Người giữ hồn ông Táo giữa đô thành

Thứ Hai, 16/11/2020, 13:22
Nằm dưới chân cầu Rạch Cây (phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh), cơ sở làm lò đất thủ công của ông Trần Văn Tiếp (Năm Tiếp) vẫn âm thầm hoạt động. Những tưởng sẽ không còn ai đủ tình yêu và tâm huyết theo đuổi cái nghề “lấm lem bùn đất” ấy nữa, vậy mà cơ sở làm lò Năm Tiếp vẫn bám trụ gần 40 năm nay và trở thành cơ sở cuối cùng tại thành phố mang tên Bác để làm nghề “giữ hồn” ông Táo.


Giữ lửa yêu nghề

Trước đây, dọc con kênh Phú Định có rất nhiều cơ sở làm lò đất và các đồ dùng bằng gốm, tạo thành xóm Lò Gốm nhộn nhịp, nổi tiếng khắp Sài Gòn. Địa bàn xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định - Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo - Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, kênh - rạch Lò Gốm. Dấu tích vật chất của xóm Lò Gốm ngày xưa nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi thuộc làng Hòa Lục (phường 16, quận 8), nằm ven kênh Ruột Ngựa. Đối diện là làng Phú Định cách đây vài năm còn một số gia đình làm nghề “nặn ông lò” - bếp gốm, nhưng đến nay chỉ còn duy nhất cơ sở làm lò Năm Tiếp.

Những chiếc lò ông Táo hoàn chỉnh chuẩn bị được vận chuyển đến tay người dùng.

Xưa, khu này chủ yếu sản xuất lu chứa nước bằng chất liệu sành nâu, dáng thuôn vào đáy hoặc bầu tròn, kích thước khá lớn: thường được gọi là “lu 3 đôi” hay “lu 5 đôi”. Giai đoạn thứ hai, khoảng thế kỷ XIX, nơi đây có tên là khu lò Hưng Lợi. Sản phẩm chủ yếu của thời này là hũ, khạp, hộp, siêu, nồi có tay cầm,... Giai đoạn thứ 3 (nửa đầu thế kỷ XX) ở đây sản xuất gốm sứ gồm các loại chén, tô, đĩa, ly, cốc, muỗng, ấm trà, lư hương,...

Xã hội ngày càng hiện đại, lò đất không còn được sử dụng rộng rãi như trước, mà thay vào đó là bếp ga, bếp điện, bếp từ,... Đến nay chỉ còn duy nhất cơ sở làm lò của ông Năm Tiếp vẫn duy trì hoạt động. Cơ sở có diện tích gần 2.000m2, hơn 20 người làm bao gồm cả thợ chính và người làm công theo ngày phụ việc khuân vác, vận chuyển lò.

Gia đình ông Tiếp có truyền thống với nghề làm lò ông Táo. Ông kể rằng, từ khi còn là một đứa bé năm, sáu tuổi, ông thường ngồi nhìn cha với ông nội nặn lò ông Táo, rồi dần dần “mê” lúc nào không rõ. Lớn lên, sau khi đi bộ đội về, ông quyết định xây dựng xưởng làm lò của riêng ông trên mảnh đất ruộng của gia đình và duy trì nó cho đến nay.

Trộn đất là công đoạn quan trọng đầu tiên của quá trình làm “ông Táo”.

Chính ngọn lửa yêu nghề của những người thợ nơi đây đã giúp cho cơ sở làm lò Năm Tiếp trụ vững với thời gian. Trước kia, nguồn nguyên liệu được lấy tại chỗ tại bến Phú Định, hoặc được thương lái vận chuyển từ Nhà Bè lên bán lại. Nhưng hiện nay ông Tiếp phải mua nguyên liệu như đất sét, trấu, xơ dừa,... ở các tỉnh miền Tây, rồi vận chuyển theo đường sông về, chi phí và thất thoát không nhỏ. Mỗi chiếc lò được bán với giá dao động từ 30.000 – 100.000 đồng tùy theo kích cỡ và thị trường. Đầu ra của sản phẩm chủ yếu là các tỉnh miền Đông và một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông,... 

Ông Tiếp tâm sự: “Tôi chẳng bao giờ tính trung bình một cái lò bán ra lời lãi bao nhiêu cả. Bán xong thì tôi lấy tiền đó trả công cho thợ rồi mua nguyên liệu sản xuất tiếp, thiếu thì lấy tiền túi bù vào”.

Duy trì nghề nặn lò truyền thống trong thời buổi này đã khó, việc tạo ra một chiếc lò hoàn chỉnh cũng chẳng dễ dàng gì. Công việc này đòi hỏi rất cao sự kỳ công, tỉ mỉ của người thợ và hơn hết là phải có tâm với nghề. Một chiếc lò đến tay người tiêu dùng phải trải qua hơn 20 công đoạn từ nhào đất, tạo hình lò, nung, rồi gia cố... Mỗi công đoạn đều có cái khó riêng và phải kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Đầu tiên là khâu nhào đất. Trộn đất sét với tro, trấu theo tỉ lệ 7/3, nhào đến khi chúng hòa vào nhau, thành một khối đồng nhất mới thôi. “Việc trộn đất với tro, trấu không phải để giảm chi phí mà để cho lò không bị nứt trong quá trình nung và sử dụng, ngoài ra còn giúp cho lò có màu sắc đẹp hơn” - ông Tiếp chia sẻ.

Công đoạn tạo hình, người thợ sẽ rải một lớp cát mịn vào khuôn ép để hạn chế tình trạng đất dính chặt vào khuôn, sau đó mới cho từng phần đất sét vào, ấn và vuốt thật đều tay. Phần thân lò sau khi hoàn thành sẽ được mang ra ngoài trời, đặt lật úp xuống, lấy khuôn ra và phơi dưới ánh nắng mặt trời từ 2 - 3 ngày. Trong lúc phơi, người thợ phải chú ý đến việc tưới nước giữ ẩm cho lò, tránh tình trạng khô, nứt trong quá trình phơi. Thân lò sau khi phơi phải được mang vào và nắn thêm ba giá kê trên thành miệng lò. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thật sự thạo nghề và khéo léo. Ông Thành (65 tuổi) – thợ làm lò lâu năm tại đây cho biết: “Nắn giá kê cho lò khó lắm, không khéo sẽ bị chênh, có người làm 10 năm trời vẫn chưa nắn được”.

Hoàn thiện, lò được mang đi phơi thêm 1 ngày nữa, sau đó, người thợ sẽ cắt gọt lại phần chân sao cho vuông, đẹp mắt, nhét xơ dừa vào trong lò, rồi mang đi nung. Việc nhét xơ dừa vào trong góp phần làm cho lò lên màu đều và tự nhiên hơn. Giữa cái nóng “đổ lửa” của Sài Gòn, người thợ vừa lau mồ hôi, vừa ngồi canh lửa xuyên suốt hàng mấy chục giờ đồng hồ, liên tục cho trấu vào để lửa cháy đều, ổn định. Sau hơn 30 tiếng “tôi luyện” trong lò nung, những chiếc lò ông Táo được mang ra mặc “áo giáp” bằng thiếc, nhôm bao quanh, sẽ giúp cho “ông Táo” không bị nứt, vỡ trong quá trình vận chuyển.

Mỏi mắt tìm truyền nhân

Cơ sở làm lò của ông Năm Tiếp đến nay chỉ còn khoảng 20 người, thợ chính chưa đến 10 người. Thợ lành nghề của xưởng đều trên 50 tuổi, có người gần 70, họ gắn bó với ông từ lúc mới thành lập cơ sở đến nay. Những người trẻ tuổi chỉ làm công theo ngày, phụ công việc khuân vác, vận chuyển lò,...

Nhu cầu sử dụng lò đất ở thời điểm hiện tại đã giảm nhiều so với trước, nhưng yêu cầu về chất lượng và mẫu mã lại không ngừng nâng cao. Làm thế nào để đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng luôn là niềm trăn trở của ông Năm Tiếp và những người thợ làm lò nơi đây. Vì vậy, họ luôn cố gắng nâng cao tay nghề, trau chuốt hơn trong từng công đoạn. Trước kia, một chiếc lò làm ra đã khó thì nay lại càng khó khăn hơn gấp bội.

Bà Quớt (52 tuổi) cẩn thận trông chừng lửa trong suốt quá trình nung lò.

Bà Quớt (52 tuổi) – người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề thở dài, chia sẻ: “Cái nghề này cực, tụi nhỏ không đứa nào muốn theo, sau này mấy người già chết chắc nghề này cũng mất”. “Thổi hồn” cho đất thành ''ông Táo'' là một nghề rất đỗi kỳ công, đòi hỏi người học phải thật sự say mê và tâm huyết. Ông Tiếp nói thêm: “Tôi rất muốn truyền nghề cho lớp trẻ nhưng khổ nỗi, không đứa nào muốn học. Vừa khó, vừa cần rất nhiều thời gian, có người làm hơn 5 năm vẫn còn là lính mới nên họ nản quá, không theo nữa”. Ngay cả những đứa con của ông Tiếp cũng không mấy mặn mà với cái nghề “chân lấm tay bùn” này.

Đã có lúc ông tưởng chừng như không trụ nổi với cái nghề ông yêu thương gắn bó. Phần vì nguồn nguyên liệu quá xa, phần vì thị trường ngày càng thu hẹp, thợ sành sỏi trong nghề chẳng còn lại bao nhiêu. Nhưng vì “cái duyên, cái nợ” với “ông Táo” chưa dứt, hơn nữa đây cũng là nghề truyền thống của quê hương, của cha ông, từng giúp ông vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống nên ông quyết tâm gìn giữ đến ngày nay. “May mà đứa con của tôi nó tìm được cách quảng bá, không thì cơ sở này cũng sụp. Gần đây có nhiều khách du lịch tìm đến tham quan, chụp ảnh. Không những vậy, lò còn được xuất sang một số nước như Singapore, Thái Lan,...”, ông Tiếp hào hứng nói.

Dẫu biết “giữ hồn” ông Táo giữa dòng chảy xô bồ của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa là việc không hề đơn giản, nhưng  ông Tiếp vẫn hi vọng: “Còn người dùng lò ông Táo thì tôi tin cái nghề này còn tồn tại”.

Nhã Chân
.
.