Nhạc sĩ Xuân Giao: Ký ức mãi xanh
1.Căn nhà của nhạc sĩ Xuân Giao nằm trong một con ngõ nhỏ, yên tĩnh thuộc phố Kim Ngưu. Khi chúng tôi tới thăm, nhạc sĩ Xuân Giao mới ra viện được vài ngày. Vợ nhạc sĩ Xuân Giao kể, mười năm trở lại đây, chồng bà bị tai biến tới 3 lần. Lần đầu vào năm 2000, ông bị liệt nửa người bên phải. Ra viện, ngày nào bà cũng cùng ông tập đi 45 phút. Đến khi nhúc nhắc đi lại được thì ông lại bị tai biến, khiến chân trái bị liệt.
Năm 2006, ông bị tai biến lần nữa. Lần này nặng hơn. Bà kể, khi đưa ông vào viện, bác sĩ kết luận ông bị tai biến vì…vui quá. Mà có lẽ thế thật, vì hôm đó ông có hai người bạn từ thời thiếu sinh quân tới chơi. Ba người vui vẻ cơm nước, trò chuyện. Sau đó, ông đột nhiên lảo đảo và nói năng lẫn lộn. Đợt tai biến lần thứ 3 đã khiến việc đi lại của ông vô cùng khó khăn. Đầu năm vừa rồi, gia đình đưa ông tới khám, bệnh viện giữ lại để mổ gấp vì ông bị sỏi mật. Bà tâm sự: "Trong người ông giờ đây nhiều bệnh lắm, nào tiểu đường, suy thận, phổi một bên bị xẹp do nằm nhiều…". Âu đó cũng là quy luật của tuổi già, khó ai cưỡng được.
Với nhạc sĩ Xuân Giao bây giờ, mọi sinh hoạt đều trông cậy vào người vợ đảm đang. Từng chia ngọt xẻ bùi với nhau bao năm nên nhiều điều ông muốn nói, bà có thể hiểu được. Dẫu nói năng khó khăn nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, nhạc sĩ Xuân Giao nghe và hiểu những điều bà nhà nói với tôi. Chuyện gì đúng ý, mắt ông lại ánh lên niềm vui. Tuy nhiên, cũng dễ nhận thấy nỗi buồn phảng phất trên gương mặt của người nhạc sĩ xông xáo, ưa hoạt động, giờ phải nằm một chỗ.
Theo dòng câu chuyện, chúng tôi được biết nhạc sĩ Xuân Giao sinh năm 1932, quê gốc ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, nhưng ông lại trưởng thành ở đất Kiến An, Hải Phòng. Thời học phổ thông, cậu bé Xuân Giao học giỏi văn nên được các thầy cô yêu quý và thường xuyên có mặt trong các tổ làm báo tường. Vốn ưa hoạt động, Xuân Giao ra nhập Hướng đạo sinh. Ông được gặp nhạc sĩ Hoàng Quý, lúc đó là huynh trưởng Hướng đạo sinh của Hải Phòng. Đây cũng là người thầy đầu tiên và ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp âm nhạc của ông sau này. 17 tuổi, Xuân Giao vào bộ đội. Và quân đội chính là môi trường để ông phát triển tài năng. Từ một ca sĩ của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, ông đến với sáng tác một cách tự nhiên sau những chuyến đi thực tế chiến trường.
2.Nhạc sĩ Xuân Giao là người có duyên với xứ Thanh. Những năm miền Bắc bị bom Mỹ đánh phá, nhiều đoàn văn nghệ sĩ đã đến khu 4 biểu diễn hay thâm nhập thực thực tế sáng tác. Ở đó, Hàm Rồng là địa bàn bị địch bắn phá ác liệt nhất. Cùng với nhiều nhạc sĩ, Xuân Giao đến với Hàm Rồng, tận mắt chứng kiến nét hùng vĩ và lãng mạn của con sông Mã. Chứng kiến những con người xứ Thanh kiên cường trước mưa bom bão đạn để giữ gìn từng tấc đất quê hương và bảo vệ huyết mạch giao thông của Tổ quốc, ông vô cùng cảm kích. Sau chuyến đi gian khổ ấy, về Hà Nội, ông đã viết liền một mạch ca khúc "Chào sông Mã anh hùng" với ca từ và giai điệu thật hào sảng: "Ta chào sông Mã kiên cường đời đời/ Chào cô dân quân giữ quê nhà/ Cho thuyền lướt trên trời thu trong xanh ơi/ Đất quê anh hùng vùi chôn nơi đây bao xác giặc Mỹ". Ca khúc ra đời, được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Từ năm 1979 đến nay, ca khúc "Chào sông Mã anh hùng" đã được lấy làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thanh Hóa. Hơn 30 năm, người dân xứ Thanh đã quen với những giai điệu thân thương ấy, và Thanh Hóa cũng đã trở thành quê hương thứ hai của nhạc sĩ Xuân Giao. Hiện tại, trong gia đình nhạc sĩ Xuân Giao có một bình hoa được làm bằng vỏ đạn 57 ly. Viên đạn đã vút lên trời cao từ những ngày máu lửa. Và chiếc vỏ đạn được quê hương Thanh Hóa trao tặng cho ông như một kỷ vật thiêng liêng từ ngày ca khúc "Chào sông Mã anh hùng" của ông được lấy làm nhạc hiệu chương trình.
Những năm chiến tranh chống Mỹ, một lần , Xuân Giao cùng các nhạc sĩ Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Trọng Bằng đi thực tế sáng tác ở đường Trường Sơn. Đường đi gian nan, vất vả, đoàn phải nhờ tới các cô giao liên dẫn đường. Trời tối, đoàn phải dùng đèn gầm ôtô làm ánh sáng. Quan trạm giao liên này, nhóm các nhạc sĩ lại được giao cho nhóm giao liên khác. Trời tối nên các nhạc sĩ cũng không nhìn rõ mặt ai cả, chỉ nghe thấy tiếng nói, tiếng cười của các cô gái. Bóng dáng những cô gái thoăn thoắt trong đêm Trường Sơn vương đầy khói súng đã trở thành nỗi ám ảnh trong ông, để rồi sáng tác nên ca khúc "Cô gái mở đường" với những giai điệu sôi nổi, trẻ trung. Đến nay, "Cô gái mở đường" vẫn được xem là một trong những khúc ca hay nhất viết về đề tài những cô gái TNXP ở đường Trường Sơn.
Ngoài hàng trăm ca khúc viết cho người lớn, Xuân Giao còn có một gia tài không nhỏ dành cho thiếu nhi. Trẻ em nhiều thế hệ vẫn thuộc nằm lòng bài hát "Em mơ gặp Bác Hồ", "Cháu yêu bà", "Múa cho mẹ xem"…Trong đó, ca khúc "Em mơ gặp Bác Hồ" là một trong những ca khúc đã đem về cho nhạc sĩ Xuân Giao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Nhạc sĩ Xuân Giao viết ca khúc này năm 1969, tại căn nhà nhỏ của ông trên phố Bạch Mai.
Cũng giống như bao người Việt Nam khi đó, ông hụt hẫng, buồn thương khi nghe tin Bác mất. Với Xuân Giao, trong ông vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm về Người. Đó là vào năm 1946, khi Xuân Giao mới 14 tuổi, đang học ở Hải Phòng. Trong một chuyến công tác qua Hải Phòng, Bác đã dành thời gian gặp gỡ bà con cùng các em thiếu nhi. Là hướng đạo sinh, Xuân Giao cũng có mặt trong đoàn thiếu nhi ấy. Kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Khi nghe tin Bác mất, những cảm xúc sâu đậm về Bác của mấy chục năm trước lại trỗi dậy. Ông đặt bút viết những câu hát đầu tiên: "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ".
3.Nhạc sĩ Xuân Giao đến với âm nhạc một cách tự nhiên và để lại cho đời sống nhiều bài ca đặc sắc, dù ông chưa được học qua một trường lớp chính quy nào. Những bài hát của ông thường được sáng tác trên đàn ghi ta hay măngđôlin, trong khi các nhạc sĩ khác có điều kiện thường sáng tác bằng piano. Một phần vì trước đây gia đình khó khăn, không có điều kiện mua đàn. Sau này, Hội Nhạc sĩ cho ông mượn một cây đàn piano nhưng sau ông phải trả lại vì… nhà chật quá. Ông say mê âm nhạc đến nỗi cách đây mấy năm, dù bị tai biến, ông vẫn sáng tác. Tay run không viết được, ông nhờ con gái chép hộ khuông nhạc.
Dù khi còn công tác ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị hay sau này về Nhà xuất bản Âm nhạc, nhạc sĩ Xuân Giao luôn được bạn bè yêu mến vì sự cần mẫn, tận tụy trong công việc. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và sự yêu mến của công chúng với những sáng tác của ông là quà tặng vô giá với một người nghệ sĩ