Nhà trí thức sống lặng thầm với một nhân cách lớn

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:03
Trần Đăng Nghi, được một người bạn Pháp gọi là "Người tuổi ngựa có cánh" (NXB Thanh niên, 2016). Đây cũng là nhan đề cuốn sách mỏng, trừ "Lời tựa" của NSND Đặng Nhật Minh và mấy trang cuối, vừa trọn 100 trang, cho chúng ta biết cuộc đời một nhân vật - hơn thế, một thế hệ, đã có những đóng góp không nhỏ cho đất nước trong những năm tháng khó khăn, nhưng còn ít người biết. Vậy nên tôi buông sách, lòng cứ vấn vương mãi. 


Một con người như Trần Đăng Nghi (1931-2016), đúng như Đặng Nhật Minh đã viết "số phận chứa một phần lịch sử". Cuốn sách mỏng vì thế có sức nặng của một tiểu thuyết sử thi; mặt khác, nó chứa đựng những bài học về một nhân cách lớn!

Tuy vậy, xin bắt đầu với câu chuyện nhỏ: Trần Đăng Nghi phải nhịn đói giữa ngày mồng một Tết Đinh Dậu (1957) tròn 60 năm trước! Lúc đó, Trần Đăng Nghi mới từ Pháp về được mấy tháng; trưa, anh xách bát xuống nhà ăn tập thể Trường Đại học Bách Khoa thì mới hay mọi người về quê ăn Tết; khắp các phố cũng không ai mở quán, thế là đành về quấn chăn bông chống rét, mơ màng nghĩ đến 8 cái Tết đã xa nhà… Đến lúc gan ruột "biểu tình" không chịu thấu, anh chợt nhớ có mấy cái kẹo Bác Hồ cho còn để trong ngăn kéo, vội lấy ra ăn tạm.

Trần Đăng Nghi có mấy cái kẹo này là do đêm 30 Tết, anh đến chơi nhà Thìn - cậu bạn cùng làm liên lạc ở Huế năm 1946, nay công tác ở Thông tấn xã - tình cờ gặp Bác Hồ đến chúc Tết mẹ Thìn, người mẹ góa chồng có 6 con đi bộ đội…

Nhà trí thức Trần Đăng Nghi.

Đây là một trong 33 mẩu chuyện mà Trần Đăng Nghi kể cho vợ là nhà báo Đạm Thư ghi lại năm 2015, khi ông đã phải ngồi xe lăn, sau hơn nửa thế kỷ dấn thân vì sự nghiệp chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước, từ một học sinh Quốc học Huế xung phong vào Ban liên lạc cho Giải phóng quân, quyết liệt chống bọn xâm lược Pháp nên đã phải vào tù; 60 năm sau - 2006 -  trở thành một giáo sư dạy tiếng Pháp nổi tiếng, được Thủ tướng Pháp tặng Huân chương Cành Cọ Hàn lâm!

Trần Đăng Nghi sinh trưởng trong một gia đình viên chức - thương gia bậc trung thời Pháp thuộc, nhưng ngay sau Cách mạng Tháng 8, anh đã xung phong làm liên lạc cho Giải phóng quân Huế… Sau đó, anh bị bắt, bị tra tấn; thân phụ anh không muốn Trần Đăng Nghi theo con đường Trần Đăng Đạt - người anh đã bị giết hại tại Côn Đảo năm 1943, đã bảo lãnh và đưa Trần Đăng Nghi vào Sài Gòn học, rồi sang Pháp du học từ năm 1950. Khi chính quyền Bảo Đại buộc sinh viên muốn nhận học bổng phải cam kết không làm gì có lợi cho Việt Minh, một số bạn bảo anh hãy tạm chấp nhận, học xong sẽ tính sau, nhưng anh từ chối….

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tại Pháp, chàng thanh niên Trần Đăng Nghi đã tỏ ra là một con người có bản lĩnh khác thường. NSND Đặng Nhật Minh (trong “Lời tựa”) đã kể lại một câu chuyện mà ông nghe Trần Đăng Nghi kể: "Đầu giờ học ngày 8/5/1954, ngay sau ngày Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, tại đại học Paris, nơi anh Nghi đang theo học, giáo sư bước vào giảng đường đề nghị tất cả sinh viên đứng dậy mặc niệm cho những người lính Pháp đã tử trận.

Cả lớp đứng dậy, riêng anh Nghi vẫn ngồi im. Khi mọi người ngồi xuống, giáo sư gọi anh đứng lên hỏi lý do tại sao vẫn ngồi. Anh Nghi đáp: Nếu ông nói để mặc niệm cho tất cả những người đã ngã xuống ở Điện Biên Phủ thì tôi sẽ đứng dậy. Giáo sư bị bất ngờ, lặng đi một lát rồi nói: Vous avez raison (anh có lý). Câu chuyện đó đối với tôi như một biểu hiện của nhân cách và lòng tự trọng".

Năm 1955, sau khi tốt nghiệp, Trần Đăng Nghi vào làm việc cho một công ty hóa chất, lương tập sự từ 50.000 fr, nhanh chóng được tăng lên 75.000 fr/tháng, thừa để tiêu pha và trả nợ học bổng…

Nhưng giữa năm 1956, Trần Đăng Nghi quyết định từ bỏ cuộc sống sung túc trên đất Pháp, trở về Việt Nam góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh. Anh xin về Hà Nội, mặc dù gia đình anh ở Huế và Sài Gòn; người yêu anh là Đạm Thư cũng khuyên anh ở lại một thời gian nữa vì biết đời sống miền Bắc lúc đó rất gian khổ và anh thì vừa phải nằm viện vì bệnh thận.

Một lần nữa, Trần Đăng Nghi kiên định sự lựa chọn ngay khi anh còn ngồi trên ghế Trường Quốc học Huế năm 1946, bất chấp mọi khó khăn và cả sự đối xử phân biệt đối với trí thức từ các nước tư bản mới về nước - thầm lặng cống hiến hết sức mình trên mọi vị trí được giao.

Với kiến thức 6 năm du học, với những tài liệu quý về khoa học, công nghệ tiên tiến mà anh đã tìm mua mang về, có thể nói Trần Đăng Nghi là người đã góp công đầu trong việc xây dựng bộ môn thí nghiệm hóa học tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Hóa Công nghiệp và ở một số xí nghiệp. Một chuyên gia như vậy, nhưng hồi mới về Trường Đại học Bách Khoa, anh chỉ được hưởng lương 25đ/tháng, nạp tiền ăn 18đ/tháng, nên buổi sáng phải nhịn đói.

Thật may, tại một cuộc họp quan trọng, chuyện đối đãi "kỳ quặc" này đến tai Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và Vụ trưởng Đại học Hồ Đắc Di, nên chỉ tháng sau, anh được tăng lương lên 50đ/tháng. Đến lúc này, vị cán bộ tổ chức mới biết lương Trần Đăng Nghi ở Pháp, chỉ 3 tháng đủ mua một ôtô!

Một tác phẩm viết về Trần Đăng Nghi.

Câu chuyện "Tấm Huân chương Lao động hụt" cũng thật đang suy ngẫm. Đó là lúc Trần Đăng Nghi được điều về Nhà máy Cao su Sao Vàng, anh đã thí nghiệm và trực tiếp chỉ đạo sản xuất chất "sulfate tribassiquechif" làm ổn định cho nhựa PVC tráng mỏng lên vải bạt, tạo nên các sản phẩm che mưa, theo yêu cầu cấp bách của Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) năm 1965.

Có thể nói đây là một cống hiến đặc biệt có ý nghĩa của Trần Đăng Nghi đối với bộ đội Trường Sơn và các căn cứ ở miền Nam giữa cuộc chiến đấu đang ngày một ác liệt. Vì thế, khi sản xuất thành công, đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nói với Giám đốc nhà máy phải thưởng ngay Huân chương, nhưng Ban Thi đua "đã lờ đi… vì cả nhà máy này chưa ai được thưởng Huân chương Lao động, mà ông Nghi này chỉ là "chân trắng", không phải đảng viên thì sao lại được". 

Cũng vì là một chuyên gia về hóa học, sau 1975, anh được cử vào tiếp quản một xí nghiệp sản xuất bao bì bằng nhựa ở Chợ Lớn. Đây cũng là lần đầu anh gặp lại gia đình sau 27 năm xa cách, mừng mà tủi khi tóc mẹ đã bạc trắng và 3 đứa em phải đi học tập cải tạo…

Nhờ có chuyên môn, lại biết sử dụng khả năng của người giám đốc cũ, mạnh dạn đứng ra vay tiền để phục hồi sản xuất, mặc dù có lúc bị cấp trên "phê bình" là "mất lập trường"; tuy vậy, từ kết quả sản xuất, rút cục Tổng cục lại muốn cử anh ở lại, chính thức làm giám đốc, nhưng anh đã từ chối và từ chối cả bữa ăn chia tay của người chủ cũ…  

Việc Trần Đăng Nghi được Thủ tướng Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm lại là sự đánh giá công lao của anh từ ngày anh về hưu, được mời sang Pháp thực tập giảng dạy và thi nhận bằng chính thức dành cho các giáo sư dạy tiếng Pháp. Ngay trên bục giảng, với tính cương trực, không nhân nhượng những việc làm vô nguyên tắc, anh đã không ít lần đấu tranh ngay cả với người Pháp nên càng được nhiều người kính nể…

Có lẽ vì thế mà ông Alexis Andrès, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Pháp đã gọi người thầy dạy tiếng Việt cho mình là "người tuổi ngựa có cánh", đúng theo sách tử vi là người tuổi Canh Ngọ như Trần Đăng Nghi, qua năm 60 tuổi mới hết cảnh ngựa kéo xe và trở thành "ngựa có cánh" như trong thần thoại!

Chỉ tiếc là ngày Trần Đăng Nghi… bay lên Trời, anh không được nhìn thấy cuốn sách mà người bạn đời đã kịp cho ra đời vào dịp kỷ niệm tròn 60 năm ngày anh trở về Tổ quốc, đồng thời là dịp kỷ niệm 120 năm Trường Quốc học Huế - nơi gắn liền với bao hoạt động sôi nổi thời trẻ của anh trên quê Mẹ, đúng như ước nguyện cuối đời của anh…

Nguyễn Khắc Phê
.
.