Nhà thơ Tố Hữu với văn hóa dân tộc

Thứ Năm, 25/02/2016, 13:54
Đây là đề tài mà tôi ấp ủ từ lâu, xuất phát từ lòng kính yêu, ngưỡng mộ một tài năng, một nhà cách mạng nổi tiếng, một nhà thơ kỳ tài đã có những đóng góp rất lớn cho nền văn học dân tộc, một danh nhân văn hóa, một nhà thơ có ảnh hưởng rất sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.


Trong cuộc đời làm văn hóa văn nghệ của mình, tôi đã đọc nhiều bài thơ, nhiều bài viết của Tố Hữu và hơn thế nữa, tôi còn nhiều lần được trực tiếp đàm đạo về văn hóa dân tộc với nhà thơ Tố Hữu, khi thì ở các cuộc hội nghị, hội thảo, lúc thì ở nhà riêng của ông. Tôi đã ghi âm, ghi hình được một số cuộc nói chuyện của Tố Hữu về văn hóa dân tộc, kể cả luận văn tốt nghiệp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư viết về thơ Tố Hữu cách đây gần 50 năm). Tôi coi đây là tài liệu quý có thể giúp ích cho đời và cho mình.

Vì yêu quý tôi, nên nhà thơ Tố Hữu đã tặng cho tôi hầu hết những tập thơ và quyển sách của ông và trước khi "đi xa", ông có dặn người nhà rằng: "Hãy bảo Hoàng Chương hay Hữu Thỉnh đến chụp ảnh, ghi hình ngôi nhà 76 Phan Đình Phùng để làm kỷ niệm..." (lời bà Vũ Thị Thanh - phu nhân của nhà thơ Tố Hữu nói lại). Tôi cũng đã từng đưa nhà thơ Tố Hữu đi thăm nhiều nơi, trong đó có nhà máy hóa chất Lâm Thao, nhà máy giấy Bãi Bằng và trực tiếp nghe ông nói chuyện cho 500 cán bộ, công nhân viên ở đây nghe về Bác Hồ, về văn hóa dân tộc và về thơ của mình.

Nhà thơ Tố Hữu và vợ - bà Vũ Thị Thanh.

Qua buổi nói chuyện và đêm giao lưu ở Bãi Bằng (Phú Thọ), tôi càng thấy được tình yêu thơ Tố Hữu và sự ngưỡng mộ Tố Hữu của giai cấp công nhân như thế nào. Gần 100% công nhân thuộc thơ Tố Hữu dù ít hay nhiều. Có người còn lắp ghép tên những bài thơ Tố Hữu thành một bài lục bát rất dài và khá hay. Ở đâu, Tố Hữu cũng nói về lãnh tụ, nhà văn hóa vĩ đại Hồ Chí Minh và nói về thơ ông là thơ dân tộc, mang tâm hồn dân tộc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Nhắc tới Tố Hữu là người ta nghĩ tới nhà thơ cách mạng hàng đầu của dân tộc, Tố Hữu là nhà thơ Cách mạng hàng đầu, thế nhưng không phải ai cũng hiểu được tài năng và sự cống hiến to lớn của ông cho Cách mạng, cho nhân dân. Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, được Đảng, Bác Hồ trao nhiệm vụ phụ trách văn hóa, tư tưởng trong các thời kỳ khó khăn nhất, đó là kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.

Nền văn nghệ cách mạng đã vượt qua bao gian nan thử thách và phát triển không ngừng từ đội ngũ đến tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dân tộc là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mà người trực tiếp chỉ huy, điều hành là nhà thơ Tố Hữu, một tài năng thơ kiệt xuất, một nhà chính trị sắc sảo đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị, từng là Phó Thủ tướng thường trực trong thời kỳ đất nước gặp khó khăn nhất về kinh tế, nhưng thơ ông không dứt mạch truyền thống, cho nên không ngần ngại gì khi gọi Tố Hữu là một nhà thơ thiên tài, một danh nhân văn hóa.

Cả một chặng đường dài từ Việt Bắc đến Hà Nội, Tố Hữu được sống gần Hồ Chủ tịch và các nhà lãnh đạo tài ba như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, ông còn kết thân với các danh tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh nên tài năng và tư tưởng về văn hóa dân tộc trong ông càng đậm đà, càng tỏa sáng. Điều đó thể hiện rất rõ ở hội nghị Việt Bắc cuối năm 1951, Tố Hữu đã đứng trên lập trường của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh mà bảo vệ nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong khi nhiều ý kiến kết tội tuồng, chèo, cải lương là di sản của giai cấp phong kiến phản động, nên các hình thức nghệ thuật quý giá này đã bị cấm diễn trong một thời gian dài sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Tại hội nghị này, nhà thơ Tố Hữu đã nói đầy thuyết phục với nội dung: "Tuồng, chèo, cải lương là nghệ thuật dân tộc do nhân dân lao động Việt Nam sáng tạo ra, đó là món ăn tinh thần của nhân dân, cần trả lại cho nhân dân để cho nhân dân tiếp tục sáng tạo và hưởng thụ". Từ đó, hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ tài năng trên khắp đất nước được trở lại hành nghề. Các loại hình nghệ thuật dân tộc: Tuồng, chèo, cải lương như rừng hoa héo hắt sau những ngày nắng hạn, bỗng gặp được mưa rào, nên đã đâm chồi nảy lộc trổ hoa một cách ngoạn mục. Tiếng trống tuồng, tiếng trống chèo lại rộn rã vang lên khắp xóm làng và ở các trận địa đánh Pháp, đánh Mỹ, đời sống văn hóa của quân dân ta trở lại vui tươi khởi sắc...

Giới văn nghệ Việt Nam nói chung và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ và biết ơn nhà thơ Tố Hữu trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy và phát triển nghệ thuật dân tộc, để đến hôm nay, một số loại hình như Nhã nhạc Cung đình, Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, hát xoan - Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam bộ, Ví giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là di sản, văn hóa phi vật thể của nhân loại và sắp tới, nghệ thuật Bài chòi và một số loại hình nghệ thuật dân gian khác cũng sẽ được UNESCO vinh danh.

Bây giờ, đọc lại những bài viết, bài nói, kể cả thơ của Tố Hữu và suy ngẫm thật kỹ mới thấy hết tư tưởng, quan điểm, tâm hồn của Tố Hữu luôn luôn thể hiện lòng tự hào dân tộc nói chung và văn hóa dân tộc nói riêng. Ví dụ bài "Câu chuyện cây đàn bầu", Tố Hữu đã phân tích rất sâu về tính dân tộc, tâm hồn dân tộc trong cây đàn bầu, một nhạc cụ độc nhất vô nhị của Việt Nam, mang bản sắc, tâm hồn Việt Nam rõ nhất.

Ông nói: "Trước khi có đàn Tây" thì đã có đàn ta. Bốn ngàn năm ông cha sống bằng đàn ta... Âm nhạc dân tộc là cái gì đấy làm nên cuộc sống tâm hồn dân tộc... Hoặc, sau khi xem vở ca kịch Bài chòi "Thoại Khanh - Châu Tuấn", Tố Hữu đã phân tích giá trị đạo đức, tư tưởng nhân văn trong tác phẩm đậm đặc chất dân gian này.

Tố Hữu nhấn mạnh: "Nàng Thoại Khanh là hình ảnh của những người vợ có chồng đi tập kết, luôn luôn giữ lòng chung thủy với chồng, dù phải trải qua bao sóng gió, khổ đau... và chàng Châu Tuấn là hình ảnh của những cán bộ tập kết, những người chồng điển hình, về tình yêu chung thủy của văn hóa Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, chức quyền, tiền tài, gái đẹp cũng không lay chuyển nổi tình nghĩa sắc son, chờ ngày sum họp Bắc Nam, sum họp gia đình. Đó là đạo lý dân tộc Việt Nam, là văn hóa dân tộc Việt Nam cần phát huy đúng mức".

Là nhà văn hóa uyên thâm, mang nặng tâm hồn dân tộc, Tố Hữu đồng thời là nhà lãnh đạo văn hóa xuất sắc, luôn luôn có cái nhìn văn hóa với cặp mắt tinh tường trên nền tảng dân tộc. Ông luôn phát hiện những nét tinh hoa trong di sản văn hóa dân tộc, hoặc trong những tác phẩm nghệ thuật sân khấu đương đại mà đôi khi những người bình thường không phát hiện được.

Ví dụ, khi đến Nhà hát Lớn Hà Nội xem vở tuồng "Quang Trung đại phá quân Thanh" (tháng 2 năm 1980), ông lập tức phát hiện tầm cao tài năng của hai người phụ nữ kiệt xuất là: Bùi Thị Xuân và Ngọc Hân Công chúa trong vở này và ông đề nghị nên sáng tác những vở riêng về Bùi Thị Xuân và Ngọc Hân Công chúa. Từ gợi ý hay của Tố Hữu, không lâu sau, một số vở tuồng về "Đô đốc Bùi Thị Xuân" và "Ngọc Hân Công chúa" đã ra đời được khán giá hoan nghênh.

Là nhà lãnh đạo văn hóa, tư tưởng của Đảng, đồng thời là nhà thơ cách mạng hàng đầu có tầm nhìn văn hóa, có một tình yêu thiết tha nghệ thuật dân tộc, Tố Hữu đặc biệt quan tâm tới mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhất là nghệ thuật dân tộc. Nhiều hôm, ông mời chúng tôi tới nhà riêng để trao đổi về vấn đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Những lúc đó ông nói rất say sưa về nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca. Ông rất ghét nghệ thuật lai căng. Luận điểm của ông về văn hóa dân tộc đầy thuyết phục.

Những buổi kỷ niệm, hội thảo về các danh nhân như Nguyễn Huệ - Quang Trung, Bác Hồ, Đào Tấn, Tố Hữu đều đến dự. Hôm kỷ niệm 150 năm sinh danh nhân Đào Tấn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và hội thảo "Mối quan hệ giữa gia đình Bác Hồ với Đào Tấn" tổ chức tại hội trường Bộ Văn hóa, Tố Hữu là người đến sớm nhất vì ông rất kính phục tài năng của Đào Tấn. Ông gọi "Đào Tấn là ông vua tuồng". Ông phân tích rất sâu về giá trị của những tác phẩm tuồng và thơ của Đào Tấn, giúp cho chúng tôi hiểu sâu hơn tư tưởng, tài năng của những nghệ sĩ tiền bối.

Dường như Tố Hữu sợ chúng tôi chưa thật sự yêu, chưa thật hiểu về di sản của dân tộc, nên ông không tiếc công, tiếc sức, tiếc thời gian nói cho chúng tôi nghe, làm cho chúng tôi hiểu, bởi thực tế không phải ai cũng yêu, cũng hiểu về di sản văn hóa của tiền nhân, đặc biệt là nghệ thuật dân gian, truyền thống. Vì vậy mà đã có nhiều địa phương, nhiều đơn vị nghệ thuật để cho tuồng, chèo, cải lương bị mai một, bị mất gốc, lai căng, để đến hôm nay phải bỏ biết bao công sức phục hồi, nhưng làm sao phục hồi được những di sản quý nhất, những sáng tạo đặc sắc nhất của các thế hệ tài năng tiền bối!

Điều này có thể thấy rõ qua các hội diễn sân khấu truyền thống, không những miếng nghề đặc sắc bị mai một, mà tiếng hát cũng không được hay như xưa, mặc dù ngày nay đời sống vật chất có cao hơn ngày xưa rất nhiều lần. Mới đây, cuộc Liên hoan tuồng Tống Phước Phổ tại Đà Nẵng, cả chuyên nghiệp và không chuyên, đoàn nào cũng rực rỡ về trang phục, nhưng diễn xuất và ca hát thì không bằng các nghệ nhân ngày xưa. Sự mai một thất truyền trong nghệ thuật truyền thống là hiện thực mà nhà thơ Tố Hữu đã cảnh báo từ lâu.

Hoàng Chương
.
.