Nhà thơ Huy Cận: Hồn nhiên mà thuyết phục

Thứ Ba, 31/03/2009, 15:15
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, vì công tác ở Văn phòng Bộ Văn hóa nên tôi luôn được gặp gỡ, làm việc và thường có dịp đi về các địa phương với nhà thơ, Thứ trưởng Huy Cận. Ông không có ngoại hình hấp dẫn, thậm chí hơi kềnh càng, nhưng tiếp xúc với ông, ta dễ bị cuốn hút bởi tác phong thân tình, cởi mở, ứng xử thông minh, hóm hỉnh. Xin được kể một vài câu chuyện nhỏ kỷ niệm về ông.

Tặng thơ cho người chữa xe máy

Hồi ấy, không biết nhà thơ Huy Cận được ai tặng hay mua ở đâu một chiếc xe máy, kiểu xe Solex đen, nổ máy bằng cách đẩy cần gạt ở phía ghi đông. Nhưng xe đã quá cũ, cần phải sửa chữa nhiều mới có thể đi được.

Nhà thơ đem chiếc xe của mình xuống tổ xe của Văn phòng nhờ sửa. Anh Hảo, một thợ máy giỏi trong tổ đã dành cả một ngày chủ nhật hì hụi tu sửa. Từ một cỗ máy cọc cạch, qua tài năng của anh, đã trở thành một chiếc xe máy "ngon lành".

Lúc đi thử, nhà thơ tỏ ý rất hài lòng. Khi ông định thanh toán tiền công cho anh Hảo thì anh dứt khoát không nhận: "Em chỉ giúp thủ trưởng thôi, có đáng gì đâu".

Nhìn hai bàn tay của anh Hảo vẫn còn lấm lem dầu mỡ, nhà thơ suy nghĩ hồi lâu rồi quay lên phòng làm việc, lấy một cuốn thơ mới in của mình xuống tặng anh Hảo: "Mình thấy, với cậu thì không có món quà nào ý nghĩa hơn".

Thời bao cấp, tặng nhau một tập thơ là quý lắm. Khi có sách in, tác giả chỉ được nhận từ nhà xuất bản gửi có hai chục cuốn bản quyền. Mà nhà thơ nổi tiếng như Huy Cận thì có biết bao nhiêu mối quan hệ thân thiết.

Anh Hảo sau khi rửa tay sạch sẽ đã cảm động nhận cuốn sách thơ "Hai bàn tay em" do chính tay nhà thơ Huy Cận viết đề tặng kín cả trang bìa phụ cuốn sách.

"Đề xuất" có giá trị

Khoảng năm 1975, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp miền núi, vùng dân tộc. Nhà thơ, Thứ trưởng Nông Quốc Chấn được lãnh đạo Bộ phân công dự.

Vì hội nghị quan trọng, nên ngay sau khi họp về, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã đăng ký với Bộ trưởng và Đảng đoàn để báo cáo lại.

Buổi làm việc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hoàng Minh Giám và nhà thơ, Thứ trưởng Huy Cận, thay mặt Đảng đoàn Văn hóa văn nghệ.

Vốn là người rất nghiêm túc, cẩn trọng, nhà thơ Nông Quốc Chấn đem theo cả một bộ tài liệu hội nghị dày cộp. Ngoài các đồng chí lãnh đạo, buổi làm việc hôm ấy còn có anh Thiệu Minh - Thư ký Bộ trưởng và tôi là người giúp Văn phòng theo dõi mảng văn hóa miền núi, dân tộc.

Để tránh sơ xuất, nhà thơ Nông Quốc Chấn giao cho tôi rồi anh Thiệu Minh và cả chính ông lần lượt đọc to từng văn bản hội nghị. Thấy chúng tôi đọc nhiều, nhà thơ Huy Cận cũng phải giúp đọc.

Gần hết một buổi làm việc mà mới chỉ xong có một phần số tài liệu. Bộ trưởng Hoàng Minh Giám thì vẫn chăm chú nghe và liên tục ghi chép. Sau thời gian nghỉ giải lao, lúc nhà thơ Nông Quốc Chấn tiếp tục định đọc thì nhà thơ Huy Cận nói: "Có lẽ đề nghị anh Chấn tập trung đọc phần kết luận hội nghị và các phần việc mà Bộ ta cần phải làm, các tài liệu khác chúng tôi xin tiếp tục nghiên cứu sau. Xin Bộ trưởng cho ý kiến".

Đề xuất của nhà thơ Huy Cận được Bộ trưởng Hoàng Minh Giám rất đồng tình: "Tôi tán thành ý kiến của anh Cận. Nếu đọc tất cả tập tài liệu này chắc làm anh Chấn mệt. Sau này lãnh đạo Bộ sẽ phải nghiên cứu kỹ. Bây giờ đề nghị anh Chấn đề xuất công việc mà Bộ ta cần làm để cùng trao đổi".

Ý kiến của nhà thơ Huy Cận giúp cho buổi làm việc trở nên gọn nhẹ, hiệu quả hơn.

Lúc tan họp, nhà thơ Nông Quốc Chấn bắt tay nhà thơ Huy Cận :

- Cảm ơn sáng kiến của anh, nếu không, chắc buổi làm việc sẽ phải kéo dài hết cả ngày.

Món quà nhỏ và lời giải thích khéo…

Năm 1976, nhân có hội nghị của Bộ Văn hóa tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, mấy anh em làm nội dung vào trước, được bố trí ăn nghỉ tại nhà khách 57 Nguyễn Đình Chiểu. Vừa đúng dịp nhà thơ Huy Cận đi dự hội nghị chấp hành UNESCO ở Pháp về, cũng nghỉ tại đây.

Buổi tối gặp chúng tôi, thấy đông đủ, nhà thơ reo lên:

- Hay quá, mình có quà cho các cậu đây, chờ mình về lấy.

Lúc sau nhà thơ sang phòng chúng tôi, trước tiên ông đưa tặng anh Phùng Thị, người trước đây giữ chức Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam nay đã chuyển về làm việc ở Văn phòng Bộ Văn hóa. Quà tặng là một cuộn chỉ trắng có độ dài 50m. "Mình với Phùng Thị thân thiết lâu năm nên mình tặng quà này để thể hiện tình cảm chúng ta ngày càng thêm gắn bó. Sợi chỉ sẽ luôn khâu chặt tình cảm của anh em chúng ta". Còn với anh Nguyễn Văn Lô, quà tặng là một chiếc khăn mùi xoa hoa: "Mình biết anh Lô hay đi nói chuyện, mình tặng vật này là để khi làm việc, ra mồ hôi có khăn để lau".

Quà nhỏ nhưng ai cũng vui. Vui vì lời giải thích khéo léo, hóm hỉnh của nhà thơ. Cũng tưởng chỉ có chúng tôi nhận được quà, nhưng khi ra Hà Nội tôi được biết là nhiều chị em ở Văn phòng, từ chị văn thư, đánh máy đến hành chính…..hầu như ai cũng có chiếc khăn mùi xoa của nhà thơ tặng, tất nhiên là với những lời nói tặng vui khác nhau.

Cũng phải nói thêm ngày ấy cán bộ ta được cử đi công tác nước ngoài về, quà dành cho anh chị em trong đơn vị, dù chỉ là một vài lưỡi dao cạo râu, mấy chiếc kim băng, hay dăm ba thìa mỳ chính đã là quý lắm rồi.

Tài ứng biến

Đầu năm 1975, nhà thơ Huy Cận lên dự liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc, tổ chức tại tỉnh Cao Bằng. Đáng ra nhà thơ Thứ trưởng người Tày Nông Quốc Chấn dự, nhưng vì ông bận việc nên nhà thơ Huy Cận đi thay. Có nhà thơ Bàng Sỹ Nguyên và tôi tháp tùng.

Biết nhà thơ có thời gian phụ trách đoàn nghệ thuật của ta đi biểu diễn ở Pháp và Angiêri nên mọi người yêu cầu nhà thơ kể về chuyến đi đó. Không nề hà, ông vui vẻ kể nhiều câu chuyện xung quanh chuyến biểu diễn của Đoàn nghệ thuật nước ta. Nhân đấy, ông kể ra một chi tiết thú vị.

Có một nhà báo Pháp, vì yêu đất nước và con người Việt Nam, nên mỗi khi Đoàn nghệ thuật ta biểu diễn ở đâu, anh đều tìm mọi cách để tới xem, tính ra đến gần 10 buổi. Hôm cuối, gặp nhà thơ Huy Cận, sau khi khen ngợi các diễn viên Việt Nam rất đẹp, các tiết mục rất duyên dáng, anh cũng có nhận xét: "Tôi rất ấn tượng về chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật Việt Nam, nhất là màn múa nữ dân quân dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ. Nhưng tôi thấy động tác bắn súng của các diễn viên như không đều. Mỗi hôm diễn lại khác một chút. Lúc thể hiện động tác bắn máy bay thì người giơ tay cao, người tay thấp, không thấy đều là sao?".

Biết các diễn viên múa của ta khi ấy tính chuyên nghiệp còn chưa cao, nhận xét nhỏ của nhà báo đó là chính xác, nhà thơ đã khôn khéo giải thích: "Trong thực tế, khi máy bay Mỹ ào tới, dân quân Việt Nam đâu có thể máy móc chỉ một tư thế bắn. Vì thế các diễn viên múa của chúng tôi khi biểu diễn cũng phải linh hoạt như khi chiến đấu thật". Nghe kể lại, cả hội trường bật lên tiếng cười, thầm khen tài ứng biến của nhà thơ.

Tác phong thân tình, xuề xòa

Hồi năm 1975, các cơ quan Trung ương và Hà Nội bắt đầu thực hiện chế độ làm việc thông tầm. Giữa buổi, tất cả chỉ được nghỉ đúng 30 phút để ăn trưa. Tôi nhớ, tại Bộ Văn hóa, từ Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đến các Thứ trưởng: Cù Huy Cận, Nông Quốc Chấn,  Hà Xuân Trường…dù nhà ở gần nhưng đều mang theo đồ ăn để ở lại cơ quan rất nghiêm túc.

Một hôm, đến giờ nghỉ trưa, Phòng Tổng hợp chúng tôi người nào người nấy đem cặp lồng cơm của mình chuẩn bị ăn thì nhà thơ Huy Cận mở cửa phòng bước vào. Ông chủ động nói ngay: "Xin cứ tự nhiên, mình ngồi uống nước. Các cậu ăn xong, ta nói chuyện".

Anh Kỳ Ân, một cán bộ trong phòng, người cũng rất thân với nhà thơ Thứ trưởng, đoán ông chưa ăn, bèn nói: "Tiện bữa xin mời Thứ trưởng dùng tạm cơm với anh em cho vui". Lập tức cả bảy anh em trong phòng đem phần cơm của mình tập trung một chỗ, thức ăn thì được gom vào mấy cái đĩa đựng chén uống nước.

Người khác, trong trường hợp ấy thường ý tứ từ chối, nhưng nhà thơ Huy Cận không chút màu mè, khách sáo: "Đúng là hôm nay tớ đi vội không mang cơm theo, các cậu mời, tớ sẽ ăn. Nhưng cũng phải nói trước, tớ ăn khỏe, ăn nhanh, cậu nào ăn chậm, đói, đừng trách nhé"…

Bữa trưa hôm ấy thật đạm bạc, nhưng mà vui. Anh em chúng tôi quý tính cách nhà thơ vì sự chân tình, giản dị, xuề xòa vậy

Huy Thắng
.
.