Nhà văn Đoàn Giỏi: Cây đại thụ Phương Nam
1.Nghĩa trang TP.Hồ Chí Minh một chiều giữa tháng Mười. Bầu trời màu chì, võng xuống, như không thể thấp hơn. Sau hồi tìm kiếm, đoàn anh chị em Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tìm được mộ nhà văn Đoàn Giỏi. Khu số 5. Hàng thứ 7. Mộ số 11. Cách mộ ông không xa là mộ nhà thơ Thế Lữ, nhà báo Thép Mới, nhà toán học Lê Văn Thiêm…
Bộ sách 8 cuốn của nhà văn mới từ nhà in về được đặt lên mộ, gồm: Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Trần Văn Ơn, Cá bống mú, Hoa hướng dương, Cuộc truy tầm kho vũ khí, Rừng đêm xào xạc, Những chuyện lạ về cá, Tê giác trong ngàn xanh, cùng với Đất rừng phương Nam đã xuất bản trước đấy.
Và rồi những nén nhang được thắp lên. Chúng tôi báo cáo “ông chủ” của Đất rừng phương Nam, rằng các sáng tác của ông đã trở lại, vẫn gần gũi và cần thiết cho đời sống văn học hôm nay. Đấy là sự thật. Hiện hữu. Rõ ràng. Không gì có thể lay chuyển.
Câu nói quen thuộc nơi cửa miệng nhiều người viết, rằng thời gian công bằng lắm, bạn đọc thông minh và công bằng lắm, hình như không phải lúc nào cũng đúng. Ít nhất là với Đoàn Giỏi. Dường như nhiều tác phẩm văn chương của ông vẫn đang bị khuất lấp ở đâu đó.
27 năm kể từ khi ông mất (1989), và 15 năm kể từ khi ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001). Khoảng thời gian đấy đủ dài để thế hệ sau bình tĩnh nhìn lại những đóng góp của ông một cách đầy đủ nhất và thấu đáo nhất, điều mà đáng lẽ phải làm sớm hơn.
2. Sinh thời, nhà văn Đoàn Giỏi lớn lên trong gia đình đại điền chủ ở Tiền Giang. Ông từng theo học trường Mĩ thuật Gia Định. Sau Cách mạng Tháng Tám, gia đình ông tự nguyện hiến hầu hết nhà và đất cho chính quyền. Rồi toàn quốc kháng chiến, Đoàn Giỏi và hai người anh em khác vào bưng biền theo cách mạng.
Ban đầu làm trong ngành an ninh, rồi thông tin, văn nghệ. Ông từng giữ chức Phó trưởng Ty Thông tin Rạch Giá. Sau hiệp định Genève - 1954, ở tuổi 29, Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc, tập trung vào sáng tác nhiều hơn. Ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam rồi Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là hội viên sáng lập Hội Văn nghệ Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 1, 2 và 3.
Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi là cuốn sách có số phận đặc biệt. Tháng 2 năm 1957, Hội Văn nghệ Việt Nam đặt hàng ông viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam bộ. Đến tháng 5, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhắc lại “đơn hàng” và nhấn mạnh ý định “xuất xưởng” tác phẩm vào thời điểm thành lập NXB Kim Đồng, tháng 6 năm 1957. Lúc này Đoàn Giỏi mới chấp bút, trong vòng đúng một tháng.
Có giai thoại kể một tháng là từ khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hối thúc, chứ Đoàn Giỏi để nước đến chân mới nhảy, ông viết trong vỏn vẹn một tuần. Viết xong ngã vật ra ghế vì… kiệt sức. Đặc biệt nữa, Đất rừng phương Nam như độc giả ngày nay được tiếp cận khác với bản in đầu tiên khá nhiều.
Trước khi nhà văn mất, tác phẩm đã qua 8 lần tái bản, và mỗi lần đều được ông chăm chút, “nâng cấp”, lần cuối cùng là năm 1982, để có tác phẩm ưng ý nhất như hiện nay. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, mang “phương Nam” đến với thiếu nhi thế giới, ở Liên Xô, Hungari, Đức, Cu ba, Trung Quốc… Nhất là khi đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể tác phẩm thành phim truyền hình nhiều tập Đất phương Nam thì độ phủ sóng của Đất rừng phương Nam ngày càng rộng hơn.
Nhắc đến Đất rừng phương Nam là nhớ đến Đoàn Giỏi, tuy nhiên, nhớ đến Đoàn Giỏi mà chỉ nhắc Đất rừng phương Nam e là còn nhiều thiếu sót. Đoàn Giỏi để lại khối lượng tác phẩm dồi dào, ở đủ các đề tài và thể loại, từ tiểu thuyết, truyện dài, đến truyện kí, bút kí, biên khảo, rồi thơ và kịch thơ.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn chia sẻ: “Tôi và thế hệ tôi biết đến đất và người Tây Nam bộ trước hết là nhờ văn chương Đoàn Giỏi. Bên cạnh Đất rừng phương Nam là Tê giác trong ngàn xanh, Cá bống mú, Hoa hướng dương, Cuộc truy tầm kho vũ khí, Những chuyện lạ về cá… Nếu như nhà văn Vũ Hùng giúp “xóa mù” về không gian văn hóa, thiên nhiên Tây Nguyên, thì Đoàn Giỏi cho độc giả thế hệ tôi đắm mình trong hương sắc sông nước miền Tây Nam bộ.”
3. Chúng tôi về Châu Thành, Tiền Giang. Về nơi khởi nguồn và cội rễ của một Đoàn – Giỏi – văn – chương. Ông lớn lên từ đây. Và văn ông hòa trong không gian sinh thái này. Tất nhiên, do những biến thiên của thời cuộc nên khó mà úp các trang văn của ông cho vừa vặn với thực tại. Nhưng hồn cốt vẫn nguyên đấy.
Thật bất ngờ, mảnh đất này cũng là nơi sinh ra GS. TS Trần Văn Khê – nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền, có công lớn trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và âm nhạc cổ truyền nói riêng ra thế giới, rồi GS.TS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam – nhà soạn nhạc đầu tiên của Việt Nam được mời giảng dạy ở nước ngoài và có nhiều tác phẩm được công diễn trên thế giới.
Trong ngôi nhà nhỏ, gọn gàng, nơi con hẻm be bé ở thị trấn Tân Hiệp, chúng tôi trò chuyện với cô Bùi Thu Hà - con dâu cố nhà văn và anh Đoàn Quang Minh – cháu nội nhà văn. Chắc hẳn lâu rồi mới có người gợi chuyện về một thời Hà Nội xưa cũ với cô.
Thuở ấy, nhà văn Đoàn Giỏi sống trong căn phòng ở phố Cổ Tân, Hà Nội. Cô nhắc nhớ về những thói quen, những kỉ niệm của nhà văn, thuở mới về làm con dâu ông. Rồi sau sự ra đi đường đột ở tuổi 64 của nhà văn, vợ chồng cô đưa cậu con trai 4 tuổi về lại Tiền Giang. Lần theo lời kể của cô Hà và anh Minh, tôi cảm nhận được sự chân chất, dung dị, sự gần gũi và hết mực trân quí gia tài chữ nghĩa mà nhà văn Đoàn Giỏi để lại, dẫu bây giờ trong nhà chẳng còn ai gắn bó nhiều với chữ nghĩa.
Cảm rồi lại xa xót
Nhớ lần đi tiền trạm về Tiền Giang trước đó. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi “dấu vết” của Đoàn Giỏi trên quê hương ông khá mờ mịt. Đặt câu hỏi sao đến giờ thành phố Mỹ Tho và cả tỉnh Tiền Giang vẫn chưa có con đường nào mang tên ông, một nhà văn có công “phổ cập” hình ảnh quê nhà khắp đất nước, ra cả thế giới? Thì nhận được câu trả lời: Những vị lãnh đạo đời đầu của địa phương còn chưa được đặt tên đường hết thì nhà văn Đoàn Giỏi còn phải… xếp hàng. Người ấy dẫn thêm soạn giả cải lương Trần Hữu Trang, họa sĩ Nguyễn Sáng đều được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, cũng chưa có tên đường.
Thiết nghĩ, nhiều địa phương mơ có một Đoàn Giỏi, một Trần Hữu Trang hay một Nguyễn Sáng lắm. Đấy là những sứ giả văn hóa, như chứng minh thư, để chìa ra khi đến “xứ người”, để địa phương không bị tan lẫn khi hội nhập. Vậy mà...
Tọa đàm “Nhà văn Đoàn Giỏi - Cây đại thụ phương Nam”. |
4. Nếu thử so bề rộng các sáng tác với các nhà văn/ nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc, như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Văn Bổn, Hoài Vũ, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long, Thu Bồn, Nguyên Ngọc, thì Đoàn Giỏi không thua kém gì, thậm chí “áp đảo” một số đồng nghiệp. Nếu chọn mỗi tác giả một tác phẩm thì Đất rừng phương Nam sẽ là “đối thủ” đáng gờm đối với các tác phẩm khác, dự báo sẽ còn đi cùng năm tháng, vì chạm vào thiên nhiên và con người thì chẳng bao giờ sợ lạc thời hay lỗi mốt.
Đoàn Giỏi thuộc số ít nhà văn đi nhiều, viết nhiều nhưng cuối đời lại không thuộc về nơi đâu. Kiểu ở miền Bắc thì được xem là người miền Nam, về Nam thì lại được xem là người về từ miền Bắc, thuộc về miền Bắc. Có lẽ, điểm tựa duy nhất của Đoàn Giỏi là độc giả, qua các thế hệ, cả trong và ngoài nước. Bởi lẽ đấy mà NXB Kim Đồng trong lần tái bản loạt 8 cuốn sách của ông đã có nhiều hoạt động, đáng chú ý là buổi tọa đàm “Nhà văn Đoàn Giỏi – Đại thụ phương Nam”.
Nhiều tiếng nói của những người trong nghề, các nhà nghiên cứu giảng dạy văn học, của độc giả, đã cất lên, tri ân người vun đắp tâm hồn thiếu nhi nhiều thế hệ. Tất cả đều nhất trí: Văn chương Đoàn Giỏi vẫn nóng hổi hơi thở đương đại, với các vấn đề về môi trường, về thiên nhiên trong Tê giác trong ngàn xanh, Những chuyện lạ về cá, Rừng đêm xào xạc; với những chất liệu điện ảnh vốn bị xem là khan hiếm ở các tác phẩm văn học trong Hoa hướng dương, Cá bống mú; với yếu tố phiêu lưu vốn dĩ ít được xem là thế mạnh của văn chương Việt trong Cuộc truy tầm kho vũ khí, với bút pháp xây dựng chân dung nhân vật điêu luyện trong Trần Văn Ơn và Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày.
5. Xin được kết lại bài viết, bằng dẫn lại nhận định của nhà thơ Chế Lan Viên, rằng: “Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ.
Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình”. Đến đây thì sẽ chẳng có gì là vội vàng khi nói rằng, nhà văn Đoàn Giỏi là một trong những đại thụ của phương Nam.
Sài Gòn, 18/10/2016