Nhà thơ Lê Quốc Hán: Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên
- Nhà thơ Bùi Kim Anh: Tĩnh tâm giữa những vỡ òa buồn vui
- Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Con chim xanh của Trường Sơn xanh
- Nhà thơ Ngô Quân Miện: Bụi phấn hoa trăn trở
1. Tất nhiên, không dễ nhận ra. Lê Quốc Hán thuộc dòng họ Lê Hữu (Xa Lang, Sơn Tân), một dòng họ trí thức yêu nước. Cố nội ông đậu cử nhân, từng tham gia phong trào Cần Vương của cụ Phan Đình Phùng. Trong dòng họ có “Lê Bình bất tử”, một thời từng được đặt tên cho trường và đường ở thị xã Hà Tĩnh.
Ông sinh năm 1949, ở làng Dinh Cầu, nay là xóm Châu Long, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đây là làng công giáo toàn tòng. Cái tuổi Kỷ Sửu của ông “Mệnh Hỏa - Thích Lịch Hỏa - Lửa sấm sét”, trầm lắng, không ưa ồn ào nhưng cũng ngang ngạnh ra trò. Có lẽ thế, nên thường Kỷ Sửu “kiếm ăn” vất vả. Kỳ Anh thuở ấy lấy đâu ra lắm cỏ mà “gặm”, tôi đùa ông thế.
Nhà thơ Lê Quốc Hán. |
Nhà thơ Lê Quốc Hán bảo lúc còn nhỏ, ông học giỏi toán nhưng dốt văn. Sau nhờ gặp các thầy dạy văn giỏi (Phan Công Thi ở cấp 2, Trần Ninh ở cấp 3) mới biết học văn. Ấy vậy mà ông từng ba lần đạt giải nhất học sinh giỏi văn tỉnh Hà Tĩnh (lớp 6, lớp 7 và lớp 9).
Cái thời “tư duy thành phần” làm khổ ông. Cả hai lần chính quyền xã đều không chuyển hộ khẩu cho đi học chuyên toán Đại học Tổng hợp Hà Nội dù vượt điểm tối đa (20,5/20). Không một lời giải thích. “Lý lịch” Lê Quốc Hán được chính quyền “thêu dệt”. Ông không nản chí. Lớp 9, ông đoạt giải Nhất học sinh giỏi của tỉnh cả hai môn văn - toán, và đoạt giải Nhất cuộc thi do Báo Toán học & Tuổi trẻ tổ chức. Lớp 10, ông dự thi học sinh giỏi tỉnh toán và văn, bài làm tốt nhưng không được chấm. “Chính xác hơn: kết quả không được công bố”, ông dằn lòng, hoài niệm. “Mầm tài năng” Lê Quốc Hán bị “vặt”.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông với bằng ưu, năm 1969, Lê Quốc Hán trở thành giáo viên dạy giỏi đào tạo các thế hệ học trò quê hương.
Sau này, nhờ Giáo sư Lê Văn Thiêm, lúc đó là Chủ tịch Hội Toán học và Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam và ông Nguyễn Tiến Chương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh giúp đỡ, thầy giáo Lê Quốc Hán mới được vào học Khoa toán Đại học Sư phạm Vinh không phải qua kỳ thi chung. Ông học giỏi, 4 năm đạt danh hiệu học sinh ưu tú và thi tốt nghiệp đoạt thủ khoa (trong đó ba môn toán đều đạt điểm 10 tối đa), được giữ lại học “sau đại học” 2 năm rồi được về làm cán bộ giảng dạy bộ môn đại số, khoa Toán, Đại học Vinh. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ toán tin năm 1996, lúc ấy đã 47 tuổi. Thời đó vậy là ghê. Năm 2003, Tiến sỹ Lê Quốc Hán được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư và Nhà giáo Ưu tú.
Con đường đến với đam mê toán học của nhà thơ Lê Quốc Hán gian truân, lận đận, nhưng quả ngọt. Con đường thơ của ông, cũng khác người.
2. Năm 1991, thi ca Việt Nam có những bước chuyển mình vừa hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc vừa hướng tới hòa nhập thơ ca nước ngoài. Vốn được người cha truyền cho máu yêu thơ từ nhỏ, thời cấp ba lại được học với thầy Trần Ninh (Hà Quảng), một nhà giáo có tâm hồn thi sĩ nên thuở mười bảy đôi mươi ông có thử làm thơ, Nhưng rồi do “mưu sinh” ông “ly thân” với thơ đến... bẵng 20 năm.
“Đọc các bài thơ trên các báo Văn Nghệ, Tiền Phong thấy hợp tạng mình. Thử làm vài chùm gửi được đăng. Không những vậy còn được chọn vào các Tuyển thơ có giá trị: Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam, Nghìn năm thơ tứ tuyệt Việt Nam, Thơ tình bốn phương…”, nhà thơ Lê Quốc Hán tâm sự.
Ngỡ sự đam mê thi ca cũng nhất thời, ngờ đâu lần này Lê Quốc Hán vướng vào sâu quá chẳng gỡ ra, ông bị thi ca “bỏ bùa” ở tuổi hoa niên. Trong khoảng thời gian không dài, Lê Quốc Hán “trình làng”, “Lời khấn nguyện”,“Bến vô cùng”, “Mạc khải”, “Bất biến”, “May”. Về bình thơ, Lê Quốc Hán công bố “Thơ trong ký ức”, “Giao cảm thơ”...2 tập thơ và 1 tập bình thơ, được mấy giải thưởng trong các cuộc thi thơ. Vì vậy cuối năm 2002, ông đã được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam.
Nhà thơ đang có kế hoạch in tập thơ thứ 5. Vào tuổi thất thập cổ lai hy, ông bảo “suối thơ đã cạn”, nên bắt đầu viết hồi ký dưới dạng “tùy văn” (nhớ lại gì, nghĩ được gì, thấy gì viết cái đó). Không ngờ bước đầu khá thành công, bút ký “Chạm ngõ miền Tây” của ông còn được Tạp chí Sông Lam trao tặng thưởng loại A năm 2018.
Những tác phẩm của nhà thơ Lê Quốc Hán. |
Tôi là người của làng, gặp Lê Quốc Hán là gặp bóng dáng của làng. Yên ả, thanh bình, không cầu kỳ, hoa mỹ...Là một nhà toán học, tư duy logic nên dễ dàng gặp trong thơ ông những triết lý, những xúc cảm trong lành, hướng thiện, giàu suy tưởng. “Gặp tứ thơ như duyên trời cho, cứ viết, cứ chiêm nghiệm cho mình, từ mình đã. Thành thơ cho mọi người, tính sau”, ông chân thành khi nói về thơ, với người viết hỏi ông về thơ.
Vậy nhưng, Lê Quốc Hán rất cẩn trọng để tìm tòi, tự làm mới mình. Có người gọi ông là "nhà toán học bắc cầu thi ca". Ông từng nói, “toán học là sản phẩm của trí tuệ, thi ca là sản phẩm của tâm hồn, "một người dù thông thái đến đâu, nếu không có một trái tim biết xúc cảm mãnh liệt cũng không thể trở thành nhà toán học đích thực, và một người dù có tâm hồn nhạy cảm và đa tình đến đâu nếu không có trí tuệ dẫn đường cũng khó trở thành nhà thơ lớn".
3.“Chập chờn đợi phút thăng hoa/ Câu thơ nối được hồn ta, hồn người”, là hai câu in ở trang đầu cuốn “Giao cảm thơ”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Chỉ hai câu này đã nói lên được bản chất thực sự của thơ, ấy là sự giao cảm của thơ đối với con người.
Mãi sau này tôi mới được gặp và đọc thơ Lê Quốc Hán. Dẫu muộn nhưng cảm nhận, trong thơ ông có tâm linh và vũ trụ. Nhà thơ lớn Huy Cận từng được Hoài Thanh – Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam” đánh giá là “nhà thơ của vũ trụ” , với Lê Quốc Hán nhiều người mê thơ nhận ra có “tâm linh và vũ trụ”.
“Thời này có rất nhiều quan niệm về thơ, nhiều nhà thơ dấn thân tìm tòi khác lạ, nhưng tôi thiển nghĩ cuối cùng đồng cảm, đồng điệu và nói như người xưa ý tại ngôn ngoại, lời ít, ý nhiều vẫn là cốt lõi của thơ” - Một lần Lê Quốc Hán giãi bày về quan niệm của mình. “Lâu đài đổ bóng/ Sông trôi/ Nghìn thu thu lại trong đôi mắt gầy” (Nét thu); hay “Ngu ngơ chạm phải ao làng/ Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay/ Trái đất ơi ngược vòng quay/ Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên” (Bài thơ thời gian) ... Chỉ mấy câu thơ, Lê Quốc Hán gợi mở bao nhiêu điều, vũ trụ, thời gian, đời người ...
Trong một bài viết về thơ Lê Quốc Hán, nhà giáo, nhà thơ, nhà phê bình văn học Hà Quảng cũng nhận định: “Thơ Lê Quốc Hán thuộc dòng thơ hướng nội giầu sắc thái tâm linh, anh giải bày tâm sự nhờ vào ngoại cảnh hay sự kiện. Một không khí hư ảo trùm lên tập thơ ...”. “Văn là người”, gặp ông dễ thấy “tinh thần” Lê Quốc Hán trong thơ. Hay nôm na, như cha ông đã nói: “Người sao của chiêm bao là vậy”. Những ký tự trong “chiêm bao thơ” từng người không giống nhau.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người cùng quê cũng là “người đương thời” cùng Lê Quốc Hán thì cho rằng, đó là cảm thức minh triết. “Đúng hơn là những triết lý mà tác giả cảm nhận được từ cuộc đời vô thường này. Đó là những cảm nhận sâu xa trong sự chiêm nghiệm cuộc sống hàng ngày chứ không phải là triết lý vụn vặt như một số người làm thơ bây giờ đang theo đuổi”, nhà thơ, Dương Kỳ Anh quả quyết.
Với tôi, khi đọc những câu thơ của Lê Quốc Hán: “Muốn tan vào cõi vô thường/ Tiếc chưa đi hết con đường mình đi/ ...Hoàng hôn đốt rụi chân trời/ Biết còn đến kịp chính nơi mình tìm ...” (Bất lực); “Tưởng rằng ta gặp mình rồi/ Tỉnh ra giấc mộng giữa đời phù du/ Thương thay một trái tim mù/ Phút giây ngộ nhận, nghìn thu vẫn còn...” (Ngộ nhận), ngộ ra câu người xưa nói: thi ca là ngôi đền thiêng!
Nhà thơ quá cố Phạm Ngọc Cảnh, lúc sinh thời một lần nói với tôi: “Người Việt Nam mình lạ lắm, rất ít người không làm nổi một câu thơ. Rất nhiều người biết làm thơ, nhưng trở thành nhà thơ hay không còn phải có “ngôi sao may mắn” rơi vào mình hay không?”. Cách nói của Lê Quốc Hán bình dị hơn: “Làm thơ đã khó, trở thành nhà thơ còn khó hơn lên trời. Thông minh, học rộng ư? Chưa đủ. Giao lưu, từng trải ư? Chưa hẳn đã thành tài. Cái chính là tâm mình phải sáng: Từ trái tim đi ra thì dễ trở vào trái tim …”.
Lê Quốc Hán từng có 2 câu thơ: “Trái đất ơi ngược vòng quay/ Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên...”, mặc dù đã lên “chức ông” nhưng “cái ngày đầu tiên” luôn ngập trái tim ông. Ông như kẻ rón rén đến ngôi đền thiêng thi ca. Ông là con chiên của Chúa 100%, nhưng lại là một “tín đồ” của thơ và toán học.