Nhà văn Sơn Tùng: Viết từ những đòi hỏi của trái tim người nghệ sĩ

Thứ Năm, 29/07/2021, 13:24
Ông đã trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà nhỏ của mình ở ngõ Văn Chương, Hà Nội. Nhà văn, Anh hùng Lao động Sơn Tùng đã sống một cuộc đời bền bỉ và lặng lẽ. 


Tôi nhớ mãi câu nói của ông trong cuốn sách “Búp sen xanh” được tái bản với số lượng in hàng triệu bản rằng: "Mắt mù không đáng sợ bằng mắt sáng tim mù". Đó cũng chính là thông điệp trong cuộc đời cầm bút của ông, viết theo những đòi hỏi của trái tim người nghệ sĩ, bất chấp hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật đè nén và những khó khăn của thời cuộc... Ông, giờ đây, đã bay về cõi những người Hiền.

1.Tôi có may mắn được đến nhà và trò chuyện cùng ông khi còn là biên tập viên Nhà Xuất bản Công an nhân dân. Tôi nhớ cái vóc dáng bé nhỏ, gầy gò và vầng trán rộng của ông, nhớ cả ánh mắt sáng và ấm áp cùng những cái nắm tay gần gụi mỗi khi tôi đến. Khách đến thăm nhà, dù là bậc chính khách, người nổi tiếng hay chỉ là một biên tập viên bình thường như tôi, luôn được ông đón tiếp thân tình, nồng ấm. Ngôi nhà bé nhỏ ở khu tập thể Văn Chương của ông là điểm đến của rất nhiều nhà văn, nhà báo, các chính khách trong và ngoài nước. Căn phòng vỏn vẹn 8m2, sau này mở rộng ra 16m2 ấy, vừa là phòng làm việc, phòng tiếp khách và sinh họat của gia đình nhà văn Sơn Tùng. Sống chật chội và trong điều kiện vất vả như vậy nhưng chưa bao giờ ông lên tiếng đòi hỏi hay phàn nàn.

Nhà văn Sơn Tùng trở về từ chiến trường khói lửa năm 1972 với 81% thương tật. Tưởng như cuộc sống khép lại với bệnh tật và những cơn đau với 14 mảnh đạn nằm trong cơ thể, trong đó có 3 viên đạn nằm trong đầu không thể mổ lấy ra. Một bàn tay trái bị liệt. Bàn tay phải co quắp. Thế nhưng trong cơ thể bệnh tật, ốm đau ấy, nhà văn Sơn Tùng vẫn nung nấu một ý chí, muốn cống hiến, không khuất phục số phận. Trong căn phòng chật hẹp, nhà văn Sơn Tùng đã bắt đầu những trang viết, như một lẽ sống. 

Nhà văn Thiên Sơn, người có nhiều năm gắn bó với nhà văn Sơn Tùng kể lại: "Tôi đã chứng kiến cuộc sống của ông khó khăn đến thế nào khi ông cứ phải chống chọi với những cơn đau bởi vết thương chiến tranh và mang trong lòng những nỗi niềm nhân thế. Chỉ có điều, trước mọi người, ông thường cố nén và hòa đồng để quên đi những cơn đau ấy. Có những lúc vắng khách, nếu đau quá ông ngồi thiền trên tấm phản trong phòng văn. Đau ít hơn, ông nằm tạm nghỉ nhưng tay vẫn cầm tờ báo say mê đọc. Lúc vết thương dịu cơn đau thì ông say mê viết, có lúc say mê quá, máu từ vết thương trên đầu thấm ướt đỏ cả cổ áo mà ông không hề biết".

Nhà văn Sơn Tùng (1928-2021).

Và những tác phẩm "Con người, con đường", "Lõm", "Anh họa sĩ mù", "Nguyễn Hữu Tiến", "Trần Phú", "Búp sen xanh"… ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Trước khi bị bệnh tai biến năm 2010, ông vẫn còn ấp ủ hai cuốn sách lớn "Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn" và một cuốn sách viết về bạn bè cùng thời, những Văn Cao, Minh Giang, Đặng Đình Hưng... Tiếc thay, những dự định của ông đã dang dở.

2.Nhà văn Sơn Tùng để lại một sự nghiệp văn chương có giá trị. Giá trị không chỉ bởi những tác phẩm được tái bản nhiều lần, như "Búp sen xanh" đạt kỷ lục về số lượng xuất bản ở Việt Nam, mà ở đó còn thể hiện tinh thần sống và viết của một nhân cách lớn, lặng lẽ và dấn thân cho lý tưởng mà ông theo đuổi. Ông viết nhiều đề tài, như chiến tranh qua các tiểu thuyết "Vườn nắng", "Lõm"; về danh nhân cách mạng qua các truyện lịch sử: "Trần Phú", "Nguyễn Hữu Tiến"… Nhưng mảng sách thành công nhất của ông, để lại ấn tượng nhất là mảng sách về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà văn Thiên Sơn đánh giá: "Nhà văn Sơn Tùng luôn nỗ lực để viết bằng trái tim, bằng nhận thức của mình và trở thành một người có quan điểm độc lập trong việc đánh giá và khắc tạc hình tượng Hồ Chí Minh. 

Nếu nhìn toàn bộ sáng tác của nhà văn Sơn Tùng về đề tài Hồ Chí Minh gồm các tiểu thuyết "Búp sen xanh", "Bông sen vàng", "Trái tim quả đất" và hai truyện ký "Bác về", "Nguyễn Ái Quốc qua ký ức một bà mẹ Nga"… cùng hàng chục tác phẩm ngắn khác, ta thấy ngòi bút của ông luôn nhất quán và có chủ kiến riêng. Sơn Tùng viết về Hồ Chí Minh bằng lòng ngưỡng mộ, say mê và tôn thờ. 

Ông dành cả cuộc đời của mình từ khi mới ngoài hai mươi tuổi đến năm hơn tám mươi tuổi để tìm hiểu về Bác. Những năm năm mươi của thế kỷ trước, ông đã gặp anh trai và chị gái Bác Hồ để tìm hiểu về gia cảnh, về tuổi thơ của Bác. Khi trở thành thành viên của đoàn sinh viên Việt Nam dự hội nghị Thanh niên sinh viên thế giới năm 1955, lần đầu được đến Liên Xô, ông đã tranh thủ xin gặp ngay những người có hiểu biết về Bác trên đất Nga. Sau khi đất nước thống nhất, ông đã cùng vợ là bà Hồng Mai vào Đồng Tháp trong những ngày bừa bộn vừa giải phóng miền Nam để thăm mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tìm hiểu về nhân vật Lê Thị Huệ. Trở về Hà Nội, ông tìm gặp những người gần gũi với Bác như các ông Vũ Đình Huỳnh, Vũ Kỳ và sau này ông còn được Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… quý trọng chia sẻ thêm nhiều tư liệu quý. 

Ngày nay những tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng đã được hàng triệu độc giả biết đến và tìm đọc, nhưng không mấy ai tường tận nhà văn đã gạn lọc, đã mò mẫm trong khoảng thời gian mấy mươi năm, chấp nhận mọi sự khó khăn do hiểu nhầm, do nghèo đói để tìm kiếm những tư liệu độc đáo, có ý nghĩa nhằm khắc tạc nên hình tượng của vĩ nhân Hồ Chí Minh. Trong công việc sáng tác về Hồ Chí Minh, Sơn Tùng là một trong những người có công đầu trong việc tạo ra một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, quê hương, về tuổi thơ, về những mối quan hệ của Hồ Chí Minh thời trẻ. Hệ thống tư liệu ấy, cùng với ngòi bút khắc tạc nghiêm cẩn và tài tình của ông đã làm sống lại không chỉ hình tượng vĩ nhân mà còn gợi mở thêm những tư liệu quý về những thời khắc lịch sử đầu thế kỷ 20. Trong các trang sách của ông cũng làm sống dậy những tinh hoa văn hóa cổ truyền, những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên ta".

Vợ chồng nhà văn Sơn Tùng.

Đánh giá về nhà văn Sơn Tùng, Giáo sư Phan Ngọc viết: "Sơn Tùng có phong cách của Tư Mã Thiên, gặp bất cứ sự kiện gì cũng tìm hiểu đến nơi đến chốn tại nơi xảy ra và hỏi những người chứng kiến. Nó khác xa với phương pháp viết sử theo trí tưởng tượng của những nhà tiểu thuyết thời Pháp thuộc. Nhà văn Sơn Tùng viết theo những đòi hỏi của trái tim người nghệ sĩ. Tự trái tim ấy sẽ dẫn đến cách làm như vậy. Thời đại xem tiểu thuyết để tiêu khiển dần dần sẽ nhường cho thời đại xem tiểu thuyết thay đổi thế giới. Chính lối đi riêng không lẫn vào ai đó đã làm nên một phong cách Sơn Tùng độc đáo trong văn học Việt Nam".

Năm 2010, ông bị tai biến và lần này, bệnh tật đã khiến ông ngã quỵ. Ông không nói được. Mọi di chuyển chỉ cậy nhờ vào chiếc xe lăn. Hơn 10 năm trên giường bệnh, ông được người vợ hiền tần tảo, bà Hồng Mai tận tình chăm sóc. Bà đã đi cùng ông qua những thời đoạn khó khăn của cuộc sống, và cũng là người đã góp phần giúp ông làm nên những tác phẩm lớn. Nếu không có bà chăm sóc tận tình, chắc hẳn chúng ta sẽ không có một nhà văn Sơn Tùng bền bỉ sống và chiến đấu với bệnh tật, để lại cho đời những trang viết. Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Lần đó, bên giường bệnh, nước mắt ông lặng lẽ rơi.

Giờ thì ông đã về cõi những người Hiền, ở đó ông sẽ gặp lại những người bạn của mình. Họ là những nhà văn, nhạc sĩ... những người đã sống lặng lẽ và tận hiến cho cuộc đời bằng tác phẩm. Với họ, tác phẩm chính là lẽ sống. Họ đứng ngoài những vòng xoáy của danh lợi, bạc tiền... Những lớp người Hiền đó đã góp phần làm nên bề dày văn hóa của đất nước... Họ ra đi, nhưng tác phẩm của họ sẽ còn lại mãi với thời gian.

V. Hà
.
.