Người Nghệ đa tài
- Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: “Hãy lắng nghe quá khứ”
- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: “Cần chân thành và trung thực”
- Hội thảo 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh
Hôm tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của Thái Kim Đỉnh trong con ngõ nhỏ trên đường Xuân Diệu của TP Hà Tĩnh, ông đang miệt mài "soi" lại những tư liệu mà bản thân còn lăn tăn, say sưa đến độ khách vào đến tận bàn làm việc, ông mới phát hiện ra để rời trang sách. Tính ông xưa nay vẫn vậy, làm việc đến quên cả thời gian và tuổi tác, như chính lời giãi bày của ông sau đó trong cuộc trò chuyện, rằng chỉ có hai thứ khiến ông tâm huyết, ấy là sách và bạn hữu.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Kim Đỉnh. |
Sách thì đã rõ, được minh chứng qua nhiều đầu sách mà ông đã tâm huyết suốt cả đời người. Mỗi công trình, con chữ của Thái Kim Đỉnh là một sự trăn trở, tỉ mẩn và cầu toàn đến cả từng dấu chấm, phẩy. Số sách còn lại còn khoảng vài ngàn cuốn, số sách mất đi cũng rất nhiều. Ông bảo, vẫn tiếp tục mua thêm sách, dù mọi người ra sức khuyên bảo.
Còn với bạn bè, ông bảo, đến độ tuổi như ông, giờ phút này bạn văn chương cũng đã bỏ đi gần hết, khiến ông nhiều lúc cứ bâng quơ dự cảm về tuổi tác và sự kết thúc đời người. Chỉ sợ, thời gian không đủ, sức khỏe không còn để kịp hoàn thành những dự định còn dang dở.
Ký tặng tôi cuốn sách mới xuất bản có tựa đề "Bốn thi sĩ trong phong trào thơ mới" (NXB Hội Nhà văn - 2016), ông bảo đó là tác phẩm tâm huyết và thai nghén trong thời gian rất dài, bởi 4 nhà thơ được nhắc đến trong cuốn sách, gồm Thái Can, Huy Cận, Xuân Diệu và Quỳnh Dao đều là "Những đứa con quê hương ví, dặm".
Song song với việc cho ra đời tác phẩm này, với sự giúp đỡ của tỉnh Hà Tĩnh, đang gấp rút để hoàn thiện và cho ra lò "Tuyển tập Thái Kim Đỉnh", gồm 7 tập. Hiện nay, tập V đã được NXB Đại học Vinh ấn hành, có tựa đề "Truyện Kiều và thơ văn quanh truyện Kiều". Các tập còn lại, sẽ được in nốt trong năm nay. Ông bảo, trong tuyển tập này có nhiều nghiên cứu đã được công bố, nhưng lần in này gần như ông viết lại hoàn toàn. Riêng tập VII là tuyển tập những bài thơ, văn mà ông đã sáng tác nhưng chưa từng công khai hoặc chưa in ấn, lần in này đơn giản chỉ muốn để dành tặng cho bản thân mình.
Lạm bàn về chuyện thơ, Thái Kim Đỉnh chia sẻ, ông khởi nghiệp là làm thơ, và với bút danh Vũ Hoàng, những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đã có nhiều bài thơ được lính trẻ chép tay nhau trước khi ra chiến trường, trong đó có những câu như "Thành phố ta tre còn nhiều hơn sắt/ Trên đồng quê trâu hì hục kéo cày/ Bới hạt cơm máu bẫm đầu tay…".
Năm 1975, Thái Kim Đỉnh cho in tập thơ "Nhịp cầu - Cỏ mật" rồi bẵng luôn trên văn đàn thi ca, cái tên Vũ Hoàng cũng biến mất không dấu tích. Hỏi, vì sao không làm thơ nữa, ông cho rằng, nói ông không còn làm thơ là chưa đúng, bởi thực tế thì cho đến giờ phút này, ông vẫn thi thoảng làm thơ, chỉ có điều không coi thơ là chính và không công bố mà làm để giữ lại cho riêng mình. Bản thân ông xuất phát điểm là thơ ca, gia nhập Hội văn học nghệ thuật cũng từ thơ ca. Hồi ấy, làm thơ là để tuyên truyền cho nhân dân dễ hiểu.
Ông bảo, mình là cán bộ tuyên truyền, làm thơ thường không tinh tế, dễ bị lôi cuốn vào tuyên truyền, mà thơ như vậy là không ổn. Thơ chủ yếu là tuổi trẻ, về già cảm thụ xơ cứng nên dừng bút. Sinh thời, nhà thơ Trần Hữu Thung, sau khi đọc thơ Thái Kim Đỉnh, đã có lời khuyên rất chân thành, rằng bạn nên dành ra mấy năm để sửa và in ấn mấy tập thơ mới ở dạng bản thảo, nhưng ông đã không làm.
Những người am hiểu về con người và tính cách Thái Kim Đỉnh thì đánh giá rằng, ông là người tự biết mình. Nghĩa là, ông nhận thấy cái gì không thuộc về thế mạnh của bản thân thì bỏ, không sân siu, tiếc nuối. Đơn cử như cái chuyện làm thơ, tôi vẫn còn nhớ, cách đây 15 năm về trước, thạc sĩ Nguyễn Phan Thắng, lúc bấy giờ đang là phó tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An, đã tếu táo mà rằng, nếu còn tồn tại một Vũ Hoàng trên thi đàn văn chương, thì khó lòng mà có được một Thái Kim Đỉnh như hôm nay.
Cũng giống như, chuyện bạn bè ông vẫn thường bảo, ông là người đi bộ ba phần tư thế kỷ, bản thân không biết đi xe đạp, không biết đi xe máy. Ông thật thà bảo, tập xe máy từ năm 16, 17 tuổi nhưng mãi đến 50 tuổi vẫn không đi được, hễ ngồi lên xe là thấy không ổn nên bỏ quách đi. Đi đâu, ông cũng có người đưa đón, ở Hà Tĩnh cũng như ở TP Vinh (Nghệ An), ông luôn có những người "lai" (chở) chuyên nghiệp và đó là những người bạn văn, bạn nghiên cứu.
Thái Kim Đỉnh là người cẩn trọng và nghiêm túc trong công việc, những tư liệu khoa học của ông bao giờ cũng có độ tin cậy bởi sự chính xác cao. Có những công trình ông mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, kiểm chứng trước khi in ấn. Có những tư liệu về "Truyện Kiều", ông dày công soạn từ những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, nhưng đến năm 2010 ông mới công bố rộng rãi, sau hơn 30 năm thai nghén. Tính đến thời điểm này, nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh đã có trên 90 đầu sách các loại, trong đó khoảng 30 đầu sách in riêng, còn lại là chủ biên, in chung và soạn chung.
Một trong 7 cuốn sách thuộc "Tuyển tập Thái Kim Đỉnh" vừa được ấn hành. |
Ngoài ra, hiện vẫn còn 6 tác phẩm chép tay hoặc đã đánh máy nhưng chưa có điều kiện in hoặc chưa muốn công bố. Với ông, tác phẩm nào cũng là một sự tâm đắc, bởi ông viết cái nào cũng để công, và mất nhiều thời gian, tâm sức. Ví như bộ sách "Làng cổ Hà Tĩnh" (2 tập), lẽ ra phải viết thêm một tập nữa mới vẹn tròn và đủ đầy, nhưng không còn sức khỏe nữa nên đành dừng lại, dù rất tiếc vì đây là công trình bỏ ra nhiều tâm huyết nhất. Hay như trong 6 bản địa chí các huyện (trong đó ông chủ biên 4 cuốn), để hoàn thiện từng cuốn, ông đã phải bỏ ra suốt 3 năm trời để nghiên cứu, biên soạn.
Ngoài ra, còn có một số tác phẩm tâm huyết khác như "Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ"; "Truyện dân gian Nghệ Tĩnh" (2 tập)…
Ở Hà Tĩnh nói riêng và xứ Nghệ nói chung, từ trước đến nay, có lẽ chưa ai vượt qua được Thái Kim Đỉnh về khả năng nắm giữ tư liệu lịch sử, văn hóa và văn hóa dân gian, đặc biệt là Folklore Hà Tĩnh. Ông chia sẻ, để có được ngần ấy kiến thức, ông đã đặt chân đến hầu hết mọi ngõ ngách của phố thị lẫn làng quê. Tích cóp, nhặt nhạnh, sàng lọc và chắt chiu trọn cả đời người để tuyển lựa ra những gì tinh túy nhất của văn hóa quê nhà, đặng đưa vào các công trình nghiên cứu.
Sở dĩ Thái Kim Đỉnh như kho tàng sống của Hà Tĩnh, là bởi ông tiếp thu văn hóa quê nhà từ nhiều góc độ khác nhau như sử học, văn học, ngôn ngữ học, văn bản học, khảo cổ học, dân tộc học và Folklore. Ông tâm sự, thuở nhỏ không được học hành tử tế nên suốt cuộc đời làm việc của mình, ông luôn tâm niệm phải xuất phát từ cái tâm và làm việc gì cũng phải cẩn trọng, có khoa học. Bản thân ông chưa từng học qua trung học, nhưng khi cùng với nhà thơ Trần Hữu Thung soạn chung cuốn "Từ điển tiếng Nghệ", dù chỉ dựa trên kinh nghiệm nhưng công trình được đánh giá là tổng hòa của các lĩnh vực ngôn ngữ học, từ điển học, văn bản học và Folklore.
Hay như khi cùng với PGS.TS Ninh Viết Giao biên soạn cuốn "Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ" (4 tập), ông đã được Ninh Viết Giao đánh giá: "Thái Kim Đỉnh đã đặt những viên gạch đầu một cách chững chạc. Không ồn ào, không khoa trương, lao động trí tuệ một cách cần cù và khiêm tốn… để đưa đến cho người đọc ở quê hương món ăn tinh thần bổ ích".
Ngoài 90 tuổi, Thái Kim Đỉnh vẫn cần mẫn bên những con chữ, dù mắt ông đã không còn tinh tường. Ông cho rằng, cái khó và cũng là thách thức hiện nay là dù tuổi già nhưng vẫn phải tiếp cận cái hiện đại mỗi ngày để không bị lạc hậu, nhưng tiếp cận như thế nào và ở mức độ ra sao thì lại là chuyện không hề dễ. Mỗi ngày, ngoài số sách báo, tạp chí được biếu tặng, ông vẫn đặt qua bưu điện 7 đầu báo các loại để nắm bắt thông tin thời sự, cũng là kênh thông tin để luôn làm mới bản thân mình.
Ông có 6 người con nhưng không ai theo nghiệp văn của bố, chỉ cô con gái út mà hiện sống chung nhà, thi thoảng giúp ông chép bản thảo, đánh máy chữ là gần gũi với công việc của ông hơn cả. Cuộc đời riêng của ông thiếu may mắn khi người vợ đầu tiên chẳng may qua đời sớm, nhưng người vợ thứ hai luôn là bạn đồng hành với ông, chia sẻ kể cả lúc thăng, lúc trầm của công việc. Ông vẫn thường tếu táo với bạn bè, cả hai bà vợ đều có ảnh hưởng rất lớn đến công việc của bản thân, nếu như người vợ quá cố giúp mình có điều kiện để học thì vợ hiện tại lại giúp mình để làm việc.
Bản thân ông vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, dù có lúc phải đấu tranh với sức khỏe, bệnh tật hành hạ nhưng nghĩ đến công trình còn dở dang, ông lại vùng dậy, lọ mọ soi chữ. Ông bảo, không phải ông không tin vào thế hệ trẻ, nhưng vốn sống, vốn hiểu biết của lớp trẻ chưa nhiều nên ông đang cố làm vớt, chạy đua với thời gian để giữ lại cho thế hệ sau những tư liệu quý giá nhất. Cũng bởi vậy, ông gần như không có ngày nghỉ, không lễ, tết và chỉ chịu buông bút khi nào mệt mỏi, những lúc trái gió trở trời.