Nhà văn Thiên Sơn: Tiểu thuyết đòi hỏi một góc nhìn khác về lịch sử
- Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Tuổi 102 vẫn viết và xuất bản sách
- Nhà văn Tô Hoài: Người đồng hành với tuổi thơ nhiều thế hệ
- Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Văn chương nhẹ nhàng mà ý tứ
Ở đó có sự dồn nén của nhiều sự kiện tạo thành chuỗi mâu thuẫn liên tục bùng nổ và những nhân vật lịch sử đầy cá tính hành động trong mối quan hệ chằng chịt liên tục biến đổi. Nhân dịp này, phóng viên Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với nhà văn Thiên Sơn.
- Dấn thân vào đề tài lịch sử hiện đại thời kỳ 1945-1946 đầy gai góc, một đề tài mà rất ít nhà văn chọn lựa trong mấy chục năm nay, vậy thách thức lớn nhất của anh là gì?
+ Đã ba phần tư thế kỷ từ khi nổ ra Cách mạng Tháng Tám, nhưng rất ít nhà văn dấn thân vào đề tài này. Điều đó nói lên rằng, viết về đề tài lịch sử hiện đại thực sự rất khó và mạo hiểm. Sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu viết lại những điều mọi người đã biết và đã nghĩ. Thực ra lịch sử hiện đại phức tạp hơn những gì nhiều người đã biết.
Thời điểm 1945 -1946 mà “Gió bụi đầy trời” phản ánh là một trong những thời điểm ngặt nghèo nhất của lịch sử Việt Nam với sự xung đột của các luồng tư tưởng đối lập nhau, sự tranh đấu của các lực lượng chính trị khác nhau. Chính quyền Việt Nam mới do Việt Minh lãnh đạo phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài, với nạn đói, nạn mù chữ và sự hỗn loạn của một biến thiên vào loại lớn nhất trong hàng thế kỷ.
Thực tế ấy đòi hỏi nhà văn vừa phải vượt qua những thiên kiến, vừa có khả năng khái quát những khuynh hướng lớn, lại phải khám phá những mạch ngầm của lịch sử để có thể tái hiện một cách sinh động, chân thực trên trang viết của mình.
Và cuối cùng, tất cả đó phải gợi lên một cái gì lớn lao hơn, phong phú hơn, sâu sắc hơn, khiến người đọc phải suy tư, phải bất ngờ và bị lôi cuốn. Yêu cầu thì như vậy nhưng dường như sự tự do dành cho nhà văn lại không nhiều. Có rất nhiều sự quy chiếu, kiểm duyệt có thể khiến nhà văn phải tạm gác lại công việc của mình.
- Tôi đã đọc một mạch cuốn tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời”. Tôi nghĩ thành công của anh là đã dựng nên một bức tranh toàn cảnh về giai đoạn lịch sử năm 1945 -1946 với vô vàn sự kiện lịch sử chồng chéo, phức tạp, nhạy cảm và không né tránh. Anh đã tiếp cận lịch sử như thế nào để giữ được sự khách quan?
+ Lịch sử thời 1945-1946 diễn ra hỗn loạn, phức tạp, đa chiều, đa tầng và đầy nghịch lý. Quan sát các tác phẩm trước đây, tôi thấy hầu hết các tác giả chỉ viết một phần của bức tranh lịch sử. Tôi cho rằng thời đại ngày nay cho phép tiếp cận thông tin từ nhiều phía, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật lịch sử và đứng trên mọi thiên kiến. Chỉ có như vậy mới mong phản ánh chân thực bức tranh lịch sử và mang lại những bài học bổ ích về lịch sử.
Với tâm thế của một người cố gắng để nhìn nhận lịch sử một cách khách quan, tôi không chỉ thu thập các tri thức lịch sử để lại từ các bậc tiền nhân mà luôn nỗ lực đánh giá, phân tích các xu hướng, các mối tương quan giữa các sự kiện trong nước và cả tình hình quốc tế để tìm ra bản chất của các sự kiện.
Tôi cố gắng vượt qua những thiên kiến, sự phiến diện và đặt mục tiêu khám phá sự thật lịch sử như là yếu tố nền tảng để từ đó tái tạo dựng nên bức tranh lịch sử trong tác phẩm, hình dung về diện mạo và xác định tầm vóc, vị trí các nhân vật trong lịch sử. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhắc lại, tác phẩm của tôi là một tiểu thuyết, mục tiêu của nó là mang đến những mĩ cảm từ lịch sử chứ không phải là sao chép một hiện thực sẵn có.
- Anh cho rằng lịch sử chỉ là cái sườn để mở ra những không gian khác trong tâm tưởng. Những không gian đó được xây dựng như thế nào trong tác phẩm của anh?
+ Các sự kiện chính thì hầu như rất nhiều người đã biết. Người đọc không cần anh kể lại nó một cách khô khan. Cái họ cần biết là nguyên nhân nào lại xảy ra các sự kiện lịch sử đó.
Nghĩa là, người đọc muốn biết các nhân vật lịch sử đã sống, đã suy nghĩ, đã hành động như thế nào để tạo nên sự chuyển động của lịch sử. Để làm được điều đó, một trong những công việc khó nhất của người viết là tìm ra các mạch ngầm phía sau các sự kiện, hình dung ra tâm tưởng của các nhân vật truyện.
Ở “Gió bụi đầy trời”, người đọc sẽ bắt gặp những dòng độc thoại của nhân vật truyện, hoặc qua phép soi gương nhân vật này sẽ được soi chiếu vào tâm tưởng nhân vật khác, phản ánh qua cách đánh giá và hành động của họ. Quá trình này luân chuyển liên tục, biến đổi liên tục trong vòng xoáy của lịch sử.
Tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời” của nhà văn Thiên Sơn vừa ra mắt bạn đọc. |
- Lịch sử thường chỉ là cái cớ để nhà văn nói những câu chuyện của thời đại hôm nay. Với “Gió bụi đầy trời”, anh muốn chia sẻ điều gì?
+ Hãy vượt qua những thành kiến để tiếp cận chân lý của lịch sử. Với hầu hết những nhân vật chủ chốt nhất trên chính trường từ nhiều phía, cuốn sách đề cập đến những xu hướng lịch sử khác nhau, đến sự đấu tranh và ứng xử của họ trong cuộc vận động to lớn của lịch sử.
Đặc biệt, một trong những nội dung mà cuốn sách hướng đến là tái hiện những toan tính lịch sử, những cuộc đối thoại chiến lược và sự hình thành con đường lịch sử của dân tộc Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám.
Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên là một nhà yêu nước vĩ đại chèo lái con thuyền dân tộc trong thời khắc ngặt nghèo nhất của lịch sử, hết sức thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, vô cùng linh hoạt, quyết đoán, nhẫn nại và mềm dẻo. Tất cả những điều đó có thể trở thành bài học quý báu cho chúng ta trên con đường hướng về tương lai.
- Điều quan trọng bậc nhất trong một tiểu thuyết là nhân vật. Cái khó của anh trong xây dựng nhân vật ở cuốn sách này là gì?
+ Tôi đã cố gắng để dựng nên những nhân vật có cá tính ở tất cả các xu hướng chính trị thời kỳ lịch sử mà cuốn sách đề cập. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, giá như chúng ta có một môi trường văn hóa cởi mở hơn, tự do hơn thì sẽ bớt khó khăn cho nhà văn trong quá trình xây dựng nhân vật. Vượt qua những khuôn thức xơ cứng, làm cho nhân vật lịch sử hiện lên như một con người độc đáo, sống động với tất cả những biểu hiện phức tạp, phong phú và đời thường nhất chính là đòi hỏi ngặt nghèo dành cho nhà văn.
- Sau bộ tiểu thuyết “Đại gia”, anh lại gây ấn tượng với “Gió bụi đầy trời”, một tác phẩm mở đầu cho một bộ trường thiên tiểu thuyết mà anh có dự định viết. Có lẽ, trong giới văn chương hôm nay, không phải ai cũng giữ được tâm thế và niềm say mê với văn chương như anh. Vì sao anh giữ được ngọn lửa đó để nó không bị dập tắt vì đời sống, vì mưu sinh và vì cả những kiểm duyệt?
+ Tôi đam mê văn chương từ nhỏ và lớn lên vào học ở Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi rất biết ơn ngôi trường này vì đã cho tôi kiến thức văn học và lý tưởng với văn chương. Tôi không đến với văn chương như một cuộc dạo chơi, cũng không đến với văn chương vì sự mưu lợi điều gì cho mình. Tôi đến với văn chương như một định mệnh không thể khác và viết văn như một bổn phận.
Trong mỗi tác phẩm tôi đều mong muốn nói lên một điều gì có ích cho cuộc đời. Tôi chủ trương văn chương phải đi vào đời sống, phải đóng góp được một chút gì cho đời sống. Chính vì thế, tôi luôn tìm thấy ý nghĩa công việc của mình. Có lẽ vậy mà những đam mê và khát vọng của tôi không bị dập tắt dù có gặp những khó khăn thách thức nào.
- Tôi thấy anh như một người leo núi lặng lẽ và nhẫn nại. Anh có thấy cô độc trên hành trình của mình?
+ Hành trình của người viết là một hành trình cô độc. Hầu như nhà văn luôn đối diện với những điều bí mật từ chính tâm hồn nặng trĩu ưu tư của mình và không mấy ai có thể chia sẻ. Nhưng nghề viết cũng là một hành trình hạnh phúc, bởi sau mỗi công trình, nhà văn như được dãi bày lòng mình trên trang viết và thấy mình đã làm được một việc ý nghĩa.
- Xin trân trọng cảm ơn anh.