Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Hồi xuân” ở tuổi 70
- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ “sinh” thêm 2 ‘đứa con tinh thần”
- Đời có lúc mất hết, vẫn còn văn chương
- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Vợ mới của tôi đã khóc rất nhiều khi đọc "Vợ cũ"
- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ “tái xuất” với “Vợ cũ” và “Sẫm violet”
Đặc biệt, đây cũng là một cuộc hội ngộ hiếm có của các cây bút tên tuổi, chứng tỏ sự quan tâm của giới cầm bút trước những đứa con tinh thần của nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Đỗ Chu, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Văn Chinh…
Đúng như ý kiến của nhà văn Nguyễn Trường, Giám đốc NXB Thanh niên: “Sự có mặt đông đảo các nhà văn, văn nghệ sĩ, bạn đọc hôm nay sáng tỏ hơn vị trí của một nhà văn đứng thế nào trong bầu trời văn học”.
Ngay khi buổi ra mắt bắt đầu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã xúc động ôm lấy nhà văn Nguyễn Văn Thọ để bày tỏ niềm vui, niềm hạnh phúc trước sức sáng tác bền bỉ của ông, vì mỗi tập sách của Nguyễn Văn Thọ đều có những đóng góp nhất định cho văn học nước nhà: “Anh đã viết tiểu thuyết “Quyên” - cuốn tiểu thuyết hay nhất viết về người Việt Nam ở nước ngoài.
Cuốn sách báo động những vấn đề đạo đức. Tại sao những người Việt Nam ở trong nước thương yêu và gắn bó với nhau mà ra nước ngoài thì cứ vỡ ra từng mảnh một? Tôi muốn chúc mừng anh, một người lính thực sự, nhưng mà anh đã không còn dùng vũ khí vật chất để chiến thắng quân thù nữa, mà dùng tài năng của mình để đấu tranh cho đạo đức và sự tử tế. Một cuộc chiến cũng cực kỳ khốc liệt và cam go”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam không giấu được niềm vui khi biết Nguyễn Văn Thọ vẫn đang tiếp tục nuôi cảm xúc để chuẩn bị cho cuốn tiểu thuyết mới ra đời – điều hiếm hoi ở những nhà văn lớn tuổi, nhất là điều này sẽ tạo cảm hứng cho các cây bút trẻ.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ký tặng sách cho độc giả. |
Tình cảm của bạn bè, công chúng khiến nhà văn Nguyễn Văn Thọ không giấu được những giọt nước mắt cảm động: “Hôm nay là một ngày tôi chạm vào hạnh phúc. Hạnh phúc gặt hái sau lao khổ nhà văn, đầm mình không hoang tưởng, cả đời cầm bút vì một mối tình”… Đến nay, Nguyễn Văn Thọ đã gặt hái không ít giải thưởng văn chương...
Cuộc đời càng nhiều trải nghiệm, càng đọng lại trong ông vốn sống đầy đặn, để trở thành chất liệu phong phú hòa vào cảm xúc, thành mạch nguồn sáng tạo chảy trên từng con chữ. “Quyên” là một minh chứng rõ nét khi ra đời sau những thăng trầm của nhà văn, đã mang thành công đến cho ông với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, rồi tiếp tục bước vào điện ảnh như một sự kiện của văn học. Và nay, “Hương mỹ nhân” và “Vườn mộng” tiếp tục là những dấu ấn mới của Nguyễn Văn Thọ khi ông đã ở tuổi 70.
Gương mặt “đa phong cách” của Nguyễn Văn Thọ hiển hiện trong các tác phẩm, tạo nên nét riêng với giọng điệu biến hóa đầy ma lực và cùng những trang văn đầy ắp chất liệu của đời sống thực mà tác giả đã tích lũy từ bao sóng gió, bùi ngọt ở đời. Nguyễn Văn Thọ xúc động chia sẻ với bè bạn về những điều mà ông gửi gắm trong mỗi tác phẩm: "Cái đẹp nào làm ra Chân và Thiện, nếu viết xong một câu chuyện, người ta không yêu cuộc sống? Cuộc sống nhiều cái ác quá phải chỉ rõ ra, song không nên đào xới cái ác để hỉ hả, rủa xả mà cần nhìn rõ bản chất cội căn của nó mà theo tinh thần bác ái chia sẻ với con người, thân phận con người. Thúc giục tình yêu, hy vọng sống vượt qua mọi đau khổ chính là xác lập niềm tin ở nhân dân và dân tộc".
Bên cạnh những trang viết về Hà Nội luôn rộn rã niềm tự hào xen lẫn cả niềm day dứt, trăn trở, Nguyễn Văn Thọ còn trải niềm đam mê trong mảng đề tài về chiến tranh. Nhớ về quá khứ chưa xa, nhà văn nghẹn lời: "Trước đây, tôi luôn gạt chiến tranh ra khỏi đầu vì đó là địa ngục. Nhưng những gì vấp phải trong cuộc sống đã buộc tôi cầm bút và chưa khi nào quên, phải kể về bản anh hùng ca bi tráng cùa lớp lứa chúng tôi.
Sau này hiểu thêm về các cuộc chiến ở nước ngoài, tôi đã nghĩ: Thân phận mỗi cá nhân đều phụ thuộc vào thân phận dân tộc. Mỗi dân tộc muốn thoát khỏi cuộc chiến phải mạnh. Sức mạnh phải ở dân tộc tự quyết định và cá nhân phải góp sức vào làm dân tộc mạnh. Viết về chiến tranh bao nhiêu tôi thấy chưa đủ, bởi bao điều tôi trải qua. Tôi nghĩ điều đó có nhiều ý nghĩa cho thế hệ sau, nếu tôi viết hay, chúng sẽ trân trọng hòa bình, giá trị của hòa bình: Không để miền địa ngục có tên là chiến tranh quay lại đất nước này!".
Nếu từng tiếp xúc với Nguyễn Văn Thọ, sẽ thấy tính cách con người ông in đậm trong từng trang viết: Sâu sắc, quyết liệt nhưng thật tình cảm. Chính điều đó làm nên sức hút riêng với bạn đọc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ sự đồng cảm với người cựu binh Nguyễn Văn Thọ về những cảm xúc mà tác giả gửi gắm trong “Hương mỹ nhân” và “Vườn mộng”: “Nguyễn Văn Thọ là một cây bút vạm vỡ, tài hoa. Nhưng cứ như mắt tôi đọc thì truyện ngắn mới là phần tinh tuý nhất của anh…
Tất nhiên, như tôi nói, hợp tuyển này vẫn chưa chưng cất hết tinh chất Nguyễn Văn Thọ, vì còn có truyện xuất sắc khác chưa có mặt… Tập sách có nhiều mảng. Mảng chiến tranh. Mảng nước ngoài. Mảng dã sử. Mảng Hà Nội và Hà Nội xưa. Dù viết về đề tài nào, Nguyễn Văn Thọ cũng tạo được ấn tượng. Dù ở nước ngoài hay ở trong nước, anh đều lăn lộn với đời sống, lặn ngụp tận đáy xã hội, lại luôn “đứng về phe nước mắt”, nên anh rất hiểu đời sống nhân dân, rất hiểu những người lính, đặc biệt là những số phận mong manh của những kiếp người bé nhỏ. Đấy chính là xứ sở của văn chương. Văn chương đâu có trong nhung lụa ở Cung Vua, Phủ Chúa. Văn chương chỉ trú ngụ trong những chốn bần hàn”.
Ở một góc nhìn khác, nhà phê bình Bùi Việt Thắng đánh giá “Vườn mộng” là mười tám truyện được chọn lựa một cách kỹ lưỡng đúng như tính cách của chủ nhân”. Mảng đề tài về đời sống người Việt ở nước ngoài vẫn là một thế mạnh của Nguyễn Văn Thọ và “Vườn Maria” được Bùi Việt Thắng ghi nhận là “cách viết đã chạm đến cái gọi là văn hóa tương lai”.
Còn “Mùi thuốc súng” là truyện được nhắc đến như một dấu ấn đậm nét nhất trong chùm tác phẩm viết về chiến tranh, bởi “tinh thần tố cáo chiến tranh ở phía hủy diệt". Không phải là hủy diệt của cải vật chất và sinh mạng con người mà là hủy diệt hạnh phúc của nó.
Truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ nhìn chung có sức chứa lớn, nó được tiểu thuyết hóa dẫu cho bộ xiêm y mang trên mình vẫn có chữ ngắn. Đang có một xu hướng viết tối giản tiểu thuyết tạo nên loại hình tiểu thuyết ngắn. Trái lại truyện ngắn do yêu cầu nén chặt lại đang được viết như là những mảnh vỡ của tiểu thuyết. Từ truyện ngắn tác giả có thể nâng cấp lên thành tiểu thuyết (“Quyên” là một ví dụ, nó có chất bột từ truyện ngắn, trong tập này là cái nhân đôi của Bản năng I và Bản ngã").
Là người quyết định in các tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Nguyễn Trường bày tỏ: "Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã kiên trì với thể loại truyện ngắn suốt 33 năm cầm bút. Mà trong 2 tập sách này, với 43 truyện ngắn chọn lọc, chúng tôi đánh giá cao giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật trong tác phẩm của ông, đồng thời, cũng đánh giá cao sự lao động nghiêm cẩn của nhà văn...”.
Thật khó để nói hết những thành công trong từng truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ. Bởi ông gửi gắm nhiều điều trong những câu văn đầy sức nặng. Cô đọng, nhiều tầng nghĩa, biểu cảm mạnh mẽ và đầy ắp cảm xúc …