Gs. Ts Trần Văn Khuê

Nhạc nương cánh hạc bay

Thứ Sáu, 17/07/2015, 08:00
Trước phút chìm vào hôn mê, GS Trần Văn Khê muốn nghe một bản đàn tranh do chính người bạn tri kỷ của ông - nhạc sư Vĩnh Bảo - đàn. Ngay tại tư gia, nhạc sư Vĩnh Bảo vội vã so dây...

Gảy bản nào, nhạc sư thu âm lại và gửi qua email. Rồi lại vội vã ngồi đàn và thu âm tiếp bản khác. Vị nhạc sư 97 tuổi mong âm nhạc như nhịp cầu bắc về bờ sự sống, làm nên điều kỳ diệu cho GS Trần Văn Khê như chính cuộc đời GS đã làm nên điều kỳ diệu cho âm nhạc dân tộc. Phòng hồi sức đặc biệt tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vang lên những âm điệu da diết, như an ủi cho người nằm bất động với chi chít máy móc, dây nhợ trên chiếc giường trắng toát. Nhưng người ấy đã nương theo cánh nhạc mà tìm về thiên thai. Hết mọi đau đớn, hết mọi giày vò xác thịt của thân thể bệnh tật, già yếu. Bao nhiêu sức cùng, lực kiệt đã vắt hết cho xứ sở ông nằm lại. Ngày chào  đời và ngày giã biệt đời, tấm thân ông và cả linh hồn ông quyện chặt với cung đàn nỉ non của dân tộc...

Hồi tôi chỉ là một sinh viên báo chí thực tập, có lần muốn xin gặp ông nhưng lại không có số điện thoại. Tôi đành đánh liều đến trước cổng mà bấm chuông. Gọi là liều vì tôi đinh ninh một vị giáo sư nổi tiếng, bận nhiều việc như ông, không phải dễ gặp một cách đường đột như vậy. Chị Na, người giúp việc ra hỏi tôi gặp thầy Khê có chuyện gì.

Nghe tôi trình bày muốn đến tìm hiểu về âm nhạc thì tiếng ông vọng ra kêu tôi vào. Trên tay ông vẫn còn xấp tài liệu đang sao lưu dang dở. "Cháu muốn tìm hiểu cái gì? Coi bác có giúp được không?". "Dạ, cháu muốn tìm hiểu về lệ khai đờn của gia đình bác và các nghệ nhân đờn ca tài tử xưa". Ông mỉm cười: "Cháu đi theo bác". Chiếc xe lăn chầm chậm tiến đến những cây đàn đang treo trang trọng trên vách tường phòng khách.  Ông nhìn chúng trìu mến rồi bắt đầu kể về những ngày thơ ấu, tục khai đờn vào mồng Hai Tết hàng năm.

GS.TS Trần Văn Khê và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng trong một buổi giảng giải, diễn tấu đàn tranh (ảnh Nguyễn Á).

Thuở còn trong bụng mẹ, ông đã được sống trong không khí đờn ca của gia đình có bốn đời nhạc sĩ. Thôi nôi, theo phong tục miền Nam, gia đình bày những vật dụng có liên hệ đến nghề nghiệp để đứa bé chọn lựa, theo đó mà tiên đoán hậu vận của nó. Cậu bé Khê chụp lấy cây gươm gỗ rồi chụp luôn cả cây đờn. Một tay cầm gươm, một tay cầm đờn... cười toe toét. Có phải vậy mà sau này trong "Tự truyện Trần Văn Khê - Những câu chuyện từ trái tim", ông viết: "Với tôi, đờn cũng như một người bạn, mà còn là một người bạn đặc biệt hơn cả người tình. Tôi hết mực tôn trọng và không bao giờ có cử chỉ phũ phàng với đờn".

6 tuổi cậu đã được cậu ruột là Nguyễn Tri Khương dạy đờn cò (đàn nhị), đờn kìm (đàn nguyệt), 7 tuổi đã theo gánh hát cải lương của cô Ba Trần Ngọc Viện, 12 tuổi đã biết đánh đờn tranh, đánh trống nhạc...

 "Mồng Hai Tết, mọi người đều ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ và ngồi quây quần giữa gian nhà chính của người cậu thứ tư - nơi đặt bàn thờ gia tộc. Con cháu tụi bác cũng được tham gia hòa đờn để học hỏi các bậc trưởng thượng. Năm đó bác 12 tuổi, lần đầu tiên được hòa đờn với bậc cha chú nên lấy làm hoan hỉ, hãnh diện lắm. Cô Ba Viện đờn trước, sau đó cả gia đình đờn theo, tấu bản đờn ca tài tử về ngày Tết như "Nam xuân"  và các bản tài tử Nam Bộ truyền thống như: "Ngũ đối hạ", "Tây Thi cổ bản", "Lưu Thủy", "Phú Lục".

Sau này, những đêm đông lạnh lẽo ở đất Pháp xa xôi, không khi nào bác quên việc khai đờn đầu năm. Nghe nó mà đỡ nhớ quê nhà…" - ông chậm rãi kể. Tiễn vị khách bất đắc dĩ không hẹn trước, ông dặn: "Hễ khi nào có điều chi cháu muốn biết về âm nhạc dân tộc, cứ đến. Đừng ngại. Có thời gian bác sẽ sắp xếp để chỉ cho cháu". Tôi nắm lấy đôi tay dạt xô nếp nhăn của ông, bàn tay ấy siết nhẹ ấm áp...

Tôi biết, không chỉ với tôi mà nhiều bạn trẻ muốn tìm hiểu về âm nhạc dân tộc, ông đều sẵn sàng chia sẻ. Bởi cả đời ông, đi trọn năm châu bốn bể với cây đàn dân tộc qua hơn 70 nước với hơn 200 buổi nói chuyện, hội thảo quốc tế cũng chỉ mong cây đàn ấy có thể ngân lên, khoe vẻ đẹp với  muôn nơi. Để rồi hơn 50 năm phiêu dạt xứ người, ông lại chợt giật mình nhận ra rằng, trước sự tấn công ồ ạt của những loại nhạc ngoại lai, kích động từ Âu Mỹ, giới trẻ Việt Nam sẽ bị lôi cuốn theo cái hào nhoáng bên ngoài mà không thấy được giá trị nghệ thuật sâu sắc của âm nhạc truyền thống.

Ông từng nói: "Mục đích chính của tôi trong việc giảng dạy là không chỉ đơn thuần đem đến kiến thức mà quan trọng hơn là gieo chất men yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam vào lòng học trò Việt Nam và nhiều nước khác nhau. Tôi cũng cố gắng làm cho các em ngày càng thêm tự hào về nền âm nhạc truyền thống của đất nước mình mà xoá bỏ đi những tự ti mặc cảm vốn mang nặng trong lòng sinh viên các nước Á, Phi".

Cho nên ông về ở hẳn Việt Nam từ năm 2006, trở thành người truyền lửa cần mẫn, đầy tâm huyết. Bao năm trên xứ người, ông thèm lắm một miếng bánh xèo thơm ngậy, thèm lắm một tô bún bò Huế cay xè, thèm tô phở bò đậm đà, thèm được nói tiếng Việt và hít hà khí trời ở mảnh đất chín rồng. Có chiếc lá nào vươn đón mặt trời rồi không trở về gốc cội? Nên khi định cư hẳn ở Việt Nam, được cấp ngôi nhà đàng hoàng để ông có thể đem cả công trình nghiên cứu đồ sộ về âm nhạc và văn hóa nhằm phụng hiến quê hương, sao không trào nước mắt?

Trở về Việt Nam, ông trở thành nhà nghiên cứu và cố vấn quan trọng góp phần khôi phục, bảo tồn và vinh danh các loại hình nghệ thuật truyền thống. Năm 1976, lần đầu ghé cố hương, ông thu âm giọng ca của ca nương Quách Thị Hồ và nghiên cứu ca trù, khiến ca trù được nhìn nhận xứng đáng. Ông cũng là người có nhiều đóng góp lớn trong việc vận động UNESCO nhìn nhận giá trị của Nhã nhạc Cung đình Huế và công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại năm 2003. Ông cũng đã thuyết phục được hoàn toàn hội đồng của UNESCO để vinh danh "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" và mới đây nhất là đờn ca tài tử Nam bộ.

Cố GS.TS Trần Văn Khê.

Đời làm báo, tôi có nhiều lần hạnh ngộ ông. Đó là những buổi nói chuyện chuyên đề về âm nhạc và văn hóa Việt Nam tại ngôi nhà trên đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Nói về bất cứ lĩnh vực nào dù là đờn ca tài tử, cải lương hay Nhã nhạc Cung đình Huế, ca trù, nhạc Phật... ông cũng mê hút người nghe bởi cách nói chuyện sang sảng, uyên bác, tinh thông và nhớ đến từng thời điểm cụ thể của sự kiện. Ông nói đến đâu minh họa âm nhạc bằng miệng ngay tới đó, hóm hỉnh và sinh động...

Những buổi nói chuyện ở khắp mọi miền, chiếc xe lăn người đẩy, kẻ nâng để đưa ông lên xuống những bậc thang vất vả. Công lao truyền lửa của ông đã đào tạo nên bao thế hệ học trò xuất sắc. Đó là con trai trưởng Trần Quang Hải, con gái Trần Thị Thủy Ngọc, là nghệ  sĩ  đàn tranh Hải Phượng, ca nương Phạm Thị Huệ, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền...

Ngày đưa tang ông, trời đổ mưa. Sắc trời ủ rũ như những gương mặt người đưa tiễn ông về nơi yên nghỉ cuối cùng. Nhưng trong di ảnh, gương mặt hồn hậu của ông vẫn đọng lại nét cười. Ừ thì, thân thể này đã về quê mẹ. Tro cốt về dưới bàn thờ gia tiên để mãi mãi những người yêu mến ông đến đây chiêm bái và hòa đàn, ông vẫn có mặt ở đó mà vui vầy, rưng rưng trong cầm ca, nhịp phách. Một Thư viện Trần Văn Khê ngay tại tư gia, một bảo tàng lưu trữ hàng loạt tư liệu, những công trình nghiên cứu mà ông dành cả cuộc đời sẽ được thành lập. Người đã theo cánh nhạc đi xa trong buổi rạng sáng mưa đêm còn rả rích, nhưng ngọn lửa với tình yêu dân tộc mà ông truyền lại chẳng thể tắt ngấm đi mà càng bùng lên mạnh mẽ, rực rỡ...

GS.TS Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Năm 1941, ông đậu Tú tài rồi lên Hà Nội học trường Thuốc. Năm 1949, ông sang Pháp học Trường Chính trị Paris. Năm 1954, ông ghi danh vào học Khoa Âm nhạc Đại học Sorbonne. Năm 1958, ông trở thành Tiến sĩ người Việt Nam đầu tiên của Khoa Âm nhạc trường Đại học Sorbonne. Ông nguyên là Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của nước Cộng hòa Pháp; Thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO; 10 năm liền là Chủ tịch Ban tuyển chọn Quốc tế của Diễn đàn âm nhạc Châu Á;  Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm Khoa học, Văn Chương và Nghệ thuật Châu Âu và đảm nhiệm hàng loạt chức danh quan trọng khác. Vì sự đóng góp lớn lao, ông được tặng nhiều giải thưởng, huân chương, danh hiệu cao quý của Việt Nam và thế giới. GS. TS Trần Văn Khê đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) vào rạng sáng ngày 24/6/2015.

Mai Quỳnh Nga
.
.