Người kể chuyện di sản bằng vải vóc

Thứ Sáu, 23/10/2020, 15:27
Với triển lãm "Nhặt lá rừng xưa", thêm một lần nữa Võ Trân Châu bước tiếp trên những vùng di sản, lịch sử mà mình đã say mê trong suốt 9 năm. Thông qua kỹ thuật điểm ảnh, vải vóc, màu sắc và cảm hứng từ những di sản kiến trúc bị bỏ quên, nữ nghệ sĩ trẻ đã đặt lên bàn cân một cuộc tranh giành thế lực giữa mắt người và camera điện thoại.


Nhìn di sản bằng camera điện thoại

Các tác phẩm được trưng bày tại "The Factory Contemporary Arts Centre" được đặt tên theo chủ đề là "Nhặt lá rừng xưa". Từ lâu, cuộc tranh giành thế lực giữa mắt người và camera máy ảnh/điện thoại đã trở thành một chủ đề nóng hổi của các tín đồ và nhà phát triển công nghệ. Một lần nữa, hai thế đối trọng này được mang đến để chiêm nghiệm trong triển lãm của Võ Trân Châu.

19 tác phẩm trong "Nhặt lá rừng xưa" là tập hợp hình ảnh những kiến trúc nhà cổ, ga tàu, xưởng dệt, bến cảng được xử lý qua công nghệ điểm ảnh (pixel) trên chất liệu vải tái chế. Vậy nên để có thể thưởng thức một cách rõ ràng nhất những tác phẩm này, bạn hoặc phải nheo mắt lại, hoặc phải nhìn mọi thứ qua màn hình camera của mình.

Đây chính là điểm thú vị nhất trong triển lãm của Võ Trân Châu. Cô đã thẳng thắn đặt ra vấn đề di sản, lịch sử trong con mắt của một người trẻ hiện đại. Liệu rằng chúng ta đã có cái nhìn đủ trọng thị, khiêm nhường và tĩnh tại đối với những vấn đề căn tính này chưa? Hay chính tấm màn lọc công nghệ đang vô tình làm chúng ta thờ ơ và lãnh đạm hơn trước sự kêu cứu của di sản.

 "Nhặt lá rừng xưa", theo tác giả chia sẻ là một tích truyện thể hiện triết lý của Phật giáo, rằng "lấy vô thường làm cốt lõi". Điều này thể hiện được tính quy luật, cả sự buông bỏ mà thời gian chằng níu lên vạn vật, trong đó có di sản. Nhưng liệu trong cái "vô thường cốt lõi" kia, có một chấp niệm nào đang cố gắng chống lại dòng chảy cuộn xiết của thời gian hay không?

Cách xử lý chất liệu vải cũ độc đáo tạo nên hiệu ứng điểm ảnh trong tác phẩm.

Theo dấu Võ Trân Châu ngay từ những buổi đầu, tôi nhận ra sự thông minh, tinh tế và sắc sảo của nữ nghệ sĩ này không chỉ đến từ đề tài, mà còn ở chính chất liệu mà cô đã dày công thể nghiệm trong tác phẩm của mình trong suốt 9 năm qua.

Sức mạnh của đường kim mũi chỉ

Tốt nghiệp ngành sơn mài tại Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nhưng chưa có bất cứ triển lãm nào của Võ Trân Châu gắn với chất liệu này cả. Thay vào đó là vải, rất nhiều vải. Võ Trân Châu đã nói về vải như thể vải vóc ấy là một khu rừng thiêng, nơi cô (biết đâu) sẽ có cơ hội trở thành một vị á thần với những thi triển bùa phép của riêng mình cùng đường kim, mũi chỉ. 

Thứ duy nhất cô mang theo từ chuyên ngành sơn mài để bước vào khu rừng của vải đó chính là sự tỉ mỉ và kiên trì. Làm việc với vải, điều đó rất cần, và trong triển lãm lần này, nó lại càng quan trọng hơn khi cô đã sử dụng nghệ thuật điểm ảnh (pixel) tạo nên những hiệu ứng thị giác vô cùng lạ mắt. Cô đã dành ra nhiều năm để cắt, phân loại vải, đánh số và may ghép chúng lại thành tác phẩm. Điều này đòi hỏi sự kiên trì rất lớn.

Đây chính là chất liệu quen thuộc với Võ Trân Châu từ ngày bé. Nhà cô ở Bình Thuận là một xưởng vải. Mẹ các dì đều làm nghề thêu. Suốt những năm tháng thiếu thời, Võ Trân Châu đã làm việc tại xưởng vải này. Và cũng như trong nhiều công trình nghệ thuật khác, "Nhặt lá rừng xưa" cũng được sự giúp đỡ hết sức sức nhiệt tình của mẹ và dì Sáu của Châu - những người đầu tiên mang tình yêu với vải đến cho cô.

Đặc biệt nữa, trong chuỗi tác phẩm "Nhặt lá rừng xưa" đều sử dụng chất liệu vải tái chế, đã qua sử dụng. Những ngày đầu của dự án, cô lặn ngụp trong biển vải ngoài các container cũ tại cảng Cát Lái giữa trời nắng chang. Khi mà vải cũng đã bị bỏ quên, chất liệu này một lần nữa được Võ Trân Châu hồi sinh trong tác phẩm của mình.

Với Châu thì vải vóc đã qua sử dụng lại mang một tiểu tự sự khác nữa: Ai đã mặc chúng lên, đã đi qua những đâu, đã làm những gì, rồi sao lại vứt bỏ chúng? Châu đã lắng nghe chất liệu của mình từ trong những truyện kể có phần nhập nhoạng, chắp nối như vậy, thứ truyện cổ bị bụi thời gian cố gắng xóa nhòa. Châu bộc bạch lại: "Có lần mình tìm thấy những tấm khăn còn lem máu. Hay những cái túi quần còn cả bụm tóc con, hoặc tờ thư viết bằng tiếng Hàn".

Người phụ nữ này đã kể về lịch sử, về di sản bằng vải - một cách kể rất đàn bà. Chuyện thêu thùa, may vá xưa nay chỉ là chuyện vụn vặt nếp nhà, vậy mà giờ Châu nâng tầm lên thành một phương pháp thể nghiệm đầy mới mẻ trong nghệ thuật. Từng đường kim mũi chỉ như thêu dệt lại cả một vùng ký ức, giọng trần thuật của vải vóc vì vậy mà cũng dịu dàng, đằm thắm và nữ tính hơn. 

Nếu có dịp xem qua "Nhặt lá rừng xưa" nói riêng và nhiều triển lãm khác của Châu nói chung, rồi bạn cũng sẽ thấy như tôi thấy - một suối nguồn nghệ thuật bình thản, không lên gân, không hô hào nhưng đủ độ lắng sâu và thấm thía. Vải vóc và thêu thùa đã được đặt trong thế đối trọng với những vấn đề mang tầm cỡ nhân loại như lịch sử hay di sản. Đấy là nghệ thuật hiện đại!

9 năm lần tìm những dư ba

Ở độ tuổi 34 hiện tại, cô tự nhận mình là một người khá "chậm" so với anh em đồng nghiệp trong nghề: "Mình nghĩ chậm, làm chậm, thở cũng chậm nên nghệ thuật của mình cũng chậm nốt". Cái "chậm" của Võ Trân Châu làm nên sự mẫn cảm của riêng cô với những dư ba của quá khứ. Vì có độ lùi, độ tĩnh lặng nên lúc nào Võ Trân Châu cũng dành ra đủ thời gian để ngẫm ngợi về những giá trị hay một vài vấn đề đã bị thời gian tàn nhẫn lãng quên.

 "Nhặt lá rừng xưa" là một trong số rất nhiều những triển lãm nổi bật của Võ Trân Châu trong suốt 9 năm hoạt động nghệ thuật. Ngoài ra, cô còn cả một gia tài đồ sộ với các triễn lãm: "Nơi biển nhớ" (The Mistake Room, Los Angeles, CA, Mỹ, 2019); "Unfolding: Fabric of Our Life" (Centre for Heritage, Art & Textile (CHAT)/MILL6, Hồng Kông, 2019); "Người (được) ngắm" (Sàn Art, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam, 2018); "Neo Lại Kỳ Lâu" (Manzi Art Space, Hà Nội & Salon Saigon, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam, 2017); "Toả" (VCCA, Hà Nội, Việt Nam, 2017); "Still (the) Barbarians" (EVA International: Triển lãm Nghệ thuật Lưỡng Niên Ireland, Limerick, Ireland, 2016); '"Suzhou Documents" (Bảo tàng Nghệ thuật Tô Châu, Tô Châu, Trung Quốc, 2016).

Nhìn lại chặng đường 9 năm của Võ Trân Châu, có thể xem đây là một hành trình lần tìm những dư ba. Giữa những xô bồ của toàn cầu hóa, những ồ ạt của sự tạp nham văn hóa, quá khứ - di sản bị đánh dạt ra bên lề như những đợt sóng yếu ớt cuối cùng. Võ Trân Châu đã tìm ra, nhặt nhạnh và nâng niu chúng. Chủ đề lịch sử, văn hóa, di sản dường như xuyên suốt như một sợi chỉ đỏ đầy ám ảnh trong những triển lãm của cô. Một loại ám ảnh không cuồn cuộn dữ dội mà nhói ran, đôi khi chỉ thều thào.

Võ Trân Châu chia sẻ: "Chặng đường 9 năm của mình có một dấu mốc cực kỳ quan trọng: sinh con đầu lòng. Ngày đầu tiên làm mẹ, trong mình đột nhiên dâng lên rất nhiều ý niệm về sự tiếp nối. Khi mà mình là một nhân vật của quá khứ, còn đứa bé trong tay mình sẽ là hiện tại, rồi là tương lai". 

Nửa sau của cuộc hành trình 9 năm, Võ Trân Châu tái định hình nghệ thuật của mình khi gắn vào đó bổn phận của một người mẹ. Đó là bổn phận của người đi trước, người giữ gìn. Mà với cô, điều đó được thực hiện bằng những xác tín nghệ thuật riêng biệt. Phải chăng ý niệm về tiếp nối kia chính là cách mà cô hy vọng có thể gửi lại những di sản, những vùng ký ức cho con em mình như một món quà nằm ngoài sự mưu hại của thời gian - và cả lòng người?

Lê Hoàng Bảo
.
.