Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang : Nữ binh cầm bút

Thứ Hai, 19/12/2016, 08:00
Không đợi được đến ngày tận cùng của năm để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80, sáng 5-12 -2016, Thượng tá, nhà văn Quân đội Nguyễn Thị Như Trang đã mất sau một thời gian nằm bệnh. Là nhà văn nữ duy nhất ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong những năm chiến tranh, bà từng có mặt ở nhiều vùng chiến sự ác liệt với tư cách nhà báo, nhà văn. Là tác giả của hơn 20 đầu sách, trong đó có 5 tiểu thuyết, năm 2012, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật.


"Màu tím hoa mua", "Rặng cúc tần" là những truyện ngắn tôi đọc vào đầu mùa Thu 1969 để biết đến tên Nguyễn Thị Như Trang. Dạo đó, sau mấy năm chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên- B4, mùa mưa, để tránh phải tiếp tế lương thực và tránh bệnh sốt rét rừng miền Tây, đơn vị pháo binh của chúng tôi được lệnh ra vùng rừng Ho - Thù Lù, phía Tây Quảng Bình, gọi là chạy đói. Trong thư từ gửi từ hậu phương ra tiền tuyến có kèm mấy tờ báo Văn Nghệ.

Theo bản năng khát chữ, cánh lính như tôi hễ cầm tờ báo là đọc từ chữ đầu trang một đến dòng cuối của trang chót. Quả thật với tâm lý hơi cực đoan và "công thần" của những người lính trận, vừa trải qua những ngày tháng dai dẳng chống chọi với đạn bom, đói, sốt rét, thương vong, ở một chiến trường nổi tiếng về ác liệt, khi đọc những trang văn thơ đèm đẹp, trong đó có những truyện trên, tôi không có mấy cảm tình.

Vài năm sau, trở lại chiến trường, sau hơn chục trận chiến đấu, tôi được cử về học ở Học viện Chính trị nhưng chưa nhận bằng đã bị điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những năm đầu, tôi không mấy khi trò chuyện với nhà văn nữ duy nhất trong tòa soạn, dù dạo đó, bà và tôi ở hai phòng cạnh nhau, ngay đầu cầu thang tầng hai: Hai cái toilet được cải tạo, để vừa vặn một cái bàn nhỏ và một cái ghế tự đóng.

Cố nhà văn Nguyễn Thị Như Trang trao đổi với các bạn viết bên lề Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa 9.

Những ngày tháng 5 năm 1972 Mỹ rải thảm B52 Hà Nội, Văn nghệ Quân đội sơ tán về làng Hương Ngải thuộc huyện Thạch Thất, Hà Tây. Chồng là cán bộ Quân đội có hạng, nhưng công tác xa, bà một mình mang theo mấy con nhỏ về nơi sơ tán, có phần nhếch nhác, luộm thuộm hơn cánh đàn ông. Nhưng đây cũng là một cơ hội quý hiếm để các nhà văn có dịp gần gũi nhau trong cuộc sống ngày thường.

Không thể quên những đêm tụ tập ở mấy ngôi nhà tương đối to rộng, hàn huyên chuyện đời, chuyện văn để giấu đi nỗi lo, lắng nghe tiếng bom B52 dội vào Hà Nội. Sau mấy năm từ Báo Quân Bạch Đằng - Quân khu 3 - được điều về Văn nghệ Quân đội 1969, giai đoạn này, hình như bà viết lách có khó khăn hơn.

Chuyển từ một nhà báo thành một nhà văn chuyên nghiệp là một bước không dễ dàng. Lại thêm việc liên tục sinh con nhỏ, vào giai đoạn chiến sự căng thẳng, ở trong môi trường hầu hết đều là nhà văn có tên tuổi, đang vào thời điểm sáng tác sung sức, hễ đi thực tế ở đâu là về có ngay tác phẩm, một cây bút nữ cảm thấy mất tự tin cũng là dễ hiểu.

Với một quyết tâm lớn gửi lại con nhỏ, nhà văn Nguyễn Thị Như Trang đi thâm nhập thực tế vào các đơn vị nữ Thanh niên xung phong ở tuyến lửa Khu IV để sau đó có tập truyện ngắn  "Câu chuyện ở rừng", và tiểu thuyết đầu tay in sau chiến tranh: "Khoảng sáng trong rừng" (1976). Văn nghệ Quân đội trước và sau mốc 1975 quả là thời kỳ rực sáng với các tác giả như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều, Thu Bồn, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Sách, Hải Hồ, Mai Ngữ, rồi Phạm Ngọc Cảnh, Triệu Bôn, Lê Lựu… Chưa kể một lực lượng đông đảo các cây bút mới được bổ sung từ các đơn vị, các chiến trường về đang đầy năng lượng.

Nhà văn nữ độc nhất âm thầm chấp nhận cuộc thi đua đi và viết, với những cây bút trẻ đã đi, giờ yên tâm ngồi viết.

Ngay sau giải phóng, nhà văn đã bắt được những mối liên lạc với người thân cả bên mình và bên nhà chồng, ở miền Nam, cùng các chuyến đi thực tế lấy tài liệu để có hiểu biết và tư liệu về cuộc sống những năm chiến tranh cho những tiểu thuyết viết về các nữ chiến sĩ biệt động: "Cây thông non", "Biệt thự có giàn hoa tím", và tiểu thuyết "Đứa con bị ruồng bỏ". Trong một cuộc điều tra về đọc sách ở các thư viện thành phố Huế, có một năm, "Cây thông non" được chọn vào số sách được nhiều người đọc nhất.

Một lợi thế vô song của các nhà văn quân đội, ấy là được đi nhiều. Tới đâu cũng có người đón, kẻ đưa, nhất là những người đã có những tác phẩm được dư luận chú ý. Trong những năm chống Mỹ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội là ấn phẩm được phát tới từng Đại đội, được yêu mến và quý trọng vì chất lượng bài vở. Bản thân ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế là một địa chỉ văn hóa đặc biệt, nơi không chỉ các nhà văn, nhà thơ, mà các nhạc sĩ, họa sĩ không chỉ trong quân đội, thường xuyên đi về.

Thời chiến, công tác bảo vệ rất nghiêm ngặt, đặc biệt là các đơn vị vũ trang. Nhưng Văn nghệ Quân đội lại là một ngôi nhà luôn mở rộng cửa đón các bạn bè yêu mến, không chỉ trong giới văn nghệ. Là nhà văn nữ duy nhất trong ngôi nhà văn học, trong chiến tranh, do vị trí công tác, Nguyễn Thị Như Trang chắc chắn là nhà văn nữ Việt Nam đi nhiều chiến trường, và có mặt ở nhiều mặt trận hơn cả: Hải Phòng những ngày Mỹ ném bom ác liệt, và thả thủy lôi phong tỏa cảng, các đảo lớn nhỏ vùng Đông Bắc hồi còn làm Báo Quân Bạch Đằng, từng vào Trường Sơn những ngày bom đạn, lên mặt trận phía Bắc trước và sau khi xảy ra chiến tranh Biên giới, sang với bộ đội tình nguyện ở Campuchia, sống với các đơn vị bộ đội xây dựng công trình Thủy điện Sông Đà, nơi những người lãng mạn có xây một cột mốc gửi bức thư tới các thế hệ mai sau, hay trở lại chiến trường Điện Biên nhân kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng…

Và quan trọng là dấu ấn những chuyến đi đều được thể hiện trong nhiều tác phẩm, có những tác phẩm được những người trong cuộc đặc biệt yêu thích. Không kể các tiểu thuyết "Khoảng sáng trong rừng", "Cây thông non", "Biệt thự có giàn hoa tím", các tập "Ánh lửa từ chân sóng", "Câu chuyện ở cửa rừng", "Nhật ký Phnôm Pênh"…, truyện ngắn "Năm tháng qua đi" viết về những người lính tình nguyện với âm hưởng tin yêu, đằm thắm thiết tha, hay "Điều không khắc vào đá" viết nhân chuyến lên thăm công trình Sông Đà, với những suy tư và khả năng phát hiện và diễn đạt mạnh bạo những vấn đề không đơn giản đặt ra trong cuộc sống từng người và trong công việc của người lính khi tham gia xây dựng kinh tế.

Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang.

Những năm sau chiến tranh, cũng không thể quên được những chuyến đi họp cộng tác viên của tạp chí ở khắp ba miền, là dịp gặp để cảm ơn những tác giả đã có nhiều bài đăng trên tạp chí trong những năm chiến tranh.

Là biên tập viên phần văn xuôi, Nguyễn Thị Như Trang là người có nhiều bạn viết, và cũng nhiều bạn viết quý chị, nên trong các cuộc đi thường ít khi vắng mặt. Huế với những tên tuổi Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Bằng, Lê Thị Mây, Hà Khánh Linh, Võ Quê, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Khắc Phê,… Đà Nẵng với Phan Tứ, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Khắc Phục, Lâm Quang Ngọc… TP Hồ Chí Minh với Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Trang Thế Hy, Nguyễn Hồ, Đinh Quang Nhã, Trần Thanh Phương…

Và đặc biệt là những cây bút ở miền Tây: Nguyễn Bá, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Đinh Thị Thu Vân, Dạ Ngân, Lập Em, Văn Định, Nguyễn Linh,… Bao năm xa cách, mà lần đầu gặp là đã đầy ân tình, yêu mến.

Thuở ấy, ai cũng nghèo. Văn nghệ Quân đội cũng không khá hơn, nhưng các buổi họp cộng tác viên sao mà sôi động, nồng nhiệt và chia tay đầy lưu luyến, để rồi từ đây bài vở của Văn nghệ Quân đội thường xuyên được giới thiệu những cây bút mới ở mọi miền đất nước. Bên cạnh các nhà văn đàn anh uy tín như Tổng biên tập Vũ Cao, Phó Tổng biên tập Từ Bích Hoàng, các nhà văn Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu... sự có mặt của cây bút nữ hiếm hoi của làng văn Quân đội ở vào độ tuổi… có sức hút không nhỏ với cộng tác viên.

Là người có hoàn cảnh gia đình tương đối khá hơn so với số đông đồng nghiệp nhà văn, nhiều năm, âm thầm, lặng lẽ, bà cũng từng đỡ đần miếng cơm, tấm áo cho vài nhà văn hoàn cảnh khốn khó, hay lúc ốm đau. Quan hệ của  bà với nhà thơ thế hệ trước như Quang Dũng, Tế Hanh… đầy ân tình. Để có chút tiền, một dạo thấy bà đi buôn sách từ Bắc gửi vào Nam và ngược lại. Lãi không biết bao nhiêu, nhưng nhiều chuyến lỗ nặng vì sách ế. Đi học Nga cũng buôn hàng áo phông, đồng hồ điện tử, và trăm thứ bà rằn như mọi người... Nghĩ lại mà thương.

Cuộc chiến tranh 30 năm đã lùi xa, rất xa. Thế hệ nhà văn đông đảo, sinh động ngày nào giờ hầu hết đều đã thành người thiên cổ. Họ ra đi với tâm thế thanh thản của những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ khi đất nước có chiến tranh. Hơn một người lính, họ đã để lại cho đời những tác phẩm để người đọc hôm nay và mai sau biết rõ về một trang lịch sử bi thương mà hào hùng của dân tộc. Nhà văn nữ quân nhân vừa lên đường gặp các đồng đội đi trước, chắc cũng với tâm trạng như thế.

TP Hồ Chí Minh, 7-12-2016.

Ngô Thảo
.
.