Nhà thơ Trần Quang Đạo “bay trong mơ”

Chủ Nhật, 27/10/2019, 08:13
Trần Quang Đạo là người có hiếu. Tôi đồ rằng, anh lúc nào cũng nhớ mẹ, ngay cả trong giấc mơ. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ "Bay trong mơ" đặc biệt ám ảnh: "Tôi tập bay trong mơ/ phía trước mẹ vừa bay vừa ngoái lại/ khích lệ tôi vẫy gọi tôi/ tôi mọc thêm màu sắc/ trên đôi cánh mẹ cho để bay tới chân trời"...


Ai cũng có một người mẹ. Đó là người mang nặng đẻ đau, nhọc nhằn bú mớm, nâng giấc con mình, chịu mọi thiệt thòi vì con mình. Vì thế, không có nhà thơ nào không viết về mẹ. Tôi đã từng đọc nhiều thơ về mẹ, làm thơ về mẹ.

Thế nhưng đọc "Bay trong mơ", tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Quang Đạo (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 10 năm 2019), tôi thực sự xúc động.

Có lẽ vì hoàn cảnh sinh ra tôi, nơi miền Trung gian khó giống y chang Trần Quang Đạo. Hoàn cảnh nhà tôi y chang nhà thơ. Hình ảnh người mẹ hiện lên trong cuộc đời anh đầy rấm rức, vừa biết ơn, vừa luôn thấy có lỗi trước tình yêu lớn lao mà mẹ đã dành cho anh. Anh nhớ khi mẹ sinh ra mình "mẹ chịu cơn đau trở dạ/ tôi đứa con so cất tiếng xé màn trưa" (Sinh) và khi nuôi anh và các em lớn lên: "Ngày đói mẹ đứt hơi chạy bữa/ lúa đang non hạn hán khô đồng/ cha đã khóc vì loài sâu bệnh/ tháng ba dài như cơn gió lạnh châm" (Cơm mới)

Cữ này ra Giêng là ngày giáp hạt. Đói lắm. Rét lắm. Miền Trung thường rét ngọt, như "châm" da thịt. Khoai chưa kịp ra củ đã dỡ rễ về luộc lên cho con ăn. Mong ngóng vụ hè thu đến nên tháng ngày trở nên đằng đẵng. Cũng may mưa về, lúa trổ bông, rồi mùa lúa chín cũng đến. "Ôm lượm lúa đầu mùa cha đạp/ mẹ sẩy sàng gạo trắng trên tay" (Cơm mới). Cho đến tận bây giờ, mỗi bữa ăn khi xới bát cơm, nhà thơ Trần Quang Đạo vẫn nhớ bát cơm gạo mới đầu mùa: "khi xới cơm rồi cúi nhìn trong bát/ con thấy bóng mẹ cha. Nước mắt ứa bời bời" (Cơm mới). Bữa cơm mới đầu mùa sau kỳ giáp hạt, bao giờ người mẹ cũng xới cho đàn con những bát cơm đầy là lặng nhìn, ứa nước mắt.

Trong bài "Gọi con", Trần Quang Đạo nhớ tiếng gọi của mẹ thật thân thương, trìu mến: "Đạo ơi, về ăn cơm/ mẹ đã gọi từ thuở ấu thơ trong ngôi nhà vách đất/ giờ mẹ đã già và con đã xa quê/ tiếng gọi ấy vẫn vọng vang đầy ngực" (Gọi con).

Trong nhiều nỗi niềm của anh, có nỗi niềm về bố mẹ: "Ta đã sống nhiều ngày thêm tội lỗi/ lỗi bạn bè. Lỗi cha mẹ. Lỗi em/ dù chỉ nhỏ như một lần lỗi hẹn/ đã làm ta thức suốt mấy đêm liền" (Thanh lọc).

Trần Quang Đạo là người có hiếu. Tôi đồ rằng, anh lúc nào cũng nhớ mẹ, ngay cả trong giấc mơ. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ "Bay trong mơ" đặc biệt ám ảnh: "Tôi tập bay trong mơ/ phía trước mẹ vừa bay vừa ngoái lại/ khích lệ tôi vẫy gọi tôi/ tôi mọc thêm màu sắc/ trên đôi cánh mẹ cho để bay tới chân trời".

Và: "Dù tôi không còn mẹ/ nhưng mẹ ở trong tôi tháng tháng ngày ngày/ tôi không cô đơn/ bởi chạm vào đâu cũng thấy hình dáng mẹ/ và trước mắt mình mẹ hiện hữu thiêng liêng".

Người mẹ là người duy nhất không "phản bội" lại con mình. Con chim Bồ nông mẹ khi con nó đói, có thể dùng mỏ rạch bụng lấy thân xác mình cho đàn con ăn. Người mẹ Việt Nam cũng sẵn sàng xả thân như thế vì con cái của mình. Nên dù mẹ không còn trên đời, bên mình thì hình bóng mẹ luôn luôn thiêng liêng trong trái tim mỗi người con. Vì thế, mỗi lần về thăm quê, thắp nén hương trước phần mộ, hay bàn thờ có di ảnh mẹ, trái tim nhà thơ nặng trĩu, yêu thương vô bờ bến: "Ngày xưa tay mẹ bế bồng/ mẹ ru con khúc nằm lòng đến nay/ giờ mẹ ở dưới đất dày/ con ngồi ru mẹ mà quay quắt buồn" (Ru mẹ).

Trần Quang Đạo viết trên trang cá nhân khi xuất bản tập thơ "Bay trong mơ" anh triệt để đổi mới thơ mình nên "Ru mẹ" là bài hiếm hoi ở thể lục bát. Anh muốn ru mẹ bằng cả khúc "nằm lòng". Nhà thơ Trần Quang Đạo từng có những năm đi lính, được rèn luyện bản lĩnh nhưng khi nghĩ về mẹ, nhà thơ như tan chảy: "Con ngồi một nẻo hồn quê/ Quanh con trời đất bốn bề bủa vây" (Ru mẹ).

Ai cũng thuộc về một vùng đất "chôn nhau cắt rốn". Nhà thơ, Tiến sỹ văn chương Trần Quang Đạo quê miền Trung nắng gió, nơi "đất thiếu trời thừa", "eo ót" nhất của dải đất Việt Nam. Hẳn nhiên, với một người nặng tình như Trần Quang Đạo, quê hương Quảng Bình xuất hiện trong thơ anh đậm đặc. Trần Quang Đạo xuất hiện trước mắt mọi người với gương mặt không kém phần lãng tử và lì lợm. Yêu đến cực đoan và hãnh diện về quê hương, dù nghèo. "Đất quê dù có chua phèn/ Thì hoa vẫn nở đua chen dưới trời/ Bung cánh gió, khoe rạng ngời/ Nhị vàng ủ mật cho đời đẹp hơn" (Ru sen).

Nhà thơ Trần Quang Đạo là người đa tài. Anh vừa viết tiểu thuyết vừa sáng tác thơ và cả vẽ. Trước "Bay trong mơ", Trần Quang Đạo đã xuất bản: "Mối tình chưa hôn lễ", (tiểu thuyết, 1990), "Luân khúc" (thơ, 1991), "Đêm ảo ảnh" (tiểu thuyết, 1993), "Những đứa con của trời" (truyện vừa, 1997), "Vòng tay cỏ" (thơ, 1998), "Ngọn cỏ thời yêu nhau" (thơ, 2001), "Khúc biến tấu xương rồng" (thơ, 2004), "Những giấc mơ cắt dán" (thơ, 2009).

Bìa tập thơ "Bay trong mơ".

Anh kể: "Tôi in tập thơ gần nhất cách đây 11 năm (2008). Đó là "Những giấc mơ cắt dán". Trong 11 năm qua, vì công việc của một công chức cứ chẻ thời gian ra manh mún: Lo bài vở cho báo ra hàng ngày. Lo tiền trả lương cho cán bộ phóng viên. Rồi bạn bè. Các cuộc bù khú rượu chè. Các cuộc chơi… cứ bâu lấy tôi… nên không để tâm làm thơ được. Thảng hoặc tôi có làm thơ vào dịp gần Tết để gửi cho các báo in số Tết".

Trần Quang Đạo đã có các giải thưởng: Giải C cuộc thi thơ 1983-1984 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải Khuyến khích thi thơ năm 1993-1994 của tạp chí Văn nghệ Quân đội; Tặng thưởng thơ hay năm 1995 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải nhì cuộc thi truyện Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1997 (với tác phẩm "Những đứa con của trời").

3 năm lại đây, rảnh rỗi, tĩnh tâm hơn Trần Quang Đạo trở lại làm thơ. Và làm quyết liệt, nàng thơ làm anh trở nên dẻo dai đến bất ngờ. Đổi mới nhiều về hình thức, nội dung.

Nói về "Bay trong mơ", đứa con tinh thần mới nhất, Trần Quang Đạo không dấu tham vọng "Tôi mong tạo ra một "Made in Tran Quang Dao" từ tập thơ này. Và tập "Bay trong mơ" được sinh hạ vào ngày 01/10/2019. Tập thơ có 80 bài, chia làm 8 phần: "Đường nắng", "Ngược sáng", "Cất cánh", "Cháy", "Khúc ru", "Khúc vọng", "Gọi giữa thinh không", "Nhặt".

Khi tập thơ hoàn thành, anh nghĩ ngay đến người biên tập cho mình. Trần Quang Đạo chọn người biên tập, trước khi chọn Nhà xuất bản. Và anh chọn nhà văn Tạ Duy Anh. Tạ Duy Anh là một nhà văn nổi tiếng. Theo Trần Quang Đạo, đây là nhà văn "đọc thơ tinh". Đặc biệt ông có kinh nghiệm và kiến văn sâu sắc. Nhà thơ Trần Quang Đạo liền gọi điện nhờ Tạ Duy Anh biên tập. Ông đồng ý ngay.

Nhà thơ Trần Quang Đạo kể chuyện "bếp núc" của "Bay trong mơ": "Thế là tôi đưa tập thơ đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tạ Duy Anh cầm tập thơ của tôi mân mê và bảo: "Tôi sẽ đi Viên mất mấy hôm, sau đó đọc nhanh cho ông". Hơn 10 ngày sau ông gọi cho tôi và bảo: "Tôi biên tập xong rồi, có nhiều lỗi dấu hỏi thành dấu ngã quá. Nhưng tập thơ hay. Rất hay! Lâu lắm rồi tôi mới được đọc tập thơ hay như thế. Đọc được tập thơ này, càng thấy quý trọng nhau hơn!".

"Xong phần giấy phép giờ đến trình bày, in ấn. Tôi định cho ra mắt tập thơ này là tập thơ 3 trong 1: Thơ, Họa, Nhạc. Tôi đã âm thầm vẽ minh họa bằng chất liệu Acrylic trên toan cho 9 bài thơ trong tập. Tôi cũng đã viết, phổ thơ của mình hơn 10 bài, định làm một cái đĩa kèm theo tập thơ. Nhưng đĩa nhạc không thực hiện được, vì một cơn bạo bệnh tôi vừa phát hiện ra, phải vào phẫu thuật, nằm viện gần 2 tháng. Như vậy, tập thơ ra đời trong cơn bệnh tật của tôi.

Trước đây in sách, họa sĩ Văn Sáng - một ông em thân thương luôn vẽ tặng bìa sách cho tôi. Và tôi cũng có duyên với Văn Sáng, khi bìa cuốn tiểu thuyết "Đêm ảo ảnh" của tôi đoạt "giải Đặc biệt" toàn quốc. Lần này tôi không nhờ Văn Sáng. Tôi tự vẽ bìa, cũng là để thử sức thêm với một công việc mà thôi

Và tất cả đã xong..".

Vạn vật trong vũ trụ luôn luân chuyển theo quy luật của dòng chảy: ''Tất cả các dòng sông đều chảy" (tên một tiểu thuyết của Nancy Cato). Từ dòng chảy nước, trong một bài thơ ở tập "Những giấc mơ cắt dán" được xuất bản cách đây 11 năm, nhà thơ Trần Quang Đạo liên tưởng đến dòng chảy đời: "Chảy như là thân phận/ dù đang đứng im đang tạm dừng ở một ga xép tẻ buồn/ chảy để thành tiếng/ để hiển diện và tự phụ sự cường tráng sự vuốt ve mềm mại để được ngợi ca" (Chảy).

Chảy không chỉ để hòa mình với đất trời mà còn để khẳng định thân phận mình. Trần Quang Đạo như dòng sông luôn chảy, như giấc mơ đang bay.

Bay trong mơ
bay trong mơ
trong mơ
trong
mơ…

(Bay trong mơ).
Ngô Đức Hành
.
.