Nhà văn đầu tiên viết bằng chân

Thứ Bảy, 22/07/2017, 08:23
Ngày 2-7-2017, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Văn hoá sáng tạo Trí Việt - First News đã tổ chức ra mắt cuốn tự truyện "Tâm huyết trao đời" của nhà văn - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Đây là món quà thiết thực, ý nghĩa Trí Việt tặng nhà văn - người đã viết nên những "huyền thoại bằng chân"  nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông.


Tôi có may mắn được NGƯT Nguyễn Ngọc Ký gửi tặng với lời đề nghị viết về cuốn sách nên đã đọc liền một mạch trong cảm xúc rất đặc biệt như thời học sinh đã từng ngấu nghiến đọc "Những năm tháng không quên" (sau đổi lại "Tôi đi học") dưới ánh đèn dầu trong căn hầm kèo chữ A những năm 70 của thế kỷ trước.

Càng đọc, tôi càng cảm nhận được tinh thần, nghị lực lan tỏa từ trang sách. Sau cuốn sách "Tôi đi học", "Biết học hết mình", "Lời vàng trao con" và bây giờ là "Tâm huyết trao đời" tôi được đồng hành cùng trang viết với nhà giáo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký - người đã viết nên những "huyền thoại bằng… chân".

Câu ca "khó đôi bàn tay" dường như không dành cho anh. Anh là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết tác phẩm bằng chân. Nhìn vào gia tài văn chương với 35 đầu sách, 3 lần nhận giải thưởng cuộc thi viết cho thiếu nhi thật nể phục. Những tự truyện của anh khiến người đọc xúc động bởi nó được chắt lọc từ chính cuộc đời, gắn với từng chặng đường đời không ít khó khăn, thách thức đến tận cùng số phận, như: "Những năm tháng không quên”, "Tôi học đại học".

Cuộc đời anh với những nỗ lực không ngừng đã là trở thành thần tượng của tuổi trẻ học đường: "Em Ký đi học" (tập đọc lớp 3 từ 1964 - 1983), "Anh Ký đi học"  (Kể chuyện lớp 4 từ 1983 - 2000), "Bàn chân kỳ diệu" (Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay). Trong tôi vẫn một niềm cảm phục, ngưỡng mộ vô cùng "Chàng Paven Việt Nam" với một thông điệp quan trọng đã truyền lửa cho bao thế hệ: "Bạn không thể thay đổi hướng gió, nhưng hoàn toàn có thể đổi vị trí cánh buồm" (Nic Peeling).

45 bài viết trong tự truyện như một cuốn "biên niên sử" cuộc đời gắn với nghề giáo, nhưng lại không giống ai vì chả bảng đen, không phấn trắng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, nghe lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Ngọc Ký mang bao hoài bão, ước mơ trở về quê hương dạy học. Không ai có thể tin và rất khó để tin anh có thể làm được nghề giáo. Bao thách thức chờ đợi anh từ bước đầu khởi nghiệp.

Đúng là "Vạn sự khởi đầu nan". Ngày đầu nhận việc, một cán bộ tổ chức của Ty Giáo dục Nam Hà đã trả lời thẳng thắn và khẳng định nghề giáo không hợp với anh: "Khó lắm! Anh dạy học thế nào được. Tôi khẳng định với anh, anh không thể nào dạy học được đâu". Kể cả sau này khi đã về nhận công tác thì phần lớn giáo viên vẫn không hết băn khoăn rằng anh sẽ dạy dỗ học sinh thế nào. Có người còn cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng ưu ái cho anh theo "diện chính sách" gọi là có "chỗ xếp lương chứ dạy dỗ gì…".

 Đúng là "Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy" (Nguyễn Khải). Cánh cửa này khép lại, có cánh cửa khác mở ra. Không đầu hàng số phận, Nguyễn Ngọc Ký vẫn kiên trì chờ đợi.

Bởi kiên trì, nhẫn nại là phẩm chất làm nên con người anh. Không phải quá lạc quan để không nhận ra  những cái khó đối với cậu sinh viên mà thầy Hoàng Như Mai rất thương quý, nể phục này. Nhưng với dự cảm nhìn xa, thầy đã nhìn thấy một gương mặt khác ẩn tàng trong một nội lực kỳ diệu. Và thế là thầy Hoàng Như Mai đã tin - tin như tin ở hoa hồng rằng cậu học trò ấy sẽ vượt qua, sẽ thành công và sẽ làm nên điều kỳ diệu như trên giảng đường đại học 4 năm qua đã từng là minh chứng thuyết phục.

Cơ sở của niềm tin ấy chính là ý chí, nghị lực, sự kiên trì, tính sáng tạo mà thầy nhận thấy ở Nguyễn Ngọc Ký. Cũng chính nhờ sự đề đạt của thầy (qua nhà thơ Việt Phương khi đó đang làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đến Thủ tướng, nên ngày 15/12/1970, Nguyễn Ngọc Ký đã có quyết định về dạy Văn tại Trường cấp 2 xã Hải Thanh. Cuộc đời anh gắn với nghề giáo cho đến năm 2005 (anh nghỉ hưu trước 2 năm vì sức khỏe yếu).

Từ lúc biết anh trên trang sách cho đến khi gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Ký ở Hội Nhà văn Việt Nam, tôi luôn một niềm cảm phục, ngưỡng mộ thường trực một tấm gương người thầy tỏa sáng lối sống đẹp, một nhà tư vấn tâm lý 1088 với hơn 1.500 cuộc nói chuyện về kỹ năng sống, gỡ rối cho bao học sinh gặp hoàn cảnh trắc trở, éo le; một nhà văn giàu nghị lực phi thường đã viết nên những trang sách bằng chính đôi chân…

Ngoài phần tự truyện cuộc đời dạy học, trong phần phụ lục, ba người con của thầy đều thành đạt, đều nối nghề cha. Thực sự cảm động khi chạm vào những dòng chữ thủ thỉ, ân tình, tri ân với đấng sinh thành của ba người con hiếu thảo. Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Hiệu trưởng Trường THCS An Nhơn (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) là con gái đầu lòng của bố Nguyễn Ngọc Ký. Chị đã viết về "Đôi bàn chân của bố" với bao điều kỳ diệu.

Bệnh tật có thể "bất công" với cha, nhưng không gì là không thể. Ngọc Ánh nhận thấy người cha đã dồn toàn bộ năng lượng từ tay chuyển cho chân: "Đó là đôi bàn chân làm nên những huyền thoại kỳ diệu; là bàn chân tưới rau, thái chuối, băm bèo, nấu cám; là bàn chân se chỉ luồn kim, may vá, thêu thùa; là bàn chân bày trò chơi "cất vó"; dùng chân tắm và thay quần áo cho mẹ; là bàn chân bận rộn làm việc trên máy vi tính…và cả cuộc đời cha đã viết tiếp bài ca nghị lực giữa vòng tay yêu thương của mọi người".

Cô con gái thứ hai: Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp) đã viết về đôi bàn chân đặc biệt của cha: "Lời ru ba cứ ngân nga/ Đưa con vượt những phong ba thác ghềnh/ Lòng ba sáng tựa trăng rằm/ Thương con ba chẳng ngại ngần việc chi/ Giặt đồ, thêu áo, thùa khuy/ Đôi chân ba mới diệu kỳ làm sao/ Mùa thi trời nóng biết bao/ Đôi chân ba quạt gió Lào cũng bay" (Bàn chân cha).

Còn kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh - cậu con trai út, hiện là giảng viên Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đã viết những vần thơ xúc động, ân tình tặng đấng sinh thành: "Thương mẹ những đêm thức canh con ngủ/ Thương cha dùng chân xay bột cho con/ Thương mẹ những đêm về khuya bán mua tần tảo/ Thương cha dùng chân đút cháo cho con".

Cuốn tự truyện mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký: “Tâm huyết trao đời”.

Từ cuộc đời nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký bước vào trang sách hết sức chân thực, tự nhiên, dung dị, nhưng rất đỗi phi thường. Chân dung anh hiện lên trong tự truyện như một biên niên cuộc đời. Thực tế cuộc đời nhà văn Nguyễn Ngọc Ký là minh chứng thuyết phục nhất rằng một người dẫu có khiếm khuyết về sức khỏe nhưng nếu biết khắc phục một cách thông minh thì vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội.

Kể từ năm 2005 đến nay, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký như một chiến binh dũng cảm chống chọi với bệnh tật chất chồng. Đã gần chục năm rồi, cứ mỗi tuần 3 lần anh phải chạy thận nhân tạo. Bệnh tật đã không khuất phục nổi anh. Là một nhà văn, anh miệt mài lao động sáng tạo. Là một nhà giáo nghỉ hưu, anh mang kiến thức, tình thương truyền lửa cho thế hệ trẻ kỹ năng sống tích cực.

Cuốn sách "Tâm huyết trao đời" là tự truyện một cuộc đời, một số phận cụ thể, nhưng hơn hết đây là một tác phẩm văn chương của một nhà giáo đam mê với nghề, một nhà văn đề cao lao động sáng tạo.

Ra đời vào thời điểm này, cuốn sách "Tâm huyết trao đời" đã mở ra một kênh thông tin nhân văn từ một nhà giáo và tự thân cuốn sách đã góp phần nhỏ bé mà quan trọng vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà với mục tiêu "Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả…

Tôi càng hiểu thêm một sự lựa chọn thông minh, một nghị lực phi thường đã kết tụ, tỏa sáng ở nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký - người cả đời viết sách, dạy học, làm việc… chỉ bằng chân. 70 tuổi đời, từ một cậu bé khuyết tật, Nguyễn Ngọc Ký đã nỗ lực vượt lên và làm thay đổi số phận để trở thành một nhà giáo ưu tú, một nhà văn Việt Nam, một nhà tư vấn tâm lý hết lòng với học sinh".

Người viết lời giới thiệu mới làm nhiệm vụ khơi mở vài lớp quặng thô ngoài "mỏ vàng" của cuốn sách. Thông điệp từ cuốn sách đầy tâm huyết của một nhà giáo, một nhà văn sẽ mang đến điều kỳ diệu "ba trong một".

Nếu bạn đọc muốn biết thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã làm thế nào để viết được bằng bảng, đã bỡ ngỡ thế nào tiết lên lớp đầu tiên? Đã có phương pháp nào làm chủ nhiệm lớp? Tại sao mỗi tiết dạy là mỗi thử thách với thầy? Cách soạn bài theo mô hình Một-Ba công phu và tiêu tốn nhiều thời gian, tâm lực của thầy? Đỉnh Everesst nào thầy đã vượt qua?…Và tình yêu của thầy đã được nhà thơ Đoàn Văn Cừ ủng hộ ra sao? Câu trả lời cho nhận xét của nhà thơ Y Phương rằng nhà văn Nguyễn Ngọc Ký là người đàn ông "đào hoa nhất" Hội Nhà văn Việt Nam?…

Cuốn sách "Tâm huyết trao đời" sẽ là câu trả lời cho tất cả những điều kỳ lạ trong cuộc đời của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký - người đã lập kỷ lục Việt Nam "Người thầy đầu tiên, nhà văn Việt Nam đầu tiên viết tác phẩm bằng…chân".

Lê Thị Bích Hồng
.
.