Nhà văn Học Phi: Trăm tuổi không là gì!

Thứ Tư, 29/08/2012, 08:00

Cách đây dăm năm. Khi ấy tôi còn làm ở Cục Điện ảnh và phụ trách cả chương trình Điện ảnh chiều thứ 7 sản xuất phim và các chương trình ngắn cho VTV3. Bỗng một hôm có một giọng đàn ông lạ, khỏe khoắn , rất vang gọi điện đến hỏi có phải là số phôn của Hồng Ngát đấy không? Tôi lịch sự đáp "Phải ạ" nhưng chưa đoán được đó là ai thì đã thấy giọng nói đó vui vẻ reo lên: "Con gái đồng hương ơi, bố Học Phi đây. Bố vừa viết xong một kịch bản về thời chống Pháp có tên "Minh Nguyệt", bố gửi đến con gái làm phim cho bố nhé?".

Tôi vô cùng ngạc nhiên và không khỏi ngỡ ngàng. Ngạc nhiên vì năm ấy cụ đã ngoài 90, cụ vẫn viết được ư và lại viết kịch bản phim nữa mới lạ chứ? Từ xưa đến nay ai chả biết cụ Học Phi danh nổi như cồn bên sân khấu với các vở tiếng tăm một thời như: "Chị Hòa" (1955), "Ni cô Đàm Vân" (1976), "Cà sa giết giặc" (1946), "Ngày mai" (1951). Nổi không thua gì các tác phẩm sân khấu là các tiểu thuyết: "Xung đột" (1939), "Đắm tàu" (1940), "Dòng dõi" (1941), "Yêu và thù" (1942), "Hừng đông" (1980), "Ngọn lửa" (1981), "Xuống đường" (1996), "Cuộc đời về cuối" (1999)... Cụ có bao giờ viết kịch bản phim đâu? Đương nhiên là tôi rất vui và rất mong nhà văn gửi kịch bản đến.

Mong thì mong vậy nhưng bụng không khỏi không lo. Lo rằng cụ Học Phi không chỉ là nhà văn nổi tiếng, cụ còn là vị lão thành Cách mạng, từng làm Chủ tịch tỉnh Hưng Yên từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám... Uy danh như vậy mà nhỡ kịch bản của cụ gửi đến không làm được phim thì chết. Làm cụ thất vọng thì không nỡ vì ở tuổi cụ, xã hội cũng như gia đình, con cháu cần phải làm cho cụ vui, tránh những buồn phiền, lo lắng. Nghĩ vậy nhưng tôi lại tin rằng, với tài năng của cụ, cụ không viết thì thôi, đã viết ắt không tồi. Quả nhiên đúng như vậy.

"Minh Nguyệt" là kịch bản phim một tập, viết rất chắc tay, đề tài hiếm, khó viết về một nữ chiến sĩ hoạt động cách mạng và đương nhiên kịch bản được cho triển khai ngay dù các đạo diễn đa phần là không mấy mặn mà với phim truyền hình một tập. Phim truyền hình một tập khi ấy rất eo hẹp kinh phí (chỉ có 70-80 triệu thôi), lại phải làm cẩn thận chả thua gì phim nhựa. Hơn nữa lại về đề tài chiến tranh cách mạng, bối cảnh phục trang phải đúng, phải ra được không khí ngày ấy. Cơ man là khó khăn. May sao đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (cũng là người Hưng Yên - trong những tình huống như thế này tình đồng hương mới thật là ý nghĩa!) đã chịu nhận làm kịch bản này. Và bộ phim sau khi phát sóng vào dịp ngày lễ đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía khán giả. Phim "Minh Nguyệt", nếu tôi nhớ không nhầm còn nhận giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh nữa.

Hồi đầu năm nay, nhân dịp cụ Học Phi tròn 100 tuổi, tôi cùng Ban liên lạc đồng hương Hưng Yên đã đến tận nhà thăm cụ. Nhà văn Học Phi hiện ở cùng con dâu thứ (chồng chị đã hy sinh thời chống Mỹ) và các cháu nội trong một căn hộ rộng rãi ở Khu Trung Hòa - Nhân Chính. Vì thương con dâu, thương các cháu thiệt thòi nên cụ mới về ở cùng. Biết mình có khách, bao giờ cụ Học Phi cũng tề chỉnh khăn áo, đầu chải mượt mà, răng đánh sạch sẽ (cụ hay cười khoe hàm răng trắng bóc), mày râu nhẵn nhụi. Sau tất cả ngần ấy thủ tục, nhà văn mới chịu cho người nhà đẩy xe ra tiếp. Nhà văn Chu Lai (con trai cụ) có lần nói đùa rằng: "100 tuổi rồi mà ông cụ vẫn thích làm duyên lắm. Hễ có các cháu phóng viên nữ trẻ đến phỏng vấn là thể nào cụ cũng cắn môi cho đỏ chót lên...". Thật tuyệt vời khi nhà văn Chu Lai có một người cha như thế - Tôi nghĩ.

Tôi hỏi chuyện cụ. Và đây là một đối thoại ngắn:

- Ông ơi, 100 tuổi rồi ông ăn còn thấy ngon không?

- Ngon chứ.

- Ông thích ăn thịt hay ăn cá?

- Ăn thịt.

- Thịt gì ông thích ăn nhất?

- Thịt gà luộc. Nhất là thịt đùi, cầm mà gặm thì nhất.     

- Mỗi bữa ông ăn được mấy bát cơm ạ?

- Đều đặn 2 bát.

Tôi không khỏi tròn xoe mắt ngạc nhiên. Tôi hỏi tiếp:

- Ông ơi, bây giờ ông còn viết nữa không?

- Còn chứ, không viết thì đã chết rồi.

- Mỗi ngày ông viết mấy tiếng ạ ?

- Bốn tiếng.

- Vào lúc nào ạ?

- Vào mỗi buổi sáng.

Tuyệt vời. Tôi không còn biết dùng từ nào thích hợp hơn.

Hồi tháng 7 vừa rồi tôi lại nhận được một cú điện thoại. Giọng người đàn ông đầu dây bên kia khỏe và vang. Lần này thì tôi nhận ra ngay đó là cụ Học Phi. Chỉ có điều cụ không còn gọi tôi là "con gái ơi" nữa mà rất nghiêm trang, cụ hỏi địa chỉ của tôi để gửi bưu phẩm. "Bưu phẩm gì ạ?" - Tôi hỏi và thầm đoán chắc là sách cụ mới in và gửi cho đây. "Kịch bản - kịch bản phim "Âm vang Bãi Sậy" về cụ Nguyễn Thiện Thuật bác mới viết. Cô làm phim cho tôi nhé, để kỷ niệm quê hương Hưng Yên của bác cháu mình". Nói rồi ông kêu: "Tai dạo này điếc lắm, cô cầm phôn nói địa chỉ cho chị giúp việc ghi giúp để đi gửi bưu điện ngay".

Rất nhanh, hai hôm sau kịch bản "Âm vang Bãi Sậy" nặng trĩu, dày cộp đóng bìa ngay ngắn đã có ở trong tay tôi. Lòng đầy cảm phục, tôi liếc nhanh số trang: 80 trang đánh máy vi tính dầy dặn. Chịu cụ. 100 tuổi vẫn chưa là cái đinh gì, cụ vẫn dồi dào sinh lực, vẫn sung mãn cảm xúc, vẫn sáng sáng miệt mài lao động trên cánh đồng chữ. Hình ảnh mạnh mẽ cùng nghị lực sống của cụ Học Phi như vậy liệu có làm được chút gương nào cho "các cụ" còn ở độ tuổi 50, 60, 70... soi để bớt rền rĩ nỉ non kêu ca phàn nàn về sức khỏe (dù chưa có gì đáng báo động lắm) của mình không nhỉ? Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ thế và thầm mong giá như các cụ đều thọ (và khỏe) được như cụ Học Phi thì tốt biết bao.

Lần này thì tôi không còn đủ sức, đủ điều kiện như trước để có thể đưa kịch bản "Âm vang Bãi Sậy" của nhà văn vào làm phim được nữa, cho dù kịch bản cụ viết vẫn chắc tay và hóm hỉnh. Kinh phí làm phim từ nguồn ngân sách Nhà nước mấy năm nay thật eo hẹp. Nguồn Điện ảnh chiều thứ 7 do VTV3 đặt hàng thì từ lâu cũng đã bị dẹp rồi. Thương hiệu Điện ảnh chiều thứ 7 của một thời giờ đã lui vào dĩ vãng... Chỉ còn chút đầu tư của Hội là có thể phần nào bù đắp được chút ít công sức của nhà văn mà thôi. Và, tôi vui mừng được cầm 6 triệu tiền đầu tư kịch bản (loại A) của Hội Điện ảnh Việt Nam đến thăm nhà văn Học Phi.

Nhà văn lại tề chỉnh khăn áo, đầu chải mượt mà, răng đánh sạch sẽ, mày râu nhẵn nhụi, mặt mũi tỉnh táo… Sau tất cả ngần ấy thủ tục, nhà văn mới chịu cho người nhà đẩy xe ra tiếp khách.

Cuộc đón tiếp này có phần ấm cúng hơn vì có cả các cháu nội của cụ (toàn cỡ đầu 4, đầu 5 rồi) quây quần trò chuyện cùng. Cô cháu gái nháy tôi: "Chị trông cụ… "đẹp trai" chưa? Vừa cắt tóc đấy". "Đưa cụ đi hiệu à?". "Không, em tự cắt". "Đẹp quá" - Tôi khen. Cụ Học Phi có vẻ vui và nói: "Cô cố gắng tìm tiền để làm phim kịch bản này nhé". "Ôi bác ơi... cháu không dám chắc đâu bác ạ, dù kịch bản của bác đúng với chủ trương của cấp trên là viết về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng đấy. Bây giờ tìm tiền làm phim khó lắm, khó hơn cả xuống biển mò kim vậy. Cháu chờ sang năm có cuộc thi thì sẽ đưa "Âm vang Bãi Sậy" vào dự giải". "Thế à? Nếu làm phim (ông cụ vẫn thích làm phim!) thì cô sửa chữa rồi đứng tên cùng với tôi nhé. Tôi mời cô đấy". "Ôi, sao cháu lại dám thế ạ. Tên bác lừng lững... cháu đâu dám". "Không, tôi muốn thế mà, tôi với cô đứng tên chung, có nhuận bút thì cô một phần, tôi hai phần". "Trời ơi... kinh ngạc làm sao" - Một lần nữa tôi lại thốt lên - "Ai dám bảo 100 tuổi là cũ, là lạc hậu nào? Cụ còn tỉnh táo, minh mẫn chán!".

Rồi tôi kể tôi còn nhớ và rất thích một truyện ngắn của cụ in trên Báo Văn Nghệ mấy năm trước. Truyện viết về một cụ ông - nhân vật chính - sau khi vợ mất, nhớ lại người tình cũ - người từng hoạt động với mình và muốn liên lạc lại. Dò hỏi mãi mới biết bà ấy sống với con trong Sài Gòn, chồng cũng đã mất. Cụ ông viết thư bày tỏ tình cảm và mời bà ra Hà Nội sống cùng mình những năm tháng cuối đời. Bà cụ nhận lời. Cảnh cụ ông ra đón cụ bà ở sân ga thật hóm hỉnh. Cụ ông vì cứ nghĩ người tình của mình vẫn trẻ và xinh như xưa nên chỉ chú ý đến các hành khách trẻ. Khi sân ga đã vãn người, chỉ còn mỗi bà cụ lưng còng đang ngã giá xe xích lô, cụ tiến lại và nhận ra đó chính là người tình cũ. Thất vọng nhưng vì đã trót mời ra rồi nên cụ ông vẫn đưa cụ bà về nhà mình. Chưa hết, những ngày sau đó cụ ông thật khổ vì cụ bà nói nhiều quá, bắt bẻ đủ điều khiến cụ ông mất hết cả tự do. Tính nết khác hẳn ngày xưa... Khi cụ ông không biết làm cách nào mời cụ bà về lại Sài Gòn thì đùng một cái, có điện báo cụ bà rằng con dâu cụ bị tai nạn giao thông, cần mẹ về chăm sóc. Thế là thoát. Tôi kể đại loại thế và nói: "Truyện này có thể làm được phim hài đấy bác ạ, và phim sẽ hay. Mà, chuyện có thật không bác?".  Cháu gái nhà văn bảo: "Cụ bịa đấy, làm gì có thật". Nhà văn Học Phi không cải chính, chỉ nói thêm: "Đoạn kết còn một chi tiết nữa cô quên, đó là khi bà ấy đi rồi thì cụ ông lại thấy nhớ vì không còn ai nói nhiều nên nhà cửa trở nên vắng vẻ, buồn thiu".

Chao ôi, thấy chưa, ai dám bảo nhà văn Học Phi 100 tuổi là không minh mẫn nào?

Tôi cầu cho nhà văn thọ được nhiều năm nữa và còn viết được nhiều nữa. Cụ đáp: "Bao giờ cô đến tuổi 100 cô sẽ thấy khổ như thế nào!". "Trời ơi, làm sao cháu sống được đến tuổi ấy hả bác? 100 tuổi nhưng bác còn minh mẫn là tuyệt vời rồi". Cụ lại đáp: "100 tuổi mà còn minh mẫn thì cũng khổ vì sự minh mẫn đấy lắm cô ạ. Giá cứ lú lẫn đi thì lại không thấy khổ đâu... ". Lại thế nữa. Tôi chẳng thể nào hiểu được. Nhưng lại biết rằng người già bao giờ cũng có lý...Và cái lý của người già bao giờ cũng đúng vì họ quá thông thái, nhất là người già đó lại là NHÀ VĂN.

15/8/2012

Nguyễn Thị Hồng Ngát
.
.