Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân: Miền đồng dao xanh biếc từng trang viết

Thứ Ba, 02/10/2018, 07:23
Tựa khúc đồng dao, văn của chị trong veo ánh nhìn trẻ thơ trên con đường chang chang nắng, đếm tiếng lục lạc nghễu nghện. Đồng cỏ bát ngát quê nhà với muôn loài côn trùng rỉ rả và sắc hoa dại trải dài như một miền ký ức, êm êm mà nỗi nhớ chực rưng rưng.


“Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây” của nhà văn Trương Huỳnh Như Trân vừa đoạt giải Sách hay 2018 ở hạng mục sách thiếu nhi. Đó là tập hợp tản văn chiêm nghiệm từ những thứ bé nhỏ, xinh xinh trong đời sống mà người mẹ dành tặng con gái.

Tuổi thơ mẹ ùa về, hòa vào tuổi thơ con, nhìn cái nay mà hoài nhớ cái xưa. Đó là bóng nắng trong vườn, là chậu vạn thọ ngày Tết, là khu vườn mini trên ban công chung cư, là đèn trung thu nan tre, là miếng khoai mì, cây kẹo bông, xác phượng hồng, rổ rá đan tre, cái bếp tro có chú mèo lười…

Mảnh vườn ấu thơ ngày xa xưa của người mẹ là điểm tựa, là ngọn hải đăng chỉ dấu quay về cho những cánh buồm mơ ước của con. Xuyên suốt tập sách, xuyên suốt cảm hứng sáng tạo là những mơ ước đầu đời chị muốn nói cùng con.

Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân.

Mỗi tản văn như một nụ hoa dại bung nở. Bé nhỏ, giản dị thôi nhưng làm người ta xốn xang bao nhiêu kỷ niệm từ thời khốn khó và thiện lành. Như Trân muốn, dù nhắc về trời quê lộng gió hay góc phố ồn ã, thì ở đó cũng gieo những giọt nước trong vắt làm nảy lên hạt mầm thiện. Khi người ta quá buồn, người ta có thể suy nghĩ tiêu cực, dễ cáu bẳn và làm tổn thương đến người khác.

Lúc ấy, hãy đứng dậy như một nhịp chặn lại nỗi buồn. Và tưới cho một cái cây để những giọt nước tuôn ra là lúc nỗi buồn theo nước trôi đi, vơi bớt phần nào. Và “để thấy rằng còn có ai đó cần mình. (…) Nỗi buồn là tất yếu, và cũng sẽ tất yếu tan mau, chỉ cần mình khéo một chút, kiên nhẫn một chút thôi”. Câu chuyện mang tính triết lý ấy lại từ một tình huống “buồn vì bạn không chơi với con” của cô con gái ba tuổi bé bỏng.

Chị khuyên con khi buồn, hãy tưới nước cho một cái cây như dặn lòng mình đang lắm muộn phiền, dặn cho cả những người chìm lấp trong nỗi buồn trăm năm. Sách dành cho thiếu nhi nhưng phụ huynh vẫn có thể tìm thấy ở đó bao nhiêu điều mà họ cần làm cho con, để hiểu con hơn, cho con lớn lên với một khung trời dung dị mà đáng sống.

Nghé là tên con gái chị, gọi thân mật. Như Trân đặt tên cho con như để giữ gìn về một miền tuổi thơ đã xa. Nghé năm nay 9 tuổi. Tuổi ấy, chị đã phải từ giã bầy mèo nhỏ, từ giã căn nhà ván liêu xiêu, từ giã đồng ruộng… xứ Tân Nghĩa, Hàm Tân, Bình Thuận để theo cha mẹ di cư vào Bình Phước. Hàng ngày, cô bé 9 tuổi vẫn thường đi chăn bò phụ cha mẹ.

Suốt ngày, cô bé cứ la cà cùng bầy cào cào, châu chấu, kiến và muôn lũ côn trùng đủ sắc trên cánh đồng. Như Trân coi muôn loài là bạn để cùng ngân nga khúc đồng dao mùa hạ. Cô lấy hoa dại làm vòng hoa cô dâu, lấy lá mít làm con trâu, cái chén… Đôi mắt chú nghé làm Như Trân cực thích. Đôi mắt mở to, long lanh cái nhìn ngây thơ tuyệt đối, vương vít đồng nội. Khi có con, cô đặt ngay tên con là Nghé.

Cô cũng yêu bầy mèo như những người bạn không thể thiếu để tâm sự bên thềm nhà mỗi khi chờ mẹ đi chợ về. Rời  Bình Thuận, bỏ lại bầy mèo, cô bé khóc không chịu nín. Thương con gái, ba cô lặn lội đi xe máy về quê cũ để chở nguyên bầy mèo về đất mới đoàn tụ. Yêu mèo là thế, nhưng thấy chú bắt chim sẻ hay thằn lằn, Như Trân vẫn phải ra tay cứu bằng được. Ở cõi tạm này, loài nào mà chẳng có linh hồn, loài nào chẳng biết đau, biết buồn? Cả một cái cây, một đóa hoa cũng thế…

Trang văn Như Trân dành trọn cho ấu thơ và muôn loài. Trẻ em và thiên nhiên gắn bó với nhau mật thiết dệt nên cái nôi của cuộc sống. Trương Huỳnh Như Trân là nhà văn của trẻ em. Chị nổi tiếng với các tác phẩm như: “Khu rừng bánh kem”, “Cuộc phiêu lưu của bồ công anh”, “Chuyện ở rừng Vi Vu”, “Cùng Mi và Nô học lễ giáo”…

Với Như Trân, văn chương là định mệnh, dù chị từng cố chối bỏ. Học văn xuất sắc những năm phổ thông nhưng Như Trân luôn bị bạn bè coi là đồ lập dị. Người ta hay bĩu môi với những trang viết đầu tay lãng đãng và non nớt khiến chị cảm thấy văn chương bị coi rẻ.

Dẫu có nhiều tác phẩm được đăng báo, đoạt giải thưởng ngay từ thuở học trò, nhưng Như Trân trốn chạy “người tình văn chương” để đến với ngành Du lịch. Cuộc đời đưa đẩy lại buộc chị phải “kết hôn” người tình ấy và đồng hành hết kiếp. Chị viết nhiều thứ, dấn thân vào nhiều thể loại, từ những bộ truyện sử Việt đến kịch bản phim.

Chỉ đến khi có Nghé, chị mới nhận rõ rằng mình hợp với văn chương thiếu nhi. Như Trân đọc rất nhiều sách thiếu nhi cho con khi Nghé vẫn là một sinh linh trong bụng mẹ. Chị đọc “Hoàng tử bé”, “Những ngôi sao trong mưa”, “Truyện cổ Andersen”…

Đọc để âm điệu du dương của văn chương, của cái đẹp thấm vào tiềm thức trẻ. Nghé ra đời và lớn dần theo năm tháng, bà mẹ trẻ bận rộn với việc tìm đầu sách phù hợp cho con. Càng tìm, Như Trân càng lo lắng vì sách dành cho thiếu nhi vẫn chủ yếu là sách dịch, các tác giả trong nước rất hiếm, nhất là tác phẩm cho trẻ từ 1 đến 6 tuổi. Cực hiếm, không như dòng văn dành cho lứa tuổi mới lớn hoặc từ 10 tuổi trở lên.

Một số tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn Trương Huỳnh Như Trân.

Đọc sách nước ngoài, Như Trân tự hỏi rõ ràng nhà văn Việt Nam vẫn có thể làm được tác phẩm hay như thế mà tại sao không làm? Tự ái sáng tạo nổi lên, chị bắt tay viết. Trước tiên là viết cho riêng con, sau dành cho mình và dành cho các bạn đọc nhỏ tuổi. Được tham gia khóa workshop của nước ngoài nói về cách kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo cho thiếu nhi, Như Trân hiểu rằng viết cho thiếu nhi thì cần gợi mở và gần gũi để trí tưởng tượng của các em bay xa chứ không phải nhồi nhép logic lý trí, bài học giáo điều khô khan kiểu người lớn.

Chị nương theo câu chuyện và ước mong của con gái để viết nên bao mẩu chuyện bé xinh, mộng mơ đầy hồn nhiên như: ngắm đám mây xếp hình trên trời, chiếc váy mới màu cầu vồng, cái răng sữa sắp rụng, thổi nến ngày sinh nhật.... với giọng văn cực kỳ trẻ con, thấm đẫm tình cảm.

Nghé là cảm hứng, là bạn đọc và cũng là nhà phê bình đầu tiên của mẹ. Đôi khi chỉ là những câu chuyện mà người lớn vẫn cho là ngô nghê, con nít con nôi như thế lại là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và giấc mơ trẻ thơ. Văn chị du dương giàu nhạc tính, ý tứ nhảy cóc hồn nhiên vô trật tự, chập chờn như trạng thái lúc sắp chìm vào giấc ngủ của trẻ con. Tất cả mang đậm chất đồng dao mà lũ trẻ vẫn nghêu ngao mọi nơi mọi lúc.

Có người thắc mắc, sao Như Trân chỉ viết toàn những điều giản dị, bé mọn quá, sao không viết sắc sảo lên, gai góc lên về hiện thực xã hội bây giờ. Như Trân lắc đầu: “Tôi thích những gì nhẹ nhàng, nhỏ nhỏ xinh xinh và lãng đãng mộng mơ như con nít vậy thôi. Văn chương của tôi không thể bạo liệt được. Viết về những điều đó, mình chịu không nổi sự đau đớn. Văn chương của tôi dù có nép mình như hoa dại ven đường thì tôi cũng nguyện làm đóa hoa dại đó để nẻo đường trẻ thơ thêm trong trẻo”.

Ngoài viết văn, Như Trân còn lập công ty Sách Nghé để mang đến những đầu sách hay cho độc giả, đặc biệt là sách thiếu nhi. Con đường ấy gian khó, chông gai nhưng chị tin mình sẽ bắt đầu thay đổi nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của sách với thiếu nhi. Chị chạnh lòng khi nhiều người vẫn nhìn con chị ham đọc sách như một hiện tượng lạ trong khi việc con họ dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng là chuyện thường.

Đồng hành cùng tuổi thơ của Nghé, Như Trân tiếp tục viết theo từng nấc tuổi con. Đó có thể là tác phẩm văn học tuổi teen, là tuổi đôi mươi với trăn trở vào đời. Nhưng có một điều chị luôn chắc chắn: ngòi bút dành cho tuổi ấu thơ vẫn không ngừng nghỉ. Bởi vì ở nơi đó chị mới thực sự sống với tuổi thơ của mình một lần nữa. Qua ô cửa dĩ vãng, ngày xanh ấy càng lóng lánh trong ngần…

Mai Quỳnh Nga
.
.