Nhà văn Tô Hoài và lời nhắn ý nghĩa

Thứ Năm, 17/09/2020, 15:25
Tôi vốn tự học, cho nên tôi nghĩ chịu thương chịu khó là một đức tính hàng đầu. Chịu khó sống và tìm hiểu xung quanh, chịu khó học và đọc, nhất là chịu khó viết. Khi viết nên liệu sức mình, nên tập trung, không nên đá gà đủ các thể loại.


Cái thế kỷ XX mà chúng ta vừa xa 20 năm tròn, chắc chắn còn để lại trong dòng lịch sử của nước Việt Nam ta một dấu ấn không thể nào quên. Những cuộc vận động cách mạng liên tục, những cuộc chiến tranh dữ dội đã làm thay đổi cả  bề sâu và bộ mặt đất nước mấy ngàn năm vùi mình trong một nền nông nghiệp của các triều đại phong kiến cổ. 

Nhà văn Tô Hoài sinh ra trong thời điểm lịch sử ấy. Những sáng tác đầu tiên của ông ra đời trước Cách mạng 1945 và ông viết liên tục, đều dặn, hầu như tất cả các loại hình chữ nghĩa như: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, bút ký, hồi ký, đồng thoại, viết lại truyện cổ, viết báo, viết điểm sách, giới thiệu sách, viết báo cáo… Số đầu sách của nhà văn Tô Hoài là hơn 150 cuốn, nhưng số lần tái bản thì nhiều vô kể. 

Tính về đầu sách thì có mấy người còn có thể nhiều hơn Tô Hoài, nhưng tính về số lượng bản in, dù không có cơ sở tư liệu thống kê, nhưng tôi tin, khó ai vượt được ông. Tô Hoài có thể được coi là một công dân chỉ có một nghề duy nhất là “Viết”. 

Trong tổ chức Hội Nhà Văn, ông giữ nhiều chức vụ thuộc hàng lãnh đạo trong nhiều năm liền. Trong các cuộc đấu tranh tư tưởng nhiều thời kỳ căng thẳng của Hội Nhà văn, Tô Hoài luôn được tiếng là người khôn ngoan có thừa. Nhưng trong đối xử với bạn viết, với lớp trẻ, ông bao giờ cũng là người hiền lành, chân tình. 

Nhà văn Nam Bộ Nguyễn Quang Sáng, người được ông phát hiện, động viên, dìu dắt từ những ngày đầu tập kết 1955, cho đến cuối đời vẫn một niềm yêu kính Tô Hoài, hễ có dịp ra Bắc là tìm thăm thầy. 

Từng là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, rồi lui về làm Chủ tịch Hội Văn Nghệ Hà Nội. Tô Hoài nổi tiếng với phong thái nhỏ nhẹ, với nụ cười “siêu ý nghĩa”. Hẳn nhờ thế, mà nhà văn Tô Hoài từng có chức vụ chính quyền cao nhất là Tổ trưởng Dân phố.

Để “nói có sách, mách có chứng”, tôi còn giữ được một mẩu thư ngắn nhà văn Tô Hoài viết gửi tôi, khi tôi còn làm ở Nhà xuất bản Hội Nghệ sĩ Sân Khấu Việt Nam:

Thảo thân mến!

Tôi đặc biệt yêu một số cổ tích. Tôi đã viết thành tiểu thuyết và đã in: “Đảo hoang” (Quả dưa đỏ), “Chuyện nỏ thần”  (Mỵ Châu - Trọng Thủy), “Nhà Chữ” (Chữ Đồng Tử).  Riêng  “Giáng Kiều”  và  “Thạch Sanh”, tôi lại viết thành kịch. Có lẽ kịch tôi chỉ là kịch đọc, nên trước kia tôi gửi cô Phạm Thị Thành không trả lời (Giáng Kiều) và anh Hồ Ngọc đọc “Giáng Kiều” chỉ bảo là hay. Vậy thôi.  

Nay nhân tôi sửa lại và tập hợp lại, tôi gửi Ngô Thảo một bản. Trước nhất, Ngô Thảo đọc, cũng không có ý kiến để đăng, để diễn. Nếu không có ý kiến gì đáng nói lại với người viết thì thôi, đừng băn khoăn nhé. Tô Hoài”.

Ơn giời, năm đó, chúng tôi đã có nguồn kinh phí để in tập kịch “Giáng Kiều”. Sự khiêm cung, nhũn nhặn của Tô Hoài làm cho các cuộc gặp gỡ với bạn đọc và ông trong nhiều dịp, ở nhiều nơi, khá bất ngờ và gần gũi. 

Trên số báo Xuân Tân Mùi 1991, Tạp chí Cửa Việt có đăng bài phỏng vấn Tô Hoài với tư cách thành viên Hội đồng Văn Xuôi chấm giải thưởng của Hội Nhà văn (1988-1989), phát biểu về tác phẩm “Cỏ Lau” được giải thưởng Hội Nhà văn của nhà văn Nguyễn Minh Châu. 

Năm đó, nhà văn Nguyễn Minh Châu  (1930-1989) vừa qua đời, nhiều ý kiến khác nhau về một số tác phẩm của nhà văn Minh Châu, Tô Hoài đã lý giải một cách “Rất Tô Hoài”, thẳng thắn, chừng mực và rất thấu đáo. Xin được trích lại như sau:  

- “ “Cỏ lau”, tác phẩm mới nhất của Nguyễn Minh Châu vừa được trao giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn 1988 -1989, trong đó người đọc thấy Nguyễn Minh Châu đã không quên nói điều gì cả, về con người, đất nước, và những tháng năm. Thế nhưng trước đó, bài “Ai điếu…” lại bị nhiều nhà phê bình kết án là phát ngôn cho xu hướng “phủ nhận quá khứ”. Thật là oái oăm. Thưa anh Tô Hoài, vậy thì lý giải như thế nào cho sòng phẳng với nhà văn quá cố của chúng ta: Là nghịch lý trong tâm lý sáng tạo của nhà văn hay phải hiểu ý thức “phủ nhận” theo một cách nào  khác?

Trong tập “Cỏ lau”, truyện “Phiên chợ Giát” là hay cực. Khi anh Nguyễn Minh Châu còn khỏe, có đôi lần tôi được nghe anh kể những những dự định sẽ viết về vùng quê thắm thiết quen thuộc của anh. Nhiều truyện thật dữ dội và xúc động mà tôi tưởng “Phiên chợ Giát” là một trong những truyện ấy. Rất tiếc… Từ những suy nghĩ dự định, và từ nhận xét phê bình đến đánh giá cụ thể một sáng tác bao giờ cũng khó khăn… Trên con đường dân chủ thảo luận một tác phẩm có thể dẫn đến những đánh giá giống nhau hoặc không giống nhau, cũng như với người sáng tác, nói và viết, có thể gặp nhau, có thể xa nhau… Như trường hợp của nhà văn Nguyễn Minh Châu không phải là lạ lùng và không bình thường, trái lại còn dễ hiểu và cần thiết, nếu giữ được không khí thảo luận thân ái, đoàn kết, vì lẽ phải.

Nguyễn Minh Châu đã viết bài “Ai điếu” nói lên những suy nghĩ và bình luận văn học đang ở phút hào hứng, sôi nổi, trong giai đoạn đầu văn xuôi bước vào thời kỳ đổi mới. Bài này ra đời trước truyện ngắn  “Phiên chợ Giát”. Tôi đọc Nguyễn Minh Châu từ “Mảnh trăng cuối rừng” đến các tiểu thuyết, cả những tác phẩm viết cho thiếu nhi và truyện ngắn cuối cùng này, tôi chưa nhận ra được sáng tác nào cần phải “ai điếu” cả. Mà chỉ thấy các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu càng ngày càng khẳng định hình thành phong cách nhà văn nhiều công phu, tự đổi mới và cho đến “Phiên chợ Giát” thì thật là tài tình. “Ai điếu…” là một khát vọng về sự sáng tạo và sự tự trọng, cũng như tấm lòng thiết tha mong ước đã luôn luôn thúc đẩy nhà văn chuyển mình”.

Sự từng trải, kinh nghiệm một đời viết, với sự uyên minh của mình, nhà văn Tô Hoài đã giúp cho độc giả và giới văn chương giải đáp một trường hợp ngỡ như  khó hiểu trong đời sống văn học.

Năm 1995, nhân Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV, mấy bạn văn chúng tôi, gồm Vương Trí Nhàn, Võ Khắc Nghiêm, Lại Nguyên Ân và tôi có sáng kiến làm bộ sách gồm nhiều tập: “Nhà văn Việt Nam – chân dung tự họa”, trên cơ sở gửi mấy câu hỏi đến các nhà văn để họ tự giới thiệu về mình trong vòng 500 chữ. Do số nhà văn hưởng ứng không nhiều, nên chỉ in được tập 1 ở Nhà xuất bản Văn học với chân dung tự họa của đúng 108  nhà văn. May mắn trong số đó có Nhà văn Tô Hoài. Do số lượng in không nhiều, nên không mấy người nhìn thấy mặt cuốn sách. 

Nhân dịp này, tôi xin giới thiệu phần nhà văn Tô Hoài tự vẽ chân dung về mình: “…Xưa kia, để sinh sống, tôi đã làm một số nghề như bán hàng, phụ kế toán nhà buôn ở Hà Nội (1936-1940). Từ năm 1940, sau khi viết và in truyện “Con dế mèn” và “Dế mèn phiêu lưu ký”, tôi bước sang nghề làm văn. Tất nhiên, viết văn dễ sống hơn các nghề trước tôi đã làm.

Tôi vốn tự học, cho nên tôi nghĩ chịu thương chịu khó là một đức tính hàng đầu. Chịu khó sống và tìm hiểu xung quanh, chịu khó học và đọc, nhất là chịu khó viết. Khi viết nên liệu sức mình, nên tập trung, không nên đá gà đủ các thể loại.

Trong những yếu tố tạo nên nghề viết văn của tôi, có hai điều kiện quan trọng và quyết định là đời sống của mình và nghề làm phóng viên báo (sự hiểu biết đời sống quanh mình). Năm 1940, đầu tiên cộng tác với tuần báo Hà Nội Tân Văn, tôi viết truyện ngắn, phóng sự và mục tin tức. Suốt kháng chiến chống Pháp, tôi làm phóng viên báo Cứu quốc. Bây giờ làm báo Người Hà Nội  (1992). Tôi thường viết mục tin tức và hộp thư trả lời bạn đọc.

Tôi thích trò chuyện với các bạn mà trong câu truyện hay nảy ra những khía cạnh thú vị, sắc nét, hóm hỉnh, gợi hứng, gợi ý nhớ lâu như các nhà văn Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Bổng, Kim Lân.

Tôi thường đọc lại nhiều lần các tác phẩm như sau: “Truyện Kiều”, “Vũ trung tùy bút”, “Liêu trai chí dị”, truyện dài, truyện ngắn của A. Moravia (Ý), Phóng sự chiến tranh của C. Malaparte (Ý), truyện ngắn của G. Market (Colombia), tiểu thuyết Nông thôn của Giônô (Pháp).

Tôi thường cho rằng thế hệ viết văn thế kỷ này (XX) không thể có tác phẩm lớn (như định nghĩa của văn học thế giới)- vì nhiều lẽ khách quan và chủ quan, mà nhiệm vụ của những người đương cầm bút hiện nay nên chịu khó và cố gắng viết hay, viết nhiều, như vậy sẽ góp sức làm cơ sở cho các thế hệ sau có nhiều Nguyễn Du. Ý nghĩ trên của tôi méo mó đến độ tôi thường tránh chữ “Nhà văn” mà thích dùng chữ  “Người viết văn”.

Kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn Tô Hoài, ở năm thứ 20 của thế kỷ XXI, những ý nghĩ đó của ông như gửi lại cho chúng ta một lời nhắn nhiều ý nghĩa,

Ngày 7-9-2020

Ngô Thảo
.
.