Nguyễn Tiến Thanh và những chiều không tên, những mùa mây trắng
- Nhà thơ Thạch Quỳ: Tác phẩm chưa có mới là giải thưởng của sáng tạo
- Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa: “Mỗi trang viết luôn trĩu nặng nỗi niềm, mong ngóng”
- Nhớ nhà thơ Vũ Duy Thông: Một người anh hiền hậu, chí tình…
Nói là mong đợi vì tôi biết Nguyễn Tiến Thanh là người làm thơ có giọng điệu riêng ngay khi anh còn là sinh viên Văn khoa Tổng hợp Hà Nội những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Hai thi sĩ trẻ, Nguyễn Tiến Thanh và Trần Quang Dũng đã từng in chung một tập thơ “Lời yêu trong mắt” khi một chàng 22, một chàng 23 tuổi.
Khi ra trường, anh chuyển hẳn sang làm báo và dành hết tâm huyết cho sự nghiệp mới mẻ này, có nhiều thành công trong việc xây dựng hai tờ báo Gia đình & Xã hội và Đời sống & Pháp luật. Thơ ca dường như chỉ là kỷ niệm, là “mối tình” không thiết thực trong đời khi mà kinh tế thị trường lên ngôi và công nghệ giải trí thống soái.
Bìa 2 tác phẩm mới của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh. |
Nó đối lập với “ngày xưa”, thời Tiến Thanh còn là sinh viên “rượu say chất ngất, vĩ cuồng trên mây, cả ngày không làm gì, chỉ mỗi làm thơ”. Thơ Tiến Thanh ngày ấy, nhiều sinh viên thuộc đến bây giờ, vì nó có sự ngọt ngào hương vị của môi hồng, má thắm tuổi trăng tròn, hương vị ngàn xưa của những mùa cổ điển, lại có sự ngang tàng, phóng khoáng của một lãng tử coi trời đất không bằng nửa ánh mắt của một người con gái. Trong thơ Thanh, ngày ấy chỉ em, em...
Tôi còn nhớ, những đêm thơ có nghìn người nghe ở Mễ Trì, khi Thanh đọc “Cô gái ơi, đi đâu mà vội vã/ Va phải người ta – rách áo rồi này / Tay con giai vốn vụng đường may vá/ Đời thì nghèo, lấy đâu áo mà thay”... cả hội trường vỗ tay ran lên. Và hình như, sau đó nhiều chàng trai Tổng hợp mặc cả áo rách đến lớp... Thanh da trắng, tóc xoăn rất hiền, hơi nhút nhát trước con gái, thế mà thơ cứ sấn sổ: “Thị ơi, thị rụng bị bà/ Thị thơm, có phải thị là em không?”; “Anh yêu em, điều đó dĩ nhiên rồi...”; “Em có biết rằng em cơn gió lạ/ Thổi rạp đời anh – ngọn cỏ mùa thu...”.
Thơ Tiến Thanh, Nguyễn Đức Hạnh, Đoàn Ngọc Thu, Nguyễn Hồng Hải, Trần Quang Dũng, Thu Thủy, Ngọc Diệp..., một lứa bên trời ấy để lại ấn tượng mạnh mẽ về sự duy mỹ của những nghệ sĩ ngôn từ, phóng túng của những người phiêu lãng; của những tư duy và triết lý đặc thù thể hiện sự thông minh và đôi khi... “ngộ chữ”.
Tiến Thanh là đứa con đích dòng của “trường phái thơ” Đại học Tổng hợp Hà Nội. Phải là kẻ lơ lửng, là người ở trên, ở khác mọi hệ thống mới có thể viết những câu thơ ảo diệu: “Chiều không tên như vết mực giữa đời/ Anh ngắt nắng xem hoàng hôn rớm máu”; “Anh mất ngủ, ngàn đêm phiêu bạt/ Uống cô miên, khất thực mưa phùn/ Quên, nhớ, tiếc vỗ đàn và hát/ May mà còn gặp được quỳnh hương” hay “Bờ đê cỏ mọc đã đành/ Hoa đào cũng nở tôi thành tương tư”; “Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát/ Đầu trần đi giữa nắng nhân gian...”
“Chiều không tên như vết mực giữa đời” là tập hợp những bài thơ sinh viên của 30 năm trước. “Loạn bút hành” là tập thơ của một Tổng Biên tập, một người ở tuổi 40 không nghi hoặc, mơ mộng điều gì nữa và tuổi 50 biết được cả mệnh trời. Nhưng tôi vẫn thấy một Tiến Thanh xưa, yêu say đắm đuối, hoài vọng không thôi về một miền lý tưởng. Bài “Tổng kết” viết năm 2018, năm anh tròn tuổi 50:
Nói tóm lại, không có gì mà kể
Mắt hoang vu đi qua tuổi hững hờ
Tưởng buông hết mưa nguồn chớp bể
Đâu có ngờ mây trắng vẫn hư vô
Nói tóm lại, nếu chân trời đừng hiện
Một cầu vồng bảy sắc sau mưa
Thì ta đã chẳng bao giờ tín niệm
Những mơ hồ, hoang tưởng, vu vơ.
Bởi chân trời luôn hiện những cầu vồng, nên nhà thơ vẫn luôn tín niệm về một cõi đời có bảy sắc lung linh, nơi có lẽ chỉ tình yêu và nghệ thuật ngự trị. Thơ Tiến Thanh là tiếng gọi lay thức, hướng con người tới cõi xa mơ ấy. Cõi ấy có ngày nào hiện lên trong đời thực cho tất cả mọi người không? Chưa biết. Nhưng chắc chắn, nó vẫn âm thầm nhen nhóm, vẫn tưng bừng, rực rỡ trong những lòng người. Nó nhen nhóm, thanh tẩy và phục sinh:
Ta cần vu vơ an trú
Thanh tẩy ta trong thánh đường vô định
Phục sinh ta trong một nhiệm màu.
Thơ Tiến Thanh có sự nhiệm màu ấy.