Nhạc sĩ Dương Thụ: Người-nghệ-thuật thời nào cũng có
Âm nhạc không được coi là văn hóa mà chỉ là trò giải trí
- Khá lâu rồi, nhạc sĩ mới trở lại Hà Nội trong một đêm diễn Tùng Dương hát “Bộ tứ sông Hồng”, trong trào lưu các ca sĩ đổ xô đi hát nhạc bolero, nhạc tiền chiến. Với ông, điều này chắc hẳn rất có ý nghĩa?
+ Tùng Dương đã làm được một chuyện vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Một ca sĩ dám cất lên tiếng nói của riêng mình về âm nhạc. Dám khẳng định những giá trị âm nhạc của thời đại mình. Anh ấy đúng hay sai là chuyện của công luận, nhưng có chính kiến và không sợ mếch lòng ai đó thì thật đáng nể.
Tôi có làm về bọn tôi thì chỉ là “Bộ tứ Hà Nội” như một câu chuyện cần được kể lại về lũ tôi thuở ấy, một ký ức, một kỷ niệm đẹp để chia sẻ với người nghe. Nhưng với Tùng Dương lại là một đánh giá nghiêm túc cả bốn người mà anh gọi là “Bộ tứ sông Hồng”. Anh ấy vẽ ra chân dung và định vị âm nhạc của từng người như cách của một người phê bình âm nhạc.
Làm mà không cần xin ý kiến của ai cả, kể cả bọn tôi. Mà ngẫm ra anh ấy rất chủ quan nhưng lại có phần đúng. Chọn bài gì, mời ai hát, phối khí và dàn dựng trên sân khấu như thế nào, đều rất kỹ càng. Tôi, Phương, Cường, Tiến đều ngạc nhiên, có lẽ tôi là người ngạc nhiên nhất.
- Trong một cuộc trò chuyện, ông có nói rằng, ca sĩ xứng danh diva không chỉ nổi tiếng mà phải là tiếng hát của thời đại mình đang sống. Nhưng bây giờ các ca sĩ đua nhau đi hát nhạc xưa, nhạc thị trường. Ông có buồn không?
+ Làm nghề để kiếm sống được coi trọng hơn làm nghề để được là chính mình. Cái đó cũng hợp lý đối với thời buổi này (âm nhạc không được coi là văn hóa mà chỉ là trò giải trí thôi) và cũng hợp lý với những người “có tài vừa vừa” (mà người “có tài vừa vừa” thì đông lắm).
Còn đối với những người mà bạn gọi là Diva thì ta cũng nên có cách nhìn thoáng hơn, bởi vì họ cũng là con người với những ràng buộc về hoàn cảnh. Tôi cũng thế thôi. Chúng ta muốn sáng tạo, muốn hết mình cho nghệ thuật, nhưng chúng ta còn có gia đình, chúng ta cũng cần có tiền để chi phí cho bản thân và cho nghề, nên trong chừng mực vẫn phải làm nghề để kiếm tiền đấy.
Cho nên nếu có ai đó thỉnh thoảng vẫn hát nhạc xưa (tất nhiên là phù hợp với đẳng cấp của họ) cho ta sống lại với những ký ức đẹp đẽ của những thời đại đã qua, đó cũng là việc làm cần thiết. Chỉ đáng trách khi họ quên mất những tác phẩm của cái thời đã làm nên tên tuổi họ. Liệu có ai như thế không nhỉ?
- Sau Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tùng Dương, Hà Trần, chúng ta vẫn chưa thấy những thế hệ kế cận mà sức ảnh hưởng và sự cống hiến của họ đủ để được ghi nhận. Theo ông, vì sao, vì chúng ta thiếu tài năng, hay thiếu điều gì đó ở các ca sĩ trẻ?
+ Vấn đề của ca sĩ chính là tác phẩm. Nếu Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương, Hà Trần mà bạn vừa kể chỉ hát nhạc thị trường thì liệu họ có là những giá trị như ngày hôm nay không. Cũng thật may mắn là khi họ vào nghề thì đã có các anh Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Thanh Tùng, Bảo Chấn… những nhạc sĩ tài năng cung cấp cho họ nhiều tác phẩm giá trị. Đây là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa người sáng tác và người biểu diễn. Không có tác giả thì không có họ và ngược lại. Tại sao họ lại ăn ý như vậy? Đó chính là sự tương đồng về văn hóa, về thẩm mỹ nghệ thuật. Điều này rất quan trọng.
Bây giờ là một thời đại khác. Nhưng những tác giả và ca sĩ của nó là ai? Thời gian sẽ trả lời. Đừng vội chê các ca sĩ trẻ, cũng có những người hát hay đấy, nhưng có thể họ chưa gặp tác giả của mình.
Và bạn nên nhớ mỗi thời chỉ có vài người thôi. Tài năng thật sự là vô cùng hiếm. Các ca sĩ “đám đông” thời trước cũng chẳng hay gì lắm đâu.
- Tài năng vô cùng hiếm, nhưng tài năng không có được thái độ làm nghề “điềm tĩnh” cũng sẽ không đi được đường dài trước những cám dỗ của đời sống. Còn thế hệ ông, vì sao ông luôn giữ được thái độ làm nghề an nhiên, tự tại như thế?
+ Mỗi thời một khác và mỗi người một khác, theo tôi không thể bình luận như vậy. Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa những người làm nghệ thuật với những người dùng nghề nhạc để kiếm tiền. Hiện nay nhạc sĩ có hàng nghìn, họ đang hành nghề để phục vụ nhu cầu giải trí vô cùng to lớn của công chúng. Đã nằm trong guồng máy kiếm tiền thì không nên nói đến chuyện tâm thế giống như những người làm nghề như một sự sáng tạo, trong sáng và vô tư.
Không chỉ thế hệ tôi, Người-nghệ-thuật thời nào cũng có, nhưng giờ họ chẳng được giới truyền thông ngó ngàng tới nên bạn không biết đấy thôi.
- Vậy là lỗi một phần thuộc về truyền thông khi họ cũng đang chạy đua theo view. Có vẻ như ông vẫn có cái nhìn lạc quan vào đời sống âm nhạc hôm nay?
+ Tôi vẫn luôn sống và đồng hành với các bạn trẻ, luôn hoạt động cùng họ từ vài chục năm nay, lớp này lớn lên thì lại sống với lớp trẻ hơn. Biết và hiểu họ qua công việc, qua sự va chạm nên có những đánh giá thực tế của một người trong cuộc. Tôi không lạc quan nhưng có cái nhìn tích cực hơn đối với âm nhạc. Các khu vực từ nhạc nghiêm túc đến nhạc nhẹ đại chúng, nhạc thể nghiệm khu vực nào cũng đều có những bước tiến và có những nhân vật của nó. Có những người làm tôi ngưỡng mộ đấy. Chỉ có điều sự phát triển tốt đẹp mà tôi nhìn thấy hơi có tính cục bộ và nó bị che khuất bởi hoạt động âm nhạc có tính thương mại và giải trí hiện nay.
Đã làm được những việc mình thích và nó xuất phát từ mình
- Tôi nhớ, nhạc sĩ Nguyễn Cường từng chia sẻ với chúng tôi về giấc mơ gãy cánh của thế hệ ông, về mong muốn làm được nhiều hơn thế trong âm nhạc. Còn ông, nhìn lại gia tài của mình, ông có gì tiếc nuối?
+ Anh Cường nói đúng. Khi thi vào Nhạc viện chúng tôi không nghĩ đến những thành công về ca khúc như những gì mà bọn tôi đạt được ngày hôm nay. Chúng tôi muốn cái khác: trở thành những nhà soạn nhạc có một sự nghiệp ở khu vực âm nhạc khác: khí nhạc. Tôi mơ về những bản giao hưởng, những concerto và những sonate viết cho nhạc cụ, những tác phẩm âm nhạc có giá trị để khẳng định mình trong những hình thức âm nhạc lớn. Nhưng chiến tranh và những rắc rối về tổ chức đã buộc tôi phải dồn nén năng lực của mình trong lĩnh vực ca khúc, thật đáng tiếc, nhưng đó là số phận. Cường, Phương có điều kiện hơn, cũng làm được một cái gì đó, nhưng thật ra chưa xứng tầm với những gì tôi biết về họ.
Bộ tứ sông Hồng (từ trái qua): Nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Trần Hiếu, nhạc sĩ Phó Đức Phương và nhạc sĩ Dương Thụ. |
- Nhiều năm đi trên con đường gian nan đó, ông thấy mình đã có những kết quả gì?
+ Tôi không biết nói điều này như thế nào, chỉ biết tôi đã làm được những việc mình thích và nó xuất phát từ mình: Các Dự án: “Nửa Thế kỷ Bài hát Việt Nam” (tháng 4-1994), Hòa nhạc thường niên “Điều còn mãi” (2009-2015), chương trình “Bài Hát Việt” của VTV3 những năm đầu và Dự án “Cà phê thứ bảy” đã hoạt động có hiệu quả từ 2009 đến nay và nó vẫn tiếp tục phát triển.
Tôi cũng cảm thấy không xấu hổ, vì những việc mình làm không chỉ có ích cho riêng mình mà cũng chút gì đó đóng góp cho xã hội. Kết quả hay không và như thế nào phải hỏi những người làm việc cùng tôi, những đối tượng mà công việc tôi hướng đến. Đây là công việc dính dáng đến văn hóa và giáo dục đôi khi số liệu chẳng có ý nghĩa gì.
- Ông nói, ông vẫn còn rất nhiều dự định dở dang. Ông có thể chia sẻ về những dự định của mình?
+ Tôi thấy vẫn còn đủ sức để làm việc. Cuối năm nay, vào khoảng tháng 11 sẽ là “Cửa sổ âm nhạc 4: Bằng Kiều hát nhạc Dương Thụ” với khách mời Thanh Lam (khi diễn ở Hà Nội), Hồng Nhung (khi diễn ở TP Hồ Chí Minh) và Nguyên Thảo. Và chỉ diễn một buổi trong nhà hát có sức chứa nhỏ (Nhà hát Lớn Hà Nội & TP Hồ Chí Minh). Không có nhiều người thích nhạc của mình nên không dám tổ chức show lớn. Đây chỉ là hình thức hòa nhạc nhỏ (concert) với dàn nhạc rất ít cây.
Tôi cũng sẽ hoàn thành nốt bản thảo cuốn sách được nhà xuất bản đặt hàng mà ì ạch suốt 2 năm nay vẫn chưa hoàn thành: Nghe mưa - (Dương Thụ: Tác phẩm & những ghi chú âm nhạc), cuốn sách dự kiến dày 412 trang.
Sang năm 2019 là Dự án “Tre hát” (Những giai điệu quyến rũ của dân ca Việt Nam được giao hưởng & Thính phòng hóa). Ở dự án này tôi sẽ mời các nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc trẻ tuổi tham gia phối khí và dàn dựng tác phẩm. Hiện tôi đang đi kiếm nguồn tài trợ.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông và chúc ông hoàn thành những dự án của mình.