Nhà thơ Võ Văn Trực: “Chuyện đời bao nỗi đục trong”…

Thứ Sáu, 15/09/2017, 09:04
Tuổi già, sau lần tai biến cứ dần nuốt chửng trí nhớ và sức lực của ông. Ông không nhớ gì nhiều, khoảng ký ức đậm nét nhất là hình bóng quê nhà, ở làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ở đó có con sông, bến đò quê hương, có cả một tuổi thơ ngập tràn trong tiếng đùa nghịch của ông và chúng bạn thời thơ ấu...


Căn nhà rộng rãi, được xây lại khang trang ở phố Yên Hòa (Hà Nội), nơi cả đời ông gắn bó, là một địa chỉ cho nhiều bạn văn một thời đến sẻ chia chuyện văn, chuyện đời. Bây giờ bạn văn có người đã già yếu, có người cũng chẳng còn trên thế gian này. Riêng nhà thơ Võ Văn Trực, căn nhà cao rộng giờ thu hẹp chỉ bằng một căn phòng hơn chục mét vuông.

Tuổi già, sau lần tai biến cứ dần nuốt chửng trí nhớ và sức lực của ông. Ông không nhớ gì nhiều, khoảng ký ức đậm nét nhất là hình bóng quê nhà, ở làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ở đó có con sông, bến đò quê hương, có cả một tuổi thơ ngập tràn trong tiếng đùa nghịch của ông và chúng bạn thời thơ ấu...

Người ở tuổi 82 như ông, những câu chuyện về hiện tại, quá khứ cứ đan xen nhau. Trí nhớ của ông dần suy kiệt bởi hội chứng tuổi già. Nhìn ông bên ngoài vẫn khỏe mạnh, song cái chân, cái tay chẳng cử động theo ý mình. Mỗi ngày, anh Võ Văn Cương, con trai ông dắt bố đi bộ hai vòng sáng và chiều. Có vài bước chân thế mà ông thở dốc khó nhọc lắm.

Thật may mắn cho nhà thơ Võ Văn Trực, vì ở tuổi này, đối diện với ốm đau, ông có người con trai hiếu thảo, bỏ hết công việc ở nhà chăm sóc bố. Vợ nhà thơ Võ Văn Trực mất từ hơn 10 năm trước, con gái ông cũng đã mất vì bạo bệnh nhiều năm trước, nên cả tuổi già, ông trông cậy hết vào anh Cương, người con trai đã ở tuổi ngũ tuần nhưng lúc nào cũng nhẹ nhàng và hiểu bố đang cần gì, muốn gì.

Bởi thế mà trong cuốn sổ nhật ký được ông vẫn viết hằng ngày như thói quen mấy chục năm tuổi trẻ, trang nào cũng nguệch ngoạc, ngoằn ngoèo, không có dòng, không rõ chữ, nhưng tên Cương thì luôn mạch lạc trong một mớ chữ lộn xộn ấy: "Cương cho ăn cơm", "Cương báo chuyện nhà thơ Võ Thanh An mất vì ung thư", "Cương dắt đi tập thể dục", thậm chí là "Cương thỉnh thoảng cáu bố vì không chịu tập đi"...

Anh Cương chia sẻ: "Ông dù ngủ hơi kém, nhưng vẫn còn ăn được, đọc đôi trang báo, tai thì rất thính, nên ông thường xuyên nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Cách đây hai năm, khi chân ông chưa yếu như bây giờ thì tôi vẫn cho ông ngồi xe rồi đưa ông đi dạo xung quanh khu nhà.

Từ đầu năm đến nay thì chân ông yếu hẳn, đi được dăm bảy bước đã mệt, nên suốt ngày quanh quẩn ở căn phòng này. Chỉ buồn là hiện nay, thế hệ bạn bè ông cũng đã nhiều người ra đi, những người còn thì cũng đau yếu nên chẳng ai đến thăm ai được. Nhiều lúc tôi biết ông nhớ bạn bè, khi nhắc về họ ông vẫn xúc động và đầy thương nhớ...".

Nhà thơ Võ Văn Trực từng có những năm tháng tuổi trẻ bôn ba và đắm đuối với văn chương. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã xác định theo đuổi con đường văn chương. Dù ông từng được Bộ Ngoại giao nhận về làm việc nhưng cuối cùng vẫn xin được chuyển sang làm việc tại một cơ quan văn hóa. Đến năm 1962, ông về làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thanh niên.

Năm 1977, ông về làm biên tập viên. Trước khi nghỉ hưu, ông là Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Có thể gọi nhà thơ Võ Văn Trực là người điển hình cho tính cách người xứ Nghệ: hiền lành, thủng thẳng nhưng gàn và cục tính. Ông cương trực như chính cái tên cha mẹ đặt cho mình, luôn thẳng thắn và quyết liệt đấu tranh với những thói rởm đời dù ông hoàn toàn nhận thức được rằng, sự đấu tranh đó không phải lúc nào cũng mang lại cho ông những điều may mắn.

Nhà thơ Võ Văn Trực có một tình yêu quê hương cháy bỏng. Có lẽ bởi yêu quê hương đến tận cùng, cho nên dù hiện nay, trí óc đã bắt đầu lẫn lộn, ông đã quên đi nhiều thứ, nhưng có một thứ dường như ông chẳng thể nào quên được, đó là làng quê ông, ngọn núi Hai Vai sừng sững.

Vì yêu mà ông làm nhiều thơ về ngọn núi này cũng như trong căn phòng ông đang sống, có duy nhất một bức tranh phong cảnh, đó là cảnh núi Hai Vai: "Lắng hồn nghe gió núi dậy ca dao/ Và thạch nhũ buông lòng hang huyền thoại/ Trên võng cói từ những ngày bé dại/ Tôi lớn lên trong thần tích, lời ca/ Rồi một ngày tôi vĩnh viễn đi xa/ Xin hóa kiếp được làm hòn đá phẳng/ Dưới chân núi, một vòm cây che nắng/ Cho trẻ chăn trâu ngả nón sum vầy" (Núi Hai Vai).

Nhắc lại chuyện cũ, bè bạn cũ, nhà thơ Võ Văn Trực mắt đỏ hoe ngấn nước. Hai bàn tay của ông run run, chực như muốn tự lau những giọt nước mắt nhưng khó cử động bình thường. Ông bảo, thế hệ cũ cũng đi gần hết rồi, còn có vài người thì già cả, chẳng dễ dàng thăm hỏi nhau, nhớ nhau chỉ để trong kỷ niệm. Trong căn phòng ông ở bây giờ, mọi thứ đều gọn gàng sạch sẽ, nhưng ngăn nắp nhất là tủ sách đã cũ mèm theo thời gian. Những cuốn sách và album ảnh đã phủ một lớp bụi tháng năm, úa vàng và cũ nát.

Trong loạt sách đó, có một ngăn riêng dành cho hơn 70 tập nhật ký mà ông đã viết từ thời tuổi trẻ đến bây giờ. Tôi xin phép được xem lại một số cuốn đã mờ dần nét mực. Chữ ông đẹp quá, cẩn trọng và chi chút, từng ngày từng tháng, từng năm. Trong đó cũng dày đặc những trang văn đẹp viết về những người bạn gái thuở hoa niên, có những trang viết đầy tình yêu thương dành cho vợ, hoặc những trang đầy xúc cảm viết về những người bạn gái là các nữ nhà văn, nhà thơ mà ông đã gặp, đã quen, đã có cảm tình trong suốt chặng đường làm nghề.

Rồi chuyện vợ, chuyện con gái gặp tai ương không qua khỏi, đó là những nỗi đau không dễ gì nguôi ngoai trong ký ức của ông. Lật giở vài cuốn nhật ký, gặp vài cái tên, hỏi ông, ông đều lắc đầu bảo "đi rồi". Vậy đấy, họ với những những câu chuyện, những hồi ức, như những con người cụ thể bằng xương bằng thịt trong trang sách bước ra, nguyên vẹn vậy đó, ngăn nắp vậy đó, thế mà đã trở thành người thiên cổ, đã kịp đi qua cả một kiếp người...

Nhà thơ Võ Văn Trực và nhà thơ Tế Hanh thời trẻ.

Anh Cương, con trai nhà thơ Võ Văn Trực kể lại: "Nhiều lần, thời còn khỏe mạnh, mỗi lần về quê, cha tôi hay đi vào buổi tối, đơn giản bởi vì sau Cách mạng Tháng Tám, ngôi làng Hậu Luật đã bị phá. Tâm trạng của ông lúc đó rối bời. Đến nỗi, mỗi khi ông đi xa trở về đến ngã ba Diễn Châu, cách làng 6 cây số, thì ông không dám về ban ngày nữa mà phải về đêm: đi ban ngày sợ nhìn thấy cảnh làng xóm tiêu điều đau đớn lắm. Có lẽ điều đó cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của ông nhiều. Ông bây giờ, trong ký ức chỉ mơ về làng quê thôi!”.

Nhà thơ Võ Văn Trực chỉ vào tập thơ mỏng có cái bìa màu hoàng hôn trải dài trên biển với tựa đề "Ngọn lửa hoàng hôn", rủ rỉ: "Tập thơ cuối cùng trong đời tôi". Đó là một tập thơ gồm những bài ông tâm đắc và những bài thơ mới viết được in cách đây chừng dăm năm, trước khi ông đổ bệnh. Đó là những hồi ức về bè bạn, về tuổi già và những triết lý nhân sinh. Nhưng cá nhân tôi, khi nói về ông, vẫn thích những bài thơ ông viết về mùa thu và về mẹ.

Ông vẫn khẳng định, cả cuộc đời làm thơ, ông yêu nhất hai đề tài này. Thơ về mẹ, ông đã có những câu thơ ám ảnh: "Vĩnh viễn từ nay con không thấy mẹ nữa rồi/ Con nghĩ thế, nước mắt trào nóng bỏng/ Đất quá rộng và bầu trời quá rộng/ Con lặng ngồi bé nhỏ giữa hoàng hôn/ Nhìn nuối theo bóng mẹ cuối đường thôn/ Rồi xa hút lẫn trong chiều nắng nhạt/ Phía đồng ấy màn chiều dăng man mác/ Nấm cỏ rầu côi cút giọt sương rơi…".

Còn về mùa thu, ông đã viết những câu thơ mà một thời đã được chép vào sổ tay của nhiều bạn yêu thơ: “Một ban mai bỗng thơm gió hanh về/ Tiếng lá rụng ngoài vườn cây xào xạc/ Em mở cửa, hương lùa vào man mác/ Anh bàng hoàng tỉnh dậy: đã mùa thu" (Vườn thu)

Người ta vẫn bảo rằng, mỗi một nhà thơ đều mang trong mình một trái tim cô độc cố hữu, nhà thơ Võ Văn Trực cũng không phải là một ngoại lệ. Ông có một thời sôi nổi, nhưng rồi giờ đây ông ngồi đó, giữa rất nhiều suy tư, giữa bộn bề suy tưởng, không thể sẻ chia cùng ai, cũng chẳng thể viết nổi khi mắt mờ, chân chậm, tuổi già cứ chằm chặp phía sau lưng.

Nhưng cho dù đời sống cứ cuộn chảy với rất nhiều sự đổi thay, song đọng lại trong thế hệ ông, cho những thế hệ tiếp nối, vẫn là những vần thơ đầy tâm trạng của một con người biết yêu thương và luôn đau đáu về lẽ nhân sinh với những buồn vui của một kiếp người, như lời đề từ mà ông tâm đắc trong tập thơ được ông cho là cuối cùng của đời mình: "Chuyện đời bao nỗi đục trong/ Câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.