Nhạc sĩ Nguyễn Tiến: Đàn bầu ai gẩy nấy nghe...

Thứ Tư, 14/04/2010, 08:00
Nhạc sĩ Nguyễn Tiến tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1953 tại Nam Định. Anh từng đoạt Huy chương Vàng dành cho tiết mục đàn bầu tại Hội diễn Nghệ thuật toàn miền Bắc; Huy chương Vàng tại Festival Cộng hòa Dân chủ Đức; Bằng danh dự (bằng cao nhất) tại Nhạc hội đàn bầu toàn quốc lần thứ nhất; Giải A đơn ca độc tấu; Huy chương Vàng Hội diễn Nghệ thuật  toàn quân. Cho đến nay, anh đã được nhận 18 giải thưởng và các loại huy chương vàng, bạc, bằng danh dự, bằng khen trong nước và quốc tế.

Không chỉ thành công trong lĩnh vực biểu diễn, Nguyễn Tiến còn thành công ở lĩnh vực sáng tác với các ca khúc như: "Hoa cau vườn trầu", "Chuyện tình lá diêu bông", "Nhớ đêm giã bạn", "Chiều mưa Hà Nội", "Hoa cỏ may"; "Dời đô ngàn năm vang mãi"... Tới nay, anh đã ấn hành 6 album riêng. Hiện nhạc sĩ Nguyễn Tiến là Đại tá, Phó Trưởng đoàn  Đoàn Ca múa Quân đội.

-Thưa nhạc sĩ Nguyễn Tiến, xin được bắt đầu câu chuyện với lời chúc mừng hợp xướng "Dời Đô ngàn năm vang mãi" của anh vừa đoạt giải Nhất Giải thưởng Âm nhạc năm 2009 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hình như, sự xuất hiện liên tục của bài hát này vào những ngày đầu năm 2010 - năm kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, đã khiến anh bận rộn hơn rất nhiều?

+ Có lẽ cái duyên của tôi là đã sáng tác được một bài hát rất hợp với âm hưởng của ngày Hội Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội nên nhiều đoàn ca nhạc ở các tỉnh, thành trong cả nước mời tôi về dàn dựng. Bài hát này ban đầu đến với tôi rất tình cờ. Một hôm, sau giờ làm việc, bỗng dưng có điều gì đó thôi thúc tôi muốn viết một ca khúc về Hà Nội, mảnh đất tôi đã sống và gắn bó gần cả cuộc đời. Tôi lại tình cờ có văn bản "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn. Tôi chợt nghĩ, tại sao mình không nhân sự kiện này để viết một cái gì đó. Nghiền ngẫm vài ngày sau thì tôi hoàn chỉnh tiết tấu, giai điệu cho ca khúc. "Chiếu dời đô", bản thân nó đã mang âm hưởng hùng ca tráng lệ. Bài hát được ca sĩ Lương Huy thể hiện đã đoạt Huy chương Vàng ở Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc (năm 2009). Giao thừa năm Canh Dần vừa rồi cũng đã khai màn bởi bài hát này. Sự thành công thật tình là ngoài sức tưởng tượng của tôi.

- Sau sự kiện này, có lẽ, NSƯT Nguyễn Tiến đã ghi được trong trí nhớ của khán thính giả  bằng một dấu ấn khác cái thời "Hoa cau vườn trầu"?

+ Mỗi thời một khác, con người ta sống trong thời đại nào thì có những sáng tác hợp với thời mình sống. Cũng khó để so sánh cái nào hơn cái nào. Tôi nhớ, bài hát "Hoa cau vườn trầu" đã như một tấm giấy thông hành cho tôi đi vào con đường sáng tác. Hồi đó, bài hát thành công đến nỗi, đi đến đâu tôi cũng nghe người ta hát bài hát của mình mà chả biết mình là ai. "Nhà anh có một vườn cau/.Nhà em có một vườn trầu/ Chiều chiều nhìn sang bên ấy/ Hoa cau bên này rụng trắng sân nhà em/Anh lên đường mẹ xin nắm trầu nhuộm áo cho anh/Một lá trầu xanh thắm tình em chẳng phai màu/ Hoa cau rụng trắng sân nhà em/ Mà hương cau ngan ngát quanh vườn trầu/ Anh thương em rồi sao anh chẳng nói/ Để hoa cau rụng trắng đêm trăng buồn/ Hoa cau rụng trắng sân nhà em/ Mà hương cau ngan ngát quanh vườn trầu/ Lá vẫn xanh tươi màu/ Xin ai đừng để lá trầu vàng ...".

Bài hát này, tôi viết một mạch từ một ý tưởng "nhặt" được rất ngẫu nhiên, tôi đi qua một hàng cau trong đêm và bỗng có một câu hát vang lên trong tâm trí mình "Hoa cau rụng trắng sân nhà em". Từ đó, tôi mới triển khai tứ của toàn bài và gần như không phải chỉnh sửa một nốt nào. Tôi nhớ, có lần, đang ngồi cùng mấy ông bạn nhạc sĩ trong quán bia hơi. Tình cờ quán đó lại đang mở bài hát "Hoa cau vườn trầu" do NSND Thu Hiền hát. Mấy ông bạn chỉ vào tôi mà nói: "Tác giả của bài hát đây, đề nghị chủ quán trả tiền bản quyền… bằng mấy vại bia!". Mấy cháu phục vụ trong quán tưởng bạn tôi đùa, vì ngoài đời tôi tếu táo lắm, không say đắm, trầm tư như khi làm nhạc, lại có phần "bụi" trong ăn mặc, nên các cháu mới bảo: "Nhạc sĩ phải khác chứ đâu như… chú này!".

- Bạn bè cùng thời vẫn gọi anh bằng cái tên thân mật Tiến "Bầu". Bây giờ không ở tư cách của một người biểu diễn nữa, anh có… nhớ nghề không?

+ Thú thật là tôi rất thèm được chơi đàn bầu như ngày xưa. Bây giờ con trai tôi cũng đang học đàn bầu, nhiều lần đi làm về, thấy con đang tập nhạc, thể nào tôi cũng "đuổi" con ra để mượn chỗ chơi vài điệu. Tôi gắn bó với cây đàn bầu suốt cả tuổi ấu thơ. 6 tuổi tôi đã sử dụng thành thạo và 7 tuổi tôi đã đi biểu diễn. Năm lên 9 tuổi, tôi đã vinh dự được gặp Bác Hồ và chơi đàn bầu cho Bác nghe trong lần Bác về thăm Nam Định.

Năm 1966, gia đình tôi và gia đình nghệ sĩ Ái Vân, Ái Xuân đã được mời vào Phủ Chủ tịch phục vụ Bác Hồ. Tôi nhớ, lần đó tôi đã đánh bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương" cho Bác nghe. Bác khen tiếng đàn bầu của tôi có hồn. Sau đó tôi thi vào trường Nghệ thuật Quân đội và chính thức mới được học bài bản về đàn bầu. Năm 1973, tôi tham gia cuộc thi ở Béclin (Cộng hòa Dân chủ Đức) và đoạt Huy chương Vàng quốc tế với bài "Ru con Nam bộ". Đầu năm 1975, tôi vác đàn bầu theo đoàn quân tiến về miền Nam.

Hồi đó, đến các điểm nóng của đất nước như Huế, Sài Gòn… thậm chí sang Campuchia tôi đã đánh bài "Vì miền Nam" của nhạc sĩ Huy Thục và có nhiều chiến sĩ đã tìm đến tôi để chia sẻ, vì tiếng đàn bầu đã mang đến cho họ những giai điệu quê hương, làng mạc. Thời đó, thậm chí tôi bị "nhờn mặt" trên các sóng truyền hình đến nỗi bạn bè phải kêu "Tiến Bầu mắc chiếu… ngồi sẵn ở tivi".

- Có lần anh tâm sự rằng, anh phải cảm ơn số phận vì mình đã được làm con, làm trò của một người cha vô cùng… khắc nghiệt?

+ Đúng vậy. Cha tôi vốn là một nghệ nhân đàn bầu đất Thành Nam, sau đó, ông là nghệ sĩ biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhân dân Trung ương. Cha tôi là người thầy đầu tiên và cũng là người nghiêm khắc, thậm chí thời đó, tôi nghĩ là ông rất khắc nghiệt khi truyền dạy cho tôi những nốt nhạc đầu đời.

Tôi còn nhớ, hồi mới học đàn, mỗi lần tôi đánh sai nốt nhạc là ông cầm xe điếu đánh vào tay đau nhói (ông bao giờ cũng hút thuốc lào sau mỗi lần chơi nhạc). Tôi đau quá khóc nhưng ông vẫn bắt tập tiếp đến lúc đánh đúng nốt nhạc thì thôi. Mùa hè nóng nực hay mùa đông giá buốt thế nào cũng phải học đủ bài mới thôi. Nhiều hôm, học mãi một bản nhạc mới không xong, cha tôi buộc cho hai chân hai túi nilon tránh muỗi, bắt ngồi đánh cho lúc nào thuộc bài thì mới được đi ngủ và ông cũng thức vậy cùng tôi. Nhiều lần mẹ tôi can ngăn: "Ông đừng bắt tội con thế!", Cha tôi quát: "Bà xuống bếp ngay. Không rèn như thế thì sao thành người!".

Hồi đó, tôi sợ cha tôi hơn bất cứ thầy giáo nào, cả em gái tôi là NSƯT Thúy Đạt cũng được rèn theo kiểu ấy, nhưng vì con gái, nên cha tôi nương nhẹ hơn… Có lẽ bởi thế, sau này, khi đã thành công trên con đường âm nhạc, đi khắp các nước trên thế giới biểu diễn, lúc nào tôi cũng nhớ ơn ông và mua một món quà nhỏ tặng ông mỗi lần đi biểu diễn dài ngày trở về. Không có ông thì không có một "Tiến Bầu" của ngày hôm nay.

- Gần đây, thế hệ những nghệ sĩ trẻ không còn mặn mà với bộ môn đàn bầu nữa, đó là một tín hiệu đáng báo động về sự "mất giá" của nhạc dân tộc, nhưng cũng là một lẽ tất nhiên của sự thích ứng với thời đại mới, anh có nghĩ vậy không?

+ Tôi nghĩ, cái chính là chúng ta không biết cách làm cho nó trở nên độc đáo. Bản thân đàn bầu là thứ nhạc cụ duy nhất bắt nguồn từ nước Việt mà ta không biết trân trọng nó. Chẳng hạn, gia đình tôi có đủ điều kiện để cho con đi học nhạc cụ hiện đại, nhưng con tôi vẫn chọn đàn bầu, một phần là cháu yêu thích, một phần là truyền thống gia đình. Ngày xưa đang yên vị với vai trò một nghệ sĩ biểu diễn, tôi đã thi vào học chuyên ngành sáng tác, chủ yếu học để phối khí cho đàn bầu, như một cách làm mới cho cây độc huyền cầm vốn đã là tài sản bao đời của cha ông. Đôi lúc tôi cũng thấy tiếc vì hiện nay, khoa Đàn bầu ở các trường gần như không có sinh viên theo học. Đó là xu thế xã hội, song nói thật là với một người cả đời gắn bó với cây đàn bầu như tôi, đôi lúc cũng chạnh lòng. Nhưng một mình cá nhân tôi không thể làm nổi được điều gì. Thôi đành… "Đàn bầu ai gẩy nấy nghe…" vậy!

- Anh đã xuất bản 6 album mang âm hưởng dân gian bao gồm: "Hoa cau vườn trầu", “Chuyện tình lá diêu bông", "Hoa cỏ may", "Nhịp cầu duyên quê", "Tiếng đàn bầu Nguyễn Tiến", "Đàn bầu với những tình khúc nổi tiếng nước ngoài". Tới đây, anh có dự định sẽ xuất bản album mới để đánh dấu một chặng đường mới của Đại tá - NSƯT Nguyễn Tiến?

+ Làm mới mình ở tuổi gần 60 là điều hơi khó khăn, nhưng tôi đang cố gắng trong năm nay sẽ ra một album kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long. Trong đó, có những ca khúc tôi mới sáng tác trong thời gian gần đây. Nhưng phải thú thật là, tôi khó có thể tách ra khỏi dòng nhạc dân gian được. Đặc biệt, làng tôi gần làng cụ Nguyễn Bính, chính vì thế, thơ của cụ, âm hưởng dân gian trong thơ cụ, cũng chính là âm hưởng của quê hương, nguồn cội vẫn sẽ là âm hưởng chủ đạo của đĩa nhạc này.

- Xin cảm ơn anh!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.