Nhà thơ, dịch giả Lê Bá Thự: 25 năm một chặng đường…

Thứ Sáu, 23/12/2016, 08:00
25 năm của một đời nhà văn thì chưa phải là dài, nhưng  trong 25 năm, nhà văn Lê Bá Thự đã dịch và viết được một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ.


Ông là người quê Thanh Hóa. Ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, Lê Bá Thự đã là học sinh giỏi văn, từng được đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Tốt nghiệp cấp 3 năm 1963, rồi thi vào Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Niềm may mắn và như một định mệnh để ông gắn bó với nền văn học Ba Lan là ông được cử sang Ba Lan học Trường Đại học Bách khoa Warszawa.

Không được học khoa văn, mà theo sự phân công của cấp trên, ông học khoa trắc địa bản đồ. Về nước, ông lại được phân công về giảng dạy ở Trường Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội. Chỉ một thời gian ngắn, ông lại được chuyển sang công tác ở Bộ Ngoại giao. Rồi ông được trở lại đất nước Ba Lan, làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, từ năm 1996 đến năm 2000.

Những ngày trở lại Ba Lan, khát vọng trở lại với niềm đam mê văn chương càng thêm cháy bỏng. Ông tự hào vì mình được sống và làm việc trên mảnh đất của rất nhiều nhạc sỹ, họa sỹ danh tiếng lẫy lừng quốc tế. Đặc biệt, một đất nước chưa đầy bốn mươi triệu dân số mà có tới bốn nhà văn, nhà thơ được giải Nobel về văn chương thì tình yêu văn học đất nước này càng thêm được khích lệ.

Một ý nghĩ cháy bỏng, ông quyết tâm làm người chuyển tải những áng văn chương bất hủ của bao nhà văn, nhà thơ Ba Lan sang tiếng Việt, để độc giả yêu văn chương ở Việt Nam có thêm điều kiện để tìm hiểu về nền văn học Ba Lan mà ông vô cùng yêu quý.

Nhà thơ, dịch giả Lê Bá Thự tặng bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết “Xin cạch đàn ông” cho nữ tác giả Katarzyna Grochola.

Ông từng tâm sự "Dịch văn học là con đường khả dĩ nhất cho niềm khát khao văn học của tôi. Bởi tôi thông thạo tiếng Ba Lan, lại từng là học sinh giỏi văn, đấy là lợi thế của tôi. Tuy nhiên, đó chỉ là duyên cớ chủ quan. Còn duyên cớ khách quan là tôi thực sự đam mê nền văn học Ba Lan, cả cổ điển cũng như đương đại.".

Lê Bá Thự có quan niệm riêng và ông tự nhủ mình phải cố gắng: "Nhà văn viết những gì mình biết, còn dịch giả thì phải biết tất cả những gì nhà văn viết". Với niềm say mê sôi sục, với phương pháp làm việc liên tục và tỉnh táo, trong vòng 25 năm, ông đã dịch được 26 tác phẩm văn học xuất sắc của văn học Ba Lan, từ tác phẩm cổ điển đến các phẩm đương đại.

Đó là, các tiểu thuyết: "Nàng thứ ba", của Henryk Sienkiewicz, NXB Văn học, 2004; "Pharaon", của Boleslaw Prus, NXB Lao động, 2004; "Hoang thai", của Dorota Terakowska, NXB Phụ nữ, 2006; "Xin cạch đàn ông", của Katarzyna Grochola, NXB Hội Nhà văn, 2007; "Quà của Chúa", của Dorota Terakowska, NXB Phụ nữ, 2009; "Các người khắc biết tay tôi", của Katarzyna Grochola, NXB Hội Nhà văn, 2010; "Dưới cánh thiên thần rượu", của Jerzy Pilch, NXB Hội Nhà văn, 2012; "Cô gái không là gì", của Tomek Tryzna, NXB Hội Nhà văn, 2013; "Hy vọng", của Katarzyna Michalak, NXB Hội Nhà văn, 2014; "Những khoái cảm khác", của Jerzy Pilch, NXB Phụ nữ, 2015…

Ngoài ra, ông còn dịch 6 tập truyện ngắn, 4 tập truyện cười và 3 tập sách cho thiếu nhi. Dịch giả Lê Bá Thự cho biết, cuốn  tiểu thuyết "Pharaon" viết về lịch sử Ai Cập cổ đại, với nhiều thuật ngữ, điển tích cần tra cứu kỹ càng, nên ông đã dịch ròng rã hai năm trời mới xong. Vì bản thân ông là người làm thơ, yêu thơ, nên với hai nhà thơ lớn của Ba Lan, từng được giải Nobel văn chương là Czeslaw Milosz (1911-2004), Wislawa Szymborska (1923-2012), ông đã dành tình cảm đặc biệt. Ngoài việc dịch thơ của họ, ông còn có nhiều bài viết về thân thế sự nghiệp và bình luận thơ của hai nhà thơ này.

Với sự đam mê không mệt mỏi, qua những trang sách dịch của mình, Lê Bá Thự xứng đáng là cây cầu văn hóa nối giữa Ba Lan và Việt Nam. Ngày 2 tháng 2 năm 2012, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan đã ký quyết định tặng Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan cho nhà thơ, dịch giả Lê Bá Thự. Vinh dự cho ông, bản dịch tiểu thuyết "Hy vọng" của nữ nhà văn đương đại nổi tiếng Ba Lan Katarzyna Michalak đã được trao Giải thưởng văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Hà Nội.

Một con người từng là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ngỡ tưởng những nghi lễ sang trọng và những điều kiện sống đầy đủ của châu Âu, dễ làm phai nhạt tình cảm với đời sống quê hương nghèo khó của mình. Vậy mà, ở con người ông vẫn giàu chất nhân văn, dễ cảm kích, xúc động mỗi khi nói về quê nhà. Có lẽ văn chương đã nuôi dưỡng tâm hồn con người luôn thẫm đẫm tình người.

 Tôi rất cảm kích khi đọc những trang văn ông viết về tuổi thơ lầm lũi bùn đất của mình: "Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo xứ Thanh. Nhưng làng quê nghèo khó này lại có cái tên đẹp và nên thơ - làng Nguyệt Lãng…

Tuổi thơ tôi gắn bó máu thịt với ngôi làng quanh năm làm nghề nông này. Tôi biết làm ruộng từ hồi còn nhỏ. Năm 14 tuổi tôi đã đi bừa cùng mẹ tôi, mẹ một con bò, tôi một con bò, vì người nhỏ, thấp, tôi phải vác bừa lộn ngược khi đi đến ruộng và lúc ra về".

Ông chân tình kể: "Tôi gánh phân cực khỏe, lúc đầu vài chục cân, sau này tôi gánh đến 80 cân phân chuồng là bình thường. Nhất là hồi gánh phân cho hợp tác xã nông nghiệp, gánh càng khỏe thì càng được tính nhiều điểm. Những công việc như nhổ mạ, làm cỏ lúa, gánh lúa, đập lúa, tát nước, đào khoai… là những công việc quen thuộc đối với tôi hồi niên thiếu".

Ông hồn nhiên khoe tuổi thơ vất vả, lấm láp và vô cùng tươi sáng của mình: "So với các bạn cùng trang lứa, tôi có biệt tài kiếm cá. Chả thế mà bọn chúng gọi tôi là "con rái cá làng Nguyệt Lãng". Tôi kiếm cá ban ngày, tôi kiếm cá ban đêm, tôi kiếm cá khi trời mưa, tôi kiếm cá lúc trời nắng. Đến nỗi hồi đó người tôi đen sì như củ súng vì suốt ngày bêu nắng.

Bìa sách “Lê Bá Thự - 25 năm dịch và viết''.

Năm tôi 14-15 tuổi, nhiều người trong làng lấy làm ngạc nhiên khi đích mục sở thị tôi ngồi câu cá ở bờ ao. Câu cá gì mà một tay cầm cần câu nâng lên nâng xuống, còn tay kia cầm cái roi, hay cần đập nước, bằng cành tre, dài, dẻo, quất xuống nước liên tục, đều đều, tạo nên tiếng kêu "tỏm tỏm", tạo bọt nước trắng xóa. Tôi đang ngồi câu cá hay tôi đang xua đuổi cá vậy?

Tôi đang ngồi câu cá rạo (còn gọi là cá ngạo, có nơi gọi là cá ngão, cá thiếu) đó. Cá rạo thân dài, lườn lưng dày và hơi gù, mình dẹt dần về phía cuối bụng, vảy trắng bạc. Miệng cá rạo rộng và sâu, môi mỏng và hơi vểnh lên phía trên. Món ăn ưa thích nhất của cá rạo là loài tép. Cho nên tôi thường móc vào lưỡi câu một con tép trắng.

Vào mùa xuân, khi các ấu trùng của tép nở thành tép con, cá ngạo đi từng đàn để săn tìm. Đây là thời điểm thích hợp nhất để câu cá rạo. Hễ thấy có nhiều bọt nước là cá rạo lao tới đớp bọt, gặp mồi tép thì đớp luôn và bị mắc câu. Cá rạo rất phàm ăn cho nên câu rất dễ. Thường chỉ vài giờ đồng hồ ngồi câu như vậy là tôi kiếm được chừng mười lăm hai mươi con cá rạo loại to, đủ một bữa rán nhắm rượu và kho đầy một nồi đất. Thịt cá rạo thơm ngon, nhất là cái lườn lưng dày của nó rất nhiều thịt. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn thèm cá rạo quê mà một thời rất thân thuộc đối với tôi. Nhưng buồn thay, món cá ngon lành này cũng chỉ còn là một kỷ niệm".

Thông thường, với con người ngoại giao, dưới cái vỏ nghi lễ lịch thiệp, sang trọng, người ta thường muốn khuất lấp cái thuở vất vả bùn đất của mình. Nhưng tâm hồn ông thấm đẫm cảm xúc của người làm văn chương. Chính vì vậy, đọc những đoạn văn ông viết về cái làng quê đồng chiêm của ông, tôi nhận thấy một tâm hồn nồng hậu đáng yêu: "Nước đồng làng tôi (ngày ấy) sạch đến nỗi, khi đang làm đồng trời nắng chang chang mà khát nước thì tôi chỉ cần ra chỗ nước trong lấy nón múc nước uống một cách ngon lành, không hề có chuyện đau bụng".

Hãy nghe ông kể về những ngày ở quê đi bắt ếch: "Man ếch, tức là dùng đuốc sáng để soi và bắt ếch - thuật ngữ của làng tôi, được coi là cái thú có phần "dã man" của tôi. Ngày trước làng tôi cực kỳ lắm ếch. Ếch nằm trong các hố nhỏ, trong các bụi rậm, các bờ ao…

Ngày hè lắm khi trời nắng dài ngày, khô hạn. Thường sau một đợt nắng nóng như vậy trời đổ mưa rào, nước chảy tràn trề, lênh láng, ngập làng xóm, ruộng vườn, trời trở nên mát mẻ, người, vật khỏe hẳn ra, thèm muốn nhiều hơn ngày thường, cây cối tốt tươi trông thấy. Buổi tối mát trời sau một trận mưa rào như vậy là một buổi tối lý tưởng đầy lãng mạn cho những đôi ếch đực ếch cái rủ nhau đi giao phối tại các vũng nước ngoài vườn, ngoài ruộng, chúng chẳng còn biết trời đất là gì.

Còn tôi chỉ việc soi đuốc, chộp lấy từng cặp cho vào giỏ một cách ngon lành. Bây giờ mường tượng lại, tôi thấy mình quá dã man, quá tàn ác, phá hoại cuộc tình đang đỉnh điểm của những đôi ếch vô tội và vô hại. Nhưng còn biết làm sao ở thời mà miếng ăn là câu thúc hằng ngày."

Thì ra sau cái vỏ nghiêm ngắn, lịch thiệp, xã giao của nghề ngoại giao, ở con người ông vẫn tươi rói hồn cốt người trai làng siêng năng, xốc vác và chân tình với xóm mạc. Người cầm bút ai cũng cần có một miền quê ruột thịt của mình. Nơi đó, như để tâm hồn trú ngụ. Và cũng từ nơi đó, tâm hồn được mở cánh rộng dài hòa nhập bốn phương. Tôi nghĩ, đó là cái nội lực tiềm ẩn, để ngòi bút của nhà thơ dịch giả Lê Bá Thự bay bổng trên trang sách của mình.

Tháng 12-2016

Vũ Từ Trang
.
.