Nhà thơ Huy Cận: Tình quê hương với ai cũng quan trọng

Chủ Nhật, 27/03/2005, 07:17

Tình yêu của tôi cũng như tình yêu của nhiều người. Có những tình yêu lâu dài, dai dẳng đến tận sau này, cũng có những tình yêu ngắn ngủi và có cả những tình yêu không thành. Ai cũng có những tình yêu không thành, mình muốn mà không thành, có những tình yêu thì thành nhưng ngắn ngủi, có những tình yêu dai dẳng suốt đời... Cố nhà thơ Huy Cận tâm sự trong cuộc trò chuyện với ANTG tháng 8/2002

Tháng 8/2002, nhóm phóng viên ANTGCT có dịp được cùng ngồi suốt nửa ngày hầu chuyện nhà thơ Huy Cận. Nhà thơ Huy Cận đã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều điều thú vị và một phần nội dung cuộc trò chuyện đó đã được công báo trên báo ANTGCT. Do dung lượng trang in có hạn nên chúng tôi phải để lại nhiều điều mình tâm đắc trong câu chuyện với nhà thơ Huy Cận. Tháng 2/2005, trong tâm trạng đau đớn trước tin thi sĩ của Tràng giang đã ra đi vì tuổi cao sức yếu, chúng tôi xin giới thiệu một phần trong những gì còn lại chưa in từ cuộc trò chuyện đó.

Kỷ niệm Cách mạng mùa thu

Lúc vào Đại hội Tân Trào, anh Trần Huy Liệu giới thiệu tôi vào Ủy ban Dân tộc giải phóng. Tôi nhớ là hôm đó bầu 15 người. Đến lượt tôi, anh Trần Huy Liệu giới thiệu: “Nhà thơ Huy Cận, bây giờ đã ‘bỏ bút nghiên theo việc đao cung’, xin Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng”. Bỗng nhiên, ở hàng đầu có một ông dáng cao cao đứng lên nói: “Tôi không đồng ý!”. Tôi chột dạ, chắc ông này không muốn bầu mình vào Ủy ban. Anh Trần Huy Liệu mới hỏi tại sao, thì ông phản đối mới nói thế này: “Tôi không đồng tình với việc ‘bỏ bút nghiên theo việc đao cung’; bầu nhà thơ Huy Cận nổi tiếng vào Ủy ban thì tôi đồng tình, nhưng mà bỏ bút nghiên là không đúng. Bút nghiên cũng là vũ khí đấu tranh cho độc lập dân tộc”. Người ấy là ai? Người ấy là đồng chí Tống, bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng. Cả ông Liệu và tôi thở phào một cái...

Ở Đại hội Tân Trào có hai người làm thư ký đoàn là anh Khuất Duy Tiến và tôi... Đây này, đây là ảnh của Chính phủ lâm thời năm 1945! Cụ Hồ đây; còn đây là ông Trần Huy Liệu, Phó chủ tịch; ông Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc gia; ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia; ông Hoàng Tích Chí, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Hoàng Minh Giám, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ; ông Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; còn đây nữa, ông Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông (cười). Còn đây là ảnh Chính phủ trong kháng chiến ở Việt Bắc, Cụ Hồ đây, tôi được ngồi cạnh Cụ Hồ. Hôm đó, tôi đang tìm chỗ đứng thì Cụ bảo: “Chú ngồi đây”. Thế là Cụ Hồ ngồi đây và tôi ngồi đây. Lúc ấy, tôi 30 tuổi, năm 1949... Còn đây là hình Huy Cận năm Lửa thiêng ra đời, cũng khá đẹp trai đấy chứ (cười).

- Năm 1945, 26 tuổi, ông là Bộ trưởng Bộ Canh nông. Trên cương vị ấy, ông có làm được gì không?

- Trời ơi, rất có công! Anh nói như vậy là anh nghi ngờ thành tích của Bộ Canh nông  hả? (cười). Được rồi, để tôi nói cho mà nghe. Tôi làm Bộ trưởng Bộ Canh nông từ tháng 9/1945 cho đến hết tháng 3/1946, khi thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến thì tôi không làm Bộ trưởng nữa và Cụ Hồ giao cho ông Bồ Xuân Lập làm Bộ trưởng. Nhưng tôi không đi đâu cả. Cụ Hồ bảo: “Chú cứ ở đấy nhưng mà chú làm Thứ trưởng, và bây giờ mọi việc chú cứ làm như trước, chỉ có việc ký là người khác”.

Sau trận đói Ất Dậu, đến lúc bấy giờ vẫn đói, nhiệm vụ của Bộ Canh nông rất cụ thể là tăng gia sản xuất gấp để cứu đói. Tôi lúc đó được các anh em giúp việc như Hoàng Văn Đức, Bùi Huy Đáp... Chương trình của Bộ Canh nông là phải tăng gia sản xuất cứu đói bằng cách sản xuất những thứ ăn ngay, ăn nhanh như ngô 3 tháng, lúa 3 tháng, trồng rau, rau muống trồng khắp nơi, rồi nuôi gà, nuôi vịt,... Thế nhưng lấy vốn đâu, lấy gì ra để đầu tư? Thì đây, có một nguồn đầu tư rất lớn là sức lao động đông đảo của bà con nông dân. Và những biện pháp mà Bộ Canh nông đưa ra đã có kết quả ngay: trên đường đi chỗ nào cũng thấy trồng rau. Thế là công tác cứu đói có kết quả ngay, cái thành tích lớn là như thế. Đồng thời, thành tích thứ hai là xây dựng cơ sở cho bộ máy canh nông, từ Bộ, rồi Cục, Viện nghiên cứu, Sở Canh nông ở các tỉnh... Việc tổ chức bộ máy rất nhanh và anh em làm việc tích cực lắm.

Tôi xin nói với các anh một câu mà thường thường người ta hay quên, đó là “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Tôi là Bộ trưởng, tất nhiên tôi cũng là một kỹ sư canh nông, nhưng nhờ có anh em đoàn kết chung sức với mình, Hoàng Văn Đức rất có công, Bùi Huy Đáp rất có công. Phải biết là trong Cách mạng Tháng Tám, Nông hội có uy tín rất lớn. Nhân đây, tôi cũng xin nói với các anh rằng, Cách mạng Tháng Tám là do nông dân làm nên là chủ yếu. Nông hội hồi đó có uy tín lắm, gần như là chính quyền thứ hai rồi...

- Khi ông còn rất trẻ, ông làm Bộ trưởng thì nói chung là rất khó khăn rồi, vì khi ta trẻ ta đã có kinh nghiệm gì đâu...

Cứ làm thì nó ra kinh nghiệm. Các anh không biết cái câu nổi tiếng à: “Làm thì ra kinh nghiệm”!

Thế việc ông làm Bộ trưởng so với sau này khi ông đã lớn tuổi làm Thứ trưởng thì...

Khoan, khoan!... Nhà nước, cụ thể là Đảng và Bác Hồ giao gì thì tôi làm nấy, không có băn khoăn thắc mắc là tại sao lại hạ chức...

Không, ý chúng tôi muốn hỏi là, khi nào ông cảm thấy khó khăn hơn?

Tôi nói cho các ông nghe nhé, khi ấy tôi mới 26 tuổi, cũng mới ra trường được vài năm thôi, đã làm Bộ trưởng, mà tôi làm được. Cái ấy là nhờ anh em, nhưng mà trên hết là được sự dìu dắt của Bác Hồ, của Đảng... Hai nữa, không biết là tôi khoe hay cái gì nữa, nhưng có một cái mẫn cán như thế nào đó, công việc nặng mình cảm thấy mình cũng nắm được, và bởi vì mình có ý thức về chính trị, mình có ý thức về văn hóa, thành thử mình dễ nắm. Và, quan trọng nhất là dựa vào anh em, “thần thiêng nhờ bộ hạ” mà (cười).

Tình thơ song đôi

- Ông với nhà thơ Xuân Diệu gặp nhau như thế nào?

- Tôi với Xuân Diệu gặp nhau lần đầu tiên ở Trường Quốc học Huế tháng 9/1936. Lúc bấy giờ, đấy mới chỉ là trường tú tài ở Huế, gọi là Trường Khải Định. Những người học sinh quê ở Trung Kỳ thường về học năm thứ 3 ở Huế. Anh Diệu đậu phần tú tài thứ nhất ở Hà Nội, ở Trường Bưởi, nhưng đến năm thứ ba, không chỉ mình anh Diệu mà còn một số người nữa cũng về học ở Trường Khải Định. Lúc bấy giờ, tôi mới vào năm thứ nhất của trường tú tài, còn anh Diệu đã năm thứ 3. Gặp nhau thì có một người giới thiệu, bảo: Ồ, hai ông Hà Tĩnh mà đều làm thơ cả! Đọc thơ thì thích, nên có thể nói là kết nghĩa ngay lập tức, từ đó trở đi thành đôi bạn suốt đời. 50 năm, kết bạn từ năm 1936, cho đến lúc anh Diệu qua đời tình bạn chúng tôi đã có với nhau hơn 49 năm, 49 năm mấy tháng, có thể nói là nửa thế kỷ tình bạn.

- Trong tập Thơ thơ, Xuân Diệu có viết là “Tôi thích Rimbaud và Verlaine. Hai chàng thi sĩ choáng hơi men. Say thơ xa lạ, mê tình bạn, Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen...”.

- Viết trước khi gặp tôi. Đó là ông nghĩ đến cái tình giữa Verlaine và Rimbaud thôi, chứ không phải viết là do tôi và Xuân Diệu gặp nhau.

- Cả ông và nhà thơ Xuân Diệu hồi trẻ đều uống rượu chứ?

Anh Diệu có uống rượu nhưng không uống nhiều, chỉ thưởng thức rượu. Còn tôi thì tuyệt đối từ trước đến nay không bao giờ uống rượu. Từ hồi đi học, rồi tới tuổi thanh niên và cho đến mãi sau này, ngay cả khi đi hoạt động quốc tế, hễ ai mời uống rượu thì tôi cũng nói rất thẳng thắn là tôi không biết uống rượu. Tôi không uống rượu, không hút thuốc lá, nhờ thế mà khỏe đấy... Một số nhà thơ bị ung thư, mất sớm là do uống rượu nhiều quá đấy...--PageBreak--

Ký ức tình yêu

- Hồi trẻ, ông đẹp trai như thế này, thì nhiều cô mê lắm...

- Cũng có đẹp trai. Tôi nói thế này, tình yêu của tôi cũng như tình yêu của nhiều người, không có cái gì đặc biệt. Có những tình yêu lâu dài, dai dẳng cho đến tận sau này, cũng có những tình yêu ngắn ngủi và cũng có cả những tình yêu không thành, chứ không có gì đặc biệt. Anh cũng thế, ai cũng thế thôi, có những tình yêu không thành, mình muốn mà không thành, có những tình yêu thì thành nhưng mà ngắn ngủi, có những tình yêu dai dẳng suốt đời... Tôi cũng may là có được nhiều tình yêu, cho nên...

- ...Làm được thơ?

- Tất nhiên, nhưng nó cũng chỉ là một nguồn thôi chứ không phải là nguồn duy nhất. Tình yêu đôi lứa không phải là nguồn thơ duy nhất. Còn có tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên... Nhưng tôi cũng có những cái tình yêu hấp dẫn. Năm 1940, chưa ra tập Lửa thiêng, nhưng báo Ngày nay liên tục đăng thơ tôi. Thế là tôi liên tiếp nhận được thư của một người không ký tên, nhưng trời ơi! Thư viết hay lắm, mê lắm, xúc động lắm! Mà tôi tiếc là tập thư ấy cháy mất trong kháng chiến, tôi để nó trong một cái hòm ở Hương Khê, nhà bị cháy nên cháy luôn, tôi tiếc ngơ tiếc ngẩn. Cô này có trình độ văn hóa, có cả trình độ văn học nữa, mà không ký tên. Có cái lạ là, tôi đi đến đâu thì thư đi đến đấy. Tôi đi nghỉ ở Đồ Sơn với Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, không biết lần mò địa chỉ thế nào mà thư đến kịp gặp tôi ở Đồ Sơn. Tôi học Trường Canh nông chủ yếu là ở Hà Nội, nhưng cũng có mấy tháng học ở Sài Gòn, thư cũng đến Sài Gòn. Lạ quá! Cái cô này, cô theo dõi mình một cách kinh khủng. Thư viết xúc động lắm!

- Chả lẽ sau này lại không gặp được nhau nữa?

- Cứ để tôi nói cho các anh nghe. Cái người viết ấy chữ không khác gì như chữ con trai, nhưng lời lại như lời con gái. Có một hôm, mùa đông năm 1940, tôi sắp sửa xách xe đạp đi học (Trường Canh nông hồi ấy ở Bách thảo, gần Lăng Bác Hồ bây giờ) thì có một cái bưu phẩm đến. Mình mở ra. Trời ơi! Một cái áo trắng rất đẹp. Đằng sau cổ thêu một câu thơ của tôi: “Hồn nhớ thương em dệt áo dâng anh”; câu ở trong bài Tình tự. Nhưng mà mình mở ra thì mặc không vừa, dù mình chưa béo như bây giờ... Thì mình cũng chả trách vì đã bao giờ người ta ôm mình đâu, mà mình cũng đã ôm người ta đâu mà biết vừa hay không (cười). Thành ra, áo thì rất đẹp nhưng  phải gói lại cho vào hòm rồi lại xách xe đạp đi. Hôm ấy trời rét nhưng  mình cảm thấy ấm vô cùng.

Sau đó mấy tuần, bấy giờ tôi ở ngõ Tân Hưng, nay là ngõ Tức Mạc, anh em ở chung khoảng 10 người, thì có một cô tự nhiên đến, mặc cái áo trắng rất đẹp, các ông ạ. Cái áo trắng bằng lụa Hà Đông. Cô ấy nói chuyện với tất cả mọi người nhưng mà phân biệt đối xử đối với tôi. Thế thì mình cũng đủ thông minh và đủ linh tính, thôi, chắc người này viết thư cho mình rồi. Cô ấy là sinh viên Đại học Y, học sau tôi một lớp, thua tôi một tuổi. Hết buổi nói chuyện, cô dắt xe đạp ra về, thì tự nhiên cái chân tôi đi theo. Tôi xin nói là cái chân tôi đi theo chứ không phải là tôi đi theo (cười). Ra đến cửa ngõ, tự nhiên cô ấy dừng lại. Lúc bấy giờ, cô nói như thế này: “Anh có nhận đủ thư em không?”. Tôi bảo: “Có!”. Thế là cô lên xe cô ấy đi, không kịp nói câu gì nữa. Cách đó mấy hôm, tôi nhận được một cái thư viết như một chỉ thị: “Chủ nhật tới, anh đến gặp em”. Thế là mình ngoan ngoãn nghe thôi.

Hẹn 9h, 9h kém 10’, mình đến đã thấy cô ấy cũng đứng ở trước Trường Thú y, trên đường Bạch Mai. Bây giờ gọi nhau thế nào? Tiếng Việt Nam tài lắm, mình định gọi em nhưng mà chưa đủ tình cảm để gọi em, gọi nàng thì “Tự lực Văn đoàn” quá (cười), gọi cô thì lại khách sáo. Không cô, không nàng, không em thì phải làm thế nào? Thế là hỏi một câu không có chủ từ: “Đi đâu bây giờ?”. Nhưng cô rất chủ động: “Anh đi theo em”. Thế là cô ấy lên xe đạp. Chỗ nào đường đông thì cô đi trước, mình lẽo đẽo theo sau; chỗ nào đường hơi rộng thì đi song song. Từ đó đi vào Thanh Xuân, trên đường vào Hà Đông thì dắt qua bờ ruộng đi vào một cái khóm cây, một cái rừng nhỏ, có một cái nhà thờ họ đạo nhỏ. Nói chuyện với nhau trên trời dưới đất, không đả động đến tình yêu.

Gặp nhau lúc 9h, đi đến nơi 10h, từ 10h đến 12h không nói đến tình yêu. Trước khi đi, cô ấy có chuẩn bị bánh mỳ xúc xích đi theo. Đến 12h, thì chuông nhà thờ đổ. Tôi nghe chuông nhà thờ đổ, tôi cũng xúc động đấy nhé, mà chuông chùa cũng thế! Lúc ấy cô ấy hỏi: “Anh có thuộc bài hát Cinema không?”. Tôi bảo tôi có thuộc, để tôi hát cho cô nghe, cô ấy bảo để em hát trước. Một bài hát rất hợp cảnh với chúng ta, một cái bài hát trong đó có một thôn nhỏ, một cái nhà thờ nhỏ, một buổi sớm mùa xuân. Cô ấy hát xong thì khóc nức nở... (Huy Cận hát: “Tình yêu ơi, ta thấy mặt em trong một sáng mùa xuân... Tình yêu ơi, ta được thấy mặt em và cả lòng phản bội của ta...”). Lúc bấy giờ thì tôi nói thật là chưa đủ tình cảm, thế nhưng người ta hát vì mình, người ta xúc động vì mình! Tôi ôm cô ấy, xúc động, một hồi lâu. Rồi khi cô ấy hết khóc thì lại nói chuyện trên trời dưới đất, không đả động đến tình yêu, rất lạ! Trong một hoàn cảnh như thế, tôi nói anh em thanh niên bây giờ các cậu không trong sáng bằng bọn tôi đâu. Chúng tôi lãng mạn nhưng rất trong sáng. Bây giờ chỉ 5 phút các cậu giải quyết hết! (Cười). Bọn tôi ngồi cả buổi sáng, đến 6h chiều về mà vẫn chỉ êm ru thế thôi!

- Nhưng lớp trẻ bây giờ không có được khu rừng nhỏ với tiếng chuông nhà thờ như của ông. Bây giờ rừng nhỏ hết rồi, toàn là đường sá với nhà nghỉ thôi. Còn đâu được sự trong sáng lãng mạn nữa!

- Không đi ra giữa thiên nhiên, các cậu không hiểu hết được sự kỳ vĩ của tình yêu đâu. Đã yêu nhau bao giờ cũng phải đi ra giữa thiên nhiên, bởi vì chỉ có kích thước của vũ trụ mới đo nổi nỗi xúc động của tình yêu. Đó là quy luật mà tôi khám phá ra. Chỉ có kích thước của vũ trụ mới đo nổi cái bề rộng, bề dài của rung động tình yêu. Các anh cũng đi ra giữa thiên nhiên thôi, các anh giấu tôi làm gì! (Cười). Tình yêu mà chỉ ngồi trong phòng thì không đủ, có đúng không? Buổi chiều về, về theo đường Tàu Bay, hồi ấy không có đèn đường mà chỉ có đèn dinamo. Cô ấy mua hai thẻ hương, cô ấy cầm một, tôi cầm một trên tay để người ta đỡ đâm vào mình. Về đến chỗ Trường Thú y thì dừng lại, cô ấy gục vào vai tôi giục: “Thôi anh về!”. Tôi khóc. Buổi trưa cô ấy khóc, buổi chiều mình khóc. Tôi khóc thật, khóc nức nở...--PageBreak--

- “Chàng Huy Cận khi xưa hay buồn lắm...”.

- Không, không... Tại sao tôi khóc? Tại vì tôi thấy mối tình đẹp quá, cái tâm hồn đẹp quá, vậy nên tôi khóc. Cô ấy bảo: “Thôi, anh về!”. Anh thấy cái tình lạ không? Sau này, tôi đi hoạt động ở Paris nhiều lần, người ta cho tôi biết địa chỉ, telephone của một phòng mạch ở miền Nam nước Pháp, đông khách mà cô ấy làm chủ. Tôi không lại. Tại sao? Tại vì tình ngày xưa nó đẹp như thế, bây giờ thì hai ông bà già hết rồi, con đàn cháu đống (cười)... Thôi cứ để êm đi cái quá khứ. Nhưng cô ấy thỉnh thoảng có viết thư về cho một người bà con ở Hà Nội, bác sĩ Đặng Hiếu Chương. Anh Đặng Hiếu Chương bảo tôi, chị ấy vẫn hỏi thăm anh đấy. Bây giờ thì tôi tiết lộ được rồi. Cô ấy là người Bình Định...

- Cô ấy có đẹp không?

- Tôi nói rất công bằng. Cô ấy không xấu, không đẹp, nhưng mà xinh, có một cái duyên. Đẹp khác, xinh khác, nhưng cô ấy có một  tâm hồn làm cho mình mê...

- Lâu hơn, dai dẳng hơn, sâu sắc hơn?

- Sâu sắc á? Nhưng đó chỉ là một trong những cái tình. Kháng chiến rồi thành ra dở dang. Về sau gặp nhau lại chỉ khóc thôi...

- Ông có phải là một người đa tình không?

- Anh đánh giá như thế nào thì đánh giá, nhưng qua cuộc đời thì tôi cảm thấy tôi đa tình. Đam mê...

Thích mọi giai đoạn

- Bây giờ nhìn lại cả đời thơ dằng dặc của mình, ông thích nhất giai đoạn nào?

- Nói thế này thì hơi ham, tôi thích tất cả các giai đoạn. Giai đoạn trước Cách mạng, thơ của tôi thành công rất rõ nhé. Không phải thành công ở Lửa thiêngVũ trụ ca cũng rất thành công. Như bài Xuân hành nổi tiếng. Anh Hoài Thanh hết lời ca ngợi cái bài này. Chế Lan Viên cũng ca ngợi... Nguyễn Đình Thi thấy bài Xuân hành ra đời, mừng quá, coi đấy là một bước tiến mới của Huy Cận và đã có một sức mạnh gì đó mới ở trong thơ. Sau này thì có hàng loạt bài các anh biết rồi đấy.

Thơ của tôi, cả ở hai giai đoạn đều phát triển ở độ cao. Giai đoạn trước Cách mạng cũng cao và giai đoạn sau Cách mạng cũng cao. Bây giờ, người ta vẫn hay nhắc đến bài Các vị La Hán chùa Tây Phương. Trong thơ Chế Lan Viên có một cái đoạn thơ ông ấy nhắc đến ý cái câu đấy: “Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.

Một nhà thơ mà yêu tất cả các tác phẩm, các giai đoạn của mình, kể cũng lạ...

Và sau này còn nhiều bài nữa chứ, bài Trò chuyện với Kim Tự tháp... Bao nhiêu người đi xem Kim Tự tháp rồi, cả thế giới có bao nhiêu người viết về Kim Tự tháp? Đặt vấn đề về Kim Tự tháp? (Cười). Hay là cái bài Gà gáy trên cánh đồng Ba Vì được mùa có 4 câu:

“Núi Tản như con gà cổ đại
Khổng lồ mào đỏ thắp bình minh
Mênh mông đứng gáy cho mùa chín
Từ buổi Sơn Tinh thắng Thủy Tinh”.

- Bây giờ ông còn viết thơ tình?

- Không bao giờ hết tình đâu...

- Ông có một chút buồn nào không khi không một đứa con nào của mình theo nghiệp thơ?

- Không, tôi không buồn. Bởi tôi làm thơ là khiếu trời sinh...

Không thể không theo Cách mạng

Hôm nay, ông phó mộc ngồi nói chuyện với các ông! Ông Nguyễn Xuân Thiều từng nói với ông Vũ Quần Phương thế này: ông Huy Cận trông giống một ông phó mộc, nhưng lại tinh tế... Bây giờ sức làm thơ của tôi vẫn tốt, mỗi ngày ba bài.

- Và “bài hay xen lẫn với bài vừa”?

- Tôi nói với các ông, ông Trường Chinh với tôi có nhiều cái duyên lắm. Về văn chương, lúc tôi chưa đi theo Cách mạng, năm 1940, thế mà ông Trường Chinh đọc thơ tôi, ông có nói với ông Lê Quang Đạo: “Cái thằng cha này chắc chắn phải đi theo Cách mạng”. Ông ấy đọc và cảm thấy trong thơ tôi một tâm hồn đầy chất dân tộc. Ông Trường Chinh rất mê bài Tràng giang và bảo, sao mà trong bài thơ ấy, đất nước đẹp thế, sao mà tiếng Việt Nam tuyệt diệu đến thế! Khi tập Lửa thiêng ra đời, ông Trường Chinh nhờ ông Lê Quang Đạo mua ngay một quyển... Tình quê hương với ai cũng quan trọng!

ANTGCT
.
.