Nhạc sĩ … một bài

Thứ Năm, 15/07/2021, 14:24
Chắc hẳn có rất nhiều người biết bài hát “Vì nhân dân quên mình”. Đối với người Việt Nam có lẽ bài hát “Vì nhân dân quên mình” là bài hát thân thuộc thứ hai sau bài “Tiến quân ca”. Nếu “Tiến quân ca” là quốc ca thì đã từ lâu, mặc nhiên, ai cũng coi “Vì nhân dân”... là quân ca. Nhưng tác giả của ca khúc này thì hầu như rất ít người biết. Cái tên Doãn Quang Khải chỉ được biết trong giới nhạc, cùng lắm là một số cán bộ chính trị trong Công an và Quân đội.


Từ lâu, tôi đã được nghe nhiều “giai thoại” xung quanh tác giả và tác phẩm này. Người ta bảo rằng Doãn Quang Khải nghĩ ra giai điệu nhưng không ghi được nốt nhạc lên giấy, phải nhờ người thạo ký âm ghi hộ. Lại có người nói lúc đầu bài hát không được như mọi người đã biết mà còn vụng về và nhiều chỗ lủng củng, phải có một nhạc sĩ tên tuổi sửa chữa, nâng cao thành tác phẩm hoàn chỉnh. Vị nhạc sĩ đó có người nói là Nguyễn Xuân Khoát, người lại bảo là Lưu Hữu Phước, lại có người đồn là Đỗ Nhuận. Cả ba cây đại thụ đều đã quy tiên nên chẳng ai minh chứng được điều này.

Có lần tôi lại nghe nói Doãn Quang Khải sau khi rời quân ngũ đã về nghỉ tại một vùng quê nào đó ở huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ) cho đến khi qua đời (năm 2007). Người ta cũng kháo nhau rằng ông là nông dân một trăm phần trăm, ngày ngày làm vườn, trồng cây, chăn gà vịt, nuôi lợn. Họ còn hài hước kể rằng ngay cả bản thân ông cũng đã quên khuấy bản nhạc “Vì nhân dân quên mình” ngày nào cũng vang lên ít nhất một lần trên đài phát thanh là của mình. 

Họ kể: Một lần, có một đứa trẻ con bên hàng xóm chơi ở nhà ông, vô ý bật đài quá to, đến đinh tai nhức óc đúng lúc nhạc hiệu chương trình phát thanh Quân đội nhân dân vang lên khiến ông quát: “Nhức đầu quá! Tắt đi!”. Đúng lúc ấy có một anh cán bộ huyện đi qua, thấy vậy đã nói với ông: “Bác Khải, nhạc của bác đó thôi, tưởng bác phải muốn vặn to nữa chứ!”. Chẳng hiểu ông có nghe thấy anh ta nói không mà vẫn thản nhiên: “Nhạc nào? Ồn ào, nhức đầu, không nghe được!”.

Cố nhạc sỹ Doãn Quang Khải (1925 – 2007).

Tò mò, tôi quyết định phóng xe từ Hà Nội lên thăm ông. Đó là một ngày cách đây cũng đã hơn 20 năm. Mặc dù đã hỏi được địa chỉ cụ thể nơi Doãn Quang Khải đang ở, nhưng để tìm đến cái xóm Đông, thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ) không phải chuyện dễ dàng, bởi có quá nhiều ngõ ngách, phải hỏi thăm tới cả chục lần mới tới được nhà ông. Đó là một xóm lúp xúp những mái nhà ngói cũ kỹ, kiểu như những nhà ở thành phố ta vẫn quen gọi là nhà cấp 4, chỉ khác có nhiều cây cối trong vườn.

Một ông già tóc bạc phơ, chừng hơn 70 tuổi, gầy khẳng, lọ mọ ra đón khách. Doãn Quang Khải đã kể chuyện khá cởi mở, thân mật. Hóa ra, ông có cuộc sống không như người ta đồn đại. Khoảng năm 1984, 1985, ông rời quân ngũ, về hưu với hàm trung tá (chứ không phải thiếu tá như tôi đã nghe). Ông sinh năm 1925, nghĩa là đến lúc về hưu đúng tuổi theo quy định của Nhà nước. 

Ông bảo rằng trong Quân đội, về thế là muộn. Rất nhiều vị còn về sớm hơn, có khi 50 tuổi đã về, nếu đã  “kịch trần” tức là năng lực công tác không thể thăng tiến quân hàm được nữa. Đó là điều hết sức bình thường, chứ chẳng phải có “vấn đề” gì như ở các cơ quan dân sự, cứ về hưu là cả một “sự kiện động trời”. Ông còn được người ta giữ lại thêm, so với nhiều đồng chí cùng tuổi. Về sống ở quê nhà, ông cũng như mọi người về hưu vui cảnh điền viên. 

Qua lời ông kể, các con ông đều đã phương trưởng, hiếu thảo, tử tế, thỉ thoảng biếu bố mẹ chút đỉnh. Hôm tới, tôi thấy ông bà đang vui cùng đứa cháu nội kháu khỉnh. Ông bà sống với nhau vui vẻ, đầm ấm. Bà hiền, ít nói, đích thực một phụ nữ chân quê. Ông gầy nhưng không đến nỗi ốm o, tiều tụy. Chỉ phải cái răng sớm lung lay và gẫy nhiều, thành ra giọng nói không được vang, chắc. Ông có dáng một ông giáo làng đã về hưu. Con người có phần tao nhã, giản dị và cũng vui, nếu gợi đúng chuyện, hợp “gu”.

Nhạc và lời bài hát “Vì nhân dân quên mình”.

Và Doãn Quang Khải lim dim đôi mắt như chìm đắm vào quá khứ để cố nhớ ra một quãng đời đã lùi rất xa vào dĩ vãng.

“… Đó là năm 1951 hay 1952 gì đó. Đúng rồi, đích xác là năm 1951, tôi được tham dự khoá 6 Trường Sĩ quan lục quân của ta đóng ở Vân Nam (Trung Quốc). Trường này đào tạo cán bộ trung đội. Khi ấy, tôi 26 tuổi. Một lần, trường phát động đợt sáng tác thơ ca hò vè, yêu cầu toàn thể giảng viên và học viên tham gia. Tôi vốn yêu thích âm nhạc từ nhỏ. Vào bộ đội, tôi cũng tập toạng vài ngón đàn ghi ta, măng đô lin và ca hát. Một lần, tôi may mắn được quen nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát trong dịp ông sang trường nói chuyện. Biết tôi yêu âm nhạc, ông đã sẵn sàng chỉ bảo một số kiến thức về âm nhạc và dạy tôi biết sơ qua về ký âm. 

Được ông tiếp sức và cổ vũ, tôi quyết định mạnh dạn sáng tác một bài hát để tham gia đợt vận động của nhà trường. Nhưng viết gì đây? Tôi nghĩ mình là bộ đội đang trong giai đoạn kháng chiến đánh giặc nên viết một bài hát về bộ đội chiến đấu. Nhưng như vậy vẫn chung chung quá. Đúng lúc đó, đọc Báo Quân đội nhân dân thấy có một khẩu hiệu in ngay đầu trang nhất là “Vì nhân dân phục vụ”. Thế là tôi chộp ngay ý đó và nghĩ đây chính là chủ đề bài hát của mình. 

Nhưng tôi thấy hai tiếng “phục vụ” nghe vừa không có âm nhạc, vừa vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, mạnh mẽ. Tôi bèn đổi thành “quên mình” cho có âm nhạc hơn, và mức độ phục vụ, cống hiến cao hơn. Thế là tôi lấy luôn tên bài hát là “Vì nhân dân quên mình”, đồng thời đó cũng là chủ đề âm nhạc gắn với câu đầu tiên dẫn vào bài hát: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh…”. 

Hôm sáng tác bài này là một ngày tháng 5 năm 1951, buổi tối có hội họp hay sinh hoạt gì đó một lúc. Đến 9h tối, tôi bắt đầu sáng tác và đến 12h đêm thì hoàn thành. Sau đó, tôi dùng kèn ác mô ni ca thổi đi thổi lại giai điệu để sửa chữa cho hoàn chỉnh. Cả nhạc và lời, khi viết, tôi đã chọn lựa kỹ nên phần sửa lại không đáng kể. Tôi bằng lòng và yên tâm với bài hát của mình. 

Hôm sau hát cho anh em nghe. Mọi người tán thưởng, khen được, có không khí và yêu cầu tôi tập cho họ hát thử xem sao. Càng hát, càng hào hứng. Thế là bài hát thỉnh thoảng lại được vang lên trong những lúc sinh hoạt tập thể. Một năm sau – 1952 - tôi rất vui khi biết tin bài này cùng với 2 bài nữa là “Bộ đội về làng” của Lê Yên và “Thời cơ đến” - sáng tác tập thể của Sư đoàn 314 được lựa chon mang đi dự thi văn nghệ toàn quốc. 

Càng sung sướng hơn khi biết kết quả là bài của tôi đoạt giải nhì, không có giải nhất. Hai bài còn lại đoạt giải 3 và khuyến khích. Từ đó, bài hát cứ thế lan truyền đi khắp nơi. Sau giải thưởng văn nghệ toàn quốc lần ấy, bài hát như được chắp thêm cánh. Bộ đội hào hứng ca hát trên khắp các chiến trường cũng như trong các đêm lửa trại khi dừng chân trên các chặng đường hành quân”.

Như vậy là bài hát do Doãn Quang Khải hoàn toàn tự viết nên chứ không có sự sửa chữa, trợ giúp nào của ai khác như dư luận đồn đại trước đó mà tôi đã nghe. Việc ông cho ra đời bài hát cũng giản dị, dễ hiểu như chính tác phẩm vậy. Hình như từ trước tới nay, người ta mới chỉ thuộc, hát rồi truyền tụng mà chưa mấy ai để tâm nghiên cứu, mổ xẻ kỹ bài hát để thấy tác giả của nó thật kỳ tài. Ông không là nhạc sỹ, chỉ là một anh bộ đội (lúc ấy là học viên Trường Sĩ quan lục quân như đã nói). Vậy mà đã viết nên bài hát thật gọn gàng, xinh xắn, vuông vức, hàm súc, lại giành cho hát tập thể với một âm vực được khống chế tối đa - quãng 10 - đối với người lớn thật là quá lý tưởng, không dễ viết. 

Tôi hỏi ông: “Có bao giờ bác được ở đâu tặng thưởng bởi công sức đã làm nên một bài ca có giá trị lớn cho quân đội?”. “Duy nhất một lần. Đó là vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân, ngày 22 tháng 12 năm 1984, tôi được nhận một món quà nhỏ. Giá trị vật chất chẳng đáng bao nhiêu nhưng tôi vui sướng lắm''.

Và tôi càng ngạc nhiên khi biết rõ Doãn Quang Khải có tác phẩm nổi tiếng, bất hủ như thế lại không là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam”.

Năm 2007, ông qua đời, để lại một sản phẩm tinh thần vô giá.

Nguyễn Đình San
.
.