Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Giữ lòng trong suốt đời
Nhà thơ Vũ Quần Phương, trong bài viết "Người vỡ đất trở về với đất" đã có một nhận xét càng ngẫm càng thấy đúng về đời thơ Hoàng Trung Thông: "Thơ anh mang những thuộc tính của đất: Chắc bền, bình dị và có sức nuôi người".
Nổi tiếng ngay từ bài thơ tốt nghiệp lớp văn hóa kháng chiến khóa 2 (năm 1948) khi mới 23 tuổi, với "Bài ca vỡ đất", Hoàng Trung Thông không những nhanh chóng tìm ra mảnh đất thi ca cần khai phá mà ông còn nhanh chóng tìm ra được một công cụ hỗ trợ thích hợp cho việc khai phá ấy: Đó là một kiểu thơ pha trộn nhiều kiểu thơ, từ tự do tới lục bát, rồi ngũ ngôn, rồi song thất lục bát…Tất cả đều mộc mạc như lời ăn tiếng nói thường ngày của người dân quê, để nói về một công việc cũng giản dị như bao công việc khác trên đời: khai khẩn đất hoang, tăng gia sản xuất. Có lẽ, trong thơ Việt Nam, hiếm bài thơ nào mà việc cuốc cày, gieo trồng cấy hái lại được nói tỉ mỉ, lặp đi lặp lại nhiều lần đến vậy: Khổ đầu đã thấy "cuốc" đất rồi, khổ thứ 5 vẫn "cuốc", khổ thứ 6 tiếp tục "cuốc", khổ thứ 7 vẫn còn "cuốc". Thậm chí, "cuốc" hăng đến mức… chệch cả vần: "Hát lên ta cuốc cho mau/ Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên". Và thật bất ngờ, chính ngay sau cú "cuốc chệch" ấy, nhà thơ đã làm bật lên được hai câu thơ xuất thần, với một ý thơ lóe sáng đáng nhớ nhất trong cả đời thơ của mình. Đó là những câu thơ hay bởi sức hàm chứa và mang tính khái quát cao:
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Thi ca Việt Nam có nhiều bài được đặt tựa đề bắt đầu bằng hai chữ "Bài ca…", nhưng không mấy bài thực sự trở thành "bài ca" như "Bài ca vỡ đất" của Hoàng Trung Thông (bởi nhạc tính của nó). Và vì là bài ca dành cho những người lao động nên nó mang giai điệu khỏe khoắn, xốc vác, yêu đời. Bài thơ mở đầu bằng một sự "tự giới thiệu" đầy phấn khích: "Chúng ta đoàn áo vải/ Sống cuộc đời rừng núi bấy nay/ Đồng xanh ta thiếu đất cày/ Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng/ Tháng ngày ta góp sức chung/ Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây".
Bài thơ khá dài, tường thuật một cuộc "lao động trường kỳ" nhưng người đọc không cảm thấy mệt vì đã được hỗ trợ bởi những phút… "nghỉ ngơi" hợp lý. Bài thơ có cách chuyển điệu rất nhịp nhàng. Các nhân vật trong bài có lúc rộn ý chí: "Hết khoai ta lại gieo vừng/ Không cho đất nghỉ không ngừng tay ta", lại có lúc khoan thai ngắm cảnh: "Suối chảy quanh ta/ Tiếng suối ngân nga/ Hòa theo gió núi"; có lúc cần cù, nhẫn nại: "Chúng ta một lớp người nghèo/ Giữa chiều nắng gió/ Đào cây cuốc cỏ/ Tỉa đỗ trồng khoai", lại có lúc dào lên phấn chấn: "Ngày còn dài/ Còn dai sức trẻ/ Cuốc càng khỏe/ Càng dễ cày sâu/ Cuốc lên ta cuốc cho mau/ Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên".
"Bài ca vỡ đất" - ngoại trừ hai câu "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", còn thì các câu khác nếu tách riêng ta sẽ không thấy có câu nào hay. Cái hay của nó là hay ở không khí chung toàn bài. Cái quý, cái đóng góp của nó là đã truyền cho người đọc một sự hào sảng sau những năm dài chìm đắm trong những vần thơ buồn tủi, mụ mị. Nếu có ý kiến gì thì tôi chỉ xin nêu một suy nghĩ hoàn toàn mang tính cá nhân là: Giá như bài thơ chỉ dừng lại sau câu "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" thì… vừa đẹp (cũng như Nguyễn Đình Thi đã kết bài thơ "Đất nước" ở hai câu: "Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa" - thật vừa đẹp). Đó là những câu thơ có tầm vóc. Nó như cái bìa sách, vì có độ dày hơn giấy ruột nên hoàn toàn có thể dùng để đóng lại cả cuốn sách.
Đoạn thơ tiếp theo "Ta vui mùa lúa thơm/ Ta mừng ngày quả chín/ Gửi ra người tiền tuyến/ Diệt quân thù gối đất nằm sương" cũng như 4 câu tiếp theo nữa chỉ là cách nói cho "đủ chức năng nhiệm vụ". Thật ra, bài thơ đâu cần nói kỹ, nói hết như thế. Người đọc đa phần là những người chân lấm tay bùn, họ hiểu được ý nghĩa của việc khai hoang sản xuất mà.
Sau "Bài ca vỡ đất", Hoàng Trung Thông có bài "Bao giờ trở lại" ca ngợi tình quân dân. Về bút pháp, bài thơ này có nhiều điểm gần với "Bài ca vỡ đất", nhưng giai điệu "lắng" hơn. Bởi bộ đội đến rồi bộ đội đi, cuộc kháng chiến vẫn đang dở chừng, chưa đến hồi kết nên không khí chung là nhung nhớ và có những chỗ thoảng một tiếng reo muốn được nén lại, thể hiện nhiều cung bậc tình cảm. Bài thơ - dù viết với tinh thần "lạc quan cách mạng", nhưng vẫn có cái gì đó phảng phất buồn, nhất là khi nói về cái hiu vắng của thôn xóm thời trận mạc:
Làng tôi nghèo
Nho nhỏ bên sông
Gió bấc lạnh lùng
Thổi vào mái rạ
Làng tôi nghèo
Gió mưa tơi tả
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi.
Từ đó, càng quý, càng yêu cái cảnh:
Từ lưng đèo
Dốc núi mù che
Các anh về
Xôn xao làng tôi bé nhỏ.
Làng nghèo nên càng quý cái tình của những người đến với mình. Âu cũng là qui luật tình cảm.
Đọc thơ Hoàng Trung Thông, ở những bài nổi tiếng trước đây, ta ít thấy dấu ấn học vấn của ông, dù rằng trên thi đàn, ai cũng biết ông là người đọc sâu, hiểu rộng, tinh thông nhiều nền văn hóa trên thế giới. Ông từng nghiên cứu và có những bài viết sâu sắc về thơ Đỗ Phủ, dịch và giới thiệu thơ Haine, thơ Pushkin, thơ Mayakovsky. Giống như Đỗ Phủ, ông quan tâm tới đời sống, tâm tình của những phận người nhỏ bé trong xã hội. Càng về những năm cuối đời, thơ Hoàng Trung Thông càng trĩu nặng nỗi niềm nhân thế. Hơn Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông được chứng kiến công cuộc Đổi mới của đất nước, và hơn Chế Lan Viên, ông được thừa hưởng không khí những năm tháng này dài hơn (Chế Lan viên mất năm 1989, Hoàng Trung Thông mất năm 1993). Thế nhưng, trong khi Chế Lan Viên có phần "Di cảo thơ" đồ sộ tới cả ngàn bài, với cách cày xới vấn đề táo bạo, thì ở Hoàng Trung Thông, sự biến chuyển này hơi ít. Có người cho rằng, tuy thâm tâm cũng có những "nỗi niềm" này khác, nhưng vì từng nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo một số cơ quan văn hóa, văn nghệ nên Hoàng Trung Thông có nói điều gì bấy giờ cũng là "bất tiện".
Lại có người cho rằng, ở giai đoạn đó, nhà thơ của chúng ta đã suy sụp nhiều vì rượu. Tôi không cho là như vậy. Ai từng đọc toàn bộ các tác phẩm thơ của Hoàng Trung Thông đều có thể nhận thấy, dù có bị cho là "tỉnh" (Chế Lan Viên từng khuyên Hoàng Trung Thông phải biết "mê" đi một chút), song cái nhược của ông không phải là ông không biết "say", biết "mê", mà chính là bởi ông không phải là típ nhà thơ có khả năng liên tưởng dồi dào, có cách suy xét sự việc ở tầm khái quát sắc bén như Chế Lan Viên (cách diễn giải trong thơ Hoàng Trung Thông thường chân mộc; rất hiếm tìm thấy trong thơ ông những liên tưởng đặc sắc. Cái đẹp mang tính lý tưởng của mẫu nhân vật mới chính là sức chiếm lĩnh bạn đọc một thời của thơ ông), bởi vậy, nếu Hoàng Trung Thông không biết lượng sức mình mà cứ húc đầu theo hướng này thì thơ ông, dù là chuyển tải những suy nghĩ, những nhận thức thật, vẫn rất dễ trở thành những câu thuyết lý khô khan, sống sượng. Ông không muốn vậy và cái tạng thơ của ông không phải vậy.
Hoàng Trung Thông trước sau vẫn là nhà thơ của đời thường cơm áo, của những thân phận "thấp cổ bé họng" trong xã hội. Ông lắng nhìn, cảm nghe và cảm thông với từng tiếng thở dài của họ. Chỉ có nhất mực yêu thương con người, lấy con người làm "chuẩn" cho thơ ca, một tác giả mới có thể viết nên những câu ngậm ngùi cảm thương đến vậy. Trong bài "Quét lá", nhà thơ ghi lại hình ảnh một bà đi quét lá sấu rụng. Bà đi xiên xẹo, vì bị lá to hơn người, chốc chốc lại phải ngồi nghỉ. Và nhà thơ kết luận: "Ôi tôi ngồi làm thơ/ Sấu chín nhìn vui sướng/ Có biết ai mong chờ/ Lá sấu vàng rụng xuống". Một sự cảm thức chỉ có ở người giàu lòng trắc ẩn và luôn biết tự vấn lương tâm.
Thơ Hoàng Trung Thông trước kia có phần dàn trải, thì càng về cuối đời, ông càng viết chắt lọc, cô đúc. Cả hai bài có cùng tên gọi "Tứ tuyệt" này đã có sự hàm súc của Đường thi: "Ngọn mướp luồn qua cửa sổ/ Vầng trăng tỏa ánh vào nhà/ Người không thong thả trăng thong thả/ Trăng có vầng mướp có hoa"; "Tôi muốn uống rượu trong/ Lại phải uống rượu đục/ Chao! Sông cũng như người/ Có khúc và có lúc".
Những năm cuối đời, Hoàng Trung Thông được biết đến như một… tửu đồ. Ông thích rượu, ham uống và men say cũng đã phảng phất đi vào thơ ông. Có những bài ông viết tặng người thân, nói những điều gan ruột, có những cái líu ríu, va vấp của giọng… rượu. Nhưng cũng nhờ nó mà một số bài thơ của người từng giữ cương vị Vụ trưởng này đã có cái duyên riêng mà trước đây chưa từng phát lộ. Bài "Nhìn" ông viết tặng họa sĩ Mai Văn Hiến là một ví dụ: "Bên kia đường một người bơm xe/ Bên này đường một người bét nhè/ Còn tôi/ Không bơm xe, vá xe/ Không say rượu/ Tôi ngẩn ngơ trông/ Dưới gốc hòe mát rượi" - Thoạt nghe thấy cứ lơ vơ chẳng đâu vào đâu, vậy nhưng cái kết thì lại bất ngờ, đáng yêu: "Xe có thể bơm/ Rượu có thể say/ Tôi một mình nhìn và nhớ bạn/ Thấy đời mình bớt nỗi đắng cay". Vẫn "say" nhưng cái chính là tâm thế rất hiền lành, đáng yêu.
Đọc thơ Hoàng Trung Thông những năm cuối đời, ta có thể nhận thấy, dù có những bài cách thể hiện còn khô, hoặc còn thô giản, song đó đều là những suy nghĩ, tình cảm rất thực của nhà thơ, không chút màu mè, hoa hòe hoa sói. Bản thân nhà thơ từng nhận xét về mình trong bài "Nếu tôi chết": "Nếu tôi chết/ Đắp điếm ngôi mồ tôi/ Và anh hay chị sẽ viết/ Giữ lòng trong suốt đời". Đúng vậy, cả đời Hoàng Trung Thông đã giữ được cái sự "trong" ấy. Ông yêu đời, tin đời, và có lúc đời làm ông buồn. Nhưng, nói như nhà thơ Nga Bunhin "Dẫu có buồn trong thế giới này khó hiểu, thế giới này vẫn đẹp". Suốt đời Hoàng Trung Thông đã có cách nhìn cuộc đời, nhìn con người một cách đầy nhân ái, vị tha như thế, bởi ông nằm trong số không nhiều những nhà thơ đã giữ được "lòng trong suốt đời"