Nhà thơ tên Hổ mà hiền khô

Thứ Năm, 07/05/2020, 09:17
Năm 1991, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trại sáng tác văn học cho thiếu nhi - riêng phía Nam có hơn mười trại viên ra Hà Nội dự. Cánh chúng tôi đều tá túc ở nhà nghỉ Tổng Công đoàn (Hà Nội). Nhà thơ Phạm Hổ thường lui tới gặp trực tiếp các tác giả để góp ý cho từng bản thảo.


Với cương vị là người phụ trách trại và là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi, ông đề nghị với Hội Nhà văn thuê xe cho các trại viên đi tham quan một số di tích lịch sử văn hoá ở Hà Nội. Đối với anh em ở miền Bắc thì Hà Nội đã quá quen thuộc, nhưng đối với anh em miền Nam thì đây là một dịp hiếm. Ông còn trực tiếp liên hệ với Nhà hát Múa rối Việt Nam để các trại viên được đi xem múa rối. Ông nói với chúng tôi: “Múa rối là môn nghệ thuật dân tộc, các em thiếu nhi xem rất thích thì người viết cho thiếu nhi, về thiếu nhi lẽ nào lại bỏ qua!”.

Trong anh em chúng tôi dự trại lần ấy, ai cũng khoẻ chân, mạnh tay. Chỉ có Nguyễn Ngọc Ký và Hoàng Tá là bị dị tật, đi lại rất khó khăn, nhà thơ Phạm Hổ nhắc nhở chúng tôi phải thay nhau giúp đỡ hai anh.

Ở trại viết lần ấy, nhờ có nhà thơ Phạm Hổ nâng đỡ, dìu dắt tận tình những cây bút trẻ, để rồi có một thế hệ nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi như chúng tôi.

Với nhà thơ Phạm Hổ, riêng tôi còn có những kỷ niệm không thể nào quên.

Lần ấy, vào mùa thu năm 1989, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ trao giải thưởng văn học thiếu nhi 1988. Ông gửi giấy mời tôi lên Hà Nội lĩnh giải. Sợ tôi không nhận được, ông lại gọi điện về Hội Văn nghệ Hải Hưng (cũ), tìm cách liên lạc xem tôi đã nhận được giấy mời chưa. Do ở xa, sợ nhỡ xe, tôi đến trước một ngày. Gặp nhà thơ Phạm Hổ, ông vui vẻ tiếp hai bố con tôi. Thấy ông vui tính, trò chuyện hóm hỉnh, thân mật, tôi cùng con gái Lê Hồng Nguyên lúc ấy đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Văn hoá, không e ngại hỏi: “Thưa bác, giải thưởng của bố cháu có được nhiều không ạ?”.

Nhà thơ Phạm Hổ tủm tỉm cười, nhìn cháu bảo: "Phải bí mật chứ cháu, bí mật mới hồi hộp, là sự thú vị... Ngày mai... Sau lễ phát giải, bố con cháu sẽ biết ngay mà".

Chia tay bác Phạm Hổ, hai bố con tôi bước xuống lòng đường Nguyễn Du, cô con gái tôi bảo:

- Bố ơi, bác Phạm Hổ hóm nhỉ?

Tôi nói:

- Bác ấy vui, hóm như thế mới làm được thơ thiếu nhi chứ!

- Tên là Hổ mà bác ấy cứ hiền khô bố nhỉ?

- Con biết không, tên là Hổ vì bác ấy "cầm tinh" con Hổ mà!

Trên đoạn đường dài, con gái tôi cứ muốn tôi kể thật nhiều chuyện về ông. Con gái tôi vốn từ nhỏ đã rất mê đọc những tập thơ thiếu nhi của ông, nay được gặp ông, nó càng hiểu vì sao những tác phẩm của ông lại gần gũi và được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi yêu mến đến thế.
Lê Hồng Thiện
.
.