Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

Người hai lần tóm sống phi công

Thứ Sáu, 29/12/2017, 09:13
Có thể cả nước chỉ có hai làng chuyên thơ, đó là làng Chùa và làng Hưng Giáo ở Hà Tây (nay là Hà Nội). Vùng đất này vốn nổi tiếng làng nghề. Nhiều lắm. Làng thì đồ mỹ nghệ, làng làm nón, làng làm bún… Nghề phụ thành chính vì nó làm giàu được. Riêng hai làng Chùa và Hưng Giáo thì nghề phụ là làm thơ. Chả ra đồng nào. Nhưng mà vui.


Đến hẹn lại lên, xuân nào thì hội làng Hưng Giáo cũng mở cuộc thi thơ. Cuộc thi được tổ chức nghiêm trang với ban giám khảo là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Trung ương Thí sinh lên nhận giải đa dạng. Bé nhất là cháu 8 tuổi. Cao tuổi nhất có lẽ là bà Thỏa, 70 tuổi.

Tuy tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng bà rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Bà rời làng Hưng Giáo đã lâu, lên sống trên vùng bán sơn địa Xuân Mai. Về quê dự cuộc trao giải này, bà còn mang theo một ô tô đội văn nghệ hơn chục người, toàn các cụ U 70 và U 80. Cụ nào cũng tươi rói như thanh niên.

Căn nhà văn hóa thôn treo nhiều bằng chứng nhận thành tích của thôn. Trong đó có treo tấm ảnh dân làng bắt được phi công Anderson năm 1967.

Bà Thỏa tự hào thuyết minh với khách từ Hà Nội và người làng: “Người đầu tiên bắt thằng này chính là tôi đấy. Tôi với ông Tý”. Hồi ấy, bà chỉ nặng có ba mấy cân. Còn giặc lái cao cỡ mét chín. Thật kinh ngạc.

Bà Thỏa cũng không thua gì “Cô du kích nhỏ giương cao súng/Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu” trong thơ Tố Hữu.

Cô thỏa (người ngồi bế cháu) cùng gia đình.

Hồi ấy, Lê Thị Minh Thỏa đã là kỹ sư nông lâm và đang làm Bí thư huyện Đoàn. Thỏa hoạt động hăng hái lắm. Việc gì cũng đi đầu. Hôm ấy, thấy máy bay Mỹ quần đảo. Thỏa bế vội mấy đứa cháu 6 tuổi chạy về. Một trong số những đứa cháu là bé Vượng, sau này là họa sĩ Lê Tiến Vượng của báo Thiếu niên tiền phong. Quay ra thấy một máy bayrơi xuống làng bốc khói. Chưa biết thương vong mặt đất thế nào. Cô Bí thư sốt ruột.Trên trời lơ lửng hai cái dù đu đưa. Phải bắt phi công ngay. Nhưng Thỏa đang ở nhà nên không có súng. Làm thế nào? Không có súng cũng bắt. Chả việc gì phải sợ.

Cô chạy vào nhà tìm dây thừng trói giặc lái. Không có. Cô Bí thư vớ một cái đòn gánh chạy về phía dù rơi. Cô chạy nhanh lắm nhưng không một mình. Cùng chạy theo cô và không có súng là anh Tý. Anh Tý thì có dây thừng.

Chạy đến nghĩa địa làng thì Thỏa thấy thằng giặc lái đang lóng ngóng gỡ dù ra. Đến nơi thì nó đã gỡ xong. Nó to lớn khổng lồ, chắc phải nặng hàng tạ và nó có súng lục. Thỏa chỉ nặng có ba mấy cân với cái đòn gánh. Anh Tý chạy ra cùng thì còn bé hơn cả cô, chả có uy lực gì cả, tức không chịu được.

Nhưng thằng phi công không tỏ ý kháng cự. Nó giơ hai tay lên đầu. Phi công Mỹ được huấn luyện rằng chỉ kháng cự trong tình huống thuận lợi. Cần giữ mạng sống của mình nếu đối phương không có ý định giết mình. Mọi thứ đều có thể thương lượng.

Cẩm nang dân quân du kích thì có mấy câu tiếng Mỹ lại không thuộc. Ngày ngày đi cấy, cũng chả mấy khi nghĩ đến chuyện dùng tiếng Mỹ làm gì. Thỏa nghĩ. Nó to thế kia thì làm sao mà trói được. Bắt nó quỳ xuống. Rồi hô anh Tý trói lại, Thỏa hét: “Hen xơ ấp”!

Thằng Mỹ vẫn không chịu quỳ.

Thỏa quát: “Mày điếc à thằng kia! Hen xơ ấp”.

Nói cả câu cả tiếng Việt lấn tiếng Mỹ, nó vẫn không quỳ. Đúng là đế quốc ngoan cố. Cho mày cái đòn gánh bây giờ.

Sau này, Thỏa xem lại cẩm nang mới thấy câu mình hét “hen xơ ấp”, tiếng Mỹ không phải là quỳ xuống mà là giơ tay lên. Thế thì nó đã giơ sẵn rồi, cứ “hen xơ ấp” thì nó biết làm sao. Thế là nó cười. Cứ gặp đối phương mà đối phương là phụ nữ cứ cười thân thiện thì khả năng được sống là cao.

Thằng giặc lái ra hiệu có một người nữa rơi ở đằng kia. Thỏa bảo anh Tý canh chừng thằng này để cô chạy ra khống chế thằng thứ hai. Khi cô “Hen xơ ấp” thằng thứ hai thì dân quân và người làng cũng đã rầm rập chạy ra. Thế là hai thằng bị trói nghiến.

Sau khi dặn anh em dẫn thằng phi công về trụ sở thì Thỏa lại chạy ra chỗ máy bay rơi. Nó làm tan nát một nhà dân. Một bà già và một đứa trẻ chết cháy. Trong khi mọi người sợ hãi thì Thỏa dám thể hiện tinh thần gương mẫu là tay không thu dọn xác bà già. Ai cũng lè lưỡi rồi làm theo.

Hai thằng giặc trời kia, chúng mày đã giết hai người làng tao. Lẽ ra phải băm chúng mày ra chứ. Sao làng tao phải để cho mày sống? Sau này mới biết một trong hai thằng ấy là Anderson, lái chiếc F4B, chiến đấu cơ hạng nhất của Mỹ những năm 60trúng đạn, rơi trên bầu trời Hà Tây.Trong tấm ảnh truyền thống bắt phi công thiếu mặt Lê Thị Minh Thỏa, vì lúc đó cô đang bận giải quyết xác máy bay và ngôi nhà cháy.

Thế là hai mươi nhăm tuổi đã bắt được phi công Mỹ. Rồi dường như số phận của cô gắn bó với “nhà trời” thì phải. Sau này, người yêu cô là Dương Đình Lợi cũng sang Liên Xô học lái MiG 21. Thế là cô tóm một lần giặc lái Mỹ và lần thứ 2 là một phi công ta. Nói thế nào thì nói. Rõ ràng là cả hai đều bị bắt sống.

Dương Đình Lợi, người bị "bắt sống", cũng là đồng hương và học cùng Nông Lâm. Trước khi học ở đây, anh Lợi đã phục vụ quân đội, rồi được ra quân và đi học. Hai người thích nhau nhưng không dám thổ lộ, vì lúc đó nhiệm vụ tiền tuyến được đặt lên rất cao. Khi tốt nghiệp thì tình cảm của họ mới được bày tỏ hoàn toàn.

Thay vì hồ hởi thì anh Lợi lo lắm. Lúng túng quá nên anh bảo: “Nếu mà cưới ngay thì làng bảo làng cho đi học để về giúp làng chứ cho đi để lấy chồng à?”.

Nhưng nói vậy chứ thực ra anh Lợi nghĩ ngợi căng thẳng. Vì anh xung phong đi B. Vào Nam mà có mệnh hệ nào thì khổ cho Thỏa. Rồi anh tái ngũ, tiếp tục nhiệm vụ vào Nam thật. Tưởng vào Nam đến nơi thì lại có lệnh điều chuyển anh về Phòng không - Không quân. Khám sức khỏe thì anh đạt tiêu chuẩn phi công nên anh được đi Liên Xô học. Quá trình lái máy bay của anh chỉ dừng lại trên các chuyến bay huấn luyện. Chính quá trình ở Liên Xô thì sức khỏe của anh có vấn đề nên phải chuyển sang phục vụ mặt đất với nhiệm vụ thợ máy. Việc gì cũng phải tròn nhiệm vụ.

Anh Lợi đã gắn bó với sân bay Đa Phúc suốt những năm không chiến ác liệt nhất. Các phi công của ta đều rất yêu mến những người mặt đất như anh Lợi vì nhờ có họ, máy bay mới có thể bay tốt nhất để lập công. Tuy không trực tiếp bắt giặc lái như vợ, nhưng công việc của Lợi đã góp phần buộc rất nhiều phi công Mỹ phải nhảy dù.

Công việc của chiến sĩ mặt đất cũng hết sức nguy hiểm. Để triệt hạ không quân Bắc Việt, Mỹ đã tấn công nhiều sân bay Bắc Việt và sự sống của người thợ máy cũng phập phù. Được cái sức khỏe đảm bảo vì tiêu chuẩn ăn gấp đôi lính thường. Đồng hai (1,2đồng) một ngày, chỉ kém phi công (hai đồng/ngày). Phụ cấp thời đó bộ đội là 5 đồng/tháng. Công nhân ra nghề là 18 đồng/tháng.

Lúc này, anh Lợi quyết định lấy vợ, nhưng mãi không được phép, do tổ chức điều tra gia đình vợ có vấn đề. Hóa ra họ phát hiện ra cụ Đăng, bố của Thỏa ngày xưa làm lính thợ cho Pháp ở châu Âu.

Cụ Đăng thọ lắm. Khi mất là 102 tuổi. Cả huyện hâm mộ. Hằng năm, cụ vẫn được tặng lụa từ Chủ tịch nước. Đám thợ xây làng khác nghe đồn cứ đi qua lại đứng tần ngần ngó vào nhà, ngắm ông cụ sống hơn thế kỷ. Cụ Đăng trêu: “Tao có phải hoa hậu đâu mà chúng mày nhìn”. Cụ có 3 bà vợ. Trước khi qua đời vẫn để lại rất nhiều thơ tặng 3 bà vợ. Thơ dán trên những bức tường. Con cháu vào xem là đọc được ngay. Vì vụ điều tra lý lịch đó, Lợi quát ầm lên ở sân đơn vị: “Thành phần nhà tao thừa một chi bộ. Bị Pháp bắt làm lính thợ thì có tội gì nào?”. Không nhớ là la hét những gì. Nhưng sau đó đơn vị cũng cho cưới.

Cưới chồng bộ đội thì người anh hùng đương nhiên phải là phụ nữ.

Thời ấy không hạn chế sinh con, nhưng hoàn cảnh xa cách nên họ chỉ với nhau 3 đứa con trai. Cô kỹ sư Lâm nghiệp Lê Thị Minh Thỏa vẫn lo tròn bổn phận giỏi việc nước, đảm việc nhà. Nuôi con khôn lớn trưởng thành.

Đến nay, cả hai đã nghỉ hưu và thành ông bà nội, họ đi đâu cũng có nhau. Ông Lợi vẫn chăm sóc “bà nội” như thời hò hẹn tại trường Nông Lâm. Trong cuộc thi thơ Xuân 2012 này, trong khi bà Thỏa cùng các ông bà khác đang khăn áo múa như chim câu ngoài sân thì cán bộ thôn cứ nằng nặc mời ông Lợi vào ngồi nghỉ uống nước. Ông Lợi nhấp chén nước rồi xin phép ra với lý do: “Tôi có phải đi chơi đâu. Phải mấy vai một là lo tổ chức cho các ông bà ấy, hai là xem và tổng kết để nhắc nhở các ông bà ấy. Kể cả quần áo trang phục lên có đẹp không cũng phải có ý kiến. Không làm được như thế là không xong với bà Thỏa”.

Bà Thỏa sướng quá. Đoạt giải Ba với bài thơ "Hương lúa". Giải cụ thể là cái quạt Điện cơ, bà cười tít mắt. Đi đâu cũng có ông Lợi đi cùng cổ vũ và "nâng khăn sửa túi.  Ông Lợi sẽ bật quạt và nghe bà Thỏa đọc thơ. Nhìn những cặp đôi hoàn hảo như ông Lợi bà Thỏa thấy cuộc đời cũng nhiều may mắn đấy chứ.

Nguyễn Lê Tâm
.
.