Nhà văn Nguyên Hồng và nghề giáo

Thứ Tư, 25/11/2009, 15:00
Có thể vì nhiều lẽ: vì bản tính, vì hoàn cảnh xuất thân, chỉ biết rằng nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) là người rất "tôn sư trọng đạo".

Xưng hô với thầy giáo của con

Nhà riêng của nhà văn Nguyên Hồng ở gần Trường THCS xã Quang Tiến (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Thỉnh thoảng, nhà văn Nguyên Hồng sang trường Quang Tiến thăm các thầy, cô giáo. Về cách xưng gọi, dù là giáo viên còn trẻ, nhà văn cũng một điều "thưa thầy", hai điều "thưa thầy", mà không phải là khách khí, trái lại, rất chân tình. Có lẽ một phần nhà văn muốn xưng gọi theo lối truyền thống - gọi thay con - bởi hầu hết các con của nhà văn đều học ở mái trường Quang Tiến. Nhà giáo ưu tú Khuất Chi Mai, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Quang Tiến kể lại một câu chuyện khá thú vị:

"Thầy giáo Nguyễn Hữu Đạo, giáo viên tiểu học, trực tiếp dạy em Nguyễn Thị Yên Thế - một trong những người con của nhà văn Nguyên Hồng, nhưng anh Đạo lại vốn là bạn học cùng lứa với anh Nguyễn Vũ Giang - một người con khác của nhà văn. Một lần, Nguyễn Hữu Đạo đến thăm nhà văn Nguyên Hồng với tư cách đến thăm bố của bạn. Nhưng khi trò chuyện, trước sau nhà văn Nguyên Hồng đều gọi Nguyễn Hữu Đạo là "thầy" một cách trân trọng. Lát sau, Nguyễn Vũ Giang về, gặp Nguyễn Hữu Đạo, xưng "mày - tao" rất thân mật, thoải mái. Nhà văn Nguyên Hồng thấy vậy, gọi con trai ra một góc và nói nhỏ: "Các anh "mày, tao" với nhau là đúng, nhưng ra chỗ khác. Anh Đạo đang dạy em anh. Em anh nhìn thầy giáo của nó lại cũng như nhìn anh - một người anh, như thế tác dụng giáo dục sẽ bị hạn chế. Phải có ý chứ!". Sau đó, Giang thay đổi cách xưng hô với Đạo, nhưng thấy mất tự nhiên. Thế là Giang và Đạo kéo nhau đi chỗ khác".

Chấm văn cho học sinh

Dạo đó, nhà giáo ưu tú Khuất Chi Mai, người bạn vong niên đồng thời là láng giềng tri kỷ của nhà văn Nguyên Hồng được Phòng Giáo dục huyện Tân Yên giao cho việc tham gia "chăm sóc" đội tuyển học sinh giỏi của Tân Yên chuẩn bị đi thi trên tỉnh. Thầy Mai mới nảy ra sáng kiến: Nhờ nhà văn Nguyên Hồng chấm hộ hơn chục bài văn của học sinh đội tuyển này, rồi cho nhận xét, để các thầy giáo văn có hướng kèm cặp học sinh, biết đâu chẳng giành về cho huyện một, hai cái giải. Nguyên Hồng nhận lời giúp. Một hôm, thầy Mai đang làm việc ở nhà, thấy Nguyên Hồng hoảng hốt chạy sang, tay cầm tập bài văn của học trò:

- Thầy ơi, thầy! Hỏng! Hỏng! Học đến cấp hai rồi mà một trang gần chục lỗi chính tả, không thể chịu nổi, cho điểm zêrô thôi, khôngchịu nổi!

Thầy Mai hiểu ý, cười thân mật:

- Ông ơi, đây là bài của trò khá. Học trò bình thường của chúng tôi còn mắc mấy chục lỗi trong một bài luận vài trang. Học trò bây giờ là vậy đấy! Trình độ chính tả của trò bây giờ là vậy đấy!

Sau khi được giải thích, Nguyên Hồng buồn bã ra về, nhưng vẫn chưa hết bực dọc, xen lẫn cảm giác ngạc nhiên, thất vọng.

Vẫn theo lời thầy Chi Mai, sinh thời, nhà văn Nguyên Hồng rất thích giai thoại về nhà giáo Nguyễn Lân. Đại để thế này: Nhà giáo Nguyễn Lân cũng rất ghét hiện tượng viết sai chính tả. Thầy từng nói, đại ý: "Máy bay địch đến. Nhưng nếu thấy ở cửa hầm viết dòng chữ "hầm chú ẩn" thì dù chết, tôi dứt khoát không chui vào".

Thầy giáo Chi Mai, nhà văn Nguyên Hồng và một số người bạn già đã từng ngồi uống trà, than thở:

- Trình độ chính tả là một trong những thước đó dân trí. Thế mà năng lực chính tả của học trò nay như vậy thì thật là đáng buồn, thật đáng buồn!

Không chỉ viết cho con trai cả

Người con trai cả của nhà văn Nguyên Hồng là nhà giáo Nguyễn Hồng Hà. Anh đã mất cách đây ít năm. Nguyễn Hồng Hà là nhà giáo dạy môn Tiếng Anh ở Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Ngoại ngữ, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Nếu ai từng đọc thơ Nguyên Hồng, có lẽ đã thấp thoáng biết đến tên anh qua bài thơ "Hồng Hà tên con dòng sông yêu dấu". Khi anh còn sống, đã có lần tôi đặt câu hỏi với anh: "Cụ Nguyên Hồng có viết cho anh một số bài thơ, trong đó có hai bài nhiều người biết đến: "Ngày mùa thu đưa con lớn đi học" và "Hồng Hà tên con dòng sông yêu dấu". Nhưng thật thú vị, trong cả hai bài này, tác giả dường như chỉ "mượn cớ" hoặc dựa vào cái 'tứ": "Lần đầu đưa con đến trường" và "tên con sông Hồng Hà" để nói những chuyện lớn lao về dân tộc và thời đại, mà không trực tiếp nói về tình cảm cha con ruột thịt... Anh có cảm nghĩ gì về việc này?".

Nhà giáo Nguyễn Hồng Hà đã trả lời: "Bài thơ "Hồng Hà tên con dòng sông yêu dấu", ông cụ tôi viết khi tôi đi học ở Trung Quốc, lại còn bé, nên không rõ xuất xứ như thế nào. Còn bài "Ngày mùa thu đưa con lớn đi học" là viết cho chú Sơn, em trai tôi, khi ông cụ đưa Sơn đi nhập học Đại học Tổng hợp Toán ở nơi sơ tán thời kháng chiến chống Mỹ".

Tôi ngạc nhiên, hỏi: "Anh nói bài thơ "Ngày mùa thu đưa con lớn đi học" ông cụ viết cho anh Sơn (anh Sơn là con thứ ba trong nhà). Người đọc bình thường sẽ có thắc mắc: Tại sao trong tên bài thơ, cụ lại viết "đưa con lớn"... Cạnh đó, hai dòng thơ đầu, cụ viết: Đường nào đây cha?/ Hààà đường cha đi năm xưa/ và đường con sẽ qua". Phải chăng "Hààà" là tiếng cụ gọi tên anh, giọng kéo dài một cách âu yếm, trìu mến... Vậy thì có thể hiểu là bài thơ này cụ viết cho anh, về anh đấy chứ?".

Nhà giáo Nguyễn Hồng Hà cười hồn hậu: "Trước sau thì bài thơ này vẫn là bài thơ ông cụ viết cho chú Sơn, nói về chú Sơn, em tôi. Theo tôi hiểu, từ ngữ "con lớn" trong tên bài thơ là "con đã lớn", đã trưởng thành, không còn nhỏ dại, chứ không nhất thiết phải là con cả. Còn tiếng "Hààà" cũng như "khà... à... à" hoặc "à... à" là tiếng tượng thanh, tiếng đệm, có tác dụng đưa đẩy và cảm thán, chứ đâu phải cụ gọi tên tôi! Sự trùng lặp ngẫu nhiên khiến người đọc đã hiểu như vậy.Chắc anh từng đọc câu thơ quen thuộc của Tố Hữu: “Tiếng hát đâu mà nghe thương nhớ!/ Mái nhì man mác sông Hương/ Hà ơi, tiếng mẹ ru nhè nhẹ...". Tiếng "Hà" trong "Hà ơi" ở trên cũng giống tiếng "hààà" trong câu thơ của ông cụ tôi...".

Nhà văn Nguyên Hồng với ngôi trường mang tên ông

Từ nhà riêng của nhà văn Nguyên Hồng ở ấp Cầu Đen, xã Quang Tiến đến Trường THCS Quang Tiến chỉ khoảng vài trăm mét. Ngày 5-11-1988, nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng, được cấp trên đồng ý, Trường THCS Quang Tiến làm lễ đổi tên thành Trường THCS Nguyên Hồng. Vì lý do nào mà trường Quang Tiến mang tên nhà văn? Nhà giáo Khuất Chi Mai sôi nổi: "Trước hết, xin nói, không phải 'thấy người sang bắt quàng làm họ" mà là trong những năm tháng sống ở vùng này, nhà văn Nguyên Hồng có rất nhiều "duyên nợ" với trường chúng tôi"...

Ông nhớ lại kỷ niệm cũ: "Năm đó, vào khoảng 1972, cái thuở còn "hàn vi" của trường chúng tôi, trường chỉ có mấy ngôi nhà tuềnh toàng xây bằng gạch đá ong, mái lợp rạ. Là hiệu trưởng nhà trường, tôi rất băn khoăn về cơ sở vật chất của trường. Tôi nghĩ, phải có cơ sở vật chất đàng hoàng thì mới có chất lượng dạy - học, không thể kéo dài mãi cảnh tạm bợ. Tôi lập kế hoạch và ở đâu tôi cũng tuyên truyền cho kế hoạch xây dựng trường. Trước hết, tôi muốn bắt đầu bằng việc "ngói hóa" phần mái các phòng học.

Nhà văn Nguyên Hồng - người hàng xóm nghèo nhưng rất thân thiết của trường chúng tôi, biết được ý định của nhà trường. Một hôm, nhà văn sang trường bày tỏ nguyện vọng muốn được dành số tiền nhuận bút ít ỏi vừa lĩnh để ủng hộ nhà trường mua ngói lợp phòng học. Chúng tôi biết nhà văn Nguyên Hồng rất túng bấn nhưng không thể chối từ. Và sau đó, ba gian phòng học lợp ngói đầu tiên của trường Quang Tiến trên một quả đồi ở miền trung du nghèo hiện ra trong sự phấn khởi đến cảm động của thầy trò chúng tôi. Bởi chúng tôi ý thức được rằng, số ngói đó được mua bằng tiền nhuận bút của nhà văn Nguyên Hồng. Nó là mồ hôi, công sức và tấm lòng của nhà văn".

Thầy Mai thổ lộ: "Tôi rất thích bài thơ "Cửu Long Giang ta ơi" của nhà văn Nguyên Hồng, đặc biệt có chi tiết nói về "cơ sở vật chất", nói về nhà trường:

Bản đồ mới, tường vôi cũng mới
Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao
Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ
Đưa ta đi sông núi tuyệt vời...

Và khi tuyên truyền cho công tác xây dựng cơ sở vật chất, tôi luôn dẫn đoạn thơ này của nhà văn Nguyên Hồng ra. Tôi cũng mạn phép các thầy giáo dạy văn, "bình" thêm rằng: Có nhà cửa, phòng học khang trang, có đồ dùng dạy học đầy đủ, đẹp đẽ thì cái thế của người thầy cũng khác. Hình ảnh người thầy dưới cái nhìn của học trò cũng khác. Ngược lại, không thể hình dung được rằng, thầy nói với trò những điều lớn lao nhưng trong những phòng học rách nát, trong những ngôi "trường không ra trường". Nhà văn Nguyên Hồng quan tâm tới trường chúng tôi một cách thật giản dị và thiết thực. Có lần, ông xuống trường chơi, tha thẩn đọc báo tường của thầy trò trong phòng hội đồng. Ông đọc chăm chú. Có đôi bài, ông đụng bút sửa lại. Cuối những bài đó, ông đều ghi: "Nguyên Hồng sửa chữa và chép lại". Khi có tác phẩm mới được in ấn, nhà văn Nguyên Hồng đều gửi tặng nhà trường với lời đề tặng giản dị mà thân thiết: "Tặng trường Quang Tiến thân yêu của các con tôi".

Sau khi nhà văn Nguyên Hồng qua đời, theo nguyện vọng của thầy trò Trường THCS Quang Tiến, cùng với sáng kiến đề nghị của Hội Văn nghệ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Bắc (bấy giờ Bắc Giang và Bắc Ninh gộp chung thành tỉnh Hà Bắc) đã ra quyết định cho phép Trường THCS Quang Tiến mang tên nhà văn đã có mấy chục năm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi với nhân dân, với thầy trò vùng Nhã Nam, Yên Thế nói chung, vùng xóm ấp Cầu Đen nghèo khó nói riêng: nhà văn Nguyên Hồng

Lê Hữu Tỉnh
.
.