Nhà văn của "núi cả, cây ngàn"
Nhà văn Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Cụ thân sinh ra ông là một điền chủ yêu nước, từng có hàng trăm hécta ruộng màu mỡ ven sông Tiền. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ đã hiến tất cả tài sản ấy cho chính quyền mới, trong đó có chỗ hiện là trụ sở UBND huyện Châu Thành.
Thuở nhỏ, Đoàn Giỏi học ở Trường Trung học Mỹ Tho, sau theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Tư chất nhà văn trong ông bộc lộ sớm. Ngay từ năm 1943, ông đã chuyển từ cây cọ, bảng màu sang trang giấy, cây bút. Truyện ngắn đầu tay của Đoàn Giỏi "lọt mắt xanh" của nhà văn Hồ Biểu Chánh, được Hồ Biểu Chánh chọn đăng trên tờ Nam Kỳ tuần báo. Từ đây, hễ viết được truyện nào, cây bút trẻ đều đưa bậc đàn anh "duyệt trước". Trong thâm tâm, Đoàn Giỏi luôn xem Hồ Biểu Chánh là người thầy văn chương đầu tiên của mình.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Đoàn Giỏi đã có lối rẽ bất ngờ: Ông vào công tác trong Lực lượng Công an. Có thời kỳ, ông là Trưởng Công an huyện Châu Thành. Về những kỷ niệm liên quan đến giai đoạn này, bạn bè Đoàn Giỏi còn nhớ mãi một chuyện: Có lần, ông đã "lên lớp" một người khách (bị anh em du kích tình nghi giữ lại) là "chỉ có theo thực dân đế quốc mới ăn mặc như vậy" vì thấy người khách này ăn vận quá sang trọng. Đâu hay đó chính là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang cải trang để ra vùng kháng chiến theo lời mời của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Sự năng nổ, nhiệt tình trong công việc đã khiến ông có lúc "thất thố" như vậy. Điều rất lấy làm vui là sau này, khi nhà văn Đoàn Giỏi chuyển ra công tác ở Hà Nội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (bấy giờ là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) đã chủ động mời ông tới chơi, ân cần hỏi thăm đời sống, công việc...
Nhà văn Anh Đức vẫn còn nhớ như in ngày ông là một cậu bé 14 tuổi, được gặp chàng thanh niên Đoàn Giỏi hơn ông chục tuổi: "Tôi từ một trường trung học kháng chiến ra, về công tác tại Ty Thông tin tỉnh Rạch Giá, vừa lúc anh Đoàn Giỏi từ Mỹ Tho về lãnh chức Phó trưởng Ty Thông tin ấy. Ngay từ hồi trẻ anh đã có vóc dáng đậm đạp, cái ống "píp" luôn phì phèo trên miệng".
Nhà văn Đoàn Giỏi (bên phải) giả gái trong một vai diễn cùng nhà thơ Nguyễn Bính thời kháng chiến chống Pháp. |
Về ngoại hình của Đoàn Giỏi, qua lăng kính của nhà văn Anh Đức thì có vẻ "tay chơi", "anh hai" vậy, song qua trí nhớ của nhà văn Hoàng Tấn thì lại hóa rất hiền lành, thư sinh. Âu cũng là sự phong phú, đa dạng của một nhà văn. Hoàng Tấn kể: "Ít hôm sau, chúng tôi được may mắn tham gia buổi lễ phong quân hàm cho Trung tướng Nguyễn Bình, được cử hành trọng thể giữa chiến khu Đồng Tháp Mười do các đồng chí lãnh đạo Khu và Trung ương Cục chủ trì... Sau những bài hát, bản nhạc có xen kẽ tiết mục ngâm thơ và độc tấu là vở kịch thơ "Áo đêm trăng" - "cái đinh" của đêm văn nghệ. Đây là một sáng tác mới, còn chưa ráo mực của Nguyễn Bính. Ngoài các nhân vật phụ, hai nhân vật chính là cô nữ cứu thương và người yêu của cô là anh bộ đội. Chiếc áo cô may tặng anh cho bớt lạnh khi xông pha trận mạc, là nội dung chính của vở kịch. Nguyễn Bính - tác giả thủ vai chính, còn nhà văn Đoàn Giỏi thì giả gái, đóng vai người nữ cứu thương. Dạo ấy tác giả của "Đất rừng phương Nam" đang ở tuổi đôi mươi, đẹp trai nên khi giả gái trên sân khấu ai cũng nhầm là phụ nữ thiệt, chỉ đến lúc Đoàn Giỏi cất tiếng ngâm bài "Tống biệt" thì thiên hạ mới vỡ ra...".
Năm 1951, Đoàn Giỏi về công tác tại Hội Văn nghệ Nam Bộ và là thành viên của Hội đồng biên tập tạp chí Lá Lúa. Công việc mới đã khơi lại mạch nguồn sáng tác nơi ông, khiến ông cầm bút trở lại.
Năm 1954, Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc. Những ngày hòa bình lập lại, Đoàn Giỏi đã gây ấn tượng mạnh với độc giả đất Hà thành qua bài ký "Đèn tôi bay về Lục Hồ Chí Minh" với một phong cách mới lạ. Tiếp đó là sự ra đời của hàng loạt tác phẩm thú vị về mảnh đất phương Nam nắng gió. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, sau khi đọc một số truyện ngắn, bút ký của Đoàn Giỏi, đã phải thốt lên: "Thấy có vảy, có cựa, có mã rồi đấy".
Đoàn Giỏi hút hồn người đọc bởi những trang văn đặc sắc, ngồn ngộn chất liệu, hơi thở của một vùng sông nước hiện còn bị chia cắt, không mấy người tiếp cận được. Ông lại là người con của vùng đất ấy viết về nơi chôn nhau cắt rốn của mình nên trang văn của ông luôn phập phồng cảm xúc và thực sự có sức nặng. Chẳng thế mà đọc truyện ngắn "Cây đước Năm Căn" của Đoàn Giỏi, nhà thơ Xuân Diệu, người mặc dù chưa đặt chân tới Năm Căn bao giờ đã xúc cảm viết nên bài thơ "Bà má Năm Căn" rất cảm động.
Trong sự nghiệp không lấy gì làm "đồ sộ" của Đoàn Giỏi, tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" là tác phẩm nổi bật nhất. Cuốn sách có lối hành văn theo kiểu chương hồi, dễ đọc, dễ hiểu, đề cập tới cuộc sống của nhiều tầng lớp người hoạt động suốt hai triền sông Tiền và sông Hậu, vào đến rừng U Minh, xuống tận mũi Cà Mau, với rừng tràm bạt ngàn, dòng sông dạt dào tôm cá... Mượn câu chuyện về một cậu bé bị lưu lạc trong kháng chiến chống Pháp, Đoàn Giỏi đã tái tạo lại bối cảnh sông nước, con người của một thời còn nhiều sơ khai. Có thể nói, "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam Bộ thu nhỏ.
Tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" sau này đã được Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh chuyển thể thành phim "Đất phương Nam" dài 11 tập do tác giả Nguyễn Vinh Sơn viết kịch bản và làm đạo diễn. Bộ phim sau đó đã được xuất khẩu sang Mỹ và được đông đảo khán giả Mỹ đón nhận.
Trước đấy nhiều năm, tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" đã được dịch sang các thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha... và được độc giả các nước này nồng nhiệt đón nhận. Ngoài tác phẩm trứ danh kể trên, Đoàn Giỏi còn có cuốn tiểu thuyết (cũng viết cho thiếu nhi) "Cuộc truy tìm kho vũ khí" (in năm 1962) được dịch sang tiếng Hungary và, không dừng ở đấy, sách còn được Đoàn Thanh niên Hungary tổ chức "Cuộc thi tìm hiểu và phân tích những nhân vật trong tác phẩm". Đoàn Giỏi trở thành một trong những "đại sứ văn học" xuất sắc của Việt Nam ở nước ngoài.
Nhà văn Anh Đức từng khâm phục nhận xét rằng: "Thật tôi chưa từng thấy ở nước ta có một nhà văn nào như anh, say mê yêu mến thiên nhiên động vật, đến độ có cả một kho tư liệu ghi chép tỉ mỉ, đủ sức để viết dài dài loại truyện này. Có lúc hàng giờ anh say mê kể cho tôi nghe về đời sống của loài cọp, loài sấu, loài tê giác và loài cá. Có một lần, tôi tỏ ý hoài nghi về cái chi tiết anh viết trong tập "Chuyện lạ về cá", trong đó anh tả một máy bay đồng minh bị Nhật bắn cháy, viên phi công nhảy dù rơi xuống vùng biển Hải Phòng thì cá mập ở dưới biển giăng ra đón viên phi công tợ hình như những nan hoa xe đạp. Nghe tôi hơi ngờ ngợ vụ đó, anh Đoàn Giỏi vung tay, la lên:
- Mầy không tin hả? Tao bảo đảm trăm phần trăm đúng y như tao viết. Đây, mày ngồi đợi đó, để tao đi lấy tài liệu cho mầy coi!".
Nhà báo Hàm Châu cũng cho biết: "Nhà văn Đoàn Giỏi, tác giả của "Đất rừng phương Nam" và "Tê giác trong ngàn xanh" đã lấy làm bực dọc khi đứa cháu mình hỏi hàng trăm câu hỏi về các loài muông thú. Nhà văn tâm sự: "Buồn thay, tôi chỉ là một nhà văn. Giá như tôi có được một phần nhỏ kiến thức của ông Đào Văn Tiến - nhà động vật học lỗi lạc đầu tiên từ thời Pháp thuộc - thì con bé nó sẽ mê và phục ông nó phải biết".
Những ngày cuối đời, sức khỏe của nhà văn Đoàn Giỏi có những diễn biến bất thường. Bởi vậy, đi đâu ông cũng mang theo bên mình đề cương cuốn tiểu thuyết "Núi cả cây ngàn" kể về cuộc đời một cô gái bị bỏ rơi trong rừng sâu và nhân đó, phản ảnh lại cuộc chiến đấu của người dân Nam Bộ chống thực dân Pháp những ngày đầu chúng đặt chân lên đất nước ta.
Cuốn sách hứa hẹn là một "Đất rừng phương Nam" thứ hai. Tiếc thay, do chứng bệnh gan hành hạ nên Đoàn Giỏi đành để tác phẩm rơi vào tình trạng mãi mãi chỉ là... đề cương phác thảo.
Nhà văn Đoàn Giỏi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 2/4/1989 tại TP HCM. Ngày 7/4/2000, UBND TP HCM đã ra quyết định đặt tên Đoàn Giỏi cho một con phố thuộc quận Tân Phú. Tại Tiền Giang quê hương nhà văn, hiện cũng có một ngôi trường THCS mang tên Đoàn Giỏi