Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Mừng tuổi 70 với… 7 đầu sách

Thứ Bảy, 25/08/2018, 07:59
Cũng là một cách kỷ niệm tuổi 70 rất chi là độc đáo của Nhà xuất bản Trẻ tặng cho lão nhà văn Trung Trung Đỉnh. Bày biện trong lễ sinh nhật mừng tuổi “thất thập cổ lai hi” bằng 7 đầu sách mới ra lò, còn thơm mùi giấy mực để bạn hữu văn chương đến chung vui chắc chắn sẽ làm nên một tiệc tri ân nhớ đời của lão nhà văn ham làm mà cũng ham chơi này.


Nhân sự kiện trên, Báo Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với ông.

- Chào nhà văn Trung Trung Đỉnh, tiệc mừng sinh nhật lần thứ 70 của ông vừa độc đáo vừa hoành tráng vì đây cũng là buổi lễ ra mắt 7 cuốn sách của ông. Có thể gọi là đại lễ mừng thọ văn chương hay một cuộc tổng kết đời văn của Trung Trung Đỉnh chăng?

+ Tôi từ bé đến giờ chưa làm sinh nhật lần nào. Tôi không có ý định tổng kết chi cả vì tôi là người lao động bình thường, lại có máu ham ăn, ham chơi, lười làm, biếng nhác, chả có gì đặc biệt mà tổng kết tổng cò. Giời thương, đời thương cho tôi leo lên nấc thang thứ 70 của cuộc đời sau cuộc lội ngược dòng vượt qua bạo bệnh nên mọi chuyện trở nên nhẹ nhõm, xả hết được thói nghiêm trọng. Sách của tôi còn chừng ấy cuốn nữa chưa in cùng 7 cuốn này, vì bản quyền còn nằm trong tay nơi khác. Vậy tiện thể nhân tuổi đời lên “bẩy sọi" thì tôi in bẩy cuốn sách làm kỷ niệm tuổi văn cho vui thôi.

- Cơ duyên nào Nhà xuất bản Trẻ in cho ông một lúc 7 đầu sách nhân dịp ông 70 tuổi? Ý tưởng ra một lúc 7 đầu sách là của ông hay do NXB Trẻ gợi ý?

+ Chuyện đơn giản và gọn nhẹ, tôi được các bạn NXB Trẻ quan tâm in tái bản cho 5 cuốn tiểu thuyết "Lạc rừng"; "Lính trận"; "Sự sống còn lại"; "Ngược chiều cái chết"; "Tiễn biệt những ngày buồn" và hai cuốn mới, ấy là một tập bút ký và tản văn có tên “Những khoảnh khắc đời người” và một tập chân dung bạn bè văn nghệ sĩ có tên vui vui: “Nhà văn thì phải biết đùa”. 

Tôi thấy các bạn Nhà xuất bản Trẻ cũng không có ý gì to tát. Thấy sách của tôi lâu nay in lắt nhắt ở các nơi, tái bản hoài mà chả ra tấm ra món, nên sau khi tôi về hưu, gặp thiện ý của Ban biên tập và Giám đốc - Tổng biên tập -  anh Nguyễn Minh Nhựt. Anh Nhựt nói vui: "Nhà xuất bản Trẻ muốn làm trẻ lại lão Đỉnh!". Ha ha, đúng là thế thật!

Tôi mừng hết nói vì sách của tôi in lâu nay chưa mấy khi sách ra, tôi được thay đổi gì về vật chất lẫn tinh thần, chỉ vui vui tí ti rồi sớm đi vào quên lãng. Giấy in thì lúc trắng lúc đen, bìa sách khi đẹp khi nhem nhuốc. Trước nay tôi chỉ mê bìa của họa sĩ Văn Sáng. Nay Nhà xuất bản Trẻ làm mới lại cả về mọi nhẽ nên tôi thấy thú vị lắm. Làm việc với các cháu biên tập trẻ đúng là trẻ trung sắc sảo. Hai bên hợp tác cò cưa với nhau và cuối cùng nhất trí. Giờ cầm quyển sách lên nhẹ bẫng, đọc chữ đẹp trên giấy đẹp, bìa đẹp, nói thật tôi sướng vô cùng…

- Trong 7 đầu sách ra mắt lần này có 5 tiểu thuyết tái bản. Và 2 tập sách mới xuất bản lần đầu. Ông có thể chia sẻ một chút về 5 tiểu thuyết tái bản lần này ạ?

+ Như trên tôi nói, trong 5 cuốn tiểu thuyết tái bản lần này (tôi đã kể tên ở trên) khá quen thuộc với độc giả xưa nay. Là tác giả, trước hết tôi biết ơn và cảm tạ công sức của Ban biên tập NXB Trẻ rất nhiều. Tôi cũng thấy thương cho mình và thương cho các nhân vật của mình lâu nay cứ phải tồn tại trong mấy cuốn tiểu thuyết giấy xấu mà năm nào cũng như năm nào, cũng phải cười cười mà chấp nhận in đi in lại với chất lượng thật là cực chẳng đã. Xin nhiệt liệt cảm ơn các quý vị độc giả của tôi đã nuôi những cuốn sách nghèo khó và đầy nghĩa tình. Các quý vị bạn đọc đã thông cảm không chê hoàn cảnh nhà cháu xấu vì nghèo mà vẫn mua các cháu về… nuôi.

- Hai tập sách mới tinh lần đầu ra mắt bạn đọc. Tập bút ký phóng sự “Những khoảnh khắc đời người” và tập chân dung văn học "Nhà văn thì phải biết đùa" ông viết sau khi đã nghỉ làm quản lí ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn? Hay đó là tập sách ông tập hợp lại những bài viết rải rác từ trước? Ông có thể chia sẻ về 2 tập sách mới tinh này.

+ Tôi nói thật các bạn đừng cười. Khi về hưu tôi sướng quá, được một tuần là tôi bay đi Tây Nguyên chơi với các bạn trong ấy ngay. Rồi về Hà Nội, tập hợp mấy ông bạn già như nhà thơ Mai Phương từ Quảng Ninh trên tám mươi tuổi, nhà văn Dương Hướng cũng sêm sêm với tôi.

Rồi nhà văn Thái Bá Lợi trên bảy mươi tuổi. Bốn anh em hợp cạ cùng chú lái xe là năm, rong ruổi cả tháng trời làm một chuyến xuyên Việt. Đầu tiên là đi lần lượt các tỉnh miền Trung rồi các tỉnh Tây Nguyên, quần qua quần lại Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... chỉ có bạn bè và bạn bè. Không làm việc. Không quản lý. Không phải nhìn dưới ngó trên. Hoàn toàn tự lo, tự chịu trách nhiệm. Vui ơi là vui.

Sau chuyến đi lịch sử của mấy anh em về, tôi mới tập hợp các bài tản văn bút ký, chân dung bạn bè, viết lại, “nhuận sắc” lại. Ngồi biên tập lại suốt ngày suốt đêm cả hai năm nay. May gặp đúng lúc anh bạn trẻ Nguyễn Minh Nhựt ra Hà Nội chơi với chúng tôi.

Dù là Giám đốc nhưng là Giám đốc trẻ của NXB Trẻ nên sau một cuộc nâng lên đặt xuống, anh ra lệnh: “Lão Đỉnh nghe đây! Hãy ngồi vào bàn mà lo cho bọn em đủ số sách in kịp thời hôm sinh nhật của lão là ra mắt sách nghe chưa!”. Tôi về mắm môi mắm lợi một cách sung sướng mà chấp hành mệnh  lệnh của Nhà xuất bản Trẻ.

Bìa tập bút ký mới: “Những khoảnh khắc đời người”.

- Ông nói ham chơi lười làm vậy thôi nhưng thực tế sau khi nghỉ hưu, độc giả thấy Trung Trung Đỉnh viết nhiều viết khỏe, đặc biệt là các bức ký chân dung thấm đẫm chất liệu văn học, ở đó ngồn ngộn ký ức, những ngày ông đã sống và chiến đấu bên bạn bè khắp dọc dài đất nước. Chuỗi bút ký này thường xuyên xuất hiện trên Văn nghệ Công an. Có phải vì có những trải nghiệm của một đời cầm súng, cầm bút nên các trang viết của ông giàu sức sống, nhiều chi tiết đắt giá.

+ Thực ra tôi ham vui ham chơi từ bé. Hồi khỏe rất ham bạn, ham rượu nhưng nói thật tôi cũng là tay ham nghề, ham viết. Chả ngày nào, đêm nào mà tôi không chơi, không làm việc. Làm mà chơi, chơi mà làm. Trước khi bị suy thận thì tôi còn có cái ham, ấy là ham đọc.

Đọc cuốn tiểu thuyết năm ba trăm trang vài ba ngày là chuyện thường. Bây giờ đọc cũng yếu mà làm gì cũng yếu, chỉ may có khoản ăn là khỏe và đi cũng còn khá khỏe. Về hưu có nhiều thời gian ngẫm ngợi, quay lại ký ức và máu ham viết cũng còn nguyên xi nên tôi cũng chịu khó “cày”. Thực ra tôi còn một dự án dài cho cuốn tiểu thuyết đang viết dở về công chức thời sau đổi mới. Cái anh công chức thời kinh tế “thị trường” chả ra công chức chả ra con buôn… ôi ôi ôi nhiều chuyện hay đáo để. Các cụ Nam Cao với Vũ Trọng Phụng mà sống lại thì chắc các cụ cũng ủng hộ cái thằng tôi mà viết thôi. Còn sống thì còn làm việc.

Tôi thường nhủ tôi chả có gì nghiêm trọng đâu. Đọc, đi, nghĩ và viết. Không ngừng mấy chuyện ấy sẽ bớt trò ghen tị đố kỵ, sống mở lòng lấy vui làm gốc. Bạn bè là nghĩa tương thân. Già thì vui kiểu già. Trẻ vui kiểu trẻ, thỉnh thoảng trẻ già vui lẫn lộn cũng hay. Nhưng tất nhiên mình càng già càng phải biết mình biết người để mà ứng xử… cho nó lành. Các cụ chả có câu “khôn đâu đến trẻ khỏe đâu đến già” là gì.

- Nhà văn sống rồi hãy viết hay cứ viết đi rồi hãy sống? Nếu sống rồi hãy viết liệu có muộn màng không vì tài năng đâu có đợi tuổi tác. Bằng chứng có những thiên tài văn chương trong nước và trên thế giới thành danh trước tuổi 20? Nhưng nếu không trải nghiệm mà viết thì lấy đâu thực tế để dự báo tương lai. Vậy đâu là bí quyết của một nhà văn thành danh thưa ông?

+ Mỗi nhà văn có một lối sống, có một cách làm việc và một con đường dẫn anh ta đến thành công hay đến cả… thất bại khác nhau. Nhà văn cũng như mọi người bình thường. Cuộc sống của anh ta có đầy đủ "Ái - Ố - Hỷ - Nộ".

Thiên tài thì cả triệu triệu người mới có một hai. Đã là thiên tài thì bố ai mà phấn đấu thành được, kể cả các cụ thiên tài. Các nhà thiên tài chả biết mình là thiên tài đâu. Mà khi bố nào bảo tôi là thiên tài tức thì anh ta đã tự tuyên bố anh ta là kẻ bất tài rồi.

Tóm lại sống làm cái anh bình thường là hay nhất. Ở đời rất khổ cho những kẻ bị thiên hạ tôn vinh lên là thiên tài, là thần đồng. Những kẻ bốc thơm (hay thối) là những tên ác nhơn mà họ cũng không tự biết. Kẻ được bốc lên tưởng thật thì u mê cứ nghĩ mình là đấng này nọ, vì thế mà bi kịch đến với họ cũng thê thảm vô lường.

- Xin cảm ơn nhà văn Trung Trung Đỉnh.

Như Bình (thực hiện)
.
.