Người kể chuyện Hà Nội xưa và nay

Thứ Bảy, 09/12/2017, 08:37
Nếu Tấn Minh yên phận làm một ca sĩ thì chỉ giọng hát của anh cũng đã đủ làm mê hoặc lòng người, đủ khả năng để làm giàu bằng chính tài năng mình có, đủ bình yên để không phải trăn trở câu chuyện của nhiều người khác. Nhưng khi đã ngồi vào vị trí Giám đốc một nhà hát, lại là một đơn vị nghệ thuật mang tên Hà Nội văn hiến (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) thì anh tự thấy vai trò của mình không chỉ đơn giản là hát trên sân khấu nữa...


Tất nhiên một mình Tấn Minh thì chẳng thể kể hết câu chuyện Hà Nội xưa và nay với khán giả. Nhưng anh là người chèo lái con thuyền nghệ thuật có tên “Hà Nội xưa và nay”, chăm chút từng chi tiết nhỏ để câu chuyện được kể ấn tượng nhất, giàu xúc cảm nhất trong lòng công chúng. Ý tưởng về chương trình cũng từ Tấn Minh mà ra. Một người nghệ sĩ, một nhà quản lý không sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nhưng đã sống suốt thời tuổi trẻ của mình ở Hà Nội, gắn bó và yêu Hà Nội như ngôi nhà của mình.

Nếu Tấn Minh yên phận làm một ca sĩ thì chỉ giọng hát của anh cũng đã đủ làm mê hoặc lòng người, đủ khả năng để làm giàu bằng chính tài năng mình có, đủ bình yên để không phải trăn trở câu chuyện của nhiều người khác. Nhưng khi đã ngồi vào vị trí Giám đốc một nhà hát, lại là một đơn vị nghệ thuật mang tên Hà Nội văn hiến (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) thì anh tự thấy vai trò của mình không chỉ đơn giản là hát trên sân khấu nữa.

Làm một nhà quản lý trăm công ngàn việc, phải lo toan đủ mọi bề cho sự tồn tại của một đơn vị nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường, chăm lo đời sống cho anh em nghệ sĩ để họ có thể toàn tâm toàn ý với nghề là một bài toán khó với Tấn Minh. Các nhà hát ở ta nhiều năm nay quen sống trong bầu sữa bao cấp, mỗi năm dựng một vài chương trình đi hội diễn, xong về "đắp chiếu" để đấy, hay dở mấy cũng để đấy. Những huy chương nếu có cũng chỉ được kể ra vào những dịp lễ lạt trọng vọng, hoặc làm đẹp cho hồ sơ cá nhân từng nghệ sĩ khi muốn xin danh hiệu nào đó.

Nghệ thuật của các đơn vị Nhà nước nói chung không gần với công chúng, nó cùng lắm là gần với các ban giám khảo, với những người đồng nghiệp thì đúng hơn. Bởi vậy, sức lan tỏa sâu rộng trong công chúng là rất ít. Mỗi nghệ sĩ, để phát triển được, phải tự xoay xở tìm lối đi cho riêng mình. Họ phải tìm cách đến với công chúng qua các chương trình truyền hình, tham gia các game show, hay các chương trình của bầu sô tổ chức…

Các nghệ sĩ tái hiện một Hà Nội xưa trên sân khấu.

Nhiều nghệ sĩ biên chế của đoàn này, nhà hát nọ, nhưng công chúng hầu như không được xem họ trong các chương trình của nhà hát đó, mà biết đến họ qua các chương trình nghệ thuật thị trường có bán vé, hay các sản phẩm âm nhạc họ tự bỏ tiền túi ra làm. Người nghệ sĩ hôm nay tồn tại chủ yếu theo cách họ tự nhập vào đời sống nghệ thuật.

Còn các đoàn nghệ thuật thì càng ngày càng mất đi vai trò của mình trong việc nuôi dưỡng đời sống cũng như đam mê của người nghệ sĩ. Một năm sáng đèn mấy lần, chủ yếu phục vụ vài ba kỳ hội diễn, đồng lương nghèo nàn, không ít nghệ sĩ dù tâm huyết đến mấy cũng phải rời bỏ đoàn nghệ thuật, tự bươn chải ở thị trường tự do kiếm sống. Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cũng trong cảnh đó, không hơn.

Tấn Minh ngồi ghế giám đốc, lại là một giám đốc trẻ tuổi của một đơn vị nghệ thuật nòng cốt của Thủ đô. Anh hiểu hơn ai hết các vấn đề của các nghệ sĩ, các nhà hát đang gặp phải. Anh sốt ruột khi nhìn dòng chảy của cuộc sống mỗi ngày một nhanh hơn, nghệ thuật đang phát triển theo nhiều xu hướng khác nhau, trong khi các đơn vị nghệ thuật Nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ, không nhập vào thị trường, ít chất keo gắn kết với khán giả.

Sau rất nhiều trăn trở, anh quyết định đưa Nhà hát của mình dấn chân vào thị trường biểu diễn. "Tôi hiểu được sự khốc liệt của cuộc chơi này. Những đơn vị nghệ thuật Nhà nước từ lâu vốn quen với việc dựng chương trình bằng kinh phí trợ cấp, không phải lo lắng chuyện bán được vé hay không, khán giả quan tâm nhiều hay quan tâm ít. Người nghệ sĩ cũng quen với việc làm tùy sức, chẳng có gì thúc bách họ quá. Cái có lợi là không phải nghĩ chuyện doanh thu, nên nghệ sĩ có thể toàn tâm toàn ý với nghệ thuật.

Nhưng sự bất lợi cũng bộc lộ ở đó, không có động lực nên người nghệ sĩ cũng dễ bị cảm giác làm cho xong lôi kéo. Còn bây giờ làm một chương trình bán vé thực sự, tức là đối mặt với thị trường. Ngoài việc vắt kiệt mình để cống hiến, người nghệ sĩ chúng tôi còn phải hiểu khán giả. Mang đến món ăn hợp khẩu vị với họ là phải dung hòa nhiều yếu tố. Và để làm một chương trình đủ hay, đủ hấp dẫn, khiến cho khán giả sẵn sàng móc hầu bao trả tiền mua vé không bao giờ là dễ dàng".

"Hà Nội xưa và nay" sẽ là chuỗi chương trình của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long nhập vào dòng chảy của thị trường biểu diễn sôi động. Giám đốc Tấn Minh mất ăn mất ngủ cho chương trình đầu tiên. Anh xác định, phải là môt chương trình tinh túy nhất, hấp dẫn nhất, bất ngờ nhất để chiều lòng khán giả thủ đô vốn khó tính.

Những người giỏi nhất đứng vào các vị trí công việc đặc biệt nhất của show diễn này được gọi tên như NSUT Mạnh Tiến (ông vua của những bản phối dân gian đương đại), Trần Ly Ly (biên đạo múa số 1 hiện nay), nhạc sĩ Dương Cầm (phối khí), nghệ sĩ đàn bầu nổi tiếng nhất Việt Nam Hoàng Anh Tú...

Rồi các ca sĩ nổi tiếng thuộc biên chế của nhà hát như Thanh Thanh Hiền, Khánh Linh, Đông Hùng, Lô Thủy, Minh Thu, dĩ nhiên là cả Tấn Minh nữa sẽ đảm nhiệm những tiết mục làm nên bản sắc của chương trình. Anh chỉ mời một khách mời duy nhất trong chương trình là ca sĩ Mỹ Linh. Còn lại, mọi tiết mục đều do chính các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đảm nhiệm. "Khán giả cần hiểu rằng, đây là chương trình của nhà hát chúng tôi, do chính những nghệ sĩ của nhà hát dàn dựng, biểu diễn".

Chọn một cái tứ riêng để nói chuyện với khán giả, Hà Nội xưa và nay, Tấn Minh cùng các cộng sự trong đoàn nghệ thuật của mình muốn mang đến một câu chuyện có nhiều lớp lang, có chiều sâu về Hà Nội. Một Hà Nội của quá khứ, của những điều đã trở thành lịch sử, đã mất đi hoặc đang có nguy cơ mất đi, và một Hà Nội của hôm nay, của những cái đang hình thành, phát triển.

Tất nhiên, một đề tài như vậy cũng là tự làm khó mình. Bởi vì hình dung dễ, nhưng làm gì cho đặc sắc, cho hấp dẫn, lại toát lên được ấn tượng đặc trưng nhất của văn hóa Hà Nội thì các nghệ sĩ phải tính toán giải bài toán đó sao cho khéo, cho hay, cho nhuần nhuyễn, cho những khán giả Hà Nội phải "tâm phục khẩu phục".

Tấn Minh vừa chỉ đạo nghệ thuật vừa trực tiếp tham gia vào các tiết mục trong chương trình. Một lúc anh phân thân nhiều vai trò, lo lắng mọi khâu từ A đến Z. Đã từng giữ vai trò đạo diễn âm nhạc cho nhiều show diễn thị trường ăn khách, nhưng đây là chương trình "của nhà" nên Tấn Minh hồi hộp lắm. Anh không muốn một sơ suất nhỏ nào. Mọi thứ phải hoàn hảo. Nó phải là một cuộc chơi mà sau khi cánh màn nhung khép lại, không ai hối hận vì mình đã không hết lòng hết sức.

Công chúng Thủ đô quả thực đã được mãn nhãn, mãn tai với một đêm Hà Nội xưa và nay đậm chất riêng của Ca múa nhạc Thăng Long. Lần đầu tiên có một đơn vị nghệ thuật Nhà nước làm show thị trường bán vé được khán giả chào đón nồng nhiệt đến như vậy. Khán giả ngồi chật kín khán phòng. Họ đã đi theo câu chuyện của Tấn Minh và các đồng nghiệp của anh kể trên sân khấu một cách say sưa.

Lần đầu tiên, một sân khấu dọc được dựng lên, với các hình ảnh và hiệu ứng ánh sáng hiện đại nhất, tái hiện một không gian Hà Nội đặc trưng với nhà cổ, mái ngói, con đường, góc phố, hàng cây, gánh hàng hoa, quán nước vỉa hè...

Một sự sinh động đến nỗi người xem cảm giác như họ đang tham gia thực sự vào đời sống Hà Nội xưa, chứ không phải đang xem sân khấu. Cách kể chuyện dung dị, tinh tế, đậm chất Hà Nội cho thấy những người nghệ sĩ dàn dựng hiểu biết rất sâu sắc về văn hóa Thủ đô ngàn năm. Những tiết mục như hát ả đào, múa Tễu, múa Thiền, hay những ca khúc về Hà Nội được khéo léo đan cài, không bị nhàm chán.

Xem ''Hà Nội xưa và nay'', ngẫm, hóa ra những chương trình giàu tính nghệ thuật mà cũng không thiếu tính giải trí như vậy không quá khó với các đoàn nghệ thuật. Những đơn vị như Ca múa nhạc Thăng Long có thừa tài năng để dàn dựng các tiết mục tuyệt vời, có thể đáp ứng thị trường biểu diễn sôi động hiện nay. Vấn đề là cái đầu của người lãnh đạo đơn vị, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân thử nghiệm, dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.

Tấn Minh đã khởi đầu câu chuyện của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long nơi anh phụ trách bằng một sự táo bạo, liều lĩnh, và dường như phần thưởng cho anh qua chương trình đầu tiên là xứng đáng. Dẫu cho nhiều thứ còn phải cố gắng điều chỉnh, tiết chế, dung hòa để các chương trình sau được tinh chất hơn, nhưng không thể không thừa nhận tình cảm của khán giả dành cho các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long dành cho Tấn Minh.

Táo bạo, quyết liệt là yếu tố cần thiết để các đơn vị nghệ thuật Nhà nước thoát khỏi cái áo bao cấp bấy lâu, sẵn sàng bước vào thị trường biểu diễn một cách đường hoàng, bản lĩnh. Tấn Minh đã làm điều đó, và đó là một tuyên ngôn không lời của anh, thay mặt tập thể các nghệ sĩ nhà hát nơi anh đứng mũi chịu sào để nói với công chúng, rằng chúng tôi chủ động bước về phía khán giả, để gần khán giả hơn nữa...

Bình Nguyên Trang
.
.