Nhà văn Nguyễn Công Hoan và những người con

Thứ Năm, 11/10/2007, 11:30
Nhà văn Nguyễn Công Hoan có ba người con. Người con trai lớn Nguyễn Tài Khoái đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Người con trai còn lại của ông chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài (tên khai sinh là Nguyễn Tài Đông), nguyên Thứ trưởng Bộ Công an. Người con gái út của ông, theo cha, chọn viết văn là công việc của đời mình, nay là nhà văn Lê Minh.

Viết về Nguyễn Công Hoan và gia đình ông, tôi có cảm xúc như đang viết về những người thân yêu của mình. Bởi lẽ, hàng ngày tôi đều được nhìn thấy hình ảnh của ông trong căn phòng làm việc của Ban biên tập Chuyên đề Văn nghệ Công an ở 66 Thợ Nhuộm. Đây đồng thời cũng là nơi lưu giữ những kỷ niệm về nhà văn, vì ông đã từng có một thời gian sống tại nơi này. Gương mặt đôn hậu của ông lúc nào cũng như đang ẩn giấu một nụ cười hóm hỉnh...

Là con trong một gia đình, một dòng họ yêu nước truyền thống, nên trong ký ức tuổi thơ của bà Lê Minh, con gái út của nhà văn, chỉ toàn những câu chuyện cách mạng: "Cha tôi trước khi là một nhà văn đã là một nhà giáo yêu nước. Thời thanh niên, ông tham gia tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng cùng với Nguyễn Thái Học.

Ngay từ nhỏ anh em chúng tôi đã tự cảm thấy rằng, đi làm cách mạng, có thể bị tù đày là câu chuyện của đời mình rồi. Điều này là hết sức tự nhiên, không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Cha tôi luôn dạy bảo chúng tôi một điều rằng, con người sống phải biết căm thù bọn bóc lột và thương yêu những người cùng khổ".

Bản thân nhà văn Nguyễn Công Hoan đã đóng góp nhiều công sức vào hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong hồi ký của nhà văn Lê Minh còn kể lại câu chuyện khi nhà giáo Nguyễn Công Hoan dạy học ở Thái Bình, ông đã cùng với các thanh niên ngày ngày đẩy xe bò vào buổi trưa đi quyên gạo cứu tế đồng bào đang bị nạn đói  hoành hành.

Cùng với con trai Nguyễn Tài Khoái, vừa vượt ngục trở về tiếp tục làm cách mạng, ông đã tham gia cuộc biểu tình tại sân dinh Tổng đốc Thái Bình. Chính nhà văn cũng bị phát xít Nhật bắt cầm tù ngay sau đó.

Sống trong thời kỳ đất nước bị đô hộ, nhân dân lầm than, đói nghèo, loạn lạc, nhà văn Nguyễn Công Hoan thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước. Ông để các con mình đi theo cách mạng, và chấp nhận mọi tổn thất  mà ông biết chắc là không thể nào tránh khỏi trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh.

Khi người con Nguyễn Tài xung phong vào Nam chiến đấu, ông gật đầu ủng hộ. Nguyễn Tài bị bắt và bị biệt giam trong xà lim trắng. Không khai thác được gì ở người cộng sản kiên trung này, người Mỹ (vì đã tiên lượng được sự chiến thắng của Cộng sản) đã gợi ý với nhà chức trách Sài Gòn, rằng tiện nhất là để Nguyễn Tài "biến mất", vì đây là "một tay khủng bố có kinh nghiệm nên khó có thể mong đợi y là một người thắng trận rộng lượng".

Và Nguyễn Tài được kẻ thù thu xếp một chuyến bay và ông sẽ bị ném xuống biển Nam Hải từ độ cao 10 ngàn bộ... Lâu không nhận được tin tức gì của con, nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ im lặng chờ đợi.

Bà Lê Minh nhớ lại: "Cho đến ngày thống nhất vẫn bặt tin anh Tài, cả gia đình đều nghĩ có thể anh ấy không bao giờ trở về nữa. Nhưng một đêm, tôi nghe tiếng bước chân cha đi guốc mộc bước lên cầu thang nhà tôi.

Khi ấy cha tôi sống ở nhà 66 Thợ Nhuộm còn vợ chồng tôi sống ở số 72 Lý Thường Kiệt. Tôi tất tả chạy xuống đỡ cha. Ông đứng ở cầu thang báo tin: "Anh Tài của con vẫn sống".

Câu nói ấy như trút ra hàng ngàn gánh nặng đã đè lên tâm can ông bấy lâu mà ông cố nén trong lòng. Tôi ôm lấy cha và khóc vì mừng rỡ, cảm động. Ông cũng khóc. Nước mắt ông nhòe đôi mắt kính".

Nguyễn Công Hoan cầm bút viết văn từ năm 17 tuổi. Hiện thực cuộc sống của một người trí thức yêu nước đã trở thành nguồn nguyên liệu quý giá để ông kiến tạo nên một "hệ thống hình tượng" trong các tác phẩm của mình.

Xuyên suốt là bức tranh đời sống với hai mảng màu đối lập, một bên là những phận người lao động lầm than, một bên là những kẻ quan lại cường hào, ăn trên ngồi trốc. Ông được xem là một trong những cây đại thụ của văn xuôi Việt Nam, là nhà văn bậc thầy về truyện ngắn.

Thời của ông, trong lúc một số nhà văn đang say sưa với chủ nghĩa lãng mạn, với những hư hư thực thực kiểu "Hồn bướm mơ tiên" thì ông lại dứt khoát lựa chọn một đường đi khác cho riêng mình.

Lối đi ấy chính là bám rất chặt vào đời sống, nhìn thẳng vào các vấn đề của xã hội đương thời, công khai đả kích, phê phán không thương tiếc những thói hư tật xấu, những cái rởm đời, cái ác và bênh vực những con người bé nhỏ, nghèo khổ, cơ cực. Nhà văn có biệt tài quan sát và đưa vào tác phẩm của mình đời sống của những dân nghèo thành thị.--PageBreak--

Truyện ngắn của ông, ngay từ buổi đầu đã chiếm được nhiều cảm tình của độc giả, và được đánh giá là "những trái ngọt đầu mùa của một cây bút hiện thực tài ba..." (Kiều Văn).

Chọn lối văn trào phúng, cường điệu, biếm họa, Nguyễn Công Hoan đã tìm được một phương tiện hữu hiệu nhất để phục vụ "ý đồ" viết văn rất rõ ràng của mình, là phê phán cái xấu, bênh vực cái yếu.

Tác phẩm của ông cuốn hút người đọc bởi lối văn linh hoạt, khôi hài, giễu cợt, thoạt tiên rất buồn cười, nhưng theo sau nụ cười ấy là một nỗi buồn, nỗi xót xa ngấm ngầm lan tỏa. Và có khi đọc xong rồi, gấp sách lại, hai hàng nước mắt lại tuôn chảy.

Văn của ông làm cho ta thấy cám cảnh những nỗi đời éo le. Nhà văn đã lý giải giúp người đọc cái cốt lõi của câu chuyện, cái nguyên nhân xâu xa của những ngang trái đang phô bày ra trước mắt chúng ta. Và trên tất cả, là một tấm lòng yêu thương rộng mở, một đôi mắt nhìn cảm thông, một nỗi xót xa như tiếng nấc nghẹn được giấu sau tiếng cười chua chát.

Có thể nói, bằng những tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã trở thành một người bạn tinh thần đối với những lớp người cùng khổ trong xã hội đương thời. Ông chở che, bênh vực họ. Ông nói hộ tiếng lòng và những khát vọng cuộc đời của họ.

Trong công việc viết văn, nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại: "Khi tôi viết tác phẩm đầu tiên đăng báo, cha tôi đọc và chỉ khen một chữ: "Được". Tôi viết tiếp những gì tôi đã trải qua, đã nhìn thấy rồi gửi cho ông đọc.

Ông lại bảo: "Đó chính là truyện ngắn đấy, con hãy viết tiếp đi". Sự khích lệ của ông cũng chỉ dừng ở những lời như vậy, nhưng nó có một sức mạnh động viên ghê gớm đối với tôi. Cha tôi thường không nhận xét nhiều, đặc biệt không dạy dỗ tôi việc viết.

Ông muốn tôi hiểu rằng, văn chương là việc riêng của mỗi người và mỗi người cầm bút phải chịu trách nhiệm về chính những gì mình viết ra. Nhưng được sống cạnh cha, tôi học được nhiều bài học quan trọng về nghề cầm bút. Cha tôi có những quan sát rất lạ.

Ông kiên nhẫn và tỉ mỉ, dường như không bao giờ bỏ sót một chi tiết nhỏ nào của đời sống. Ông chắt chiu nó như con ong lấy mật mỗi ngày. Ông thường bảo, cảnh cũng có thần đấy. Quan sát và để nó nhập vào mình, rồi đến lúc nào đó tất cả những quan sát ấy sẽ tự nhập vào nhau, thành một cuốn phim.

Điều này sẽ rất có lợi cho người viết. Trong việc sử dụng ngôn từ, tôi học được tinh thần của cha là không được dễ dãi. Có khi ông mất rất nhiều thời gian để tìm được một từ thích hợp. Phải làm sao tìm được đúng cái chữ mà nó có thể vang lên cái ý mà mình định nói. Sau này, khi viết cho thiếu nhi, tôi rất cẩn trọng về chữ.

Nhiều khi còn một chữ chưa ưng tôi vẫn để bản thảo nằm đấy, đợi khi nào mình tìm thấy đúng chữ mà mình tâm đắc". Một bài học nữa mà nhà văn Lê Minh học được ở cha mình là phẩm chất trung thực trước trang giấy của người cầm bút.

Trung thực với chính mình cũng là trung thực với độc giả. Nhưng muốn trung thực anh lại phải là người hiểu biết, nếu không sẽ "trung thực nhầm". Có nghĩa rằng anh phải không ngừng đọc, không ngừng tìm hiểu và khai thác đời sống, để tìm ra bản chất cuối cùng của một hiện tượng anh quan sát.

Bà Lê Minh còn kể rằng: "Sau khi cha mất, tôi tưởng như mình không thể gượng dậy được. Rồi tôi nghĩ cuộc đời ông chính là sách. Tôi bắt đầu cất công đi tìm lại những bản thảo đã thất lạc của ông, những tác phẩm đã từng bị kiểm duyệt, cấm in trước đó, tập hợp lại và in thành sách. Cuốn sách về cuộc đời cụ Tôn Đức Thắng cha tôi đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa kịp viết, tôi bắt tay vào làm cho NXB Thanh niên, như một nghĩa cử báo hiếu ông".

Hơn 30 năm sau ngày mất của nhà văn Nguyễn Công Hoan, người con gái út của nhà văn đã lần lượt xuất bản 81 đầu sách của nhà văn cùng với bộ toàn tập gồm 9 tập tại NXB Văn học và bộ toàn tập gồm 14 tập tại NXB Thanh niên.

Nhiều đơn vị làm sách đã trân trọng dành riêng một "tủ sách Nguyễn Công Hoan", như một ghi nhận về sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông. Nhà văn đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về văn học nghệ thuật. Ông đã đi xa, nhưng hàng năm, sách của ông vẫn đều đặn tái bản và đến với những thế hệ độc giả mới.

Vì sao tác phẩm của Nguyễn Công Hoan có một sức sống lâu bền trong trái tim người đọc? Ngoài tài năng lớn của ông, còn là một bài học khác đối với những người cầm bút trẻ hôm nay, là khả năng bám sát vào hiện thực cuộc sống.

Văn học sinh ra từ đời sống, và những nhà văn có khả năng nắm bắt hiện thực, không quay lưng với hiện thực của thời đại mình đang sống, dám đi đến tận cùng hiện thực ấy trên từng trang sách sẽ luôn nhận được sự chào đón của bạn đọc, không chỉ trong hôm nay mà cả ở tương lai

.
.