Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim: Một tôi lặn lội, một tôi kiếm tìm

Thứ Năm, 23/07/2020, 14:07
Thoạt nhìn, nhà thơ Nguyễn Thanh Kim khá trầm ẩn, ít gây chú ý với người đối diện bởi cái mã bên ngoài thênh thếch cũ của mình, khác xa những gì người đời vẫn nghĩ về nghệ sĩ, hoặc là xù xì lập dị hoặc là kẻ cả khoa trương, hay át vía thiên hạ bằng chất lãng tử hào hoa.


Nhưng khi bập vào văn chương, thường sau vài ba chén rượu, thì cái vẻ nhẫn lành đến lặng lẽ vẫn thấy ở Nguyễn Thanh Kim bỗng chốc không còn chỗ trú ngụ, thay vào đấy là sự sắc sảo, tinh tế trong cảm xúc và năng lượng ngẫu hứng nghệ sĩ. 

Con người nhà thơ trong ông bấy giờ mới vỡ ra chân thật và hồn nhiên, thoát hẳn vẻ khiêm cung, nhẫn chịu ngày thường: "Nhiều khi ta tự bóc mình như bóc một trái cam/ chợt ngọt đầu môi mà se se đắng". Ấy là sự tự dấn thân có chủ đích của Nguyễn Thanh Kim trong hành trình tìm kiếm, ký thác thân phận mình, gửi gắm những nỗi niềm trăn trở, những đắng đau được mất qua con chữ.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim

Một người dám tự bóc mình ra, dám bóc mẽ mọi thứ đến tận đáy bản chất, để thực chứng và lĩnh hội nỗi đắng đau của số phận, đủ thấy ở ông sự cả quyết với nghề nghiệp. Sự cả quyết này của Nguyễn Thanh Kim, nhà văn Đỗ Chu đã xác nhận: "Người khác, nếu gặp khó khăn, sẽ tức khắc bỏ nghề, hoặc rẽ nghề. Nhưng Kim, đói, nó vẫn viết!". 

Trong hành trình kiên tâm giãy bày lòng mình bằng thơ, ông chỉ mong: "Khát vọng chân trời vời vợi/ chẳng bao giờ là điều viển vông/ Biết bao mùa hoa trong nỗi chờ mong/ cứ lắng lại ngọt ngào chất mật". Tâm thế và cả nhãn quan, Nguyễn Thanh Kim cũng đã lựa chọn: "Một tôi lặn lội, một tôi kiếm tìm". Ông đi tìm lý do để sống hữu ích, tìm sự thiêng liêng đền đài để phụng vụ và tìm người tri âm để thơ ông có thể neo lại, giãi bày ẩn ức.

Cả quyết lặn lội tìm kiếm là vậy, nhưng đôi lúc Nguyễn Thanh Kim cũng không tránh khỏi sự hoài nghi: "Anh đi về phía không em/ Phía trời xa có ngọn đèn ngóng trông/ Ngô đồng ơi hỡi ngô đồng/ Mỏng như câu hát bềnh bồng cõi anh". Bởi ở cuối con đường xa tít tắp ấy, cái con đường mà ông tự thể nghiệm bằng "bóc mình như bóc một trái cam", không biết chừng cũng chỉ "mỏng như câu hát" và "em" thì không một ai có thể bảo đảm rằng, "em" sẽ ở đấy, sẽ đáp đền tình yêu của ông. Câu thơ vì thế khẽ ngân niềm tự cảm thương đến đắng lòng.

Nguyễn Thanh Kim làm thơ như một nhu cầu tự thân cần được giải tỏa, tự giăng mắc nỗi mình trong nỗi người. Ông viết chân dung văn học để tìm nỗi người trong nỗi mình. Thì đây, cách Nguyễn Thanh Kim tự tìm nỗi người trong nỗi mình qua chân dung nhà thơ Hoàng Cầm, khi viết: "Cái ấn tượng ban đầu về Hoàng Cầm vẫn là những câu thơ mở đầu trong bài thơ Bên kia sông Đuống bám riết tâm trí tôi thuở nào". 

Ông còn nhận ra cái làm cho thơ Hoàng Cầm trở nên đặc sắc, chính là yếu tố nữ (Hoàng Cầm tự nhận là ông theo dòng mẫu hệ: Tôi theo dòng mẫu hệ/ Cứ miên man lạc đường), với những mẹ - những chị - những em, những cầu Bà Sấm - bến Cô Mưa, những nắng hồng hoang ràng rịt tỏ mờ trong mê giác. Thơ Hoàng Cầm do đó vừa đậm mầu huyền sử, vừa gần gũi chân thực, vừa mở rộng trường liên tưởng nên người đọc khó nắm bắt trọn vẹn ngữ nghĩa mà ông đã tạo ra, buộc người đọc phải ngẫm ngợi và suy tưởng miên man về một vùng quê, một vùng văn hóa đằm sâu Kinh Bắc. 

Ở chân dung nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Thanh Kim khéo léo dẫn lời nhà văn Kim Lân, gián tiếp nói lên suy nghĩ của mình: "Bài thơ này (Về Hải Phòng nhớ nhà văn Nguyên Hồng), Kim làm sống lại cái thần của nhà văn. Tính Nguyên Hồng là vậy, quyết liệt và có thái độ lắm: Đã ghét ghét cay đắng/ đã yêu yêu hết lòng/ trái tim ông run rẩy/ nước mắt ông lưng tròng". 

Theo mạch văn đó, ông viết tiếp về Kim Lân, tác giả của "Vợ nhặt": "Khi đọc tác phẩm của nhà văn Kim Lân ngẫm lại tôi thấy ông cũng có phẩm chất như Nguyên Hồng, nghĩa là ông rất dị ứng với cái nhạt, cái giả trong văn chương. Ông viết ít do ông nhận thức rất sâu sắc về nghiệp văn đầy rủi ro và bất trắc, cái tài đến với nhà văn rất tự nhiên, mất đi cũng rất tự nhiên". 

Nguyễn Thanh Kim nghiệm rằng, tuy viết ít nhưng trong đời nhà văn Kim Lân, ông cũng từng có lúc tận hưởng cái giờ phút yên bình nhất khi hóa thân vào nhân vật do mình tạo ra: "Từ phút ấy, ông mới thấy mình thật sống, mình thật là mình, yên ổn thoải mái. Một nỗi vui phấn chấn tràn vào đầy ngập trong người. Cứ thế ông đứng lặng trong bóng chiều, chìm đắm trong những tiếng xao động từ mặt đất bay lên quấn quýt, bao quanh lấy ông, tận hưởng cái giờ phút yên bình nhất của một ngày gác máy bay căng thẳng trên ngọn núi Côi Kê này".

Trong nghiệp thơ, Nguyễn Thanh Kim rất chú trọng đến giọng điệu riêng, cần mẫn tạo cá tính cho thơ. Cũng vậy, trong viết chân dung văn học, ông luôn cố gắng lẫy cho được cái tài hoa cùng tính cách của mỗi người viết. 

"Thơ Bằng Việt đậm chất hào hoa phong nhã, có giọng điệu tinh tế, giàu tư duy trí tuệ. Mỗi chặng thơ Bằng Việt đều gắn nhuần nhuyễn dấu vết cá nhân thi sĩ và đời sống khách thể một cách nhất quán nhưng sự vượt trội chưa nhiều. Bằng Việt không làm dáng, kỳ khu trong câu chữ, tinh tế trong giọng điệu, ẩn giấu triết lý nên thơ anh dễ vào bạn đọc", Nguyễn Thanh Kim chẳng những tinh tế trong nhận xét, mà còn có những đánh giá xác đáng về nhà thơ Trinh Đường, tác giả câu thơ "Quê Trương Chi hòn đất cũng đa tình": "Thơ Trinh Đường trải ra theo chiều dài đất nước và chiều sâu tâm trạng của ông. Xúc cảm dư thừa nhưng ý tưởng chưa đậm. Cũng như nhiều nhà thơ thời kỳ ấy, thơ Trinh Đường vẫn mang nặng phần mô tả đời sống, chưa khai thác những tầng vỉa của chiều sâu đời sống. Nhưng đến tập thơ Trò chơi phù thế, ông đã dồn hết tâm lực cho lần phát sáng cuối cùng này những điều ông từng trải nghiệm, chiêm nghiệm về cõi sống, cõi phù sinh. Cả cuộc đời Trinh Đường trong hành trình thơ là sự tự vượt lên mình, không bằng lòng với mình", cũng như nhận ra tài thơ, tài họa của Hoàng Hữu, tác giả bài thơ Hai nửa vầng trăng đoạt giải Nhì cuộc thi Thơ của Báo Văn nghệ năm 1981 - 1982: "Thơ và tranh Hoàng Hữu kết hợp cái mong manh trong nhòe lẫn sương khói, biên độ hình và nét không rõ rệt, chữ và nghĩa thì đậm sương. Nhưng ẩn sau những dòng chữ, những đường nét và sắc màu đó thì hồn anh rõ lắm, tinh tế đằm thắm khiến ai đọc thơ và xem tranh anh thì thật khó quên". 

Tương tự, ông đã vẽ được chân dung chính xác của nhà thơ Phan Xuân Hạt: "Thơ Phan Xuân Hạt thường thông qua hiện thực mà gửi gắm những triết lý suy ngẫm về con người, cuộc đời. Thủ thỉ, tâm tình, dung dị, dễ hiểu mà nâng cao là tạng thơ anh. Thơ Phan Xuân Hạt không chói sáng mà len lách, thấm đậm, như một thứ duyên thầm, không quá thô mộc mà lắng đọng, bền lâu. Anh không nệ câu, nệ chữ mà chú tâm đến cái tứ toàn bài, hướng đến ý tưởng mà anh dày công chiêm nghiệm".

Qua những chân dung văn học của mình, Nguyễn Thanh Kim đã phác họa ra đời sống xã hội - đời sống văn học một thời, bên cạnh việc cung cấp cho độc giả những tư liệu sinh động về các văn nghệ sĩ gồm Xuân Diệu, Tế Hanh, Đỗ Chu, Thu Bồn, Vũ Từ Trang, v.v. Mỗi người một vẻ, một nỗ lực tìm kiếm bản sắc riêng, nhưng tựu trung, họ đều góp phần tạo nên diện mạo nền văn học nước nhà. 

Qua việc viết chân dung văn học, ông còn rút ra được những bài học từ các văn tài này để thừa hưởng, để lựa chọn cho mình con đường văn chương đầy gian nan và không có lấy gì làm bảo đảm. 

Trong số những bài học mà Nguyễn Thanh Kim đã rút ra, có bài học sâu sắc từ nhà văn Nguyên Hồng, là luyện thơ như luyện võ: "Nhà văn Nguyên Hồng có lần tâm sự: Mỗi người làm thơ phải luyện cho mình một ngón độc, độc nhất vô nhị. Trình Giảo Kim ngón độc là búa. Lý Nguyên Bá có cặp chùy đồng, v.v. Ra trận, đối phương nghe thấy khiếp vía, vào trận chỉ có bỏ mạng. Chữ thì phải có hồn chữ, phần máu thịt nhất của nhà thơ hiện lên trên trang giấy. Chữ nghĩa run rẩy, phập phồng tươi mới như sự sống, nếu không chỉ là các chữ vô hồn, thứ chữ ép thì chẳng làm rung động được ai. Chỉ có điều khác là luyện võ thù dùng để đánh người hay tự vệ, còn luyện thơ là thứ nghệ thuật đánh vào lòng người, nhưng trong ý hướng nâng đỡ".

Triều Ka
.
.