Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Người tự mình mở một cổng Đường thi

Thứ Hai, 09/05/2016, 08:04
Khoảng giữa năm 1983, trong một lần lên văn phòng Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi bất ngờ nhận được một lá thư được gửi từ Báo Quân đội nhân dân. Nội dung lá thư viết tay chỉ có ít dòng: "Bài thơ "Trước nghĩa trang" của anh sẽ được sử dụng vào dịp 27-7 tới. Để gọn gàng hơn, tôi xin phép được cắt đi hai câu ở khổ đầu. Mong anh thông cảm và tiếp tục cộng tác với chúng tôi". Ký tên: Đỗ Trung Lai.


Có mỗi một chuyện ấy thôi, mà đến giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm động. Dễ hiểu vì trước đó, có đến 5 năm, khi mới cầm bút làm thơ và gửi thơ tới nhiều tờ báo, tôi chưa hề nhận được một dòng hồi âm nào đại loại như thế. Thơ cứ gửi đi, nếu không được sử dụng, hoàn toàn rơi vào im lặng, như thể người ta ném vài viên đá nhỏ vào một cái hồ lớn và sâu. Ném rồi không thấy một cái tăm nào sủi lên.

Và lần ấy, trong cuộc đời làm thơ của mình, cũng là lần duy nhất tôi nhận được một sự quan tâm có trách nhiệm như thế, đâu được như những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, nhiều cây bút trẻ như Mai Phương, Nguyễn Hiếu… vẫn thường xuyên nhận được thư tay góp ý cụ thể, tỉ mỉ đến từng bài thơ của các đấng bậc như Chế Lan Viên, Xuân Diệu…

Sau rất nhiều năm, khi nhắc lại chuyện này, Đỗ Trung Lai bảo: "Chuyện này cũng là chuyện vặt thôi. Hồi ấy mỗi tuần, tôi gửi biết bao lá thư cho cộng tác viên, không thể nhớ hết được. Nhưng ông còn nhớ dai dẳng như thế, tôi cũng lấy làm cảm động lắm".

Sau đó chừng 5 - 6 năm (khoảng 1988 - 1989), lần đầu tiên tôi thấy Đỗ Trung Lai trong một buổi tối đọc thơ ở Thư viện Hà Nội do Tuần báo Văn nghệ tổ chức. Ông vừa cao, vừa nhanh nhẹn, chững chạc trong bộ quân phục mang quân hàm Thiếu tá, thật ấn tượng. Nói theo cách nói vui bây giờ thì trông ông rất "hoành tráng".

Tôi nhớ lần ấy, ông được nhà thơ Phạm Tiến Duật giới thiệu lên đọc "Đêm sông Cầu" cùng với sự ra mắt trở lại sau nhiều năm vắng bóng trên thi đàn của Hoàng Cầm, Phùng Quán…

Trước đó, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã phổ "Đêm sông Cầu" (ca khúc mang tên "Tình yêu bên dòng sông quan họ") và nhạc đã chắp cánh cho thơ bay lên. Cho đến bây giờ, "Đêm sông Cầu" vẫn là bài thơ thành công trong sáng tác giai đoạn đầu của Đỗ Trung Lai và vẫn được nhiều người nhớ.

Nhận được thư của Đỗ Trung Lai, nhìn thấy Đỗ Trung Lai, vậy mà mãi đến năm 1990 tôi mới trực tiếp gặp và trò chuyện cùng Đỗ Trung Lai. Ông bảo: "Năm 1980, khi còn là giảng viên của Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, tôi viết một kịch thơ mang tên "Thi sĩ" được nhà thơ Lưu Trọng Lư đánh giá tốt. Nhưng khi đọc tác phẩm gần như là đầu tay này của tôi, nhà thơ Phạm Tiến Duật bảo: Viết thơ dài thì cũng tốt. Nó như một thứ rượu để càng lâu càng quý. Nhưng với nền thơ nào thì "đoản thi" vẫn là quan trọng. Anh đố mày viết được thơ ngắn đấy! Thế là như để nhận một thách thức, về nhà, tôi thức đêm thức hôm viết "đoản thi", trong đó có "Đêm sông Cầu" và được anh Duật chấp nhận, cho đăng ngay lên trang nhất báo Văn nghệ do Văn Cao vẽ minh họa".

Đỗ Trung Lai có nhiều bài thơ để nhớ. Ngoài "Đêm sông Cầu", còn có "Thăng Long", "Ngần ấy người ấy đâu rồi", "Tự vệ tập trong vườn Bách Thảo", một sêri  bài có đầu đề là "Em" từ 1 đến 10 và nhiều bài thơ khác nữa.

Nhiều câu thơ của ông, tôi vẫn còn lưu trong trí nhớ của mình. Đến Hà Giang, ông viết một câu thơ thật khác lạ: "Đá cũng là dân đất nước tôi". Đi biển, ông viết một bài thơ để tưởng nhớ 700 thủy binh đã hy sinh tại biển Campuchia giai đoạn 1979 - 1989, trong đó có 4 câu đau đớn, xót xa: "Mỗi người sáu lít máu/ Mà biển rộng vô cùng/ Mỗi người sáu lít máu/ Biển xanh rì như không". Nhiều học sinh chuyên văn vẫn còn nhớ những câu: "Nếu có thể xin em đừng trở lại/ Hoa trong bình đã héo tự chiều qua…/ Nhưng chẳng lẽ người thứ ba phải khóc/ Vì những bông tàn trong ký ức hai ta" trong một bài thơ tình nhiều tâm sự và cũng có phần dằn vặt của ông.

Theo tôi, ở mảng thơ tình, thơ Đỗ Trung Lai tuy chỉn chu, kín đáo, mực thước, sâu sắc nhưng vẫn có độ khơi gợi, lan tỏa… Ở bài "Em 1", dù chỉ làm cái việc "dội nước cho em gội đầu" thôi mà ông vẫn có một bài thơ hay. Câu kết của "Em 1" muốn nhắc nhở những người yêu nhau hãy quan tâm đến nhau, đã quan tâm rồi thì hãy quan tâm với nhau thêm nữa: "Với gáo nước này/ Anh cũng gội sạch đi sự vô tình/ Đôi khi có/ Trong anh".

Đề tài Điện Biên Phủ đã quá quen thuộc và nhiều người viết. Nhưng dù cho là người đến sau, ông vẫn không... ớn. Từ nguồn tài liệu tìm được, ông xử lý rất nhanh và dựng ngay lên được hai tứ thơ độc đáo trong năm 1983 khi 33 tuổi. Đây là tứ thơ thông minh thứ nhất mang tên "Đờ Cát": "Vô địch nhảy cao và nhảy xa/ Có bằng lái máy bay dân dụng/ Năm 1953, bị thương ở Ninh Bình/ Về Pháp chữa bệnh/ Tay còn chống nạng mà vẫn đoạt giải vô địch đua ngựa của trường sĩ quan Xô-muya/ Vô địch nhảy cao và vô địch nhảy xa/ Nhưng chiếc sào Điện Biên quá cao với hắn ta"…

Còn đây là tứ thơ thông minh thứ hai mang tên "Trước hầm Pi-rốt": "Phó tư lệnh Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ, kiêm Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ/ Trong tiểu sử của trung tá P. Sác-lơ/ Người ta có ghi: "Năm 1943, bị mất một cánh tay trái, ở Ý/ Nếu là tôi, tôi sẽ không làm như thế/ Tôi sẽ viết: "Trung tá P. Sác-lơ, cả cuộc đời/ chỉ cánh tay trái là còn, ở Ý".

Sinh thời, nhà thơ lớn Xuân Diệu khi đọc bài thơ này đã khen nhà thơ trẻ Đỗ Trung Lai: "Thế thì cậu là B. Brecht của Việt Nam rồi!".

Chỉ nhìn mọi người đi tập tự vệ thôi mà ông có ngay bài thơ "Tự vệ tập trong vườn Bách Thảo" lạ và sắc sảo: "Như là hai mặt của một tờ giấy thôi/ Mặt này viết thơ tình, còn mặt kia viết hịch/ Phương tiện là mặt kia, mặt này là mục đích/ Trong cái bề dày ngỡ như không của tờ giấy này, là toàn bộ triết học loài người, cổ-kim-đông-tây/ Từ đống xác B52 đến bãi trẻ con chơi/ Đội tự vệ xếp hàng, đi từ mặt kia sang mặt này tờ giấy/ Cái bề dày như bằng không ấy/ Nhân loại đã bao giờ đi qua được đâu/ Giờ giải lao, tôi thấy có hai người trẻ tuổi yêu nhau/ Tách khỏi đám bạn bè, sau gốc cây, hôn nhau trên ghế đá/ Hai người này, vô tình bạn ạ/ Đã đi cả ngàn năm, trong một buổi chiều".

Điều này cho thấy khả năng phát hiện vấn đề và khái quát vấn đề rất nhanh nơi ông.

Ngoài làm thơ, Đỗ Trung Lai còn viết văn và vẽ. Năm 2000, ông có truyện ngắn "Người chơi đàn nguyệt ở Hàng Châu" được trao giải nhì cuộc thi truyện ngắn 1998 - 2000 của Báo Văn nghệ. Ban đầu, người ta định trao giải nhất, nhưng có một vị trong ban chung khảo có ý kiến: "Nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Trung Lai không gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa…". Vì thế, "Người chơi đàn nguyệt ở Hàng Châu" bị "đánh" xuống giải nhì.

Bìa cuốn “Đỗ Phủ - những bài đường thi nổi tiếng” do nhà thơ Đỗ Trung Lai soạn và dịch.

Trước đó, năm 1990, Đỗ Trung Lai lao vào vẽ. Có triển lãm, ông còn bán được nhiều tranh hơn cả một số họa sĩ chuyên nghiệp khác. Nhờ bức tranh "Anh tôi" được đặt dưới bàn thờ bố mẹ và thắp hương ba năm, mà có người đến báo đã tìm ra mộ liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn ở Nghĩa trang liệt sĩ Pleiku - Gia Lai.

Hồi ông còn công tác ở Báo Quân đội Nhân dân, tôi gặp ông thường xuyên. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại rủ nhau đi uống bia hơi, ăn thịt chó ở một quán bình dân tại phố Phùng Hưng. Ông bảo: "Chỗ ấy, có tay Bình - đồng hương với tớ, có món thịt chó luộc được lắm. Xơi vào là quên tất cả".

Đến 1 - 6 - 2004, từ Trưởng ban Quân đội Nhân dân cuối tuần, ông trở thành Phó Tổng biên tập Báo Tiếng nói Việt Nam. Rồi chính ở cái nơi tại vị cuối cùng ấy và có vẻ như yên ổn ấy, ông bất ngờ làm một việc mà nói như người xưa là "treo ấn từ quan" hiếm có khó tìm ở thời hiện đại ở tuổi 56, để ngỏ một cái ghế lãnh đạo ở tờ báo ấy, mà lòng vẫn vui như Tết. Chuyện này xảy ra vào năm 2006.

Đến năm 2007, Đỗ Trung Lai chọn một kiểu sống khác. Ông đến với thế giới thơ Đường, sau khi Báo Người Hà Nội nhờ ông giúp mở mục "Cửa sổ Đường thi". Thời điểm ấy, trong mục "Chuyện làng văn nghệ" Báo Hà Nội mới cuối tuần, tôi đã viết một mẩu về ông với cái tít: "Người mở hẳn một cổng thơ Đường". Ông bảo: "Tôi mê Đường thi từ nhỏ. Nhưng sở dĩ tôi muốn đi tới nơi tới chốn với Đường thi cũng là vì lòng tự ái cho các nhà thơ Đường. Nhiều lần đi nói chuyện thơ, tại các diễn đàn này, khi tôi đọc thơ Đường của nhiều người khác đã dịch từ trước, nhiều học sinh phổ thông phàn nàn: Thơ như thế mà sao chú cứ bảo là hay?".

Đến nay, Đỗ Trung Lai đã dịch 4 tập thơ Đường dày 1400 trang với số lượng khoảng 500 bài ở các dạng: Nguyên thể, song thất lục bát, lục bát. Quả là vất vả và kỳ khu!

Mới đây, Đỗ Trung Lai lại cho in trường ca "Kể chuyện rong về những ngày có giặc" mà ông là tác giả và "Trúc Lâm tam tổ thi" (thơ của ba vị tổ thiền Phái Trúc Lâm) mà ông là dịch giả. Ông bảo: "Chỉ vì khi in "Kể chuyện rong về những ngày có giặc", ở lần xuất bản đầu, người ta in thiếu của tôi một chữ "về" thành "Kể chuyện rong những ngày có giặc", mà tôi buộc phải cho in lại ngay lập tức lần thứ hai".

Được biết, để "in lại ngay lập tức" tập thơ bìa cứng, rất đẹp, rất "bắt mắt" này, Đỗ Trung Lai đã bỏ tiền túi đến 11 triệu đồng. Chỉ với việc này thôi, thử hỏi bây giờ, có mấy người yêu thơ, vì thơ được như Đỗ Trung Lai?

Đặng Huy Giang
.
.