Nhà văn Chu Hồng Hải: Cuộc phiêu lưu không định trước
- Nữ nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý: ... Và em gọi đó là hạnh phúc!
- Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Tìm về Hà Nội thuở hào hoa
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và ký ức ngày Tết
- Nhà văn Tô Hoài và những chuyện về Tết
- Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Yêu đời một cách kỳ lạ
Tôi biết anh từ năm 1973. Khi ấy, chúng tôi cùng về học Trường bồi dưỡng Những người viết văn trẻ tại Quảng Bá (Hà Nội) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Ngày đó, Chu Hồng Hải tròn hai mươi tuổi. Nhưng anh đã có tập truyện "Cuộc phiêu lưu của mèo con" do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Ngày nay, việc in ấn xuất bản dễ dàng, chứ như ngày ấy, được in cuốn sách riêng là sự kiện trọng đại với người viết. Nhà thơ Định Hải có kể lại, hồi ấy, Nhà xuất bản Kim Đồng nhận được tập bản thảo của Chu Hồng Hải gửi bưu điện chuyển tới. Cán bộ biên tập đọc thấy bản thảo tốt, nhưng tác giả còn quá trẻ. Để cẩn thận, Nhà xuất bản đã cử người đi xác minh. Khi gặp cậu học trò Chu Hồng Hải, qua tiếp xúc, thấy rõ là tác phẩm của anh, Nhà xuất bản Kim Đồng mới cho đem in. Tập truyện “Cuộc phiêu lưu của mèo con” được in hàng vạn bản, bán rất chạy.
Học phổ thông xong, không thi vào đại học, Chu Hồng Hải xin đi làm thợ trên khu gang thép Thái Nguyên. Anh bảo tuổi trẻ ngày đó, ảnh hưởng tính cách nhân vật Pavel Korchagin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Xôviết Nikolai Ostrovsky. Anh còn thuộc câu nói của nhân vật trong tiểu thuyết “Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí”. Ấy là phải dấn thân vào đời sống lao động sản xuất. Rồi anh được vào làm thợ đốt đầu máy xe lửa của nhà máy gang thép.
Khu gang thép rộng lớn, người ta phải dùng xe lửa đầu máy hơi nước chạy nội bộ để chuyên chở quặng và gang. Mà ngày đó, cũng lạ, khu gang thép Thái Nguyên sôi động không khí lao động sản xuất, lại tập trung khá đông các cây bút viết văn, làm thơ. Như: Nhà văn Xuân Cang, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Đức Thiện, Nghiêm Văn Tân, Đồng Tâm...
Nhà văn Chu Hồng Hải (1953-1995). |
Nhà thơ Vũ Duy Thông, một thời là phóng viên Thông tấn xã, thường trú tại nơi đây, cũng hay tụ tập với nhóm anh em viết ở gang thép. Không khí sáng tác văn học ở khu gang thép ngày đó là thời sôi động, có nhiều tác phẩm văn học tốt, đăng trên các báo chí.
Chu Hồng Hải là người rất thạo với công việc xúc than, tiếp than cho buồng đốt của đầu máy xe lửa. Đang độ sung sức, vóc dáng anh đúng là người thợ, đậm thấp, hai cánh tay to khoẻ, chắc nịch. Giọng nói thì oang oang, sảng khoái và thẳng thắn. Nhưng Chu Hồng Hải lại say mê văn chương đến lạ lùng.
Một ngày nghỉ chủ nhật, anh rủ tôi lên khu gang thép nơi anh làm việc. Tôi đi liền. Khu Liên hiệp gang thép Thái Nguyên với mặt bằng rộng mênh mông và bề bộn. Nhưng anh rất nhiều người quen. Từ cô thợ trẻ đến các bác thợ già. Anh gặp gỡ và bắt tay hoan hỷ. Anh kéo tôi lên cái đầu tàu hơi nước cũ kỹ, phì phì xả hơi. Rồi anh trần lưng xúc than, tiếp than cho buồng đốt của đầu tàu. Khi ấy, tôi chợt nghĩ tới những trang văn tươi rói và vui nhộn, nhà văn Chu Hồng Hải viết lúc nào?
Trở về căn phòng tập thể cấp 4, anh chỉ tôi cái hòm gỗ thông bao bì mà anh sửa để làm hòm chứa sách và chứa quần áo. "Truyện của Hải được viết trên nắp cái hòm gỗ này đấy!" Chúng tôi cùng cười vui. Ngày đó, nhu cầu vật chất của chúng tôi chỉ đơn giản thế thôi.
Con người có bề ngoài thô tháp, ấy mà tâm hồn lại trong trẻo, dễ xúc động, mềm yếu. Anh rất say mê văn Paustovsky, Aimatov. Anh có thể nhắm mắt đọc một đoạn trong "Bình minh mưa" hoặc một chương trong truyện "Cây phong non trùm khăn đỏ".
Tôi còn nhớ một buổi Chu Hồng Hải và tôi trốn tiết ngoại khoá, đạp xe về vùng Kinh Bắc nghe hát Quan họ. Sớm hôm sau trở về muộn học. Hải đến phòng làm việc của thầy Hiệu trưởng - nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, ăn năn xin lỗi vì quá mê Quan họ mà bỏ tiết học. Hải hứa với thầy Nguyễn Xuân Sanh sẽ viết một truyện ngắn thật hay in trên báo Văn nghệ để chuộc lỗi. Thế rồi, mấy đêm, Chu Hồng Hải thức trắng, viết xoàn xoạt. Rồi tháng sau, Chu Hồng Hải có truyện ngắn in trên báo Văn nghệ thật. Tất nhiên, chuyện chẳng dính líu gì đến Quan họ và vùng Kinh Bắc, mà lại nói về những người thợ vạm vỡ quanh anh. Qua trang viết của anh, hình ảnh người thợ hiện lên với những tấm lòng nhân ái rất đáng yêu.
Lại một kỷ niệm nữa. Ấy là sau kỳ học, Hải có em gái học đại học ở Liên Xô về nước nghỉ hè. Chẳng biết là đi máy bay hoặc đi tàu hoả liên vận về, nhưng hai anh em Chu Hồng Hải đến tìm tôi lúc gần nửa đêm. Độ ấy, tôi đang làm việc cho tờ báo có trụ sở ở phố Hàng Gai, tối nghỉ tại cơ quan. Gặp em gái từ xa về, hẳn vì xúc động, Hải đốt thuốc liên tục. Rồi đọc thơ, rồi hát. Hải hát rất hay những bài hát Nga "Chiều Matxcơva", “Đôi bờ”, rồi "Kachiusa"... làm ầm cả góc phố lúc nửa đêm. Anh công an hộ khẩu đi tuần đêm qua, đã phải gõ cửa nhắc nhở. Chu Hồng Hải im lặng một lát, rồi lại hát, lại đọc thơ và nước mắt ràn rụa!..
Nom bề ngoài, con người ấy có gì thô tháp, cứng rắn, ít tế nhị. Nhưng sống với Hải, tôi lại thấy con người nội tâm của Hải có phẩm chất ngược lại. Hải là người dễ mềm lòng trước tình cảm. Giá cánh làm thơ, thì tính cách ấy là tất yếu rồi. Nhưng Hải là người viết văn xuôi, tưởng phải tỉnh táo và chính xác lắm chứ. Con người anh lại không phải thế.
Chúng tôi biết hồi đó có một nhà thơ nữ sống ở Tuyên Quang mê đắm Hải lắm. Họ biết nhau khi cùng về lớp học Quảng Bá. Nhà thơ nữ kia với tâm hồn trong sáng và đắm đuối, từng nhiều lần vượt đèo Khế đường quanh co nom trăm cây số sang Thái Nguyên thăm Hải. Thoạt đầu, anh em chúng tôi cứ tưởng Hải đùa đùa trong tình cảm vậy thôi. Nhưng sau này mới tin là Hải có quý mến nhà thơ nữ kia thật. Hễ mỗi lần nhà thơ nữ kia băng đèo sang thăm Hải, phút chia tay, Hải lại dùng dằng đưa tiễn người con gái qua đèo Khế. Xe cộ ngày ấy còn thiếu thốn, không xếp hàng mua vé ôtô khách được, có lần Hải đã mượn xe máy Môkích nổ máy phành phành đưa nhà thơ nữ vượt đèo sang Tuyên Quang.
"Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế. Gió qua rừng đèo Khế gió sang". Câu thơ của nhà thơ lão thành Tố Hữu hình như tiếp sức cho đôi bạn băng đèo. Xe máy cũ, đèo cao, họ từng cùng cuốc bộ đẩy xe ngược dốc. Hải quý nhà thơ nữ, bắt nhà thơ cứ ngồi trên yên xe, để Hải gồng mình đẩy xe và người qua đèo. Tất nhiên, nhà thơ nữ kia chẳng chịu ngồi trên xe, mà xuống đi bộ cùng Hải đẩy xe. Xe cũ nát, dầu mỡ xe dính đầy tay, nhưng họ có niềm vui khôn tả.
Tình cảm trong sáng của đôi bạn văn thơ cách trở non trăm cây số đường rừng, ấy rồi cũng chẳng đi đến đâu. Họ còn trẻ trung và hăm hở quá. Nhưng đấy là tình cảm đẹp về đôi bạn văn chương mà bạn bè thân thường kể về họ.
Con người sống hết mình, luôn coi trọng văn chương, luôn gắn bó với mảnh đất gang thép, ấy thế mà đùng đùng bỏ vào Long An sinh sống. Anh dễ hòa nhập với đời sống người thợ, người nông dân miền Tây. Những con người chất phác, ngày làm việc hết mình, đêm về, lại xả láng với ly rượu đế, hoặc câu hát cải lương.
Chu Hồng Hải có nói với tôi rằng, vào trong đó để được làm văn chương nhiều hơn. Anh đã bỏ nghề đốt than đầu máy xe lửa, vào Sở Văn hoá Long An, rồi sang Hội Văn nghệ Long An làm cán bộ biên tập. Miền đất mới đã hút hồn anh. Và miền đất ấy đã không phụ anh. Anh viết được một loạt truyện ngắn. Rồi in được sách mới. Đấy là các tập truyện ngắn "Một mùa hè", 1977; "Người bạn mới", 1979; "Ngày đang sống", 1985; "Người cùng thời", 1985. Rồi năm 1990 anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Con người, dù trải qua bao năm tháng, mà tính cách vẫn ít thay đổi. Vẫn ồn ào, vồ vập và hồ hởi trước bạn bè viết. Ở Long An, tháng tháng, Hải lại phóng xe Honda lên Sài Gòn để thăm hỏi, gặp gỡ anh em. Anh hỏi han nhà thơ này, nhà văn kia đang viết gì? Văn chương có hiện tượng gì mới? Rồi anh dồn dập đọc cho bạn bè nghe một truyện ngắn mà anh mới viết. Hải chân tình nghe anh em góp ý. Hải cũng bộc trực, thẳng thắn phản bác lại một quan điểm, nhận định nào về nghệ thuật mà anh không tán thành.
Không ai giận Hải cả. Mà ai cũng quý Hải, vì cái tính bộc trực, thẳng thắn của tuổi trẻ Hải là vậy.
Ấy rồi, như một định mệnh. Với một tai nạn giao thông tại Long An, Chu Hồng Hải đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Đấy là ngày 20-4-1995, hưởng dương 43 tuổi. Không phải "Cuộc phiêu lưu cùng mèo con" nữa, mà cuộc phiêu lưu không định sẵn, đã đưa anh vào cõi vĩnh hằng.
Đôi lúc ngồi chợt nhớ về anh, tôi không khỏi bùi ngùi. Một con người sống hăm hở, nồng nhiệt thế, đang tới độ chín về đời về nghề, bao toan tính dự định với trang viết, anh ra đi đột ngột. Thật tiếc thay!