Nhà văn Nguyễn Thế Quang: "Cây to mọc chậm"
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Viết cho lứa tuổi càng nhỏ càng khó
- Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: Tự “làm mịn” mình trong tiểu thuyết mới
- Nhà văn Hồ Phương: “Viết bao nhiêu cũng chưa đủ trả nợ cuộc đời”
- Nhà báo, nhà văn Dương Thành Truyền: Người đi “săn chữ”
Khi đã có tuổi mới tập trung vào nghiệp viết. Lại không may bị tai biến mạch máu não (ơn trời là còn ở thể nhẹ), nhưng nhà văn Nguyễn Thế Quang vẫn dồn tâm sức và nghị lực để trong khoảng 5 năm (từ 2010 đến 2015) hoàn thành một khối lượng khá đồ sộ với ba cuốn tiểu thuyết lịch sử “Nguyễn Du”, “Khúc hát những dòng sông” và “Thông reo ngàn Hống” với khoảng 1.300 trang. Chẳng thế mà bạn đọc xứ Nghệ, nhất là những người quen biết ông đều nói vui: Nguyễn Thế Quang là hiện tượng “cây to mọc chậm” trong làng văn nước nhà.
Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, tác giả lừng danh: "Truyện Kiều" xưa nay đã có không ít công trình nghiên cứu, thơ ca, tác phẩm sân khấu… đề cập và thể hiện nhưng khắc họa tâm hồn, tư tưởng và tài năng của nhà thơ lớn, với nhiều mối quan hệ phức tạp cách đây hơn 200 năm phải kể đến tiểu thuyết lịch sử "Nguyễn Du" của Nguyễn Thế Quang (giải A - Giải thưởng Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An, năm 2011). Tác phẩm tái hiện cuộc đời Nguyễn Du kể từ lúc ông ra làm quan (thời vua Gia Long) cho đến khi ông qua đời, được chia làm năm phần (Ra Bắc; Bó thân về với triều đình; Đoạn trường Tân Thanh; Sóng gió cung đình; kết).
Dưới ngòi bút của Nguyễn Thế Quang, hàng loạt nhân vật lịch sử xuất hiện, ngoài Nguyễn Du là Gia Long, Hồ Xuân Hương, Ngô Thời Nhậm, Đặng Trần Thường, Lê Văn Duyệt. Một mặt tôn trọng tính chân thực của lịch sử, mặt khác nhà văn cũng sử dụng quyền hư cấu của tiểu thuyết nhằm xâu chuỗi các sự kiện và nhân vật một cách hợp lý. Người đọc bắt gặp cảnh Nguyễn Du trò chuyện với Đặng Trần Thường, tâm sự với Nguyễn Công Trứ; cảnh Nguyễn Du đối thoại với vua Gia Long, rồi ông gặp lại nữ sĩ Hồ Xuân Hương sau hàng chục năm xa cách…
Nét độc đáo và cũng là thành công của Nguyễn Thế Quang trong tác phẩm này chính là nhà văn đã khắc họa những nỗi niềm, những tâm trạng giằng xé phức tạp của Nguyễn Du trước con người và thời cuộc. Hình tượng Gia Long hiện lên trong tác phẩm là ông vua tài năng, quyết đoán nhưng cũng đầy mưu mô, xảo quyệt. Gia Long rất quý trọng Nguyễn Du, nhưng không tin dùng người đã có những câu thơ "Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai".
Bởi vậy có lần sau khi ca ngợi Truyện Kiều, vua Gia Long hỏi: "Thơ khanh viết hay lắm. Sao khanh không có bài nào ca ngợi ta nhỉ? Khanh có thể viết một bài hay một quyển thật hay ca ngợi ta và triều đại ta không?”. Quả là một thử thách, nhưng đối diện với người đứng đầu Vương Triều, Nguyễn Du nói một cách chậm rãi: "Xin bệ hạ cho thần được làm điều thần nghĩ". Gia Long cười sảng khoái và ngài đỡ Nguyễn Du dậy: "Khá lắm! Thế mới là Nguyễn Du của ta chứ! Ta có cần gì ngợi ca. Ta chỉ cần những bề tôi có tài, có cốt cách như khanh. Xung quanh ta biết bao kẻ xu nịnh nhưng nhà thơ đích thực thì không được xu nịnh bất kỳ ai, kể cả quyền lực và mỹ nữ”. Sau lần được gặp vua ấy, Nguyễn Du đã phải thốt lên "Hoàng thượng ơi, Người ban cho thần cơm trắng, giấy thơm, bút quý, nhưng không ban cho thần tự do thì làm sao thần có thơ văn hay được"…
Nguyễn Công Trứ - một nhà thơ, một nhà nho tài tử sống trải ba triều vua Minh Mạng, Tự Đức và Thiệu Trị. Ông cũng từng đặt chân từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi ông có công khai khẩn (Ninh Bình và Thái Bình) đến tận biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Nguyễn Công Trứ qua thơ văn của mình và các giai thoại, người đời còn nghĩ ông là con người với tính khí ngất ngưởng, mê ca trù và có lắm mối tình hư thực. Không sa đà, kể lể về công lao của Nguyễn Công Trứ trong việc khai khẩn một vùng đất hoang thuộc đồng bằng Bắc Bộ cách đây ngót 200 năm, hay ly kỳ hoá những mối tình của nhà nho tài tử, trong tiểu thuyết "Thông reo ngàn hống", Nguyễn Thế Quang tập trung thể hiện tâm trạng, khắc họa những khát vọng và các cung bậc nội tâm để biểu lộ nỗi đau đời; những băn khoăn trăn trở làm sao "an dân" của một ông quan thanh liêm, chính trực Nguyễn Công Trứ.
Tái hiện một giai đoạn lịch sử của dân tộc, tác giả đã chọn lọc các sự kiện, những tình tiết và chân dung các nhân vật nhằm thể hiện mối quan hệ giữa kẻ sĩ và quyền lực, vương triều và các trí thức; là trách nhiệm của những người học cao hiểu rộng trước vận mệnh của dân tộc đang có nguy biến. "Thông reo ngàn Hống" xuất hiện nhiều cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Công Trứ với các bậc thức giả đương thời như Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Du, Nguyễn Siêu và đặc biệt là Cao Bá Quát để thổ lộ suy tư. Ấy là những cuộc đối thoại giữa quá khứ với hiện tại, truyền thống với tương lai; khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng mà suy ngẫm về thời cuộc hôm nay.
Một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thế Quang. |
Nhà văn Nguyễn Thế Quang xuất thân từ một gia đình có truyền thống nho học ở Thanh Chương, Nghệ An. Từ tuổi ấu thơ, ông đã được rèn dạy về đạo hiếu. Hơn bốn mươi năm gắn bó với nghề dạy học, tiếp xúc với rất nhiều cha mẹ học sinh, theo dõi những thành công và thất bại của các thế hệ học trò; và từ thực tế cuộc sống được gặp, được nghe không ít tấm gương về người mẹ đáng kính; liên tưởng đến hình ảnh thân mẫu Bác Hồ đã thôi thúc ông viết "Khúc hát những dòng sông".
Tiểu thuyết lịch sử "Khúc hát những dòng sông" tái hiện quãng đời ngắn ngủi của bà Hoàng Thị Loan khi còn ở làng Sen (huyện Nam Đàn) vất vả gồng gánh đưa con nhỏ theo chồng vào Huế sinh sống, đến khi bà trút hơi thở cuối cùng. Quãng thời gian chỉ sáu năm nhưng chân dung về người mẹ, người vợ hết mình vì chồng con, trách nhiệm với dòng tộc, xóm làng đã được tác giả bố cục thành bốn phần: "Quê nhà", "Đường vô xứ Huế", "Giữa chốn kinh thành" và "Vĩ thanh".
Những trang viết của nhà văn cho ta hiểu hơn về người mẹ - thân mẫu Bác Hồ thời kỳ ở Huế. Bà không chỉ tần tảo sớm hôm, lo toan miếng cơm manh áo cho chồng con mà còn cứng cỏi và quyết liệt chống lại sự cám dỗ của vật chất, giữ tròn phẩm hạnh. Bà Hoàng Thị Loan cũng hiện lên với một đời sống tâm hồn phong phú với những lần dẫn Nguyễn Sinh Cung đi thăm đình chùa, lăng tẩm ở Huế, nghe hát "Vè thất thủ kinh đô"… nhằm khơi gợi cho con hiểu biết về văn hóa một vùng đất và các tấm gương anh hùng trong lịch sử.
Đức hiền tại mẫu, có thể nói bà đã có ảnh hưởng quyết định sự hình thành nhân cách Nguyễn Sinh Cung để sau này phát triển nên nhân cách cao đẹp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Được biết, trong quá trình viết tác phẩm này, Nguyễn Thế Quang không may bị tai biến mạch máu não, tuy nhẹ nhưng cũng phải dưỡng bệnh hàng năm trời, đã có lúc khiến ông bỏ dở…
Có lần nhà văn bộc bạch: "Tôi không chỉ mong người đọc hiểu được cái lớn lao của người Mẹ mà điều tôi muốn hơn là phải biết làm mẹ. Bởi tôi thấy lâu nay, nhiều bà mẹ muốn con cái có tài năng và trở thành giàu sang, họ tìm cách lo cho con sung sướng về vật chất mà chưa lo và tìm phương pháp thích hợp để giáo dục con”.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học, từ cấp 2, ông phấn đấu lên dạy cấp 3 ở một ngôi trường có bề dày truyền thống hơn 100 năm nổi tiếng vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh, đó là Trường Huỳnh Thúc Kháng - Thành phố Vinh… Thời trai trẻ tập trung cho việc "trồng người", thi thoảng Nguyễn Thế Quang có viết vài truyện ngắn, mấy bài thơ.
Song cũng trong quãng thời gian ấy ông đã có ý thức tích luỹ tư liệu, khi được nghỉ hưu có thời gian và điều kiện ngoài việc đọc thêm sử sách, tra cứu tài liệu, Nguyễn Thế Quang đến Thái Bình, Bắc Giang, Huế, Quảng Bình… để hiểu biết thêm về vùng đất, văn hoá mà các nhân vật ông có ý định đưa vào tác phẩm đã trải qua.
Có lần ông chia sẻ: Tôi thích viết những đề tài lịch sử, đi sâu khám phá những số phận con người. Viết là để khám phá bản chất đời sống một thời đã qua nhằm đối thoại với thực tại, hướng đến sự tiến bộ. Người đọc tìm đến văn chương không chỉ để nhận biết mà còn để thưởng thức. Vì vậy, nhà văn phải luôn luôn nỗ lực đi tìm và tạo nên những vẻ đẹp để bạn đọc hứng khởi và phấn chấn hơn”.
Gặp ông những ngày cuối năm tại thành phố Vinh, ông cho biết đang chấp bút những trang đầu cho cuốn tiểu thuyết về một danh tướng thời hiện đại; nếu suôn sẻ thì tác phẩm sẽ được xuất bản vào đầu năm 2019.