Nhà văn Vũ Hùng: Ông lão của rừng xanh

Thứ Năm, 08/02/2018, 09:17
87 tuổi, ông vẫn cầm bút viết. Tựa như cái tuổi chẳng hề hấn gì khi tiếng trẻ con còn ríu rít vây quanh. Chúng thích thú với những trang sách của ông, tròn mắt trước thế giới hùng vĩ của đại ngàn, với bầy thú hoang dã đáng yêu đầy tình cảm. Bởi ông là nhà văn của thiên nhiên và muông thú, nhà văn của trẻ thơ - thuở hoang sơ của loài người.


Ngày 4-2, bộ 18 tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải "Sự nghiệp Văn học" tại "Lễ Trao giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2017 và kết nạp hội viên mới". Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: "Cả đời nhà văn Vũ Hùng theo đuổi đề tài dành cho thiếu nhi. Văn chương của ông xuất sắc, chân thực về thiên nhiên và những con vật. Tất cả truyền đi bài học giáo dục gần gũi mà sâu sắc đến thế hệ tương lai". Năm 2016, bộ sách này cũng giành giải "Sách hay" của Hội Xuất bản Việt Nam.

Cuối năm 2014, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ký độc quyền phát hành 18 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng ngay sau khi ông về nước định cư. Nhiều tác phẩm từng là sách gối đầu giường của bao lớp thế hệ thiếu nhi như "Sao Sao", "Mùa săn trên núi", "Sống giữa bầy voi", "Con culi của tôi"… Trong đó có hai tác phẩm đoạt giải thưởng viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam là "Sao Sao" (năm 1982) và "Sống giữa bầy voi" (năm 1986).

Những năm sinh sống ở Pháp, tác phẩm của Vũ Hùng ít đến được tay người đọc, thì lần trở về này, ông đem theo gia tài hơn 40 đầu sách cho thiếu nhi, nhiều cuốn đã được dịch ra tiếng Anh, Hoa, Pháp. Thế giới truyện của Vũ Hùng không chỉ hấp dẫn trẻ thơ mà còn mời gọi cả người lớn. Bởi ở đó không chỉ có chuyện về các con vật mà còn là chuyện của loài người phản ánh qua lăng kính thiên nhiên.

Với trẻ em, con vật luôn là những người bạn mà chúng luôn muốn tò mò khám phá. Cái bản nguyên sơ khai và kỳ thú của loài người.

Nhà văn Vũ Hùng tặng sách cho thiếu nhi.

Đọc Vũ Hùng, người ta cứ ngỡ ông là nhà động vật học. Bởi khó có ai hiểu rõ tâm tính, cách hành xử, thói quen của từng loài như ông. Voi, gấu, khỉ, hoẵng, nai, ngựa, culi… lần lượt trở thành nhân vật chính trong các tác phẩm. Đó là cuộc hành trình của một chú chó nhỏ trong rạp xiếc tìm về nơi nó đã ra đi. Hay cuộc phiêu lưu tìm đồng cỏ mới cho gia đình của chú hươu Sao Sao… Là chuyện chú voi con lạc đàn, chuyện chú culi nhút nhát của anh chiến sĩ… 

Người ta thú vị khi ông kể về tiếng kêu của bầy hoẵng: "Nếu trời nắng đẹp, cả nhà hoẵng kêu những tiếng vang rền. Chiều nào họ đứng bên nhau, tai dựng thẳng, mắt ngước nhìn mây bay, con nọ tiếp con kia kêu những tiếng lo âu thì ngày mai trời sẽ đổ mưa" (trích "Sao Sao"). Con voi tuy thô kệch, vụng về, nhưng Vũ Hùng cảm phục tình đoàn kết, yêu thương của loài vật đồ sộ này: "Mấy ngày trước khi tôi ra đời, bầy đàn của chúng tôi đã đi về phía những cánh rừng hoang không hơi hướng con người. Các bác voi đực chuẩn bị nơi nằm ổ cho mẹ tôi rất chu đáo. Họ xếp thành hàng ngang, quét một vùng rất rộng. Bọn thú dữ và rắn độc bị xua bạt đi xa...". 

Nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, nếu chỉ hiểu rõ tập tính của mỗi loài, hẳn nhiên Vũ Hùng không thể có những trang văn rất đẹp, từng lời êm nhẹ thấm sâu vào lòng người. Vậy cớ gì, một anh quân báo áo sặc mùi khói súng lại có những tác phẩm trong sáng, chuẩn mực và dung dị như thế?

Tựa hồ chiến tranh không tồn tại, bàn tay thô kệch rớm máu không hề vấy lên đóa lan rừng tỏa hương, lên bộ lông con thú bé nhỏ? Ở Vũ Hùng, tình yêu và sự rung cảm sâu nặng, nguyện sống nguyện chết với núi rừng, trăn trở trước sự tồn vong của muôn loài mới cho ông những áng văn mê lòng đến vậy.

Ông bảo rằng chính chiến tranh đã tạc nên tâm hồn tưởng chừng đối lập với nơi sinh ra nó. Chiến tranh có thể làm cho người ta trở nên lạnh lùng, vô tình trong hận thù nhưng cũng khiến cho con người ta nhạy cảm, nâng niu cuộc sống. Mang trong mình nét thanh lịch của người Tràng An, chàng trai chuyên khoa Toán 19 tuổi Vũ Hùng xếp bút nghiên đăng ký vào quân ngũ.

Tốt nghiệp khoa Thông tin, Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, ông được phân công phụ trách điện đài phục vụ một trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Trong lòng dãy Trường Sơn và vùng đồng bằng sông Mê Kông, đôi chân anh quân báo "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" đã mải miết khắp rừng sâu núi thẳm, cùng ăn cùng sống với bản làng người dân xứ Triệu Voi. Cuộc sống của dân làng rất gần gũi với thú vật. Có người còn nuôi trăn cho chúng bắt chuột, nuôi gấu để chúng chơi với trẻ em.

Một lần, các quản tượng Lào tặng cho bộ đội Việt Nam vài con voi để lập đội vận tải. Lý lịch của từng con được người quản tượng ghi tỉ mỉ trong chiếc lá cọ khô. Vũ Hùng vô cùng ngạc nhiên khi bản lý lịch của con nào cũng đẹp như mơ. Anh vẫn nghe dân làng kể khi không ai coi sóc, lũ voi vẫn lên nương bẻ ngô trộm.

Người quản tượng cắt nghĩa: "Đời con voi dài hơn đời quản tượng. Nó sẽ nhiều lần đổi chủ. Người ta ghi những điều tốt lành của nó trong "lý lịch" cốt để người chủ sau tin tưởng và tự hào vì nó, yêu thương săn sóc nó hơn". Sống cùng quản tượng và bầy voi, ông dần am hiểu đặc tính của loài vật này. Vậy nên không ngoa khi có người cho rằng viết về voi không ai qua mặt được Vũ Hùng. Có nhiều tác phẩm của ông mà voi là nhân vật chính như: "Bầy voi đen", "Con voi xa đàn", "Sống giữa bầy voi", "Người quản tượng và con voi chiến sĩ"...

Trong mỗi chuyến hành quân, bộ đội luôn có người bản địa đưa đường. Họ là những ông già nhắm mắt vẫn thuộc đường ngang lối tắt. Đêm, họ nhóm lửa, vừa nướng thịt vừa kể về những câu chuyện của đại ngàn. Họ giúp Vũ Hùng góp nhặt được nhiều kiến thức về các loài. Nó thấm dần, làm đầy vốn sống của ông, mê hoặc người trai trẻ để rồi những lúc rảnh rỗi, ông ghi lại, làm nên những tác phẩm bầu bạn với trẻ thơ.

Một số tác phẩm văn học thiếu nhi tiêu biểu của nhà văn Vũ Hùng.

Hòa bình, đôi lần ghé lại cánh rừng xưa, ông đau xót khi chốn cũ người xưa đã không còn như trước. Nỗi nuối tiếc rừng xanh quyến rũ với bao con vật ngơ ngác chưa biết tiếng chân người càng thôi thúc ông viết để lưu giữ lại khoảng xanh biếc ngày nào. Ông sợ tuổi già dễ quên.

Người ta thường coi luật rừng là luật kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu. Nhưng với ông, luật rừng trước hết là sự khôn ngoan để duy trì nòi giống. Thứ hai là cố gắng thay đổi các tập tính để thích nghi với hoàn cảnh. Luật rừng thứ ba là giữ gìn sinh cảnh, không con thú nào tàn phá môi trường nó sinh sống.

Luật rừng thứ tư là luật cứu giúp, cưu mang. Ông hiểu mỗi con vật đều biết vui, biết buồn, chúng có tình yêu tình bạn… Quy luật của tự nhiên duy trì một trật tự ổn định như tạo hóa đã sắp đặt. Con vật có quyền sống, có quyền mưu cầu hạnh phúc của nó.

Vũ Hùng tâm sự rằng, trong các tác phẩm của mình, ông luôn hướng người đọc về một cộng đồng thân thiện.  Ở đó con người và muôn loài sống chan hòa với nhau. Yêu thương con vật không phải là tìm cách bắt nó ở cạnh bên mình. Không sinh linh nào muốn mất tự do.

Trang viết của Vũ Hùng đưa con người về với lời can: đừng tìm cách chinh phục thiên nhiên mà hãy sống hài hòa với thiên nhiên, chủ động xây dựng một hoàn cảnh sống yên ổn, phù hợp với lợi ích cộng đồng. Có vậy Mẹ Thiên nhiên  - chiếc nôi của loài người - mới trường cửu.

Có nhiều nhà văn viết về thiên nhiên và muông thú cho thiếu nhi nhưng Vũ Hùng vẫn tạo lập được chỗ đứng riêng trong lòng bạn đọc. PGS.TS Đoàn Trọng Huy cho rằng: "Vũ Hùng kết hợp được hai đề tài trong truyện viết cho thiếu nhi. Đó là thiên nhiên, muông thú trên nền của truyện đường rừng. Nhà văn đã lồng vào đó cái nét bí ẩn, mạo hiểm rừng núi của Lan Khai, Lê Văn Tương, lại có nét phong tục kỳ lạ vùng dân tộc của Tô Hoài.

Ẩn sau tất cả những truyện về mảng đề tài này là chủ đề lớn mang tính khoa học và triết học". Vũ Hùng nhìn thấy ở loài ong lòng đoàn kết, nhìn thấy ở con culi là tình bạn khăng khít với anh chiến sĩ. Ông nhìn thấy ở bầy cò lòng thủy chung son sắt với bạn đời, ở loài chim sẻ là nghĩa tình hiếu để. 

Trong một truyện khác, Vũ Hùng viết rằng khi quan quân triều đình đem các nén vàng yêu cầu huấn luyện các Ông Voi cách phanh thây tử tù, thì "thoạt nghe viên quan trang trọng gọi con voi là Ông, các quản tượng cười rộ, vừa ngạc nhiên vừa vui thích. Nhưng nghe hết câu chuyện thì mọi người đều kêu lên bất bình. Họ trả lại tiền cho khách, trả cả năm nén vàng.

Người chủ làng trả lời: "Không! Không bao giờ như thế đâu! Chúng tôi chỉ dạy con voi làm việc. Không quản tượng nào trong làng dạy con voi giết người". Trong suốt nghiệp văn, Vũ Hùng luôn tâm niệm nếu đã theo đuổi nghề thì hãy bền bỉ phụng sự cái Đẹp Nhân Văn, cái Đẹp ấy mang trong bản thân nó cái Tốt lành.

Mai Quỳnh Nga
.
.