Nhà thơ Vân Long với những thoáng heo may

Thứ Hai, 25/09/2017, 08:34
Nhà thơ Vân Long không rõ có duyên gì đặc biệt với mùa thu, mà ta thấy ông từng đứng ra tuyển chọn, xuất bản tập "Tuyển thơ mùa thu" (NXB Thanh Niên, 1999).  


Ông lại từng có buổi trò chuyện trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội về đề tài này. Nhưng đặc biệt là thơ viết về mùa thu của ông bao giờ cũng rưng rưng một nỗi niềm, hoặc hoài niệm một bóng người xa, hoặc bâng khuâng chút nắng thu vàng ướt.

Quả vậy, mùa thu ám ảnh nhà thơ đến nỗi thấy tán lá dập dềnh ngoài song cửa cũng gợi ông nhớ mùa thu trên bến Cảng Hải Phòng - nơi ông từng mười năm gắn bó với những con tàu luôn sum họp và chia ly. Hẳn câu thơ trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du: "Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san", với chuyến đi thực tế dài ngày năm ấy đã gợi hứng cho nhà thơ viết "Mùa thu chia tay". Nơi đây ông đã đón và tiễn đưa bao bè bạn, bao cách chia với hẹn hò gặp gỡ. Rồi đến lúc ông phải rời xa thì dường như vẫn có một con người phiên bản của ông ở lại, một mình làm một cuộc chia ly:

Mùa thu này tôi lại tiễn tôi ư?
Tôi một nửa sẽ ở đây vĩnh viễn


Để đi đến cái tứ thơ độc đáo:

Chớ ngạc nhiên thấy bàn tay vẫy tiễn
của chính tôi trên kè đá vừa xây!

Nhà thơ Vân Long.

Về lại Hà Nội, thành phố quê hương, sum họp với gia đình tại phố Bà Triệu, làm báo rồi làm xuất bản. Đến tuổi vào thu ông mới chuyển về phường Vĩnh Phúc, một trong "Thập tam trại" của Thăng Long cổ xưa. Căn nhà xây trên vùng đất còn nhiều dấu vết hoang sơ. Ông ngồi viết và tiếp bạn bè ở đấy. Tôi hình dung ông ngồi, tay chống cằm, đăm đăm nhìn qua tán lá mà phác thảo tứ thơ "Nỗi buồn nhà mới":

Em thì vắng, bạn bè xa ngái
Mưa thu bủa lưới thủy tinh
Trời chật, nỗi buồn rộng rãi

Những lúc ngỡ như cô đơn nhất, vẫn thấy ông gắn bó với cuộc sống qua những liên tưởng tự trào:

Đất hàng xóm chưa xây mọc đầy lau cỏ
Cỏ lau làm hàng xóm hai bên
Kiến chạy lụt, trú nhờ kệ sách
Chữ thừa như kiến ngập trang in

Tiếng con cu gáy gợi nhớ ruộng đồng, tiếng con quốc kêu từ một góc xóm đang đô thị hóa, tiếng chim sẻ, chim chào mào ríu rít những hoài niệm, những tứ thơ…

Dường như cảnh sắc, khí hậu mùa thu phù hợp với tâm trạng, với thể tạng con người ông, nay lại phù hợp thêm với lứa tuổi. Có một mùa thu bất tận vẫn dập dềnh sóng nước đâu đó quanh ông:

Gió ru êm cho đò bập bềnh
Bập bềnh câu hát, bập bềnh em
Trở về quán khách đìu hiu nhớ
Giường bỗng đò xuôi cũng bập bềnh

                         (Sóng sông Hương) 

Một cảm giác nhẹ nhàng tinh tế là cảm giác quán xuyến khi đọc cả hành trình thơ ông. Dù sóng vỗ mạnh nhẹ ra sao, chủ quan ông chỉ thấy bập bềnh. Dù quán khách đông vắng thế nào, riêng ông chỉ thấy đìu hiu. Đến tình cảm ghen trong tình yêu, trong thơ ông cũng thuộc loại "hoa ghen thua thắm", thiên nhiên ghen với con người:

Qua dải sân mưa tôi ngắm em
Màn mưa nhòa những nét thân quen
Tình yêu mới nở sao mà đẹp
Một thoáng nhìn nhau, mưa cũng ghen!

                                      (Qua mưa)

Ta đừng chờ một cơn ghen lồng lộn của trời đất! Trời đất ở đây cũng tôn trọng tình yêu của con người. Và qua cơn ghen thoáng nhẹ của trận mưa đầu mùa, tình yêu lại bừng sáng: 

Trận mưa thu ào qua
Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt   

                                      (Vào thu)

Ngỡ như câu thơ tả cảnh, nhưng không, cảnh ở đây đã hòa cùng tâm trạng con người, con người tự xòe diêm làm nắng.

Mùa thu là mùa của tâm sự, vì vậy, là mùa của tình bạn, tình thơ, nhưng không phải ai cũng giầu sức tưởng tượng như tác giả mấy câu thơ này:

Mùa thu không nắng
Mang mang gió
Ngả tím lên màu tím mắt ai
Mùa thu vắng bạn
Se se nhớ
Thả lá,
           hòm thư động ngõ ngoài…

                            (Thu ngõ nhỏ)

Mùa thu là mùa êm dịu với những thoáng gió heo may, nhưng khí hậu nước ta, mùa thu cũng là mùa giông bão dữ dội. Sau trận bão, vườn tược xơ xác, ai không xót lòng. Tác giả hiểu được quy luật khắc nghiệt của trời đất, tôn trọng những gì còn lại mà tạo hóa ban tặng con người. Nhưng đâu phải chỉ thế! Câu thơ gợi đến những mất mát, hẫng hụt của cuộc sống, đến cảm giác nâng niu trân trọng cái còn vừa hé nở:

Cái mất thì đã mất
Cái xa đã xa dần
Cái còn vừa đơm trái
Người nhìn, không nỡ ăn!

                               (Sau bão)

Tôi đã có dịp nhìn trái cây còn sót lại trong vườn mẹ sau cơn bão, xin chia xẻ với tác giả lòng xót xa vô hạn!

Mùa thu còn là mùa của hoài niệm khi ta đến một tuổi nào đó:

Không gian chao chát gió
Trời thu riêng lá thu bay

Khá giống một ngày thu nào, ta cùng người yêu dan tay sóng bước. Nhưng là ai? Là ai?

Ai khuất nẻo như sương khói 
Ai bên tôi bóng nhỏ gầy

Dĩ vãng chỉ còn là ảo ảnh, thấp thoáng mờ chồng:

Và em đồng hiện, em phân thân
Thời gian củ hành tôi bóc vỏ
Kỷ niệm làm trận gió
Đụng dây đàn tiếng ngân

Vậy ra em không chỉ là một người, em là tuổi trẻ một đi không trở lại, em là kỷ niệm những tan vỡ xót lòng!...

Hà Nội vào thu.

Người thơ như đi trong thời gian không gian bất định, qua những chiếc lá bay, anh nhìn ra từng mảnh hồn thành phố, cũng là những mảnh của em, những mảnh của hồn mình:  

Lá thu bay những mảnh hồn thành phố
Những mảnh em xao xác sau vai

Ta được cùng nhà thơ đi ngược thời gian, như bóc vỏ một củ hành, chỉ một chi tiết thơ cụ thể này đã bứt bài thơ khỏi nỗi u hoài xưa cũ. Lãng mạn đến cùng và hiện thực đến nơi cũng là nét riêng của Vân Long. Tôi không khỏi mỉm cười thấy anh rất "tỉnh đòn" sau trạng thái say mê đến mờ cả lý trí như trên:

Nghiền ngẫm cả mùa thu
Một câu thơ hư ảo
Mười lăm năm sau mới đưa được câu thơ lên trang báo
Anh bắt gặp người vê bài thơ anh châm điếu thuốc lào!

(Khói thơ)

Không dừng lại ở đó! Hết thu rồi sang đông, cây cối xác xơ. Tác giả không nhìn nó với tâm thế u ám như hiện thực, anh vẫn cảm được cái hơi ấm nhen lên từ trong tàn tạ:

Cành phượng gầy guộc như  khói 
    tỏa mùa đông mặt hồ…

                         ………….

Giấu ở đâu hỡi khô khỏng trụi trần
Trái tim đỏ đủ thắp nghìn ngọn đuốc

                                 (Tiềm ẩn)

Tôi có một nhận xét thiên vị: Nếu không sống ở Hà Nội lâu năm và không có một tâm hồn thơ tinh tế thì khó có được sự quan sát và thu nhận như thế! Chào đón công cuộc đổi mới, anh ra riêng tập " Vào thu " (1990), vẫn ý thức được tuổi trẻ của mình đã qua lúc nào mà không hay (đặc điểm người hoạt động quên thời gian):

Bất giác giơ tay lên hất tóc:
Bỏ quên đâu mái tóc xanh dầy
Xòe ra đôi sợi mang màu nắng
Bất chợt mùa thu vương kẽ tay

Cảm xúc về thiên nhiên, về cảnh vật mùa thu, cuối cùng cũng là cảm xúc về con người. Yêu mến đến mấy, tác giả cũng không lộ liễu, mà chỉ thoáng nhẹ như thoáng gió heo may:  

Ai may áo mới cho Hà Nội
Vồng ngực ai căng đợi tỏ bày

                                  (Thu cảm)

Có lẽ mùa thu là mùa dễ tạo mốt thời trang. Nên gợi hứng từ câu thơ trên của nhà thơ, hẳn các nhà tạo mốt sẽ thiết kế được những kiểu dáng phù hợp, cùng nhà thơ tôn vinh vẻ đẹp của những cô gái trẻ Hà Nội, mùa thu…

Võ Văn Trực
.
.