Nhạc sĩ Dân Huyền: "Cây cổ thụ" dân ca vẫn xanh

Thứ Năm, 01/10/2020, 15:11
Bước vào tuổi 82 khi nhiều người đã nghĩ đến sự nghỉ ngơi, sống vui vầy bên con cháu thì nhạc sĩ Dân Huyền (Chủ nhiệm CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam) vẫn tấp nập, bận rộn và đau đáu với những công việc để dân ca có sức sống lâu bền trong đời sống hôm nay.


Với ông, dân ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung không chỉ là nghề nghiệp mà còn là cả một sự nghiệp mà ở đó luôn đòi hỏi người nhạc sĩ cần dày công vun vén, đắm đuối, tâm huyết và trách nhiệm.

1. Chẳng hiểu sao mỗi khi cần xin ý kiến về một vấn đề văn hóa hay cần tìm người đọc trước cho bản thảo bài báo còn đang lăn tăn vài chỗ, tôi lại tìm đến nhạc sĩ Dân Huyền, mặc dù tôi và ông thuộc hai thế hệ cách xa nhau. Chính sự uyên bác trong các lĩnh vực âm nhạc, thơ ca, báo chí… cùng sự giản dị, khiêm nhường của một người nổi tiếng mà giữa tôi và ông dường như không có khoảng cách. 

Đến với ông lúc nào tôi cũng thấy sự cởi mở, chân thật, gần gũi, thân thiện như những người thân trong gia đình. Còn nhớ lần đầu tiên gặp ông, tôi đã thực sự ấn tượng về một "cụ già" gầy gò nhưng rất nhanh nhẹn, tươi cười, hòa nhã. Do thời gian không có nhiều nên tôi định xin số điện thoại của ông để trò chuyện sau nhưng lại bất ngờ khi ông "chìa" ra card visit được in trang trọng và khẽ rỉ vào tai tôi: "Facebook của cậu là gì?".

Nhạc sĩ Dân Huyền

Thế rồi, từ ngày làm "bạn" trên Facebook với ông, tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi ngày ngày ông vẫn "cập nhật trạng thái". Đó có thể là những bức ảnh gặp gỡ bè bạn hay những bài thơ hoặc những ca khúc qua tiếng hát của các nghệ sĩ quen thuộc gắn với từng ngày lễ kỷ niệm của đất nước. 

Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), ông đăng chùm 3 bài thơ "Nhớ", "Biết nhiều và biết điều", "Lời cha mẹ"; Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7), ông đăng bài hát "Những vành hoa bên đài liệt sĩ", "Ngôi nhà tình nghĩa", "Có lẽ nào anh đã đi xa"; Ngày kỷ niệm Phạm Tuân bay vào vũ trụ (23-7), ông đăng ca khúc "Anh sẽ đưa em vào vũ trụ"; Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8) ông đăng bài thơ "Nhớ tiếng đàn anh Văn"; Ngày Quốc khánh (2-9), ông đăng ca khúc "Bên Lăng Bác Hồ"; Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7-9), ông đăng ca khúc "Lắng tiếng quê hương"… 

Nhìn vào số lượng tác phẩm ấy có thể nói ông sáng tác đa dạng, thường xuyên ở nhiều thể loại và cũng cho biết ông rất biết cách quảng bá tác phẩm của mình đúng thời điểm.

2. Nếu để ý thì những năm gần đây mỗi khi có một nhạc sĩ cao tuổi về với đất mẹ là ông lại có một bài viết trên Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN). Bài viết như một nén tâm nhang với những kỷ niệm, chi tiết "độc" mà chỉ có ông, người sống cùng thời với họ mới có thể biết và viết được, bởi những người cùng thời với ông phần nhiều đã về với tiên tổ, một số khác thì cũng đã ốm yếu, trí nhớ giảm sút. 

Ví dụ khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất, ông đã viết "Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý"; nhạc sĩ Thanh Phúc mất, ông viết "Vĩnh biệt Thanh Phúc - người nhạc sĩ quân đội tài hoa"; nhạc sĩ Phong Nhã mất, ông viết "Nhạc sĩ Phong Nhã - người dành trọn sự nghiệp sáng tác nhạc cho thiếu nhi"… 

Nhạc sĩ Dân Huyền trong một chương trình truyền hình ghi hình tại Quảng trường Ba Đình.

Qua những bài viết này, độc giả đã hình dung ra cả một thời bao cấp đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng điều đó không cản được tinh thần, sự lạc quan và lòng yêu nghề của những người nhạc sĩ tài hoa. Họ đắm đuối dâng cho đời những lời ca nốt nhạc đẹp nhất, hay nhất, tuyệt vời nhất mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Điều đáng nói không chỉ sử dụng vi tính vào việc chơi Facebook mà ông còn dùng để sáng tác nhạc. Đó hẳn là điều không dễ với một "cụ ông" đã ở tuổi U90. Với phương châm "Muốn biết thì hỏi, chưa giỏi thì học", ông đã kiên trì học tin học bởi nó không chỉ giúp ứng dụng cho nghề nghiệp mà còn là niềm vui, làm hạn chế sự lão hóa của bộ óc. 

Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhạc sĩ có than phiền với tôi về đôi mắt của mình. Ông bị đục thủy tinh thể, mắt trái coi như mù, mắt phải còn 1/10. Dù đã mổ nhưng đôi mắt vẫn chưa có tiến triển, vậy nhưng điều đó dường như cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến công việc hiện tại của ông.

3. Gần đây, ông tặng tôi mấy tập sách mới: "Tuyển tập 100 bài hát",  "Tuyển tập 150 bài thơ", "2.000 câu đố dễ nhớ", "Tuyển tập 200 câu có hỏi mới biết". Đó cũng là một bất ngờ với tôi, bởi những tài liệu được sử dụng trong sách có khi đã được ông sáng tác, tìm hiểu, giữ gìn đến vài chục năm. Trong đó, tôi ấn tượng với "Tuyển tập 200 câu có hỏi mới biết" do NXB Văn hóa dân tộc ấn hành. 

Cuốn sách được cấu trúc theo 4 phần rõ ràng, rành mạch: Nhân vật lịch sử; Di tích, danh lam, thắng cảnh; Văn hóa - Nghệ thuật; Khoa học - Đời sống. Ở đó tôi bắt gặp những câu hỏi và câu trả lời rất thú vị của ông về một số vấn đề như: "Gốc tích câu nói Sư tử Hà Đông", "Vì sao nước biển lại mặn", "Lai lịch bài Người ở đừng về"; "Sự tích núi Bà Đen", "Vai hề trong chèo cổ"… Tất nhiên hồi đó chưa có Internet nên việc tìm ra câu trả lời cho khán giả gửi thư về là điều không dễ chút nào. Đây là công việc đòi hỏi người trả lời cần có vốn văn hóa sâu rộng, uyên bác.

Tập sách "Tuyển tập 200 câu có hỏi mới biết" của nhạc sĩ Dân Huyền.

Nhạc sĩ Dân Huyền tâm sự: "Khi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có may mắn được đọc nhiều thư của thính giả gửi về yêu cầu nghe lại các tiết mục mà họ yêu thích. Kèm theo những yêu cầu đó, thính giả còn đề nghị được trả lời những điều họ muốn biết, muốn tìm hiểu không chỉ cho mình mà cho cả người thân. 

Đáp lại sự tin cậy và gửi gắm đó, tôi đã chọn lọc những thư có thể trả lời trước đồng thời dành thời gian đem những điều ông chưa hiểu hết để tham khảo ý kiến các bậc đàn anh rành về từng vấn đề hoặc tìm đọc thêm tài liệu để tiếp tục trả lời, đáp ứng theo yêu cầu của số thư còn lại. 

Một công việc đòi hỏi vừa nghiêm túc, chính xác vừa nhẫn nại, cần mẫn và không thể thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên có nhiều vấn đề không "dính líu" gì đến văn học nghệ thuật, nên đành nhờ các vị am hiểu nghiên cứu để trả lời bằng thư riêng".

4. Nhạc sĩ Dân Huyền tên thật là Phạm Ngọc Dần (từ tên Dần ông thêm dấu huyền thành bút danh Dân Huyền). Riêng về cái tên của ông cũng đã là câu chuyện trường kỳ và hài hước. Chả là hồi ông là Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam với một khối lượng công việc đồ sộ như vậy thế mà ông lại đề xuất mở thêm chuyên mục "Đố vui dân ca - chúng ta giải đố" phát sóng từ tháng tháng 9 năm 1998 và dừng lại vào năm 2007.

Nhiều người thầm nghĩ chắc ở chuyên mục "Đố vui dân ca - chúng ta giải đố" phải có từ ba, bốn người trở lên thì mới khai thác từ kho băng âm thanh để tổng hợp lại rồi đối chiếu với đáp án đúng sai của thính giả để công bố và khen thưởng. Mỗi đợt thính giả gửi thư đi thì lại nghe thông báo thay đổi tên người nhận. 

Đầu tiên thì gửi thư về cho biên tập viên Phạm Ngọc Huyền, sau là biên tập viên Uyên Hồng (đọc ngược là Ông Huyền) và cuối cùng là gửi thư về cho biên tập viên Đào Chung Thủy (tên vợ ông và hai con). Ôi! ba cái tên phụ nữ nghe thân thương lại là một, đó chính là người nhạc sĩ Dân Huyền yêu quý của chúng ta.

Nhiều năm hân hạnh được quen biết và thân thiết nhạc sĩ Dân Huyền, ngẫm lại tôi mới thấy ở ông hiện lên tư chất của một thầy đồ xứ Nghệ, rất uyên bác, thẳng thắn nhưng không hề "gàn", bởi ông luôn rất cầu thị, lắng nghe góp ý của người khác, mặc dù người ấy có là ai, bao nhiêu tuổi và làm gì. Đó là điều rất đáng quý ở nhạc sĩ Dân Huyền.

Ngô Khiêm
.
.