Nhà báo Trần Thanh Phương: Kiến tha lâu đầy tổ

Thứ Tư, 14/04/2010, 15:00
Cuối năm 2008, NXB Giáo dục đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách "Chân dung và bút tích các nhà văn Việt Nam" (tập I) do vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương sưu tầm, biên khảo. Cuốn sách dày hơn 500 trang được in bìa cứng, đẹp, sang trọng, công bố 250 chân dung và bút tích của các nhà văn Việt Nam được vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương dày công sưu tầm trong hơn 30 năm.

Đây quả là một cuốn sách quý, có giá trị như một "bảo tàng sống" về các nhà văn Việt Nam hiện đại. Nhưng để có được cuốn sách mang nhiều dấu ấn ấy, vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương đã trải qua không ít nhọc nhằn. Công việc của họ được nhiều người yêu mến ví với hình ảnh của chú kiến tha lâu đầy tổ, của chú ong chăm chỉ sớm tối góp chút mật ngọt cho đời...

Nhà báo Trần Thanh Phương mới nghỉ hưu được dăm năm nay ở cương vị Phó Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết (văn phòng đại diện Miền Nam). Từng có nhiều bài báo viết về ông với tư cách là nhà sưu tầm tư liệu văn hóa có một không hai ở Việt Nam. Ông cũng từng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục, đó là: "Người có bộ sưu tập bài báo lớn nhất Việt Nam" (năm 2005) và "Người có cuốn sách sưu tập bài báo lớn nhất Việt Nam" (năm 2006).

Trần Thanh Phương kể rằng, ông khởi đầu công việc sưu tầm chỉ đơn giản là vì công việc của người phóng viên ở Báo Nhân Dân. Lúc ấy, ông được giao nhiệm vụ tiếp cận với cán bộ, chiến sĩ từ chiến trường miền Nam ra công tác, học tập, chữa bệnh để viết những câu chuyện sống, chiến đấu và làm việc của họ.  Càng sưu tầm, ông càng đam mê và cho đến nay gia tài mà ông sưu tầm được từ các bài báo, sách vở đã có khối lượng lên tới… trên 2 tấn.

Song song với công việc sưu tầm tài liệu từ báo chí, Trần Thanh Phương đã bắt đầu sưu tầm các bài báo, ảnh chân dung và bút tích các nhà văn từ rất sớm, năm 1977. Người đầu tiên mà ông gặp để xin bút tích là nhà thơ Phạm Huy Thông, nguyên là Hiệu trưởng của Trường đại học Sư phạm nơi ông từng theo học. Bắt đầu bằng lòng yêu mến với văn chương, rồi đến sự khâm phục rằng: "Không biết bằng cách nào mà các nhà văn, nhà thơ lại có thể viết ra hàng ngàn trang sách hay và đẹp đến thế", Trần Thanh Phương đã lặn lội tìm gặp họ để xin ảnh, xin bút tích. Lúc đầu, ông cũng chỉ…"xin chơi", tức là xin về rồi lồng vào khung kính treo lên tường nhà và xem đó như một bức tranh đẹp để thưởng thức. Nhưng rồi theo năm tháng, khối lượng ảnh và bút tích cứ dày lên, ông phải gỡ bớt những khung cũ xuống để treo lên cái mới sưu tầm được. Dần dà, nó trở thành một bộ sưu tập khổng lồ đến nay đã lên tới con số gần 500. Trong số đó, có những bộ sưu tập về nhà văn rất quý hiếm như bộ gần 200 bài báo viết về nhà văn Nguyễn Tuân, hàng trăm bài báo viết về cặp vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, về cặp mẹ con NSND Bảy Nam - NSƯT Kim Cương…

Riêng với bộ sưu tập các bài báo về nhà văn Nguyễn Tuân được xem là đầy đủ hơn cả… Thư viện Quốc gia. Đó là tài liệu quan trọng và hữu ích với các nhà văn, nhà báo, sinh viên, nghiên cứu sinh ngành văn muốn tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà báo Trần Thanh Phương cho biết, cách đây khoảng chục năm, ông có nhờ nhà văn Nguyễn Quang Sáng đem ra Hà Nội gửi ông Xuân Đào - là con trai nhà văn Nguyễn Tuân bộ sưu tập này. Gia đình cố nhà văn Nguyễn Tuân rất cảm động. Cuốn sách đã được con trai nhà văn trân trọng đặt lên bàn thờ để thắp nhang và nói: "Chúng con rất cảm ơn anh Trần Thanh Phương. Nhờ vậy mà chúng con mới biết những gì về bố mà chúng con chưa được biết…".

Có được bút tích của gần 500 nhà văn cũng là có tới ngần ấy câu chuyện thú vị có thể kể cả ngày không hết. Cũng phải nói thêm rằng, Trần Thanh Phương có được số bút tích ấy là qua nhiều con đường, như viết thư, gọi điện thoại, nhờ bạn bè gặp các nhà văn… nhưng chủ yếu vẫn là từ con đường gặp trực tiếp. Mỗi lần viết thư xin bút tích, ông viết liền dăm bảy chục lá thư một lúc. Cách này tuy ít tốn kém nhưng cũng… ít hiệu quả vì thi thoảng mới có nhà văn dành thời gian viết thư trả lời.

Trong số thư trả lời của các nhà văn, ông cảm động nhất là lá thư của nhà văn Nguyễn Minh Châu viết cho ông khi nhà văn đang chữa bệnh ung thư máu giai đoạn cuối ở chùa Pháp Hoa (Đồng Nai); thư của con trai nhà thơ Bàn Tài Đoàn thay bố hồi âm vì sức khỏe cha anh đã yếu, đồng thời gửi bút tích cũng như "Tuyển tập thơ văn Bàn Tài Đoàn" tặng Trần Thanh Phương. Nhà thơ Bàn Tài Đoàn cũng chính là người mà Trần Thanh Phương phải đổ nhiều công tìm kiếm nhất. Khi tìm theo địa chỉ ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng thì vợ chồng ông lại được chỉ sang Bắc Cạn; tìm đến Bắc Kạn họ lại chỉ sang Thái Nguyên rồi Lạng Sơn. Sau này ông lại hay tin lão nhà thơ đã chuyển vào Đắk Lắk ở với con. Không nản chí, cuối cùng sau bao khó nhọc và tốn kém, Trần Thanh Phương đã có được điều mà mình mong đợi.

Việc gặp trực tiếp các nhà văn với Trần Thanh Phương cũng không dễ vì các nhà văn có xu hướng di chuyển luôn. Có nhà văn ông chỉ gặp một lần là xin được, nhưng cũng có nhà văn phải dăm lần bảy lượt vẫn chưa thành công. Bởi vì phần đa các nhà văn, nhà thơ đều ngại cho chữ, phần vì khiêm tốn, phần vì… lười, lại không hiểu "thằng cha này xin để làm gì" nên nhiều người từ chối. Thậm chí có nhà văn còn nói: "Mình còn sống, chưa chết đâu mà để lại bút tích!".

Đã nhiều lần Trần Thanh Phương tìm gặp các tên tuổi trong làng văn như nhà văn, Giáo sư Vũ Khiêu, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Đỗ Chu, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhưng đều… thất bại. Ra Hà Nội lần này, ông vẫn quyết chí gặp cho bằng được các nhà văn "khó tính" này để bổ sung vào bộ sưu tập của mình vì theo ông, bộ sách của ông không thể thiếu những gương mặt ấy.

Nhà báo Trần Thanh Phương tâm sự: "Cuộc gặp khiến tôi cảm động nhất  là cuộc gặp nhà thơ Chính Hữu. Lúc ấy, ông đã bị tai biến, sức khỏe yếu và hầu như không cầm bút được. Nhưng thấy mình tha thiết quá, cuối cùng nhà thơ cũng viết được 4 chữ run run "Đầu súng trăng treo" và ký tên. Có lẽ, đó cũng là những dòng chữ cuối cùng của ông. Còn nhà thơ khó xin chữ nhất là nhà thơ Huy Cận. Đã ba lần tôi đến tận nhà để xin rồi nhưng nhà thơ đều quay lưng và bực dọc nói: "Muốn tìm hiểu nhà văn, nhà thơ thì tìm đọc tác phẩm của người ta chứ xin chữ ký, bút tích của họ làm gì? Anh đừng làm phiền nhà văn, nhà thơ…". Và cả ba lần ấy, Trần Thanh Phương Phương đều ngậm ngùi quay về.

Mãi sau này, khi có lần nhà thơ Huy Cận vào làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bộ phận miền Nam) ngay cạnh cơ quan Báo Đại đoàn kết nơi Trần Thanh Phương công tác, Trần Thanh Phương liền sang mời nhà thơ sang thăm báo và tiện thể, tranh thủ dẫn nhà thơ vào thăm phòng riêng xem những bộ sưu tập về các nhà văn nhà thơ mà mình đã dày công lưu trữ mấy chục năm nay. Nhà thơ Huy Cận thực sự xúc động. Ông đánh giá cao việc làm của Trần Thanh Phương và chỉ đến khi ấy mới chịu mở cặp viết tặng mấy câu thơ trong bài "Tiếng Việt": "Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/ Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/ Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con".

Với nhà thơ Huy Cận là vậy, còn với bạn thân của ông - nhà thơ Xuân Diệu thì lại thực dễ dàng. Khi Trần Thanh Phương tìm gặp Xuân Diệu trong chuyến đi công tác ở Tây Ninh về, nhà thơ cao hứng tặng luôn ông bài thơ "Tây Ninh nỗi chốn tôi đi" mà ông vừa cảm tác trong đêm.

Tôi may mắn gặp được nhà báo Trần Thanh Phương khi ông vừa ra Hà Nội dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Báo Nhân Dân - cơ quan cũ của ông. Nhân chuyến đi này, ông tranh thủ từng giờ để tìm gặp hơn hai chục nhà văn đương đại hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội mà ông đã lên danh sách, địa chỉ, số điện thoại sẵn từ nhà để bổ sung và chuẩn bị hoàn thiện bản thảo cuốn "Chân dung và bút tích các nhà văn Việt Nam" (tập II). Trần Thanh Phương cho biết, ở tập sách thứ 2 này, hiện ông đã có chân dung và bút tích khoảng 220 nhà văn. Vì vậy, vợ chồng ông đang cố gắng hết sức để tiếp cận các nhà văn sao cho tập II của "Chân dung và bút tích các nhà văn Việt Nam" ra mắt kịp vào dịp cuối năm nay.

Nhà báo Trần Thanh Phương đã bước vào tuổi 70. Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống nhưng ông vẫn giữ được nụ cười hết sức hồn hậu, vô tư. Ông kể về công việc sưu tầm bút tích các nhà văn của mình cũng giản dị như chính con người ông vậy. Ông chỉ còn một điều bận tâm duy nhất, ấy là không biết sau này khi vợ chồng ông mất đi, cái "kho tư liệu" quý giá mà vợ chồng ông cất giữ không biết sẽ để lại cho ai là người biết trân trọng và sử dụng nó một cách có hiệu quả?

Việt Hà
.
.