắng. Tôi chỉ có thể quay trở về Cuba vì có sự đoàn kết của các bạn. Thắng lợi của Cuba là thắng lợi của tình đoàn kết. Hai ngày trước, tôi đã có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh và may mắn gặp gỡ lại người đã gửi cho tôi bức thông điệp đoàn kết đầy tình người và nồng ấm năm đó. Hôm qua, tôi lại được hàn huyên với những người bạn Việt Nam cùng học đại học. Tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn đặc biệt với các bạn Việt Nam. Những khoảnh khắc ấy sẽ không bao giờ phai trong trái tim tôi. Chúng ta đang nói một ngôn ngữ chung và ngôn ngữ ấy là ngôn ngữ trái tim".

Huyền Chi
.
.