Nhà báo Lê Thấu - Người bạn quý của giới cầm bút

Thứ Bảy, 19/06/2021, 17:53
Lê Thấu sinh năm 1938, là người Hà Nội chính gốc nên mang rõ phong cách đặc trưng của người Hà Nội: Lịch thiệp, hào hoa, giản dị, nhẹ nhàng, tế nhị. Với một phẩm chất ít người có. Đó là sự nhiệt thành với bè bạn không với bất cứ động cơ cá nhân nào.


Hồi ông làm Phó ban Nhân dân chủ nhật cách đây đã trên dưới 40 năm, tôi còn trẻ, đang là một phóng viên nghệ thuật ở tờ báo của Bộ Văn hóa, hay lui tới chỗ ông để gửi bài. Ông đón tiếp tôi niềm nở như mọi cộng tác viên (CTV) gạo cội, tiếng tăm khác mà không phân biệt quen biết hay xa lạ, đã có danh hay chưa. Bài đăng được hay không, ông trả lời luôn. Nếu đăng, ông nói rõ sẽ đăng số nào. Nhưng phần lớn là nếu đăng được, ông đăng luôn chứ không “om”, “ngâm cứu”. Và ông nói rõ lý do không đăng. 

Ông tế nhị, lịch sự nên với những CTV có chút tên tuổi, vị thế xã hội, ông trả lời tác giả là bài không phù hợp với báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của TW Đảng, nhưng có thể đăng được ở báo khác. Còn với những tác giả xa lạ, ông chân tình góp ý nội dung và cách thể hiện, thậm chí cả từ ngữ, câu cú… Cách góp ý hoặc từ chối của ông khiến người không được đăng bài vẫn vui vẻ tiếp nhận mà không mất lòng. 

Bản thân tôi cũng học được nhiều ở ông. Trước khi gặp Lê Thấu, tôi hoặc là bỏ bài, hoặc là cứ thế đăng để rồi bị Tổng biên tập phê bình là đăng bài kém chất lượng. Lê Thấu có một phẩm chất rất quý của người làm báo là dùng bài của ai, chỉ “án tại hồ sơ”, tức chỉ căn cứ vào bài báo mà không thành kiến với tác giả. Không có chuyện yêu, ghét tác giả mà đăng bài hay không. 

Nhà báo Lê Thấu. 

Ông vẫn thường xuyên đăng bài của một tác giả nọ. Người này rất tai tiếng ở cơ quan, bị mọi người khinh thường, có phong cách, nói năng lỗ mỗ, kém văn hóa. Tôi hỏi ông sao có thể đăng bài của một người như thế trên báo Nhân dân thì ông trả lời: “Cậu ấy thế nhưng viết được. Cứ được là mình đăng thôi. Chỉ người mất quyền công dân mới không thể dùng bài”. 

Có một thời gian, do bận mải đi thực tế sáng tác mà bẵng đi có đến cả năm, tôi không có bài gửi, lúc gặp nhau, Lê Thấu nhắc tôi: “Lâu rồi không thấy Nguyễn Đình San gửi bài nhỉ”. Tôi rất cảm kích bởi nghĩ mình đâu có tầm cỡ gì mà ông phải cần bài của mình. Tôi nói ý nghĩ này thì ông bảo: “Đúng là có những vấn đề, những trang cần tiếng nói của những vị chức sắc. Nhưng còn nhiều nội dung khác nữa chứ. Ông cũng đang làm báo, chắc biết điều này?”.

Tôi vẫn nói với mọi người: “Phòng làm việc của Lê Thấu như là cái “quán tha hồ muôn khách đến”, là “bình chí thu họp muôn phương”. Bởi tuy là “sếp” nhưng ông không có phong cách khệnh khạng, luôn làm ra vẻ ta đây bận rộn, quan trọng, luôn tạo một khoảng cách với cấp dưới và những người không cần đối với mình. Khi ông chuyển sang làm Tổng biên tập báo Sức khỏe và đời sống (Bộ Y tế), vẫn vậy, bình dị, hòa đồng, vui vẻ, cởi mở, lại càng là “bình chí thu họp muôn phương”. Ông thu nạp bất cứ ai, miễn là có năng lực, hiệu quả trong công việc. 

Tình cờ gặp Hoàng Dự giữa đường, thăm hỏi nhau, Dự cho biết đang là những ngày lang thang, “thất nghiệp”, ông mời luôn anh chàng về báo mình làm việc. Số là trước đó Hoàng Dự là Tổng biên tập báo Thanh nên thời đại – cơ quan ngôn luận của Ủy ban Thanh niên Việt Nam. Tờ báo này vừa ra đời đã gây được ấn tượng, phát hành với số lượng “khủng”, bán rất chạy. Nhưng sau đó, Ủy ban này giải thể. Đương nhiên, tờ báo cũng không còn và người đứng đầu phải ngồi chờ việc khác. Đang lúc đó thì Hoàng Dự gặp Lê Thấu. 

Ngay sáng hôm sau, Dự đến làm việc tại báo Sức khỏe và Đời sống với vai trò Thư ký tòa soạn kiêm phụ trách việc phát hành, làm kinh tế cho báo. Lê Thấu trụ ở đây qua 4 đời Bộ trưởng Y tế. Mãi đến năm 67 tuổi, ông mới được về hưu. Điều đó chứng tỏ ông phải khẳng định mình như thế nào mới có thể được như vậy. Ông làm tờ này từ hai bàn tay trắng, phải đi vay tiền để lo tất cả, không được hỗ trợ một xu. Bản thân ông không có lương trong một thời gian. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, tờ báo phát triển, ăn nên làm ra. Có thể nói, ông là một trong những Tổng biên tập báo giỏi nhất thời kỳ đổi mới, không còn bao cấp.

Bìa tập truyện ký "Trong căn nhà sàn bé nhỏ" của Lê Thấu.

Biết ông chuyển sang đứng đầu tờ báo của Bộ Y tế nhưng tôi không có ý định cộng tác gì vì nghĩ mình không thể viết lách về ngành này. Nhưng không ngờ nhiều nhà văn, nhà báo tiếng tăm đã tụ hội ở đây để xúm vào viết cho báo ông. Hóa ra ngoài những trang chính nói về những vấn đề của ngành y, Lê Thấu mở ra nhiều trang bàn về xã hội, chính trị, văn hóa. Đây chính là đất cho giới văn nghệ sỹ có thể viết. 

Tổng biên tập Lê Thấu luôn trân trọng mọi phong cách, ít khi sửa văn của các CTV, cùng lắm buộc phải sửa, ông đích thân trao đổi với họ. Ai cũng cảm thấy được tôn trọng mà “ho hen chẳng còn”, cứ thế mà gửi bài đến ùn ùn, không để ý đến nhuận bút. Tuy nhiên, ông đã trả đàng hoàng, nhanh chóng và hậu hĩnh.

Không chỉ là nhà báo, người quản lý báo, Lê Thấu còn là nhà văn. Tuy nhiên do ông rất tự khó tính với ngòi bút của mình mà sau một đời cầm bút với nhiều trăn trở, sáng tạo, cách đây mấy năm, ông đã chọn lọc trong nhiều tác phẩm của mình để xuất bản một tập truyện ký mỏng, khổ nhỏ có tên “Trong căn nhà sàn bé nhỏ”. Đây là những truyện ông viết về mảnh đất Tây Nguyên sau ngày giải phóng với những gì tâm huyết, ruột gan nhất. 

Do nhiều năm làm phóng viên thường trú của báo Nhân dân tại Tây Nguyên, lại vốn dĩ có bản tính ham học hỏi, khám phá nên ông am hiểu tường tận, sâu sắc mảnh đất và con người nơi đây. Điều này khiến những trang viết của ông đều ngồn ngộn chất liệu của cuộc sống. Cách viết của ông cũng bình dị, tự nhiên như con người ông, kể chuyện, miêu tả mọi điều cứ như cuộc sống vốn dĩ là như thế, không một chút tô vẽ, tỉa tót, dùng bất cứ thủ pháp kỹ thuật nào. Nhưng người đọc bị lôi cuốn bởi những chi tiết sinh động, bởi tình người ấm áp toát ra trên từng trang sách.

Nhìn bề ngoài Lê Thấu, ai cũng dễ nghĩ ông có cuộc sống ổn thỏa, viên mãn để chỉ toàn tâm toàn ý lao vào công việc quản lý và cầm bút. Nhưng sự thật không như vậy. Ông có hoàn cảnh từ mấy chục năm nay là luôn “dị sàng” tuy không đến nỗi “dị mộng”. 

Ông cũng từng có một tình yêu thật đẹp để dẫn tới hôn nhân rồi người vợ yêu quý đã cùng ông sinh ra ba con sau này đều trở thành các nhà báo. Vợ ông là một cô gái xinh đẹp quê Quảng Ngãi, theo cha ra Bắc sau năm 1954 rồi là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp. Bà tuy kông học về văn chương nhưng viết lách, đặc biệt là làm thơ hay, từng có nhiều thơ đăng báo và xuất bản. Ngay sau khi cưới, cuộc sống của Lê Thấu và vợ luôn gặp khó khăn về chỗ ở nên hầu như điều kiện để họ được “gần” nhau là rất ít. Rồi bà lại sinh liền một mạch ba người con. Càng “xa” thêm. Và khi chúng bắt đầu lớn lên, bà mắc bệnh tâm thần phân liệt, ngày đêm luôn hoang tưởng. 

Lê Thấu kể rằng, cả đời ông, những lần cùng vợ chung một giường là rất hiếm hoi. Lâu dần thành quen. Cả hai người cảm thấy nằm tách riêng là thoải mái, dễ chịu. Bệnh tình của bà ngày càng trầm trọng, không có khả năng chữa khỏi. Hiện tại, hàng ngày, cứ mỗi lúc phát bệnh, bà lại không thể làm chủ được hành vi của mình.

Lê Thấu sống trong hoàn cảnh này đã mấy chục năm nay. Điều đó cũng giải thích lý do ông đã không thể sáng tác được nhiều hơn như mong muốn. Vậy nhưng con người hào hoa phong nhã, dễ chiếm được tình cảm của phái yếu lại luôn “nghiêm túc”, chưa bao giờ nghĩ tới một bóng hình nào khác. Ông nói do rất trân trọng và sống mãi với những kỷ niệm đẹp trong quá khứ và hiện tại rất thương vợ nên không thể khác. Chi tiết này càng hoàn thiện tính cách của Lê Thấu – một gương mặt báo chí, văn chương thật đáng yêu. 

Nguyễn Đình San
.
.