Nhà thơ Duy Thảo: Dành cho mẹ, dành cho em
Ông tuổi tròn 80, áo cờ đỏ sao vàng băng rôn “Việt Nam vô địch” cuốn ngang đầu, rạng rỡ cười, hân hoan ánh mắt, rưng rưng hòa vào khí thế “Sáng bừng lên theo nhịp nhảy, tiếng cười/ Từ phố đến quê người người náo nhiệt/ Quên đời thường những vướng bận nhỏ nhoi” đang diễn ra khắp mọi miền đất nước.
Bài thơ dung dị, hồn hậu được cư dân mạng nhiệt tình like, chia sẻ, đúng như cách thức Duy Thảo, trong đời thơ mình luôn chân thành mà mãnh liệt, đến cùng những tri âm tri kỉ...
Nhà thơ Duy Thảo tuổi cao, nhưng chưa bao giờ già, trừ những bất khả kháng của bệnh tật. Trên facebook (mà thi thoảng buồn tình ông lại đóng trang), Duy Thảo thường xuyên đưa hình ảnh vợ chồng ông sóng đôi, đi ăn sáng uống cà phê; lúc Mê Linh quê vợ, Tùng Ảnh quê chồng, lúc lại một địa chỉ du lịch nào đó, ông và bà luôn tay trong tay chầm chậm bước.
Nắm chặt tay vợ dường như thành mệnh lệnh Duy Thảo đặt ra cho mình, nhất là sau ám ảnh bởi nỗi sợ hãi khi bà lâm bệnh trọng.
Nhà thơ Duy Thảo (phải) và nhà văn Đỗ Chu. |
Có thể quán tính tư duy của một nhà báo lão luyện - tận bây giờ vẫn đảm đương chức phận Trưởng văn phòng đại diện Báo Dân trí khu vực Bắc miền Trung - giúp ông giữ được tinh thần trẻ và ngược lại, nỗi đau đáu suy tư của một nhà thơ tạo thành ông như người đa mang, thế sự. Duy Thảo nổi tiếng làm báo bán chạy ở thành Vinh từ những năm 1980, ngay khi giới báo chí Hà Nội còn chưa có hình dung rõ rệt về các ấn phẩm phụ.
Cũng cảm giác trong ông thường trực hai con người, một Duy Thảo nhà báo khí phách, quyết liệt, không bao giờ chấp nhận buông xuôi, thỏa hiệp; một nữa nhà thơ Duy Thảo nặng tình nặng nợ nặng những yêu thương… Sớm thành danh, ông được người yêu thơ biết tới bằng bài thơ “Mừng chiến thắng trời quê” phổ biến rộng rãi ở Nghệ Tĩnh thời chống Mỹ.
Bài thơ như một cú hích làm nên tên tuổi Duy Thảo ngay từ năm 1965, để rồi những năm sau đó, ông lại từ tốn đi, thong dong tiến, bình thản với cuộc sống của một nhà thơ giữa mảnh đất miền Trung thương khó, ở cái thời cả đất nước cũng bữa đói bữa no kham khổ chẳng kém cạnh gì…
Từng là bộ đội tên lửa, bạn đồng ngũ với nhà thơ Lưu Quang Vũ, nhà văn Đỗ Chu, từng được đi đào tạo sĩ quan ở Liên Xô, từng công tác nhiều năm tại Hà Nội, cuối cùng Duy Thảo vẫn dứt ra hết để trở về, về với người mẹ tảo tần lam lũ, với những kí ức thuở bé con thành nguồn tiếp phẩm nuôi dưỡng tâm hồn...
Có tuổi thơ cơ cực, nhiều nỗi niềm riêng, chứng kiến gánh nặng mưu sinh trĩu trên đôi vai gầy của mẹ, tuy nhiên đến thời thanh xuân sung sức, ông lại ngược xuôi khắp chốn, không đỡ đần san sẻ giúp mẹ được nhiều.
Tận đến mãi sau này, bản thân đã bước qua phía dốc bên kia cuộc đời, tình cảm dành cho mẹ vẫn dằng dặc nỗi nhức nhối dằn vặt trong thơ Duy Thảo: “Con xin mẹ dù lời xin quá muộn/ Bởi bây giờ con đã tuổi bẩy mươi/ Bóng dáng mẹ khuất dần vào thiên cổ/ Thắp nén hương xin tạ lỗi với Người/ Xin tạ lỗi ngày con còn bé dại/ Sống lang thang như lũ dễ bãi bồi/ Ăn ngọn cỏ uống vô tư sương sớm/ Khi đường xa mẹ chạy chợ ngược xuôi/ Xin tạ lỗi ngày con ra chiến trận/ Cứ ngỡ mình chịu ác liệt gian nan/ Nào đâu biết mẹ sống bên ụ pháo/ Ngày tải thương đêm ra sức cứu hàng/ Nhà bom giội hai lần lều dựng tạm/ Thư cho con vẫn kể chuyện bình yên/ Chị con chết mẹ giấu chưa báo vội/ Chỉ mong con “chân cứng đá mềm”.
Nghĩ đến mẹ là nghĩ đến quê hương, ở giữa quê hương lòng khôn nguôi canh cánh với dòng La, với những xóm làng chỉ có cảnh sắc thiên nhiên là đẹp như cổ tích, với những âm ỉ nội tâm như những cơn đau dạ dày dai dẳng, không cách chi dứt điểm. Hiếm thấy ai nặng lòng với quê hương làng xóm như Duy Thảo.
Cả một đời thơ, Duy Thảo chân chỉ tự vấn, nhiều năm sau âm hưởng lạc quan của “Mừng chiến thắng trời quê”, ông đã buồn hơn, canh cánh hơn, đã trở đi trở lại trong những câu hỏi chưa thể nào ra đáp án: “Cái thời tôi viết cho ai/ Ngày đi quên rộng, đêm dài quên sâu/ Đường đời trong đục biết đâu/ Bạn bè đổi áo thay mầu trắng đen/ Có điều cay đắng bỗng quen/ Có lời ngon ngọt trở nên dối lừa/ Luân thường tìm lại xa xưa/ Thủy chung cam chịu rau dưa mặn mòi/ Cái thời tôi viết nhắc tôi/ Đêm đêm trái gió trở trời đêm đêm”…
Lại nhớ về năm 2018 thời điểm trận chung kết bóng đá U23 châu Á bóp nghẹn trái tim người hâm mộ Việt Nam, Duy Thảo đón nhận một món quà hơn cả bất ngờ sung sướng. Cô con gái thứ của ông, nhà báo Phan Thanh Phong (tên Phong mà ông đặt theo xã Châu Phong quê ông và Tiền Phong quê vợ), từ Hà Nội chúc mừng cha tuổi 80 bằng cách chọn ra 80 bài thơ đáng nhớ nhất suốt chiều dài bấy nhiêu năm tháng, làm thành tập “80 bài thơ Duy Thảo” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) kèm những phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.
Âm thầm làm, rón rén gửi theo xe đò về Hà Tĩnh, hồi hộp chờ phản ứng của cha, bởi không rõ ông có thích không, có hài lòng không, nhưng rồi may là ông vui và hạnh phúc. Duy Thảo vốn khái tính và kỹ tính, nên cả cuộc đời lẫn con cái đều khó chiều ông, tuy ở phía đối trọng, ông lại ráng sức chiều cuộc đời và những người chung quanh.
Ông giờ chiều nhất là vợ, một tay chăm sóc bà, bao bọc bà, giúp bà dần dần phục hồi sau cơn đột quỵ, như muốn bù đắp lại mọi cơ cực vất vả mà thiếu nữ đất Mê Linh theo chồng về quê nghèo Hà Tĩnh đã gánh chịu bao đoạn đường đời: "Qua cơn tai biến, em ra viện/ Anh mừng như thuở đón cô dâu/ Gian buồng ngăn nắp hơn ngày cũ/ Chăn gối tinh tươm tựa buổi đầu/ Bữa cơm đoàn tụ đông con cháu/ Chuyện vui san sẻ ấm ngôi nhà/ Nhìn em lóng ngóng cầm rơi đũa/ Anh thương, nước mắt bỗng trào ra...".
Vợ chồng nhà thơ Duy Thảo trên đường về quê. |
Nói như nhà thơ Vi Thùy Linh, bà Phước - cô gái xứ Bắc bị nhà thơ nghèo “đồng hóa”, trở thành người miền Trung đặc sệt, đến tiếng nói cũng nằng nặng âm sắc miền Trung. Rốt cục, cũng chả ai, chả sức mạnh vật lý nào “đồng hóa” được ai, nếu cá nhân người đó không tự nguyện, bởi đã có sự thôi thúc ràng buộc thiết yếu nhất: tình yêu đôi lứa và nghĩa vợ chồng. Có căn cốt tình yêu của hai người đàn bà là mẹ và vợ, Duy Thảo đã chân thành đáp lại bằng thơ, bằng hình bóng rỡ ràng cụ thể nhất của những người đàn bà thân yêu nhất, trong rất rất nhiều những bài thơ nghèn nghẹn, thổn thức…
Duy Thảo tuổi Mậu Dần, sinh năm 1938, thời gian hanh hao sức vóc hanh hao, tuy ông vẫn lơ đễnh với chính mình mà chỉ dành mối bận tâm trước hết cho sức khỏe của vợ. Những “em”, những “ả”, cả những “bóng hồng” trong đời thực lẫn trong thơ giờ đều thành hư vô biệt tăm tích, chỉ đọng lại một đời tận tụy của người đàn bà đầu gối tay ấp, bao năm tháng ròng chống mắt phục vụ những cuộc rượu thơ của chồng và thi hữu bạn chồng, tất tả chăm con, nuôi con cho chồng đeo đuổi nghiệp thơ, nghề báo: “Thế mà thoắt bốn lăm năm/ Em về Hà Tĩnh quen dần gian lao/ Những năm đạn xới bom đào/ Tay mềm chân yếu nơi nào cùng đi/ Nỗi lo củ sắn hạt mì/ Chồng đau con dại có chi đỡ đần/ Thế mà thoắt bốn lăm năm/ Bây giờ đông đúc cháu gần con xa/ Vẫn mong thơm tiếng ông bà/ Ốm đau hai tấm thân già dựa nhau/ Quản gì nắng quái mưa ngâu/ Thác về sống gửi biết đâu mà lần”…
Ông và bà, vẫn một tháng đôi lần, từ Hà Tĩnh ra Hà Nội thăm con thăm cháu, cả để ông họp hành công việc với cơ quan ông. Trừ những lúc vướng vào sự vụ, còn ngoài ra, ông hiếm khi rời mắt khỏi bà. Dứt khoát chưa cần đến con cháu, toàn những người thành đạt và hiếu thảo phải chăm lo, nhà thơ Duy Thảo tuổi ngoài 80, tự tay quán xuyến nâng giấc bữa cơm giấc ngủ cho vợ, gieo vào trong ngày thường tấm chân tình của thi nhân với cuộc đời thật, với những con người thật cận kề ngay bên cạnh.
Ông sống cũng như làm báo, đối nhân xử thế cũng như thơ mình, ngay thẳng chân thành và chắt chiu vun vén những yêu thương.