Nhà văn Trần Thị Trường: Phía cuối con đường số phận

Thứ Năm, 19/12/2019, 08:17
Nhà văn Trần Thị Trường đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm hội họa đầu tiên của mình ở tuổi 69. Có thể nói, đó là một bước ngoặt, một lối rẽ đầy bất ngờ của bà ở phía cuối con đường.


Khán giả, độc giả - những ai từng yêu quý những trang văn của Trần Thị Trường, ngưỡng mộ người phụ nữ tài năng, thành đạt với vốn kiến văn, sự hiểu biết của bà trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn học và nghệ thuật, hẳn sẽ càng tò mò hơn với vai trò họa sĩ đầy mới mẻ của bà. Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với bà trước giờ khai mạc triển lãm "Những cảm xúc bảng màu" trong những ngày cuối cùng của năm 2019.

- Thưa nhà văn Trần Thị Trường, đầu năm, thấy bà bắt đầu post lên facebook cá nhân những bức vẽ tĩnh vật đầu tiên với tuyên bố bà đang khởi đầu một say mê mới, đó là hội họa. Nhưng vèo một phát, tới cuối năm bà đã sẵn sàng cho một cuộc tổ chức triển lãm hội họa đầu tiên của mình rồi. Bằng chứng là hiện nay trong tay tôi đã nhận được giấy mời triển lãm "Những cảm xúc bảng màu" của bà vào ngày 20/12 tới. Tôi chỉ có thể nói rằng Trần Thị Trường, bà thật "quá nhanh và quá nguy hiểm"?

Nhà văn Trần Thị Trường tại xưởng vẽ của mình.

+ Cảm ơn câu hỏi rất hay của chị, nó khiến tôi có thể bộc lộ bản thân đầy đủ hơn. Thực ra, khởi đầu cuộc đời tôi là hội họa, tôi học vẽ từ hồi 16 tuổi với các họa sĩ Phạm Viết Song, Quang Phòng, Trần Văn Cẩn… rồi đỗ Đại học Mỹ thuật khóa 1973-1978 (nhưng tôi học dở dang).

Ước mơ hội họa nhường chỗ cho việc nuôi con, kiến thiết gia đình cái thời nhọc nhằn bao cấp đó. Rồi tới khi giấc mơ đó bùng phát, có thể nói tôi đã làm việc như điên trong giấc mơ… Nói nhanh cũng đúng, nhưng nói chậm cũng không sai, tôi đã chậm so với tuổi trẻ.

- Bà có thể chia sẻ một chút về cái tên của triển lãm "Những cảm xúc bảng màu". Có phải cái tên đã nói lên toàn bộ tinh thần hội họa của bà ở giai đoạn đầu tiên này chăng? Nó đang nằm lại trong khoảng giới hạn của cảm xúc?

+ Là một người viết văn, làm báo, những cảm xúc của tôi với phương tiện là chữ viết tôi đã có những tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết: "Thời gian ngoảnh mặt"; "Thị Lộ"; "Sóng vỗ mạn thuyền"; "Nô tỳ được trang sức"; "Lời cuối cho em"; "Kẻ mắc chứng điên" và "Phố…", hay một số chân dung văn nghệ sĩ trên tờ báo mà tôi đang trò chuyện - Văn nghệ Công an…

Tôi chưa bao giờ chịu ngừng viết, chưa bao giờ thôi hy vọng các con chữ là một phương tiện hữu hiệu có thể tác động đến đời sống con người. Nhưng ngôn ngữ biểu đạt ngoài hình thức các con chữ ra còn có những hình thức khác, trong đó có hội họa. Giai đoạn này, tôi dành toàn bộ tâm sức vào việc thể hiện cảm xúc bằng màu trên toan (canvas). Hội họa cũng là một sức mạnh tích cực tác động đến thẩm mỹ của tôi và của cuộc sống.

- Bà có thể bật mí cho độc giả biết vì sao sau tất cả, bà bỗng dưng đến với hội họa và lao vào niềm đam mê một cách dữ dội đắm say như năm bà 20 tuổi vậy? Phải chăng nghệ thuật không có tuổi, và bà từng chia sẻ bà không hề cảm thấy già khi đến với hội họa, nhưng rõ ràng, khởi một nghiệp vẽ ở tuổi về hưu đã lâu, đã đi qua và nếm trải gần trọn vẹn những cung bậc cuộc đời và cũng đã gặt hái nhiều thành công khiến cho bạn bè người thân, người hâm mộ bà có chút tò mò?

+ Giấc mơ hội họa nung nấu tôi, đòi hỏi phải thực hiện, tôi đem màu ra vẽ, nhưng loanh quanh vẫn chưa chọn được bút pháp nào. Việc chọn lựa vô cùng quan trọng. Và may mắn thay, tình cờ tôi gặp được họa sĩ Hải Kiên, giảng viên Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, một họa sĩ có tài trong trường phái hiện thực. Tôi thấy tranh của họa sĩ rất đẹp. 

Được học với người có phương pháp sư phạm tốt, tôi mau chóng tìm thấy mình và vì thế tôi đã vẽ rất say mê… Cảm xúc tràn trên mặt toan, ngày này qua ngày khác, ngày nào cũng đầy hứng khởi không mệt mỏi. Ban đầu là các bài học, rồi nó thành tác phẩm, thu hút chính tôi. Cảm xúc thăng hoa đến độ tôi viết cũng… hiệu quả hơn… Khác gì một tình yêu? Như một người đang yêu thực sự, nên gây ra sự tò mò…

- Bà từng chia sẻ bà trải qua đủ các nghề, từ thợ may vỏ chăn, lộn cổ sơ mi đến đồ fake hàng hiệu. Thậm chí bà từng học nghề hàn, học tiếng Nga để đủ cáng đáng việc phiên dịch trong một nhà máy có công nhân hàn của Việt Nam tại Bulgaria. Và người ta đến với văn chương khi còn rất trẻ thì bà bước vào nghề viết ở nửa dốc cuộc đời (39 tuổi). Người ta thành công ở hội họa từ sớm thì bà lại mạnh mẽ dấn bước vào hội họa khi đã ở phía cuối con đường. Điều gì khiến bà luôn đến sau?

+ Có lẽ tôi thuộc típ người hay mê đắm. Làm cái gì cũng mê đắm và khá hiệu quả. Và mỗi lần ra khỏi cuộc mê đắm thì thời gian trôi đi khá dài. Hay nói cách khác, bản năng làm vợ làm mẹ khiến tôi chu toàn chuyện làm kinh tế. Khi đời sống gia đình ổn định, cũng là lúc những nung nấu của ước mơ đòi hỏi phải được thực hiện. Ban đầu là văn chương, sau đến hội họa. Tôi không ngại đến sau, tôi thích sự chuyên nghiệp. Tôi không chỉ dựa vào năng khiếu bẩm sinh giời cho khá nhiều, tôi kiên định ý nghĩ phải luyện cho chín, đến khi nào kỹ thuật đủ để đẩy cảm xúc đến tận cùng thì lúc đó tác phẩm hãy ra đời. Hình như voi hay trâu hay tê giác đều sinh nở theo kiểu đó.

- Phải chăng mơ ước nghệ thuật đã giúp bà lặn lội trong khốn khó mà không thấy khốn khó, cứ như thể nó là một màng bọc để khốn khó không làm tổn hại được tâm hồn. Liệu có phải hành trình đi tìm kiếm chính bản thân mình trong mỗi một con người là hành trình lâu dài nhất, gian khó nhất và cũng gây bất ngờ nhất?

+ Câu hỏi thật tuyệt, nói trúng cái điều tôi đã quên đi. Khi có ước mơ, có niềm đam mê thì người ta không thấy tồn tại cái nỗi khổ đau mà thực tế nó đã và đang xảy ra. Trong quá trình tìm kiếm bản thân,  tôi nhận về những cảm giác sung sướng và thú vị, mặc dù đâu phải cứ đặt bút mà thành tác phẩm? Trăn trở, vã mồ hôi, hoang mang và sợ hãi, đủ các cung bậc phải trải qua, nhưng khi hoàn thành, tác phẩm hiện diện trước mắt, bản thân mình cũng bất ngờ… Ôi… là đẹp. Cái đẹp cứu rỗi tôi trước hết… Bất ngờ ở chỗ đó, hạnh phúc cũng ở chỗ đó.

Tác phẩm “Dạ Khúc” của Trần Thị Trường.

- Trở lại với câu chuyện của hội họa, bà thấy so với các bộ môn nghệ thuật khác mà bà từng tham gia như viết phê bình âm nhạc,  điện ảnh, sáng tác văn học thì hội họa ở vị trí nào trong trái tim và khối óc của bà? Hội họa khó hay dễ hơn so với các loại hình nghệ thuật khác mà bà thông thạo?

+ Hình thức nghệ thuật nào cũng đòi hỏi nỗ lực tuyệt đối cho nó bên cạnh tài năng bẩm sinh. Tôi là người luôn nỗ lực. Và nói thực, tôi là người có năng lượng yêu thương cực lớn (à mà là tôi nghĩ thế, chả biết có đúng không). Trái tim tôi đầy ắp các cảm xúc, khi thì trước cái đẹp của tài năng, khi thì trước nỗi đau của số phận, khi thì sự bất công nào đó xảy ra… tôi sẽ chọn lựa hình thức nghệ thuật phù hợp nhất để biểu cảm. Để có được kết quả tôi đã học hỏi rất nhiều để có được khả năng như hôm nay 

- Có một câu nói đại ý rằng, một người biết nhiều thứ quá, làm nhiều thứ quá cuối cùng dễ sẽ thành ra anh ta không biết thứ gì cho ra tấm ra món. Bà có bao giờ sợ bị đặt mình vào "phản biện" này?

+ Câu hỏi này đã trả lời giúp tôi rằng tại sao tôi lại bắt đầu sự nghiệp văn học nghệ thuật khi tuổi đã cao. Những gì tôi biết đủ để tôi làm nghề một cách chắc chắn. Tôi chỉ làm việc khi đã chắc chắn mình có gì, biết gì… À, mà có lẽ để công chúng đánh giá các tác phẩm của tôi chứ? Nó - những tác phẩm ấy có phải loại ấm ớ không?

- Được biết chồng bà là họa sĩ, nhà điêu khắc. Bà từng chia sẻ thời kỳ sáng tạo rực rỡ nhất của ông lại rơi vào tình trạng xã hội phân biệt thành phần tôn giáo, toàn bộ sáng tạo của ông không được đón nhận, sử dụng?

+ Vâng, chồng tôi là một người có tài, ông chọn trường phái modern cho cả hội họa và điêu khắc. Hiện các tác phẩm của ông vẫn tồn tại và để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi cũng như trong lòng bè bạn hay ở những không gian công cộng của tôn giáo… Nhưng ông đã đau ốm 10 năm trước khi mất, ông cũng mất 10 năm rồi. Cho đến bây giờ, người lạ vẫn không biết ông là ai… đó là một câu chuyện buồn, mà tôi tin rằng tương lai không còn tình trạng như thế xảy ra nữa…

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Như Bình (thực hiện)
.
.