Nhà văn Ivan Turgenev có phải là điệp viên ngầm của tình báo Nga?

Thứ Tư, 05/12/2018, 07:57
200 năm trước, ngày 9 tháng 11 năm 1818, nhà văn Nga vĩ đại Ivan Sergeevich Turgenev đã ra đời. Cho đến nay, các nhà văn, nhà sử học Nga đang tiếp tục tìm kiếm những tư liệu mới và thú vị về cuộc đời và tác phẩm của ông. Trong đó có giả thuyết cho rằng nhà văn đã có nhiều đóng góp cho hoạt động tình báo của nước Nga.


Câu chuyện của Yury Andropov

Trên sân Trường đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) hiện có bức tượng của Turgenev và nữ danh ca Pháp Pauline Viardot. Theo Hiệu trưởng nhà trường, Turgenev không phải là nhà ngoại giao chính thức, nhưng ông là một nhà ngoại giao thực sự và thành đạt. Ông là một người yêu nước, nhà hoạt động quốc gia, mặc dù ông có những quan điểm tự do chủ nghĩa và một số phát biểu mang tính chất phê phán nhà nước Nga. Bức tượng của Turgenev và Pauline Viardot là sự ghi nhận những cống hiến thực tế của nhà văn trong hoạt động ngoại giao.

Nhưng chúng ta biết rằng ở đâu có ngoại giao, ở đấy có tình báo, vì vậy đã xuất hiện những bài báo về việc Turgenev gần như là điệp viên ngầm của tình báo Nga ở Pháp. Tuy nhiên, các nhà phản biện nhận xét rằng, trong các kho lưu trữ nhất định phải lưu lại dấu vết hoạt động của Turgenev, nhưng đến nay chưa ai tìm thấy những dấu vết đó. Thậm chí một số người còn viết rằng “Ban lãnh đạo Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) đơn giản là thích thú nghĩ rằng các bậc tiền bối của họ là những con người như Turgenev”.

Vậy tại sao một nhà ái quốc của nước Nga như Turgenev vốn rất nổi tiếng trong giới các nhà hoạt động nghệ thuật và chính khách châu Âu lại không được sử dụng với tư cách một điệp viên ngầm của tình báo Nga? Ai cũng biết rằng thất bại của nước Nga trong cuộc chiến tranh Krym khiến nhà văn vĩ đại của chúng ta hết sức đau buồn.

Qua Yury Andropov, cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia, cựu Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ), nhà sử học Nga Nikolay Yakovlev (1927-1996) biết được rằng Turgenev là điệp viên ngầm của tình báo Nga “dưới mái nhà của Pauline Viardot”. Bạn có thể tìm hiểu thông tin này trong cuốn sách của Yakovlev “Ngày 1 tháng Tám năm 1914”, và thoạt tiên rất khó tin những điều như vậy. 

Người giới thiệu tác giả cuốn sách này với Yury Andropov là Dmitry Ustinov,  cựu Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô. Ông có quen biết bố của tác giả, Nguyên soái pháo binh Nikolay Yakovlev.

Nhưng ngay cả trong điều kiện thiếu vắng những dấu vết thực tế về hoạt động có thể của nhà tình báo Turgenev, khi nghiên cứu nhiều sự kiện liên quan tới cuộc sống của nhà văn ở nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng nhất trí khẳng định rằng ông là một nhà tình báo. Vậy những ví dụ và sự kiện lịch sử nào chứng minh lời khẳng định này?

Quảng bá hình ảnh nước Nga

Vào thời kỳ Turgenev sống ở Pháp, đất nước này có quan hệ đồng minh gần gũi với Nga. Ví dụ, hai nước cùng phản đối những cuộc tàn sát đẫm máu của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các dân tộc Balkan. Điều đó làm suy yếu áp lực của Anh đối với nước Nga.

Vì vậy, sau thất bại của cuộc chiến tranh Krym, nước Nga đã nhanh chóng phục hồi sự hiện diện quân sự của mình tại biển Đen, ổn định tình hình tại vùng núi Kavkaz và bắt đầu đưa quân tới các nước Trung Á. Tất cả các hoạt động đó đã được thực hiện, bất chấp những hành động thù địch của nước Anh chống lại Nga.

Cuộc khởi nghĩa năm 1863 ở phần lãnh thổ Ba Lan của nước Nga đã bị dập tắt nhanh chóng mà không sợ sự can thiệp của các cường quốc châu Âu. Phải nói rằng trong những thắng lợi này có phần đóng góp không chỉ của ngành Ngoại giao mà cả tình báo Nga.

Nhờ có Ivan Turgenev và các nhà văn, nhà hoạt động văn hóa Nga khác mà nhiều người châu Âu ngạc nhiên phát hiện ra rằng, xét về trình độ văn hóa, nước Nga không thua kém các nước châu Âu, thậm chí ở một số mặt nào đó, nước Nga còn vượt cả họ.

Ở nước ngoài, Ivan Turgenev đã tiếp xúc với những nhà trí thức xuất chúng của châu Âu thời bấy giờ. Bạn thân của ông là các nhà văn Pháp nổi tiếng như G. Flaubert, E. Zola, V. Hugo, Guyde Maupassant... Nhờ các  mối quan hệ này, ông có thể tác động tới xã hội Pháp và thậm chí xã hội châu Âu và hình thành nên hình ảnh tích cực của nước Nga, trước hết trên báo chí.

Ở Pháp, ông đã viết nhiều về văn học và lịch sử Nga. Turgenev đã dịch các tác phẩm của Pushkin và các nhà văn khác ra tiếng Pháp và các ngôn ngữ khác. Còn nữ danh ca Pauline Viardot tiếp đón trong nhà mình không chỉ các đại diện nổi bật của giới trí thức Pháp mà cả các nước châu Âu. Có mặt tại nhà bà còn có các chính khách nổi tiếng và thậm chí Vua và Hoàng hậu Phổ, sau này đã trở thành Quốc vương của nước Đức thống nhất và hùng mạnh. Trong nhà của Pauline, Turgenev cũng tiếp xúc với các vị tướng, các nhà ngoại giao.

Tham gia các hoạt động bí mật

Có nhiều tài liệu ít được biết đến nhưng có xuất xứ đáng tin cậy về cuộc đời và tác phẩm của Ivan Turgenev. Ví dụ, theo một nguồn tin, tháng 5 năm 1858, Ivan Turgenev dự lễ cưới của Nikolay Orlov, một vị tướng, nhà lịch sử quân sự, nhà ngoại giao và nhà văn ở Paris.

Tại đây, Turgenev bất ngờ nhìn thấy Georges dAnthès (kẻ đã bắn chết thi hào Nga Aleksandr Pushkin sau một cuộc đấu súng). Hóa ra, y đã nhiều năm làm chỉ điểm cho sứ quán Nga. Có thể, y được tuyển mộ trong thời gian gặp phải hoàn cảnh khó khăn, sau khi từ Nga trở về.

Trong kho lưu trữ của Nga hiện còn lưu giữ hai báo cáo tình báo của các đại sứ Nga ở Pháp - Bá tước Pavel Kiselev và sau đó là Công tước Nikolay Orlov - gửi Bộ Ngoại giao Nga. Chúng đề cập đến những thông tin quan trọng nhận được từ dAnthès.

Georges dAnthès  xuất hiện tại đám cưới theo yêu cầu khẩn thiết của Bá tước Aleksey Orlov, cha đẻ của chủ rể, một quan chức cao cấp trong triều đình Nga, phụ trách an ninh. Chính ông đã ra lệnh cấp hộ chiếu nước ngoài cho Turgenev để nhà văn ra nước ngoài, mặc dù lúc bấy giờ ông đang bị cảnh sát theo dõi và bị đi đày.

Phải nói rằng người phụ trách ngành an ninh Nga giàu kinh nghiệm tuy khó khăn, nhưng cũng đã lôi kéo được Turgenev vào việc cải thiện nội dung của báo chí nước ngoài nhằm phục vụ lợi ích của nước Nga. Xuất thân là nhà tình báo quân sự già dặn, Bá tước Aleksey Orlov đã lựa chọn chính Turgenev làm việc này.

Ở Paris, Turgenev có quan hệ gần gũi với Nikolay Orlov - con. Ông ta được bố cử sang Pháp để thành lập cơ sở tình báo mới của Nga. Để đánh lạc hướng của cơ quan phản gián Pháp và Anh, ông đã tạm thời giữ lại điệp viên ngầm lâu năm  Yakov Tolstoy tại sứ quán Nga. Mặc dù ông này không cung cấp được cho Chính phủ Nga những thông tin xác thực trước cuộc chiến tranh Krym mà nước Nga đã bại trận.

Tổ chức tình báo mới của Nga đã được thành lập. Nikolay Orlov được bổ nhiệm đại sứ tại Bỉ, sau đó ở Đức, rồi Anh và Pháp. Ông tiếp tục lãnh đạo toàn bộ mạng lưới tình báo Nga ở châu Âu.

Có một điều thú vị là Ivan Turgenev biết 5 ngoại ngữ, ông học rất nhanh tiếng Tây Ban Nha. Hóa ra, ông cố tình nói kém tiếng Anh, nhầm lẫn khi thay thế các từ tiếng Anh bằng các từ tiếng Đức hoặc tiếng Pháp. Thực ra, ông nói tiếng Anh rất thành thạo. Đây là một ví dụ điển hình về hoạt động của các nhà tình báo già dặn.

Một lần, Turgenev được mời tham gia cuộc gặp gỡ tại Quỹ văn học Anh. Ông được biết rằng ở đấy sẽ có mặt Huân tước Henry John Temple, kẻ thù không đội trời chung của nước Nga. Tại cuộc gặp gỡ này, Turgenev đã tiếp xúc với các chính khách và nhà văn bản xứ.

Qua họ, ông biết được rằng huân tước lại có ý định trở thành người đứng đầu Chính phủ Anh và hợp tác với nước Phổ vốn đang nỗ lực thống nhất tất cả các vùng lãnh thổ của nước Đức thành một quốc gia. Và điều đó được đón nhận một cách tiêu cực ở Pháp. Turgenev đã chuyển những thông tin tương tự cho đại sứ Nga ở Pháp Pavel Kiselev.

Có một bộ phận nhất định của giới trí thức Nga thời bấy giờ không ủng hộ Turgenev. Luật sư, nhà sử học và triết học Nga nổi tiếng Boris Chicherin và nhiều người khác không thể tha thứ cho Turgenev, “người vốn giữ vị trí hàng đầu trong văn học Nga, bởi sự bợ đỡ của ông trước hạng cặn bã của xã hội Nga – bọn người theo chủ nghĩa hư vô, v.v... mà ông gọi là nhân vật trong các tác phẩm của mình”.

Mặt khác, những mối quan hệ như vậy của Turgenev - nhà văn đã giúp Turgenev - nhà tình báo phục vụ có hiệu quả cơ quan bảo vệ an ninh của nhà nước Nga! Turgenev cũng có quan hệ với nhà cách mạng dân chủ Aleksandr Gertsen người đã từng gặp gỡ với người đứng đầu cơ quan tình báo Nga thời bấy giờ Nikolay Orlov.

(Theo báo “Nước Nga văn học”)
Trần Hậu
.
.