Nhà văn Nguyễn Uyển: Một tấm lòng chan chứa nghĩa tình

Thứ Năm, 06/05/2021, 11:48
Hà Nội những ngày tháng 4, từng cơn gió nhè nhẹ thổi qua xua tan cái nóng nực đầu hè, xe chúng tôi thẳng hướng quốc lộ 2 tiến về xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để dự lễ ra mắt "Tủ sách của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc và nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển tặng xã Nghĩa Hưng".


Đây là mô hình tiên phong trong việc đưa sách về nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc, là sự kiện chào đón sinh nhật lần thứ 82 đầy ý nghĩa của nhà văn Nguyễn Uyển.

Trên xe, nhà thơ Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam với khuôn mặt thiếu ngủ, sự mệt mỏi vẫn còn hiện rõ khi đêm qua chị mới công tác từ Bình Dương ra nhưng vì trân trọng, quý mến cái tình của "ông anh" Nguyễn Uyển nên sớm nay đã lích kích lên đường. 

Dù xa quê nhiều năm nhưng trong giọng nói của nữ nhà thơ vẫn phảng phất giọng Nghệ ấm áp: "Mấy hôm trước anh Uyển có viết bài về tập thơ "Bên trời" vừa được giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam của mình trên Thời báo Văn học Nghệ thuật. Sáng sớm hôm ra báo, anh đã bắt xe bus từ tận Minh Khai sang Dương Đình Nghệ hơn 10 km để tặng mình mấy tờ báo biếu. Mình thật sự cảm động vì sự chu đáo, chân tình của anh ấy". Thế rồi trên xe chúng tôi, Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn thêm vào: "Anh ấy thuộc vào lớp người xưa, sống rất tình nghĩa, tận tụy, trách nhiệm mà anh em chúng mình còn thua xa…".
Tác giả và nhà văn Nguyễn Uyển tại nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam ở Thái Nguyên.

Trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh "nhân vật chính" trong buổi lễ mà chúng tôi sẽ dự tới đây - một người đàn ông đứng tuổi, người thấp, đậm, mái tóc bồng bềnh đã ngả màu muối tiêu. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển dù nay đã ở tuổi "ngoại bát tuần" nhưng vẫn chịu đi, chịu tìm tòi quan sát, ghi chép, chẳng thế mà nghỉ hưu đã lâu nhưng ông vẫn được "đặc cách" cấp Thẻ Nhà báo. 

Lại nhớ cùng ông trên chuyến "Về nguồn" tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam mấy năm trước khi chúng tôi còn đang say xe đứ đừ vì những góc cua trên cung đường miền núi thì ông lại chẳng hề hấn gì. Xuống xe, đôi chân ông thoăn thoắt, khuôn mặt hồ hởi, tươi cười thăm hỏi những người làm báo Thái Nguyên cũng như chính quyền, nhân dân xã Điềm Mặc rồi về Hà Nội ông có ngay bài viết nói về tình nghĩa mà vùng đất này đã dành cho "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống lớp lớp thế hệ nhà báo nước nhà.

Thực ra cung đường lên đất Thái Nguyên cũng chưa thấm vào đâu so với cung đường lên Điện Biên - nơi ông đã coi như quê hương thứ hai của mình. Ông là người nặng lòng với miền cực Tây Tổ quốc, được người dân và người làm báo nơi đây coi là người bạn, người anh em, đồng chí, đồng nghiệp thân thiết, gần gũi. Ông đã viết hằng trăm bài phản ánh sinh động cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây và đặc biệt đã ra mắt tập sách "Tình người Điện Biên" góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người xứ sở hoa ban đến với công chúng cả nước.

Khi tôi đang miên man theo những dòng ký ức ấy thì chiếc xe đã dừng bánh trong sân trụ sở Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Hưng. Và nhà văn Nguyễn Uyển đã nhanh nhẹn bước ra "tay bắt mặt mừng" đưa chúng tôi vào hội trường với câu nói quen thuộc: "Qúy hóa quá!". 

Thì ra Nghĩa Hưng không phải là quê hương của ông mà cách đây 60 năm thầy giáo trẻ Nguyễn Uyển đã gieo trồng tri thức bằng việc dạy các bộ môn khoa học xã hội (văn - sử - địa) cho học sinh cấp II thuộc 8 xã của vùng đất này. Đó cũng là nơi ông lập gia đình, có hạnh phúc riêng và sinh người con đầu lòng Hồng Nghĩa (hiện công tác tại Báo Nhân Dân) lấy theo tên xã Nghĩa Hưng như một kỷ niệm không thể nào quên.

Nhà văn Nguyễn Uyển (giữa) cùng các đại biểu tham quan tủ sách xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chỉ vài ba năm sinh sống, dạy học ở đây nhưng với Nguyễn Uyển là biết bao nhiêu nghĩa, bao nhiêu tình. Nghĩa Hưng hôm nay đã đổi khác so với ngày ông đặt chân đến, cái đói, cái nghèo đã bỏ xa và hiện nay xã đã cán đích nông thôn mới và đang tiến lên đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Lần trở lại này với ông tất cả đều thấy mới lạ. Thời gian xô lệch, cùng trà cùng trật phần đông đã biền biệt ra đi, người còn - gặp lại ông cũng không nhớ nổi. 

Thế nhưng, Nghĩa Hưng đã "hóa tâm hồn" để rồi ông chuyển sang nghề làm báo, rồi viết văn đã mấy chục năm nhưng vẫn trăn trở việc đền đáp nghĩa tình với nơi này. Cuộc đời làm báo, viết văn lưu giữ cho ông những trang viết, những tập sách và có thêm những bạn bè chí cốt, những đồng nghiệp đắm say cùng nghề, rộng hơn là những bạn đọc thân thương khắp mọi miền đất nước... 

Và còn gì ý nghĩa hơn khi dự án tủ sách ra đời với trên 1.000 đầu sách các loại, trong đó có những cuốn sách của ông và có những cuốn do bạn bè, nhiều cuốn ông mua tích lại, rồi cả sách do đồng nghiệp mọi miền nhiệt tình hưởng ứng. Ông trao tủ sách với kỳ vọng hết sức sâu sắc: "Mong lấy đọc sách để luyện người, để thôn xã thêm sang, để nông thôn mới giàu đẹp vững bền!".

Là người kết nối cho dự án này, nhà thơ Hải Thanh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ nhiều năm nay, Hội đã có chủ trương xây dựng tủ sách địa phương, đặc biệt từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định lấy ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam nhưng việc thực hiện dự án vẫn còn nhiều khó khăn. Nhà văn Nguyễn Uyển từ việc tình đến việc nghĩa với mảnh đất này đang trải lòng mình bằng nghĩa cử hôm nay. Còn Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng Trần Văn Thái thì xúc động: "Món quà quý giá này sẽ giúp người dân trong xã đặc biệt là các em nhỏ nâng cao tri thức, khơi dậy phong trào đọc sách, tình yêu với sách. Đây là vinh dự, tự hào cho xã Nghĩa Hưng - một điều rất hiếm có với vùng quê thuần nông này". 

Có mặt tại buổi lễ, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định: "Đây sẽ là mẫu hình hay, mẫu hình quý nhân ra ở các huyện, ở nhiều xã của tỉnh, đặc biệt những xã đông dân như Nghĩa Hưng, để xóa bớt đi cảnh "đói" sách, để góp sức xây dựng con người nông dân trong nông thôn mới ngày thêm hoàn chỉnh, đúng nghĩa là con người của thời đại mới đang khát vọng phồn vinh và thịnh vượng!".

Dù không có mặt tại buổi lễ trang trọng này, thế nhưng Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có bức thư đáng suy ngẫm, trong đó ông khẳng định việc đưa sách về nông thôn là một ý tưởng nhân văn cao cả. Thiếu vắng tri thức và văn hóa mới là thứ làm tàn lụi đời sống con người trên thế gian này. BCH Hội Nhà văn khóa X cũng đã và đang thực thi chiến lược sách cho thiếu nhi bằng nhiều cách. 

"Hành động của nhà văn Nguyễn Uyển cũng như Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc cũng là lời nhắc nhở cho các nhà văn, cho tất cả những người làm công tác văn học nghệ thuật, những nhà giáo dục, những nhà quản lý văn hóa và xã hội về sự cần thiết tối thượng của sách và về sứ mệnh của mình đối với con người và đất nước", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Hiện diện trong sự kiện đáng nhớ này còn có khá đông đại biểu nhân dân, các thầy cô giáo, các em học sinh quý sách hơn vàng; cùng nhiều gương mặt thân quen trong giới văn học nghệ thuật, báo chí, như nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi, Nguyễn Thế Kỷ, Đỗ Hàn, PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nhà thơ Trần Nhật Minh… Tất cả họ đến đây đều mang một tâm thế cảm mến trước tấm lòng chan chứa nghĩa tình của nhà văn Nguyễn Uyển - một người bạn, người đồng nghiệp hết sức yêu mến của nhiều thế hệ nhà văn, nhà báo nước nhà.

Ngô Khiêm
.
.